Một góc nhìn về Biển Đông dưới thời chính quyền Trump 2.0

Vấn đề Biển Đông đặt ra cho Trump một nhiệm vụ còn phức tạp hơn các cuộc xung đột ở Ukraina hay ở khu vực Tây Á, nơi mà không bên nào có lợi thế mang tính quyết định, và dấu hiệu mệt mỏi trở nên rõ rệt hơn.

 

Một góc nhìn về Biển Đông dưới thời chính quyền Trump 2.0

 

Ở Biển Đông, Trung Quốc là quốc gia hùng mạnh nhất, đang sử dụng sức mạnh cơ bắp của mình một cách hung hăng hơn bao giờ hết nhằm vào các quốc gia ven biển mà không bị trừng phạt. Tình hình ở khu vực Biển Đông ngày càng tệ hơn kể từ nhiệm kỳ đầu của Trump.

Đầu tiên, một Trung Quốc gây hấn, chuyên thực hiện các hoạt vi cưỡng bức ngày càng leo thang nhằm vào những quốc gia ven biển, đang theo đuổi chính sách bành trướng lấn dần ở vùng ngoại biên. Nhiều động thái đã diễn ra, không chỉ dừng lại ở hành vi phong tỏa, đâm va, bắn vòi rồng và chiếu tia laser cấp quân sự, sử dụng các loại vũ khí có lưỡi sắc bén mà còn đâm chìm tàu thuyền. Vào tháng 6/2024, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã leo lên các thuyền cao su của Philippines, “cướp” 7 khẩu súng trường đang được tháo rời và cất trong hộp, “phá hủy” động cơ ngoài của tàu, các thiết bị liên lạc và định vị cũng như thu điện thoại cá nhân của các thuyền viên Philippines. Một quân nhân Hải quân Philippines bị thương. Vào tháng 8, Trung Quốc nhắm vào tàu cảnh sát biển Philippines Teresa Magbana. Trung Quốc cũng đang cố gắng chiếm đóng bãi Sa Bin, một rạn san hô vòng gần Philippines. Các hành vi hung hăng nhằm vào Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Vào tháng 9, lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc “tấn công hung bạo” một thuyền cá Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa. Phía Trung Quốc sử dụng ống thép đánh ngư dân Việt Nam, khiến 10 thuyền viên bị thương, ba trong số đó bị gãy xương. Phía Trung Quốc còn bắt giữ tàu cá Đài Loan khi đang hoạt động ở bên ngoài vùng biển do Đài Bắc kiểm soát, gần các đảo Kim Môn.

Hai, Trung Quốc ban hành luật Hải cảnh vào năm 2021 nhằm trao nhiều quyền lực hơn cho lực lượng này ‘ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền hàng hải và chủ quyền của Trung Quốc’. Luật này cho phép sử dụng vũ lực trong trường hợp ngư dân các nước đánh bắt cá ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Từ ngày 15/6/2024, Bắc Kinh quyết liệt thực thi các điều khoản chính trong Luật Hải cảnh, được gọi là Sắc lệnh số 3, trong đó cho phép Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ ‘các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép lãnh hải của Trung Quốc’. Luật này nhằm mục đích biện minh cho hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, cũng như có các động thái hung hăng nhằm vào tàu thuyền của các nước, đồng thời tổ chức nhiều cuộc tập trận nhằm răn đe các quốc gia trong khu vực.

Ba, các đường yêu sách của Trung Quốc ngày càng được mở rộng. Đường 9 đoạn trước đây đã trở thành đường 10 đoạn ở Biển Đông. Vào tháng 8/2023, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc công bố “bản đồ tiêu chuẩn” mới không chỉ bao gồm Đài Loan mà còn các khu vực biển của Philippines, Việt Nam, Brunei, Indonesia, và Malaysia. Bản đồ này còn bao trùm cả khu vực tranh chấp với Ấn Độ và thậm chí một số vùng lãnh thổ của Nga. Quan trọng là bản đồ tiêu chuẩn mới này bao gồm toàn bộ đảo Hắc Hạt Tử (Bolshoy Ussuriysky) trên sông Hắc Long Giang (Amur), xác định đây là một phần lãnh thổ Trung Quốc, mặc dù theo hiệp ước năm 2008 thì đảo này được Nga và Trung Quốc chia đôi. Vào tháng 3/2024, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một số khu vực mới ở Vịnh Bắc Bộ với đường cơ sở mới nối 7 điểm cơ sở. Một số điểm cơ sở thậm chí rất xa bờ biển Trung Quốc, điều này trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuyên bố này cũng đi ngược với Hiệp định năm 2004 với Việt Nam. Những động thái này hoàn toàn phù hợp với sách lược bành trướng lấn dần của Trung Quốc.

Bốn, Trung Quốc tăng cường sử dụng lực lượng Dân quân biển (PAFMM) chống lại tàu thuyền của các nước khác. Lực lượng này hoạt động dưới vỏ bọc ngư dân Trung Quốc. Dù PAFMM đã tồn tại được một vài năm, lực lượng này đã trở nên chuyên nghiệp hơn dưới thời Tập Cận Bình. PAFMM tiến hành xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế nước ngoài, phong tỏa các rạn san hô và đảo đang tranh chấp, liên tục đâm hoặc bắn vòi rồng vào tàu tuyền các nước. Lực lượng này đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm đóng bãi cạn Scarborough vào năm 2012.

Năm, Trung Quốc đã xây dựng 27 căn cứ quân sự trên các đảo tranh chấp, 7 trong số đó là các đảo nhân tạo có vai trò là tiền đồn của nước này. Những căn cứ này đều có bố trí các loại tên lửa tầm ngắn, thiết bị trinh sát, các hệ thống radar và laser cũng như các thiết bị gây nhiễu. Trên các đảo lớn hơn, Trung Quốc còn xây dựng thêm các cảng nước sâu, đường băng và nhà chứa máy bay.

Sáu, Trung Quốc đã đẩy mạnh thực hiện chiến dịch tuyên truyền và thông tin sai lệch. Trung Quốc đang tiến hành chiến tranh chiếm lĩnh nhận thức nhằm vào các mục tiêu cụ thể, bao gồm tầng lớp tinh hoa, số chính trị gia quan trọng, cán bộ quân đội và dân sự cấp cao, những cá nhân định hướng dư luận nhằm thay đổi nhận thức của họ theo hướng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc cũng sử dụng các vũ khí tấn công thần kinh NeuroStrike nhằm vào các cộng đồng chiến lược và lãnh đạo cấp cao của đối thủ. Cùng với đó, các chiến dịch thông tin sai sự thật và tâm lý của Trung Quốc đang sử dụng mọi phương tiện truyền thông có thể, gồm các nền tảng mạng xã hội, kênh truyền hình, phim ảnh, khách du lịch, tạp chí khoa học, và quần áo để khẳng định các yêu sách của mình là hợp lý, dựa trên các sự kiện lịch sử. Nước này còn đóng dấu bản đồ có các khu vực tranh chấp lên hộ chiếu và thị thực. Trung Quốc cũng đặt tên tiếng Trung cho các thực thể ở Biển Đông nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền của mình.

Do vậy, hiện nay, Trump phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và sẵn sàng đối đầu hơn. Tại Hội nghị APEC, Tập Cận Bình đã nói với Biden về 4 lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc: vấn đề Đài Loan, dân chủ và nhân quyền, con đường và chế độ, và quyền phát triển của Trung Quốc, không thể bị xâm phạm. Hoa Kỳ cũng cần xác định rõ các lằn ranh đỏ của mình, bao gồm hiện trạng Đài Loan và không quấy rối ngư dân các nước trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, theo như phán quyết của Tòa trọng tài PCA năm 2016. Các biện pháp cưỡng ép dưới ngưỡng chiến tranh mà Trung Quốc sử dụng bao gồm các hoạt động thông tin, gây sức ép về chính trị và kinh tế, các hoạt động mạng, hỗ trợ ủy nhiệm, và hành vi khiêu khích do các lực lượng được nhà nước đứng sau thực hiện. Những cách thức này cần phải được chống lại một cách hiệu quả.

Trump đang đi đúng hướng trong việc gây áp lực về kinh tế lên Trung Quốc. Về bản chất, cần phải có một chiến lược bốn mũi nhọn nhằm vào Trung Quốc. Đầu tiên, tất cả các cường quốc ở khu vực cần cùng nhau vô hiệu hóa chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các thể chế bên ngoài (Bộ tứ, AUKUS, hợp tác An ninh ba bên Hoa Kỳ – Nhật Bản – Philippines và Hoa Kỳ – Nhật Bản – Hàn Quốc) nhằm kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của nước này. Để làm được điều đó, cần phải vận dụng khéo léo các biện pháp kinh tế, ngoại giao, và quân sự. Hai là, tăng cường năng lực quốc phòng của các quốc gia ở khu vực vì năng lực hiện tại của các nước không đủ để kiềm chế Trung Quốc. Ba là, quyết liệt đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc liên quan các yêu sách chủ quyền. Bốn là, kiên quyết thúc đẩy thực thi phán quyết của Tòa trọng tài PCA, một cách làm được Trump bày tỏ ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Nguồn: SD Pradhan, “South China Sea under Trump’s Presidency 2.0: Need for a multi-dimensional strategy”, The Times of India, 19/11/2024.

Biên dịch: Lê Mạnh Cường.

Theo NGHIENCUUQUOCTE.ORG