Bài 5: Quản lý biên giới Việt Trung, hợp tác và đấu tranh

Lịch sử đã chứng minh trong mọi thời điểm quan hệ với đất nước láng giềng này cần sự khéo léo, mềm dẻo nhưng cũng không kém phần kiên quyết.     

 

Tránh xu hướng cực đoan

Quan hệ với Trung Quốc nên vận dụng sáng tạo chủ trương vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Trước hết, với một tinh thần thật sự khiêm tốn cầu thị, nếu Trung Quốc có những kinh nghiệm hay như chống tham nhũng hay phát triển kinh tế thì chúng ta có thể học, đừng vì tâm lý yêu ghét thường tình mà phủ nhận tất cả, kể cả sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Trung Quốc cho chúng ta trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Thiết nghĩ chúng ta nên sòng phẳng, chuyện nào ra chuyện đấy. Cái gì hợp tác được, ta cứ hợp tác. Nhưng cái gì phải đấu tranh, thì quyết đấu tranh đến cùng, đặc biệt là về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia...

   Những hành động bạo động, bộc phát quá tả hay quá hữu trong ứng xử với Trung Quốc có thể làm tổn hại nghiêm trọng về hình ảnh Việt Nam trong mắt cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí điều này có thể tạo cớ cho một số người có quan điểm hiếu chiến với Việt Nam ở Trung Quốc lợi dụng để có hành động, có chính sách bất lợi cho chúng ta.

Sự không ưa, cảnh giác hay thậm chí nhiều người ác cảm Trung Quốc ấy có nguyên nhân bởi những hành động của nước này trên Biển Đông, đặc biệt là ứng xử thô bạo của họ với ngư dân Việt Nam đánh bắt ở Hoàng Sa hay việc bồi lấp, xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa. Hoặc đơn cử như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014. Và đặc biệt là những hoạt động đe dọa, bắt nạt, gây sức ép, bất chấp luật pháp… của Trung Quốc trong Biển Đông, từ đầu năm 2020 đến nay, trong khi cả thế giới đang phải gồng mình chống lại đại dịch Covid-19, đã đẩy tâm lý ghét Trung Quốc trong xã hội Việt Nam lên cao. Nhưng chúng ta cũng không thể chối bỏ sự liên hệ của xu hướng này với tính cực đoan trong tâm lý, tình cảm người Việt: “ Yêu nhau yêu cả đường đi; Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”.

bai 5 quan ly bien gioi viet trung hop tac va dau tranh

Mốc 14(2) là mốc đôi cùng số loại nhỏ được đặt trên bờ suối Nậm Náp (Ta Nuo He) bên phía Việt Nam. Mốc được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 24/11/2004 và có tọa độ là 22.502362, 102.280144

Mặt khác, chúng ta cũng phải thấy vai trò và trách nhiệm của truyền thông cũng như các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền giải thích cho dư luận xã hội về biên giới, lãnh thổ, đặc biệt là về mặt pháp lý quốc tế cũng như luật pháp trong nước và phân tích rõ chiến lược "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" như thế nào trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Có những thời điểm chúng ta chỉ nặng thông tin đấu tranh, chứ không phải chiến lược đấu tranh có tình, có lý, thuyết phục, hiệu quả. Chẳng hạn, người dân thiếu thông tin về bản chất các tranh chấp trên Biển Đông, lịch sử diễn biến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Đông đảo người dân chỉ biết "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", chỉ nhận đưuọc thông tin ngư dân bị bắt bớ, tàu cá bị đâm chìm, Trung Quốc liên tục bồi lấp, xây đảo trái phép. Với những động thái của ta, người dân chỉ thấy những phản đối ngoại giao là chính chứ không thấy những hành động đáp trả mạnh mẽ từ các lực lượng vũ trang, những hàng động đấu tranh trên thực địa…

Chúng ta thiếu những bình luận, phân tích một cách khoa học, khách quan, xác đáng và bình tĩnh thì dư luận xã hội lo lắng, bất bình là điều có thể hiểu được. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ tư duy duy tình, mọi thứ cứ theo tâm lý, tình cảm cá nhân mà biểu hiện ra chứ không bình tĩnh suy xét, mổ xẻ vấn đề. 

bai 5 quan ly bien gioi viet trung hop tac va dau tranh

Đại diện Việt - Trung trao cho nhau bản đồ đường biên giới chủ trương tại Vòng đàm phán thứ 2 vào tháng 7/1994

Cũng bởi sự thiếu thông tin và kiến thức pháp lý khiến cho một số quan điểm trở nên nôn nóng, kích thích dư luận, dồn ép Nhà nước đòi phải phản ứng gay gắt với Trung Quốc. Thậm chí có những người phản đối cả hoạt động bang giao thông thường giữa Việt Nam và Trung Quốc, một cơ hội quý để hai bên đối thoại, chỉ vì "ghét". Cả hai thái cực này đều đẩy Việt Nam vào chỗ nguy hiểm, chẳng giúp gì cho việc giải quyết vấn đề. Hai nước mâu thuẫn, việc tâm lý xã hội có ghét, có cảnh giác cũng là điều bình thường. Tuy nhiên nếu chúng ta không nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tỉnh táo dựa theo các nguyên tắc chuẩn mực của Công pháp quốc tế, thì hệ lụy với quốc gia dân tộc chúng ta thực khôn lường.

Mọi hành xử của chúng ta với Trung Quốc, đặc biệt là trong quan hệ đối ngoại cần hết sức tỉnh táo và thận trọng, làm sao khôn khéo trong đấu tranh bảo vệ, quản lý biên giới quốc gia trước sức ép của chiến lược “biên giới mềm” của TQ, không để TQ lợi dụng quan hệ chính trị, ngoại giao, dưới chiêu bài vì “đại cục”, để “xóa nhòa” trên thực tế thành quả đã đạt được của quá trình giải quyết vấn đề biên giới đất liền Việt-Trung.

Học cha ông cách bang giao

 Để xảy ra chiến tranh xung đột, chưa biết thắng thua ra sao, nhưng sứt đầu mẻ trán, hao người tốn của, gây thù chuốc oán giữa người dân hai nước là điều khó tránh. Chúng ta hãy cứ thiện chí hết khả năng có thể, còn khi “cây muốn lặng mà gió chẳng đừng”, là con cháu Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... chúng ta thà hy sinh tất cả để bảo vệ đất nước, lịch sử đã chứng minh điều này. Nhưng cũng không nên để bất cứ ai có cớ chúng ta khiêu chiến.

Công cuộc đấu tranh của chúng ta trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không phải học đâu xa, học chính cha ông chúng ta với lịch sử hàng ngàn năm dựng và giữ nước. Sống bên cạnh nước lớn, chúng ta phải rất khôn khéo mới giữ được độc lập, tự chủ, hòa bình phát triển, độc lập, tự chủ một cách thực sự, thực chất, dù “trong xưng Đế, ngoài xưng Vương”. Chưa bao giờ cha ông chúng ta kiêu ngạo, vỗ ngực trước nước láng giềng phương Bắc, ngay cả khi đánh thắng họ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Cha ông chúng ta luôn cảnh giác với các nguy cơ, nhưng chưa bao giờ từ chối thiện chí và mong muốn hợp tác hữu nghị, thậm chí chủ động mở rộng bang giao, nâng cao trình độ phát triển nước nhà, tiếp tu chọn lọc cái hay, cái tốt của văn minh nhân loại, trong đó có Trung Hoa.

bai 5 quan ly bien gioi viet trung hop tac va dau tranh

Việt - Trung khánh thành mốc quốc giới đầu tiên tại Móng Cái, Quảng Ninh vào tháng 12/2001.

Nhờ tinh thần hòa hiếu bang giao ấy, dân tộc, đất nước Việt Nam mới trường tồn. Ngày nay, chúng ta đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta trên các hướng biên giới đất liền và trên biển, chúng ta phải tính đến Thế và Lực của mình, cũng như cục diện khu vực, thời thế quốc tế để vận dụng, tìm kiếm những nhân tố nào có lợi nhất cho mình. Không thể đấu tranh bảo vệ chủ quyền chỉ bằng cách thỏa mãn cảm giác bức xúc cá nhân. Có nhiều người vì bức xúc với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong những thời điểm nhất định nên đòi hỏi Việt Nam phải "thoát Trung". Theo tôi chúng ta không nên đặt vấn đề "thoát Trung", bởi chưa bao giờ Dân tộc Việt Nam này, Đất nước Việt Nam này biết "thần phục" Trung Quốc. Dù ngàn năm Bắc thuộc dài dằng dặc, nhưng khát vọng độc lập tự chủ trong dòng máu Việt chưa khi nào nguôi ngoai. Những chính sách đối ngoại mềm dẻo, biểu hiện thiện chí của chúng ta không thể xem đó là thái độ "thần phục" như ai đó vẫn nói.

bai 5 quan ly bien gioi viet trung hop tac va dau tranh
TS Trần Công Trục trong một chuyến đi khảo sát biên giới phía Bắc trong quá trình đàm phán hoạch định biên giới với Trung Quốc giai đoạn 1993-1996

   Tất nhiên, những vấn đề nội tại của chúng ta làm cho nước nhà yếu kém, chúng ta phải tự tìm cách khắc phục, không thể đổ thừa rằng do "lệ thuộc Trung Quốc" để mà phải tìm cách "thoát Trung". Công nghệ nào lạc hậu của Trung Quốc, hàng hóa nào độc hại của Trung Quốc chúng ta có quyền và có khả năng từ chối. Nguồn nguyên liệu hay thị trường của chúng ta thì chính chúng ta phải chủ động mở rộng. Đó là những yếu tố mang thuần túy tính chất kinh tế - thương mại - đầu tư chứ không phải "lệ thuộc" hay "thần phục" như hàm nghĩa về mặt chính trị, tư tưởng.

   Đó là bài toán bất cứ quốc gia nào cũng phải đưa lên cân nhắc, đặc biệt là Việt Nam tiếp giáp một thị trường lớn, nguồn cung nguyên liệu lớn và cũng là đại công xưởng hàng giá rẻ, chất lượng thấp của thế giới là Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể ép được chúng ta dùng hàng giá rẻ độc hại, trừ khi chính chúng ta "tặc lưỡi" dễ dãi với chính mình. Có chăng, chúng ta phải tìm cách thoát khỏi chính những tư duy lạc hậu kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm sao xây dựng nước nhà cường thịnh, phát triển trong hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

TS Trần Công Trực

Nguồn: Thời Đại

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link