Số phận bấp bênh của các nhà báo Afghanistan dưới thời Taliban

Trước đây, tình hình vốn đã khó khăn đối với các nhà báo và nhân viên truyền thông của Afghanistan, nay cuộc sống và công việc của họ càng trở nên bấp bênh hơn nhiều dưới sự cầm quyền của lực lượng Taliban.

Việc Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào giữa tháng 8 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giới truyền thông ở quốc gia đang chìm trong xung đột trong những tuần gần đây.

 Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP
 Lực lượng Taliban tuần tra trong khu phố Wazir Akbar Khan ở thành phố Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP

 

Theo một báo cáo mới công bố gần đây của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), nhiều nhà báo Afghanistan đã rời quê hương. Những người ở lại không chỉ phải tuân theo “quy định về truyền thông có các điều khoản quá rộng và mơ hồ”, mà còn bị cấm mọi bài báo chỉ trích Taliban.

Do quy định mới của Taliban đối với truyền thông cũng như nhiều vấn đề khác, cho đến nay vẫn chưa được thống nhất, tình hình của các nhà báo Afghanistan là khác nhau, tùy thuộc vào từng khu vực và từng trường hợp.

Tuy nhiên, các nhà báo Afghanistan cho rằng mọi vấn đề không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ Taliban.

“Cho đến nay, Taliban không can thiệp trực tiếp vào công việc của tôi và tôi vẫn có thể đưa tin. Tuy nhiên, lực lượng này không chia sẻ bất kỳ thông tin nào với chúng tôi, điều này khiến công việc của chúng tôi gặp khó khăn”, một nhà báo tại tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan nói với DW.

(Tên của các nhà báo trong bài báo này không được tiết lộ để đề phòng những mối nguy hiểm tiềm tàng).

Đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng

“Tôi đã chuyển đến thủ đô Kabul vì tỉnh Nangarhar có nhiều vụ đánh bom và giết người”, một nhà báo khác cho biết.

Ông đề cập đến một loạt các cuộc tấn công nhỏ đã xảy ra ở Nangarhar trong nhiều năm. Ông nói thêm rằng ông không bị đe dọa trực tiếp nhưng các nhà báo tại Afghanistan có thể trở thành mục tiêu của Taliban.

Một nhà báo tại tỉnh Badakhshan, phía Đông Bắc Afghanistan, cũng gặp tình trạng tương tự. “Tôi không nhận được những lời đe dọa trực tiếp, nhưng tình hình rất nguy hiểm. Nếu tôi viết một bài báo mà Taliban không thích, tôi sẽ gặp rắc rối vì các tay súng biết nơi tôi sinh sống”, nhà báo nói.

Trong khi đó, những nhà báo khác đã nhận được những lời đe dạo trực tiếp từ Taliban. “Những người đàn ông có vũ trang đã đến nhà của cha tôi, hỏi về tôi và nói rằng họ có quan hệ kinh doanh với tôi”, anh nói. Kể từ đó, nhà báo này cố gắng che giấu tung tích của mình.

Nhà báo nữ không được xuất hiện trước ống kính

Tại tỉnh Badakhshan, các cơ quan truyền thông địa phương cũng gián tiếp buộc phải đóng cửa. “Khi Taliban chiếm giữ thành phố Faizabad – thủ phủ của tỉnh Badakhshan, lực lượng này đã thông báo rằng các nhà báo nữ không được phép xuất hiện trước ống kính”, một nhà báo nữ tại Badakhshan nói với DW.

“Họ cho phép phụ nữ tiếp tục làm việc với vị trí phóng viên phát thanh nhưng chỉ khi tất cả nhân viên trong chương trình là phụ nữ. Vì vậy, chúng tôi buộc phải đóng cửa”, cô nói thêm.

“Không có phương tiện truyền thông tự do nào ở Badakhshan. Những người tiếp tục đưa tin phải tuân theo quy định của Taliban. So với điều này, tốt hơn là nên dừng hoạt động”, nữ nhà báo đến từ Badakhshan nói về tình hình ở Afghanistan.

Một nhà báo tại tỉnh Badakhshan cho biết, một số tổ chức truyền thông trong khu vực đóng cửa không phải vì lực lượng Taliban mà vì họ phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài, vốn đã cạn kiệt khi các chiến binh kiểm soát đất nước dẫn đến việc đình chỉ nhiều chương trình viện trợ.

Số phận bấp bênh hơn dưới thời Taliban

Báo cáo của HRW nêu rõ, kể từ khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8, các tay súng đã tạm giữ ít nhất 32 nhà báo.

Ít nhất hai trong số những nhà báo này, làm việc tại tờ báo địa phương Etilaatroz có trụ sở tại Kabul, đã bị đánh đập nghiêm trọng. Một trong số họ bị đánh cho đến khi bất tỉnh. Các nhà báo không bị ngược đãi nhưng họ bị giam giữ tùy tiện.

“Vào cuối tháng 9, một đồng nghiệp của chúng tôi đã bị giam giữ trong 8 ngày trước khi được thả ra sau nhiều nỗ lực của cộng đồng các nhà báo. Taliban cáo buộc nhà báo có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS là điều không đúng sự thật”, một trong những nhà báo tại Nangarhar kể lại.

Theo DW, những vụ bắt giữ nhà báo tùy tiện như vậy không phải là chưa từng có tiền lệ. Tình trạng này cũng đã xảy ra dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Một nhà báo bị Taliban tạm giam ở Nangarhar vào cuối tháng 9 được cho là từng bị chính phủ của ông Ghani bắt vì cáo buộc làm việc với Taliban.

Trên thực tế, nhiều vấn đề đã tồn tại trước khi Taliban kiểm soát đất nước. Tình hình vốn đã khó khăn đối với các nhà báo và nhân viên truyền thông của Afghanistan nay càng trở nên bấp bênh hơn nhiều dưới sự cầm quyền của lực lượng Taliban./.

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)
Theo DW