Trên toàn địa bàn, 168 đơn vị hành chính cấp xã đã được sắp xếp lại, hệ thống trung tâm phục vụ hành chính công đồng loạt hoạt động, mang đến những trải nghiệm thuận lợi, tích cực cho người dân ngay trong ngày đầu tiên.

Tại Trung tâm hành chính công phường Bàn Cờ (thuộc địa bàn Quận 3 cũ), không khí làm việc trong ngày đầu triển khai mô hình mới diễn ra khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm.
Ông Phạm Đăng Nam, Phó Chủ tịch UBND phường, kiêm Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công, cho biết: "Phường Bàn Cờ mới được thành lập, trên cơ sở hợp nhất 5 phường cũ (từ Phường 1 đến Phường 5 của Quận 3), với diện tích gần 1 km² và dân số 68.000 người. Trung tâm hành chính công phường Bàn Cờ có 12 cán bộ, sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Các bộ phận thiết yếu như sao y, chứng thực, đất đai, hộ tịch, đều được bố trí nhân lực trực xuyên suốt".

"Trong giai đoạn đầu vận hành, chắc chắn sẽ có những điều cần điều chỉnh và hoàn thiện. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất vẫn là phục vụ người dân tốt nhất, đảm bảo thông suốt mọi quy trình, nhất là trong điều kiện yêu cầu về hành chính số ngày càng cao", ông Nam nói.

Một số người dân đã bắt đầu đến làm thủ tục hành chính trong sáng nay. Ông Tăng Huệ Cường, cư dân Phường 4 cũ (nay thuộc phường Bàn Cờ) chia sẻ: "Sáng nay, tôi đến công chứng bằng tốt nghiệp cấp 2 để nộp hồ sơ vào trường cấp 3. Dù phải đi xa hơn phường cũ, nhưng đến nơi được hướng dẫn tận tình. Mọi thứ đang dần đi vào ổn định, tôi tin vài ngày tới sẽ thuận lợi hơn".

Ghi nhận tại trung tâm hành chính công phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân cũ), anh Phạm Hoàng Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, đơn vị đã được tập huấn kỹ lưỡng, sẵn sàng cho khối lượng công việc mới. Phường Bình Hưng Hòa hiện bao gồm địa bàn cũ của phường Bình Hưng Hòa, một phần Bình Hưng Hòa A và một phần phường Sơn Kỳ, với tổng dân số khoảng 187.000 người. "Đây là áp lực không nhỏ, nhưng đội ngũ cán bộ đều xác định rõ trách nhiệm và quyết tâm phục vụ hiệu quả", anh Khanh nói.

Tại phường Bàn Cờ, chị Diệp Mỹ Quỳnh, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh, đã có mặt hỗ trợ từ ngày 12/6, cho biết: "Mỗi phường đều có 2 cán bộ kỹ thuật hỗ trợ sử dụng các phần mềm thuộc Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hôm nay là ngày mô hình mới chính thức vận hành, mọi quy trình cũng được kiểm tra lại lần cuối. Hy vọng mọi thứ sẽ sớm ổn định để phục vụ tốt nhất cho người dân".

Tại phường Thủ Đức, bà Cù Thoại Vy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công phường Thủ Đức cho biết, trung tâm phục vụ hành chính công vừa thành lập sẽ là cầu nối giữa chính quyền và người dân. Để phục vụ người dân tốt nhất, toàn thể cán bộ, công chức xác định rõ vai trò của mình trong việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, công khai, đúng quy định, không để xảy ra phiền hà hay kéo dài thời gian xử lý. Đặc biệt, trung tâm sẽ lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phục vụ, liên tục rà soát, cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng công việc.

Không chỉ ở nội thành TP Hồ Chí Minh mới, tại các phường thuộc địa bàn cũ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như phường Bà Rịa mới, công tác chuẩn bị cũng được triển khai đồng bộ. Việc rà soát hồ sơ, bàn giao thiết bị, thay bảng tên trụ sở và điều chuyển nhân sự đã hoàn tất từ trước ngày 1/7, bảo đảm mọi hoạt động không bị gián đoạn.
Anh Hoàng Phi Long, người dân sinh sống tại phường Bà Rịa bày tỏ kỳ vọng: "Tôi tin việc thay đổi lần này sẽ tạo đột phá trong quản lý hành chính, thuận tiện hơn cho người dân. Bộ máy mới cần hoạt động trơn tru, cán bộ cũng cần thích ứng tốt hơn để phục vụ nhân dân".

Dưới góc độ 1 doanh nghiệp, anh Trần Tân, Giám đốc truyền thông Công ty VINAM đã có mặt tại trung tâm hành chính công để thực hiện thủ tục cấp phép quảng cáo.
Chia sẻ cảm xúc, anh Trần Tân cho biết: “Buổi sáng nay thật đặc biệt, tôi cảm nhận rõ không khí của một thời khắc lịch sử khi được trải nghiệm mô hình chính quyền đô thị mới. Từ lúc bước vào trung tâm đã thấy sự khang trang, sạch sẽ, nhân viên hướng dẫn rất tận tình. Mọi thủ tục diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là sự gần gũi, thân thiện giữa chuyên viên, cán bộ và người dân, khoảng cách giữa "quan và dân" gần như không còn. Đó là điều khiến tôi thực sự hạnh phúc. Tôi kỳ vọng sắp tới, mô hình mới sẽ mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại và gần dân hơn".

Theo đánh giá chung từ các cán bộ hành chính, mô hình chính quyền hai cấp, gồm cấp thành phố và cấp xã, phường được kỳ vọng sẽ tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, rút ngắn thời gian xử lý công việc. Việc phân cấp, trao quyền rõ ràng cho chính quyền cơ sở sẽ góp phần nâng cao tính chủ động, hiệu quả phục vụ người dân, từ đó từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, chuyên nghiệp và gần dân hơn.











Nhóm PV Báo Tin tức và Dân tộc tại TP Hồ Chí Minh