Nga bắn nổ phi cơ NATO chuẩn bị đánh úp từ Ukraine- Kremlin cảnh cáo nước tuyên bố sẵn sàng hạ sát lính Nga

Không bao lâu sau khi Nga nhắm vào "mục tiêu NATO" ở Ukraine, một nước tuyên bố sẵn sàng "hạ sát lính Nga". Phát ngôn này nhanh chóng gây chấn động, Kremlin lập tức phản ứng.

Bắn nổ máy bay NATO chuẩn bị tấn công Nga từ Ukraine

Theo tờ MK (Nga), lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) cách đây vài ngày đã thực hiện cuộc tấn công lớn chưa từng có kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, huy động tổng cộng 728 máy bay không người lái (drone) tấn công cùng khoảng 15 tên lửa hành trình, trong đó có cả tên lửa siêu thanh Kinzhal.

Các mục tiêu bị thiệt hại nặng nhất được ghi nhận là sân bay Ozyorny ở tỉnh Zhytomyr và nhà máy hàng không Motor tại thành phố Lutsk.

Cuộc tấn công đã phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine. Nếu các drone được phân bổ tấn công khắp lãnh thổ Ukraine, thì các tên lửa hành trình lại nhắm thẳng vào những mục tiêu chiến lược gần biên giới phía tây.

- Ảnh 1.

Nga đã tấn công vào khu vực tập kết các máy bay và thiết bị quân sự NATO ở Ukraine để ngăn chặn kế hoạch tấn công quy mô lớn mà Kiev đang chuẩn bị. Ảnh: TST

Tại Lutsk, các đòn tấn công bằng Kinzhal và drone Geran đã làm hư hại nặng nhà máy Motor, nơi chuyên lắp ráp và sửa chữa động cơ tên lửa tầm xa. Khu vực lân cận, từng là địa điểm của đơn vị tên lửa 37 cũ, với các kho chứa, xưởng lắp ráp drone và đồn biên phòng Lutsk chịu trách nhiệm tiếp nhận viện trợ quân sự phương Tây, cũng bị phá hủy nặng nề.

Một mục tiêu quan trọng khác là sân bay Ozyorny – nơi đóng quân của các máy bay Su-27 và MiG-29 của Ukraine, đồng thời là căn cứ chủ lực của không quân vận tải Ukraine.

Đây cũng là điểm tập kết lâu nay của khí tài NATO, được vận chuyển đến bằng các máy bay vận tải Il-76 và Hercules. Sau đợt không kích, theo các nguồn tin, nhiều máy bay, thiết bị quân sự NATO và nhà kho tại đây đã biến thành đống đổ nát. Hạ tầng sân bay, kho nhiên liệu, xưởng bảo dưỡng tên lửa phương Tây đều chịu thiệt hại nặng.

Giới quan sát nhận định các mục tiêu này được lựa chọn có chủ đích, nhằm ngăn chặn kế hoạch tấn công quy mô lớn bằng không quân mà Kiev đang chuẩn bị nhằm vào lãnh thổ Nga.

- Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là từ cuộc tập kích của Nga. Ảnh: MK

Theo các chuyên gia quân sự, một sân bay quân sự có giá trị chiến lược không chỉ nhờ đường băng, trạm tiếp nhiên liệu và kho vũ khí, mà còn ở các bãi đỗ máy bay, đặc biệt là hầm trú ẩn kiên cố. Việc phá hủy các cơ sở này, dù máy bay có đậu sẵn hay không, đều gây tổn thất nặng nề cho đối phương.

Ngoài ra, quanh các sân bay thường có hạ tầng công nghiệp-quốc phòng như nhà máy sửa chữa máy bay, lắp ráp drone, sửa chữa động cơ, xe bọc thép, radar phòng không hay tên lửa phòng không. Trong bối cảnh lực lượng phòng không và không quân của Ukraine đang thiếu hụt, việc phá hủy những cơ sở này có ý nghĩa chiến lược rất lớn.

Đáng chú ý, sân bay Ozyorny nằm gần biên giới Ba Lan – tuyến hậu cần quan trọng mà phương Tây vẫn đang dùng để tiếp tế vũ khí cho Ukraine. Việc phá hủy cơ sở tại đây không chỉ cắt đứt nguồn cung, mà còn khiến toàn bộ chuỗi hậu cần rơi vào tình trạng căng thẳng.

Đòn tấn công cũng nhắm đến cả các mục tiêu phụ trợ như trạm biến áp điện, ga đường sắt, bến trung chuyển nối sân bay với mạng lưới đường bộ, đường sắt – những mắc xích quan trọng để duy trì hoạt động hậu cần và sản xuất quốc phòng.

Giới phân tích nhận định Kiev có thể đã lên kế hoạch sử dụng các sân bay phía tây làm căn cứ xuất phát, sau đó tiếp nhiên liệu tại các sân bay trung gian gần Kharkov hoặc Izium, để thực hiện các đợt tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nga, trong động thái được cho là phủ đầu, đã chọn ra tay trước nhằm vô hiệu hóa mối đe dọa này.

Đáng chú ý, cuộc tấn công không chỉ gây ấn tượng về số lượng drone huy động, mà còn cho thấy sự thay đổi trong chiến thuật của Nga: từ việc tập trung vào số lượng sang nhấn mạnh vào độ chính xác.

Theo các chuyên gia, chỉ cần một số tên lửa Kh-101 bắn trúng mục tiêu chiến lược cũng có thể tạo ra tác động tương đương hàng trăm drone. Tuy nhiên, quy mô ồ ạt vẫn mang lại hiệu quả tâm lý mạnh mẽ và chứng tỏ Nga đang cải thiện đáng kể năng lực tác chiến phối hợp, đạt được các kết quả chiến thuật quan trọng trên chiến trường.

- Ảnh 4.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov. Ảnh: Reuters

Kremlin cảnh cáo nước tuyên bố "sẵn sàng hạ sát lính Nga"

Đáng lưu ý, theo MK, việc Nga tấn công phá hủy các sân bay được cho là nơi tập kết khí tài NATO không chỉ làm gia tăng căng thẳng quân sự trên thực địa, mà còn góp phần thổi bùng những tuyên bố cứng rắn từ phương Tây, điển hình là phát ngôn sẵn sàng "hạ sát lính Nga" của Bộ trưởng Quốc phòng Đức, khiến Điện Kremlin lập tức phản ứng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times ngày 14/7, ông Boris Pistorius khẳng định rằng nếu Nga tấn công một quốc gia NATO, lực lượng vũ trang Đức sẽ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, bao gồm cả việc hạ sát binh sĩ Nga. Ông nhấn mạnh quan điểm: hòa bình chỉ có thể đạt được từ "vị thế sức mạnh", ngầm ám chỉ Đức cần thể hiện quyết tâm quân sự rõ rệt.

Những phát biểu này nhanh chóng gây chấn động, đặc biệt vì xuất phát từ một quốc gia vốn chịu nhiều ràng buộc quân sự sau Chiến tranh Thế giới II. 

Nhiều nhà phân tích nhìn nhận tuyên bố của Pistorius mang tính biểu tượng, cho thấy Đức không chỉ sẵn sàng tham gia một cuộc đối đầu quân sự lớn với Nga mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong NATO.

Theo hãng thông tấn TASS (Nga), Điện Kremlin sau đó đã có phản ứng gay gắt. Người phát ngôn Dmitry Peskov gọi phát biểu của Pistorius là "vô cùng nguy hiểm", nhấn mạnh rằng thật khó tin một bộ trưởng quốc phòng Đức lại có thể đưa ra tuyên bố như vậy — nhưng đáng tiếc, điều đó đã xảy ra.

Ông Peskov cảnh báo thêm rằng "Đức lại đang trở nên nguy hiểm", đồng thời cáo buộc NATO đang cố tình dựng lên hình ảnh Nga như một "quái vật" để biện minh cho việc tăng cường chi tiêu quốc phòng và củng cố sức mạnh quân sự tập thể.

Toàn cảnh này cho thấy, không chỉ các đòn tấn công trên thực địa ở Ukraine mà cả những tuyên bố chính trị từ phương Tây đang đẩy quan hệ Nga–NATO tiến gần hơn tới bờ vực đối đầu trực diện. Moscow coi phát biểu của Pistorius không đơn thuần là cảnh báo ngoại giao, mà là một mối đe dọa thực sự, làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đã sục sôi giữa hai khối.

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn

(Theo MK, Tass, Financial Times)