Tầm nhìn chiến lược về tuyến vận tải trên biển

Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Đoàn 759 - đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đánh dấu sự ra đời của lực lượng vận tải quân sự chiến lược trên biển. Từ đây, đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam chính thức đi vào hoạt động, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: MINH NHÂN
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: MINH NHÂN

Mở đường chi viện miền Nam

Đầu năm 1961, Thường trực Quân ủy Trung ương xác định: “Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam đã bước vào giai đoạn mới và ngày càng trở nên gay go, quyết liệt... Muốn đẩy mạnh cách mạng miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định cần phải kiên quyết chi viện cho miền Nam những thứ mà chiến tranh cần thiết”. Thường trực Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: “Đường chi viện là đường bộ, đường không và đường thủy. Đường thủy có nhiều khả năng thực hiện...”. Như vậy, Đảng ta đã xác định nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện cách mạng miền Nam là nhiệm vụ chiến lược, có tính lâu dài.

Ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, làm nhiệm vụ vận tải đường biển chi viện miền Nam. Đó là dấu mốc quan trọng đầu tiên của lực lượng vận tải trên biển đồng thời cũng là dấu mốc mở con đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đêm 11/10/1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên, số hiệu 41 mang tên “Phương Đông 1” rời bến Đồ Sơn, Hải Phòng chở gần 30 tấn vũ khí đã vượt qua sự kiểm soát gắt gao của địch vào cập bến Vàm Lũng, Cà Mau sáng 19/10/1962 an toàn. Tiếp đó, từ ngày 19/10 đến 14/12/1962, lần lượt 3 chiếc tàu vỏ gỗ số hiệu 54, 42, 55 mang tên “Phương Đông 2”, “Phương Đông 3” và “Phương Đông 4” rời bến Đồ Sơn chở vũ khí vượt qua các khu vực kiểm soát của địch vào cập bến Vàm Lũng, Cà Mau...

Với phương châm hoạt động bí mật bất ngờ, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển đã mở ra một hướng chi viện mới, hết sức quan trọng, đưa hàng chi viện của miền Bắc đến với các chiến trường xa mà tuyến đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa có điều kiện vươn tới. Tháng 8/1963, Đoàn 759 được giao cho Quân chủng Hải quân phụ trách và trực tiếp đảm đương nhiệm vụ vận chuyển, chi viện đường biển cho các chiến trường miền Nam. Đến ngày 24/1/1964, Đoàn 759 được điều chỉnh tổ chức, phát triển thành Đoàn 125 Hải quân. 

Tuy nhiên, từ sau sự kiện tàu C143 bị địch phát hiện tại Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2/1965), địch tăng cường đẩy mạnh hoạt động tuần tra, trinh sát ngăn chặn, chống xâm nhập. Đoàn 125 đã phải chuyển hướng hoạt động, sử dụng các đội tàu đi theo đường hàng hải quốc tế và bí mật bất ngờ đột nhập, đưa hàng vào các bến tiếp nhận. Đến tháng 2/1968, do sự ngăn chặn, chống xâm nhập của địch ngày càng quyết liệt, đường Hồ Chí Minh trên biển phải tạm dừng hoạt động. Tính chung trong 4 năm (1965-1968), Đoàn 125 đã tổ chức 28 chuyến tàu, trong đó chỉ có 7 chuyến tàu tới đích, giao được 410,4 tấn hàng quân sự cho các chiến trường.

Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: TƯ LIỆU.
Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Ảnh: TƯ LIỆU.

Hơn 20 ngàn tấn vũ khí cho miền Nam

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, tận dụng thời điểm không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Đoàn 125 đã vận chuyển khối lượng hàng lớn tới các địa điểm vùng giới tuyến, sau đó Đoàn 559 vận chuyển bằng đường bộ vào chiến trường miền Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu vũ khí, đạn dược ngày càng tăng cho chiến trường miền Nam, ta còn tổ chức vận chuyển hàng viện trợ quân sự của các nước anh em bằng tàu biển quốc tế, quá cảnh qua cảng Sihanoukville (Campuchia), sau đó thuê tàu Campuchia và sử dụng lực lượng của Quân khu 7, 8, 9 tiếp tế cho chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên.

Bằng cách này, ta đã đưa vào chiến trường miền Nam hơn 90,8 ngàn tấn hàng hóa, trong đó có hơn 20 ngàn tấn vũ khí, đạn dược. Từ cuối năm 1970, sau khi tuyến đường vận chuyển qua cảng Sihanoukville bị cắt đứt, theo sự chỉ đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Đoàn 125 đã chủ động tìm đường vận chuyển mới bằng cách men theo phía đông các quần Đảo Hoàng Sa, Trường Sa đến vùng biển đông bắc Malaysia, qua vịnh Thái Lan, khu vực quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang để đưa tàu cập các bến bãi miền Tây Nam Bộ...

Tuy phải đi vòng rất xa, phải dự trữ đủ lượng xăng dầu và lương thực cần thiết cho một chuyến đi dài ngày, phải đối mặt với bao thách thức, cam go, nhưng bằng con đường này, Đoàn 125 đã giao được 301 tấn vũ khí, đạn dược cho Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ. Đây là nỗ lực lớn của Đoàn 125 trong điều kiện địch tăng cường bao vây, ngăn chặn và đánh phá ác liệt.

Hiệp định Paris được kí kết (1973), thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đoàn 125 tạm dừng nhiệm vụ vận chuyển, chi viện trực tiếp cho các chiến trường miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển. Đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các đội tàu của Đoàn 125 lại tiếp tục vận chuyển vật chất, cơ động lực lượng phục vụ cho việc giải phóng các tỉnh và các đảo ven biển miền Nam, đặc biệt đã kịp thời chi viện cho các lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa...

Như vậy, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển đã tạo nên một phương thức chi viện mới hết sức quan trọng, trực tiếp đảm bảo chi viện cho các chiến trường miền Nam. Đường Hồ Chí Minh trên biển thực sự trở thành mũi thọc sâu, vu hồi lợi hại để vận chuyển, chi viện vào những địa bàn ven biển trọng yếu nơi mà sự chi viện bằng tuyến vận tải chiến lược 559 trên bộ chưa thể vươn tới. 

Cùng với nhiệm vụ vận tải hàng quân sự, đường Hồ Chí Minh trên biển còn đảm đương một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, đó là đưa đón hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội và chuyên gia quân sự vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc báo cáo Trung ương và nhận chỉ thị mới, kịp thời bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường miền Nam. 

Có thể nói, việc quyết định mở tuyến vận tải chiến lược trên biển và quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết định táo bạo đó trong điều kiện địch phong tỏa rất gắt gao suốt chiều dài cuộc kháng chiến đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh và tài thao lược của Đảng, Quân đội và nhân dân ta. Chiến công đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, thường xuyên là Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân; là công sức, trí tuệ của đồng bào, chiến sĩ cả nước cùng sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, trong đó các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu không số - Đoàn 125 Hải quân giữ vai trò là lực lượng nòng cốt, chủ công, trực tiếp đảm nhiệm những khâu quan trọng, khó khăn, gian khổ nhất của tuyến đường vận tải chi viện chiến lược trên biển.

Cùng với đường Trường Sơn trên bộ, đường Hồ Chí Minh trên biển - một “con đường không dấu, tàu không số”, một chiến công và kỳ tích lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên con đường vận tải chiến lược biển năm xưa cũng như của Lữ đoàn 125, Vùng 2 và Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng.

Tự hào về truyền thống anh hùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân hôm nay và mai sau phải có trách nhiệm gìn giữ, phát huy, phấn đấu, rèn luyện, quyết tâm vượt mọi khó khăn thử thách, xây dựng Vùng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, cùng với các lực lượng trong toàn Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong mọi tình huống; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Chuẩn Đô đốc ĐỖ VĂN YÊN
Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân