'Điểm mù' có khả năng tạo ra xung đột trên Biển Đông

Luật An toàn giao thông hàng hải (ATGTHH) sửa đổi của Trung Quốc tạo ra một 'điểm mù', nếu nước này lạm dụng sẽ có khả năng dẫn đến xung đột trên Biển Đông.

Chiến thuật “vùng xám”

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) mới đây ra thông báo về việc Luật ATGTHH sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2021. Luật này được cho là nhằm tăng cường quản lý, duy trì trật tự giao thông hàng hải, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Tương tự như Luật Hải cảnh được Trung Quốc thông qua vào đầu năm nay, Luật ATGTHH sửa đổi cũng góp phần vào “bộ công cụ” mà Trung Quốc đang sử dụng để yêu sách những vùng lãnh hải tự thiết lập vượt quá giới hạn 12 hải lý theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Mặc dù điều 2 của Luật ATGTHH sửa đổi khẳng định luật sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh các hoạt động liên quan tới an toàn giao thông hàng hải, nhưng phạm vi “các vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc đã làm dấy lên những quan ngại về khả năng vi phạm luật pháp quốc tế khi nước này áp dụng trong thực tiễn.

Cũng giống như Luật Hải cảnh, Luật ATGTHH sửa đổi không định nghĩa rõ “vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, tạo ra một “điểm mù” mà nếu Trung Quốc lạm dụng thì có khả năng sẽ dẫn đến xung đột trên Biển Đông.

Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc được Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua tại kỳ họp thứ 28, và được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký ban hành vào ngày 29/4/2021. Đây là luật sửa đổi Luật An toàn hàng hải được thông qua năm 1983, và được sửa đổi vào năm 2016. Luật bao gồm 10 chương và 122 điều, so với luật sửa đổi trước đó bao gồm 12 chương và 53 điều.

Luật ATGTHH khi được áp dụng song hành với Luật Hải cảnh sẽ trở thành bộ đôi công cụ để Trung Quốc thực hiện chiến thuật “vùng xám” của mình, gia tăng triển khai lực lượng chấp pháp trên các vùng biển yêu sách.

Nếu như Luật Hải cảnh quy định lực lượng chấp pháp có thể ngăn cản, chặn và loại trừ các hành vi gây nguy hiểm tới chủ quyền, an ninh, quyền và lợi ích hàng hải quốc gia (điều 12) và cho sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả vũ khí (điều 21, 22) thì điều 92 của Luật ATGTHH sửa đổi cũng cho phép MSA yêu cầu hoặc xua đuổi tàu thuyền nước ngoài rời đi và thực hiện cả quyền truy đuổi nóng nếu các đối tượng này không khai báo khi đi qua “lãnh hải” của Trung Quốc.

Lực lượng chấp pháp biển Trung Quốc khi được trao nhiều quyền hạn như kể trên, đồng thời tăng cường hiện diện tại các vùng biển tranh chấp thì khó có thể được coi là đang thực hiện nhiệm vụ “thực thi pháp luật” thông thường trong thời bình, mà đã trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia ven biển.

Nếu đi lại hợp pháp thì phải được tôn trọng

Gần đây, có nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Ấn Độ... đưa tàu tới khu vực Biển Đông. Về vấn đề này, UNCLOS 1982 quy định, tại những vùng biển vượt quá giới hạn 12 hải lý, các quốc gia ven biển cần phải đảm bảo tàu thuyền nước ngoài được thực hiện quyền tự do hàng hải (điều 58, 86-87, 89-90).

Nguyên tắc trên cũng đã được công nhận là tập quán quốc tế bởi Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Vì vậy, không chỉ các nước thành viên UNCLOS mà kể cả Mỹ, dù chưa tham gia Công ước, vẫn có thể chịu ràng buộc.

Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines liên quan đến "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương đưa ra cũng đã chỉ ra Biển Đông hiện giờ là một vùng biển mở mà tàu thuyền các quốc gia trên thế giới đều có thể được hưởng tự do hàng hải.

Cũng theo UNCLOS 1982, bên ngoài giới hạn 12 hải lý, các quốc gia không được yêu sách bất kỳ phần nào của vùng biển quốc tế, kể cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), là thuộc chủ quyền của họ (điều 58, 89).

Vì vậy, Trung Quốc không có quyền chỉ trích hay cản trở tàu thuyền các quốc gia đi lại hợp pháp trong khu vực Biển Đông, nằm ngoài lãnh hải của nước này (đối với lãnh hải, tàu thuyền các quốc gia có quyền qua lại vô hại).

Việc Trung Quốc gọi các quốc gia như Mỹ, Anh, Ấn Độ thực thi các quyền tự do hàng hải tại Biển Đông là “thách thức” thể hiện thái độ chưa thiện chí và thiếu đi sự tôn trọng cần thiết đối với UNCLOS 1982 nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung.

Một tàu tuần duyên Philippines lướt qua tàu tuần duyên Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào tháng 5 năm 2019
Một tàu tuần duyên Philippines lướt qua tàu tuần duyên Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vào tháng 5/2019. (Ảnh: QT)

COC quan trọng nhưng cơ chế giám sát quan trọng hơn

Các động thái của Trung Quốc tại Biển Đông như kể trên đã ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh, ổn định trong khu vực và quyền tự do hàng hải. Một bộ quy tắc ứng xử là giải pháp cần thiết để Trung Quốc kiềm chế và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp hơn với luật pháp quốc tế.

Tháng 8/2018, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về một văn kiện dự thảo để đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tại Singapore.

Bản dự thảo không có trên trang web chính thức của ASEAN nhưng đã được GS. Carl Thayer, chuyên gia Australia về Việt Nam và vấn đề Biển Đông trích dẫn nội dung trong bài báo “A Closer Look at the ASEAN-China Single Draft South China Sea Code of Conduct” (tạm dịch: “Một cái nhìn sát hơn với Bản dự thảo COC”).

Theo đó, một cơ chế giám sát hoạt động đã được đề xuất trong bản dự thảo này, nhưng mới chỉ được nhắc đến một cách chung chung. Cơ chế này được cho là chỉ giám sát việc thực thi COC chứ dự thảo không quy định điều gì sẽ xảy ra nếu một bên bị phát hiện vi phạm Bộ quy tắc.

Dù còn quá sớm để khẳng định được nỗ lực biến COC trở thành một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý có thành hiện thực được hay không, điều cốt yếu là phải xây dựng các cơ chế giám sát để đảm bảo tính hiệu quả của nó.

COC chỉ có hiệu quả khi bảo đảm thực thi luật pháp và các quy phạm quốc tế. Sự thành công của COC phải được đo lường bằng mức độ mà COC được tất cả các bên tuân thủ.

Chỉ khi đó, sự hợp tác và tin cậy lẫn nhau mới có thể được xây dựng giữa các bên tranh chấp.

COC sẽ không phải là công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc các vấn đề phân định biển, nhưng một văn bản ràng buộc về mặt pháp lý với cơ chế giám sát hiệu quả có thể mang lại hòa bình và giảm căng thẳng trong khu vực.

Việc giám sát COC có thể được tiếp quản phụ trách bởi cơ quan có sẵn như Nhóm Công tác chung ASEAN-Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc về DOC do hai cơ quan này đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa ra phương thức phối hợp và cách thức cụ thể nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả Tuyên bố DOC.

Tuy nhiên, các bên ký kết COC cũng có thể nghiên cứu thành lập một cơ quan có thẩm quyền thu thập thông tin. Cơ quan độc lập này cần bao gồm đại diện được tin cậy của tất cả các bên và sẽ báo cáo thường xuyên về việc tuân thủ COC.

Việc thành lập một cơ quan như vậy sẽ yêu cầu sự cân nhắc kỹ lưỡng về việc đối tượng nào có thể báo cáo trực tiếp thông tin liên quan đến việc không tuân thủ COC, bao gồm cả xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và ngư dân từ bất kỳ nước thành viên nào, hay chỉ giới hạn cho công chức chính phủ các nước.

Ngày 1/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển".

Võ Thị Hoàng Anh - Nghiên cứu sinh Tiến sỹ Luật Biển và Luật Nhân đạo Quốc tế tại Đại học New South Wales (Australia). Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.

Theo TGVN