TP Hồ Chí Minh sau sắp xếp - Bài 2: Người lao động không lo thiếu cơ hội

Không chỉ tiên phong trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị hai cấp, TP Hồ Chí Minh còn đi đầu trong việc chăm lo quyền lợi và đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sắp xếp.

 

Những chính sách hỗ trợ sát thực, nhân văn và linh hoạt đang giúp hàng ngàn người an tâm công tác, từng bước thích nghi với hoàn cảnh mới và tiếp tục đóng góp cho bộ máy hành chính hiện đại, hiệu quả. 

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh sắp xếp bộ máy hành chính nên các cán bộ công chức cũng phải thay đổi về công việc. Ảnh: Lưu Niệm/Báo Tin tức và Dân tộc

Sắp xếp hợp lý cho từng cá nhân

Sau hợp nhất hành chính với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Việc điều động, bố trí cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng không chuyên trách đang được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt và thấu đáo, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của từng cá nhân.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã cụ thể hóa các chỉ đạo từ Trung ương, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn kịp thời để quá trình sắp xếp không gây xáo trộn, đồng thời đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Tính đến hết tháng 6/2025, toàn Thành phố đã có 2.081 người nghỉ hưu hoặc nghỉ việc theo quy định, với tổng kinh phí chi trả trên 773,5 tỷ đồng. Trong đó, khối Đảng  - đoàn thể có 398 người, khối chính quyền 1.662 người và 21 người thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. 

“Chìa khóa thành công nằm ở người đứng đầu đơn vị. Việc bố trí nhân sự phải đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của từng cá nhân”, bà Hiền cho biết thêm.

Cũng theo bà Thanh Hiền, thực tế cho thấy, sau sáp nhập, một số địa bàn có khoảng cách hành chính tăng đáng kể, ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của cán bộ, người lao động. Một bộ phận xin chuyển công tác để thuận tiện cho gia đình. Trước tình hình này, Sở đã chủ động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người để tham mưu UBND thành phố các giải pháp nhân văn, linh hoạt và sát thực tế. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng chủ động tổ chức truyền thông chính sách đến từng người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp. Các phường, xã tổ chức họp bàn, thống kê hoàn cảnh cụ thể, từ đó đề xuất chế độ hỗ trợ sát với từng trường hợp.

Mặt khác, đối với nhóm không chuyên trách, nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khi sắp xếp bộ máy chính quyền 2 cấp, Trung ương đã cho phép kéo dài thời gian công tác đến hết ngày 31/5/2026. Nhiều địa phương đã tận dụng khoảng thời gian này để rà soát, bố trí lại đội ngũ theo năng lực và nguyện vọng.

Tại phường Tân Sơn Nhất, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thành Danh cho biết: “Phường đã bố trí lại đội ngũ không chuyên trách, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ về các chính sách hỗ trợ. Trong số 56 người đang công tác, có 5 người xin nghỉ theo nguyện vọng cá nhân”.

Chú thích ảnh
Cán bộ không chuyên trách có thêm thời gian và được tư vấn việc làm phù hợp theo khả năng. Ảnh: Lưu Niệm/Báo Tin tức và Dân tộc

Tại phường An Phú (thành phố Thủ Đức cũ), Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Hiền cho rằng, thời gian được kéo dài công tác gần một năm là “khoảng đệm” cần thiết để cán bộ không chuyên trách bị tinh giảm an tâm hơn và chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp. Hiện nay, phường cũng tích cực kết nối với các trung tâm giới thiệu việc làm để hỗ trợ tìm việc phù hợp cho cán bộ dôi dư, cán bộ không chuyên trách sau khi sắp xếp bộ máy hành chính từ ngày 1/7. 

Mở rộng an sinh, tạo điều kiện bền vững

Cùng với công tác tổ chức, TP Hồ Chí Minh đang tích cực mở rộng chính sách an sinh và các chương trình hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề, nhà ở xã hội cho đội ngũ sau sắp xếp. Bước đi này cho thấy, Thành phố không chỉ quan tâm đến hiệu quả bộ máy mà còn chú trọng đến đời sống lâu dài của người lao động. 

Ông Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Hương cho biết, hiện nay cán bộ, công chức dôi dư vẫn có nhiều kỹ năng phù hợp với các vị trí trong doanh nghiệp, như văn phòng, kinh doanh, hoặc phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lượng khách hàng và sức mua giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giảm. Vì vậy, các cán bộ dôi dư  sau khi thất nghiệp muốn tìm việc trở lại 

Cùng quan điểm, ông Phan Liên, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam cho biết: “Nhiều doanh nghiệp cần lao động kỹ thuật cao, giỏi ngoại ngữ và am hiểu công nghệ. Một số doanh nghiệp FDI đang thiếu hụt nhân sự nhưng yêu cầu ứng viên phải biết sử dụng trí tuệ nhân tạo và có tư duy đổi mới. Thị trường lao động hiện không thiếu cơ hội, nhưng người lao động sau sắp xếp phải nhanh chóng thích nghi và cần thiết có thể đào tạo, tìm hiểu thêm về công nghệ để phù hợp với những công việc mới sau khi nghỉ việc''.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (HUBA) cho biết, chưa có nhiều công chức, viên chức dôi dư gia nhập khu vực donah nghiệp tư nhân. Một trong những rào cản lớn là sự khác biệt về tư duy công - tư. Làm trong cơ quan nhà nước, họ quen với tư duy quản lý. Khi vào doanh nghiệp, họ phải chuyển sang tư duy phục vụ, trực tiếp tạo ra sản phẩm, đóng góp cho hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Chú thích ảnh
Đối với cán bộ không chuyên trách cũng được bố trí việc làm phù hợp sau khi sắp xếp.

Trước thực trạng đó, Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh đang tham mưu UBND Thành phố trình HĐND ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người lao động sau sắp xếp. Trước đó, Thành phố cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và nhà ở xã hội. Cụ thể, mức hỗ trợ học nghề lên tới 6 triệu đồng/người/khóa, kèm theo chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian học.

Ngoài ra, chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho phép người lao động vay tối đa 300 triệu đồng trong 10 năm, với lãi suất 0% trong 5 năm đầu. Ước tính, khoảng 1.600 người có nhu cầu vay vốn với tổng mức dự kiến trên 511 tỷ đồng. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cũng áp dụng chính sách hỗ trợ vay mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, mức vay tối đa 70% giá trị căn hộ (không quá 900 triệu đồng), thời hạn vay lên đến 20 năm, lãi suất hiện hành chỉ 3,2%/năm, mức thấp nhất trong hệ thống tín dụng hiện nay.

Theo đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, tất cả những chính sách trên đều hướng đến một mục tiêu cốt lõi là đặt con người vào vị trí trung tâm trong quá trình tinh gọn bộ máy. Việc TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh cải tổ về cơ cấu tổ chức còn hướng đến mục tiêu chuyển đổi về tư duy quản trị, từ hiệu quả vận hành đến chất lượng sống của đội ngũ cán bộ. Chính điều này đã giúp Thành phố tạo dựng được sự đồng thuận, ổn định và động lực phát triển dài hạn cho cả hệ thống và từng cá nhân khi sắp xếp bộ máy hành chính từ ngày 1/7.

Bài cuối: Cơ hội mới từ nền tảng cũ

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc