Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người trong ứng phó đại dịch Covid-19

Trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng ngừa, thuốc hay pháp đồ điều trị đặc hiệu, dịch COVID-19 đã và đang trở thành một thảm hoạ y tế cho các quốc gia. Vì vậy, việc ứng phó với đại dịch này là một thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực của nhà nước trên nhiều lĩnh vực.

 

 14/04/2020

 

 

Chính phủ và các địa phương tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo kịp thời trước những diễn biến của dịch Covid-19 (ảnh: Internet)

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (COVID-19) được phát hiện từ tháng 12 năm 2019, sau đó đã nhanh chóng lây lan và gây ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Tính đến ngày 11-4-2020, COVID-19 đã  lan rộng tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,69 triệu ca nhiễm và hơn 102 nghìn ca tử vong[1]. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu từ ngày 11-3-2030[2]. Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, số ca nhiễm cập nhật ngày 11-4-2020 là 257[3]. Ngày 1-4-2020, Thủ tướng Chính phủ đã  ký Quyết định số  447/QĐ-TTg để công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc và đề xuất các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện để ứng phó với đại dịch này[4].

Trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng ngừa, thuốc hay pháp đồ điều trị đặc hiệu, dịch COVID-19 đã và đang trở thành một thảm hoạ y tế cho các quốc gia. Vì vậy, việc ứng phó với đại dịch này là một thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực của nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người, bà Michelle Bachelet, nhận định:“Không còn nghi ngờ gì nữa vi rút Corona là một phép thử đối với các nguyên tắc, giá trị và tính nhân văn[5]. COVID-19 không chỉ là phép thử đối với hệ thống y tế của mỗi quốc gia mà rộng hơn nữa đó cũng chính là phép thử với các hệ tư tưởng, giá trị và thể chế mà quốc gia đó theo đuổi. Để vượt qua được phép thử này, các quốc gia cần có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội, trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng là một yêu cầu thiết yếu. Những nỗ lực phòng chống đại dịch COVID-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua đang đi theo hướng này.

1. Nghĩa vụ quốc gia về quyền con người trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mệnh và ảnh hưởng đến sức khoẻ của hàng chục triệu người mà đã gây nên nhiều tác động tiêu cực đến đời sống và quyền cơ bản của mọi cá nhân, cộng đồng trên toàn thế giới, đáng kể là tình trạng suy thoái kinh tế, gia tăng kỳ thị, bất bình đẳng, đói nghèo, mất việc làm v.v..[6] Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc thụ hưởng tất cả các quyền con người cơ bản, tuy nhiên, quyền chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất là quyền về sức khoẻ. Chính vì vậy, các nỗ lực nhằm phòng, chống lại dịch COVID-19 của các quốc gia hiện nay chính là để bảo đảm quyền sống, đặc biệt là quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho con người.

Quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ được quy định tại Điều 25 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Điều 12 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Điều 24 của Công ước quyền trẻ em, Điều 12 của Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và Điều 25 của Công ước về quyền của người khuyết tật. Đây là những điều ước cơ bản về quyền con người mà Việt Nam đã phê chuẩn và có nghĩa vụ pháp lý trong việc thực hiện.

Để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế côngluật quốc tế về quyền con người quy định, kể cả trong bối cảnh của đại dịch, các quốc gia vẫn cần tuân thủ các nghĩa vụ cơ bản nhằm bảo đảm sự tôn trọng phẩm giá và quyền con người. Tuy nhiên, các quốc gia được phép thực hiện một số biện pháp ứng phó với dịch bệnh như: cách ly xã hội, phong toả, đóng cửa biên giới hay thậm chí là ban bố tình trạng khẩn cấp. Để thực hiện những biện pháp này các quốc gia có thể hạn chế một số quyền con người hay tạm thời rút lui một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi một số quyền con người nhất định như quyền tự do đi lại, quyền về việc làm, quyền tự do kinh doanh, quyền được học tập, quyền tự do hội họp v.v… Ngoài ra, không phải tất cả các quyền con người đều có thể bị hạn chế,  kể cả khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp, quốc gia vẫn không được phép rút lui nghĩa vụ thực hiện với tất cả các quyền. Chẳng hạn, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền không bị tra tấn và trừng phạt hay đối xử vô nhân đạo, hạ nhục, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị giam giữ vì lý do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, quyền được tiếp cận với lương thực, thực phẩm, nước uống và chăm sóc y tế ban đầu v.v…[7], là những quyền luôn cần được bảo đảm, kể cả trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Cần lưu ý rằng, các quyết định mà quốc gia đưa về hạn chế quyền để nhằm mục đích cách ly, cô lập để bảo vệ nền y tế công hay việc tuyên bố tạm rút lui nghĩa vụ trong tình trạng khẩn cấp quốc gia về y tế cần được xem xét dựa trên tính hợp pháp, tính cần thiết và sự cân đối, phù hợp. Để cung cấp hướng dẫn cụ thể cho các quốc gia về nguyên tắc, điều kiện thực hiện hạn chế quyền hay tạm rút lui nghĩa vụ thực hiện quyền của nhà nước, Hội đồng kinh tế và xã hội Liên hợp quốc đã thông qua Nguyên tắc Siracusa (1984).[8]

2. Bảo đảm quyền con người trong ứng phó với đại dịch COVID-19 ở Việt Nam

Với phương châm hành động sớm và quyết liệt, tiếp cận toàn diện, dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Đảng Cộng sản và Chính phủ, Việt Nam là quốc gia bước đầu thành công trong ứng phó với COVID-19. Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia điển hình về ứng phó hiệu quả với COVID-19 theo mô hình tiếp cận chi phí thấp (low-cost model).[9]Khảo sát gần đây của nền tảng nghiên cứu Dalia - là khảo sát công chúng quy mô lớn về COVID-19 nhằm tìm hiểu cách nhìn của công dân toàn cầu về nỗ lực của các chính phủ trong ứng phó với COVID-19 đã lấy ý kiến đánh giá của 32.631 người dân ở 45 quốc gia về nỗ lực ứng phó với COVID-19 với ba mức độ: quá ít, thoả đáng và quá mạnh tay. Theo kết quả khảo sát, 62% người Việt Nam cho rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 phù hợp, không quá mạnh tay, hay lỏng lẻo[10].

Việt Nam là quốc gia thành viên của 7/9 điều ước cốt lõi về quyền con người[11]. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm cân đối giữa việc  thực hiện các biện pháp khẩn cấp phòng chống COVID-19 và tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý của mình theo quy định của pháp luật quốc tế và hiến pháp, pháp luật quốc gia. Có thể kể đến một số kết quả về bảo đảm quyền con người trong ứng phó với COVID-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua như sau:

2.1. Bảo đảm quyền được được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của người dân 

Quyền được chăm sóc sức khoẻ là một quyền hiến định được quy định tại Điều 14 của Hiến pháp 2013, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (1989), Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm (2007), Luật Khám chữa bệnh (2009)  và nhiều quy định pháp luật liên quan. Đại dịch COVID-19 là một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu đe doạ đến tính mạng và sức khoẻ của mọi cá nhân trong xã hội. Trong thời gian qua, Việt Nam đã huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và nhân dân nhằm triển khai thực hiện một loạt các biện pháp y tế công. Những ứng phó với đại dịch COVID- 19 của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ thực hiện quyền được bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của người dân trong tình huống khẩn cấp y tế dựa theo yêu cầu cơ bản của quyền này là bảo đảm: 1) tính sẵn có của cơ sở, hàng hoá, dịch vụ y tế; 2) khả năng tiếp cận với cơ sở, hàng hoá, dịch vụ, thông tin y tế với chi phí hợp lý và không có sự phân biệt đối xử với bất kỳ nhóm đối tượng nào; 3) phù hợp về mặt y học và với điều kiện đặc thù về kinh tế, xã hội, văn hoá của từng quốc gia; và 4) bảo đảm nền y tế có chất lượng[12]. Cụ thể, để bảo đảm quyền về sức khoẻ trong ứng phó với dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã chủ động áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh, có thể kể đến một số biện pháp sau:

- Triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm: Thủ tướng Chính phủ đã thông qua các Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 11-3-2020 về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới[13] và Chỉ thị số16 CT-TTg ngày 31-3-2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19[14] để thực hiện các chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch với các hành động cụ thể như: kiểm soát, cách ly bắt buộc với người nhập cảnh, đóng cửa trường học, hạn chế đi lại, khai báo y tế, cách ly toàn xã hội, xử lý nguồn lây bệnh, ổ dịch, quản lý lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế, quản lý nguy cơ lây nhiễm ở các nhóm nguy cơ cao và trường hợp cần cách ly v.v… Chính phủ cũng phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt việc bảo đảm để mọi người dân đều được tiếp cận với các cơ sở, dịch vụ y tế và vật tư y tế đặc biệt là khẩu trang, bảo hộ, cồn rửa tay sát khuẩn khi dịch bệnh xảy ra. 

Hàng hóa và các nhu yếu phẩm tại các siêu thị và các chợ dân sinh luôn đảm bảo cung ứng cho người dân (ảnh: Internet)

- Triển khai các biện pháp điều trị: bệnh Covid-19 chưa có Vắcxin phòng ngừa hay thuốc điều trị, vì vậy, việc xây dựng pháp đồ điều trị được tập trung vào điều trị suy hô hấp, cập nhật những khuyến cáo mới nhất theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Bộ Y tế Việt Nam đã kịp thời công bố các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới cho các cơ sở điều trị với các văn bản chỉ đạo như: Quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16-1-2020 về việc Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút Corona mới (nCoV), Quyết định 181/QĐ-BYT ngày 21-01-2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) v.v..[15].

Ngoài ra, để bảm đảm việc tiếp cận điều trị cho tất cả mọi người, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A - là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Theo đó, những người mắc bệnh dịch này sẽ được khám và điều trị miễn phí. Trong bối cảnh, ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19 thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị COVID-19 cho tất cả bệnh nhân.

2.2. Quyền tiếp cận thông tin - yếu tố quan trọng để kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Tiếp cận thông tin là yếu tố cực kỳ quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Bài học thực tế ở một số quốc gia trên thế giới cho thấy việc che giấu, thiếu minh bạch thông tin về bệnh có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng trong kiểm soát dịch. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiếp cận thông tin liên quan đến dịch COVID-19, ngày 19-3-2020 các chuyên gia quốc tế, trong đó có Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt đã ra tuyên bố chung kêu gọi các chính phủ cần cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng và rộng rãi về dịch bệnh[16].

Để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh cho người dân, Chính phủ, Bộ Y tế đã có chủ trương ngay từ đầu là Việt Nam luôn công khai tình hình của dịch với người dân và thế giới. Việt Nam xác định nguyên tắc đầu tiên trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 là công khai, minh bạch, không giấudịch và coi đây là một biện pháp để đẩy lùi dịch bệnh[17]. Ngay từ khi dịch  COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã áp dụng nhiều phương thức, cấp độ truyền thông khác nhau nhằm bảo đảm tiếp cận và minh bạch thông tin đồng thời cũng tránh gây hoang mang, hoảng loạn trong xã hội. Cụ thể, người dân đã được cung cấp đầy đủ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, thông tin về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, kể cả qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Đồng thời, Việt Nam cũng đã triển khai các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến, khuyến cáo của chuyên gia, các bộ ngành và người dân về các  đề xuất, sáng kiến phòng ngừa dịch bệnh.

Có thể nói, minh bạch thông tin là một điểm cộng tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã thành công trong giai đoạn vừa qua, thông qua đó giúp tạo dựng niềm tin và huy động sự đồng lòng của toàn dân trong ứng phó với đại dịch này.

2.3. Bảm đảm quyền an sinh xã hội và hỗ trợ cho cho các nhóm dễ bị tổn thương 

Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững kêu gọi các quốc gia trên thế giới cam kết để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển. Cam kết này cần được các quốc gia nỗ lực thực hiện, kể cả trong ứng phó với khủng hoảng của dịch bệnh COVID-19. Theo đó, bên cạnh các biện pháp y tế công về phòng, chống dịch, các quốc gia cần thông qua và thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên toàn xã hội, đặc biệt là một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Mặc dù mọi người đều có thể bị lây nhiễm, nhưng xét về mức độ nguy cơ, một số nhóm có thể phải chịu rủi ro nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn như: người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, hen, tiểu đường v.v..), do vậy, nhóm đối tượng này cần được bảo vệ và hỗ trợ để phòng ngừa y tế tốt hơn. Ngoài ra, hiện nay các quốc gia đều đang phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly và thậm chí là phong toả để phòng ngừa bệnh dịch. Các biện pháp này có thể gây nên một số ảnh hưởng nhất định đến nhiều nhóm xã hội: trẻ em không được đến trường; người lao động bị cắt giảm hoặc mất việc làm; phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức và trong ngành y tế (70% cán bộ y tế bao gồm y tá, hộ lý trên toàn thế giới là phụ nữ) có thể bị ảnh hưởng đến sinh kế và gặp rủi ro cao về sức khoẻ; người khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận các nhu yếu phẩm thiết yếu do thiếu dịch vụ và nguồn nhân lực hỗ trợ; các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể gặp trở ngại trong việc tiếp cận thông tin, dịch vụ y tế v.v.. Nhận diện rõ các tác động kinh tế và các vấn đề xã hội của dịch bệnh, song song với các ứng phó về y tế, Chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức thảo luận về các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết các khó khăn về kinh tế để hỗ trợ người dân cũng như các doanh nghiệp[18]. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xây dựng nhanh nghị quyết về gói hỗ trợ về an sinh xã hội với tinh thần “người yếu thế không thấy mình bị bỏ rơi". Nhờ đóngày 10-4-2020, Chính phủ đã  ban hành Nghị quyết về hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19. Theo Nghị quyết này, chính phủ thực hiện hỗ trợ trước hết cho 5 nhóm đối tượng là: 1) Người lao động hợp đồng phải tạm nghỉ việc không lương do doanh nghiệp gặp khó khăn; 2) người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 3) các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ 1-4-2020; 4) đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng; 5) Hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để triển khai Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với việc chi gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho người dân trong dịch COVID-19[19]. Ngoài ra, trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện thêm các biện pháp kích thích kinh tế về tiền tệ và tài khoá với các gói chính sách về tín dụng, giảm thuế, gói giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí v.v.[20]

3. Kết luận và một số khuyến nghị

COVID-19 là một dịch bệnh phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã chủ động thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch trên phạm vi cả nước với các kịch bản ứng phó ở nhiều cấp độ khác nhau được cập nhật theo diễn biến của dịch bệnh. Các kết quả mà chính phủ Việt Nam đạt được trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua là những minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền con người, đặc biệt là quyền được bảo vệ và chăm sóc của người dân.

Trong thời gian tới, để cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đạt được kết quả tích cực, việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh là hết sức cần thiết và cần phải được tuân thủ chặt chẽ. Bên cạnh đó, tổn thất về kinh tế do COVID-19 gây nên là rất lớn, vì vậy, việc xây dựng các chính sách, kịch bản phục hồi nền kinh tế, thông qua đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo đảm ổn định xã hội là nhiệm vụ cấp bách Việt Nam cần thực hiện triển khai trong thời gian tới.


[1] Xem số liệu cập nhật tại: WorldometersCOVID-19 CORONAVIRUS PANDEMIC, (Đại dịch virut CoronaCOVID-19). Thông tin có tại: https://www.worldometers.info/coronavirus/. Truy cập ngày 11/4/2020.

[2] WHO, WHO Director-General's opening remarks at the media briefing on COVID-19 (Bài phát biểu tại cuộc họp báo của  Tổng Giám đốc WHO, Thông tin có tại: https://www.who.int/dg/speeches/detail/who-director-general-s-opening-remarks-at-the-media-briefing-on-covid-19---11-march-2020. Truy cập ngày 9/4/2020.

[3] Bộ Y tế, Thống kê tình hình dịch bệnh COVID-19. Thông tin có tại:https://ncov.moh.gov.vn. Truy cập ngày 11/4/2020

[4] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định về việc công bố dịch COVID-19, ngày 1/4/2020. Văn bản có tại: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=199640. Truy cập ngày 9/4/2020.

[5] Cao uỷ Liên hợp quốc về Quyền con người, COVID-19 and its human rights dimensions (Covid-19 và các vấn đề về quyền con người). Thông tin có tại:  https://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/COVID-19.aspx. Truy cập ngày 9/4/2020.

[6] Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, COVID- 19 có thể làm cho 195 tỷ người lao động mất việc làm. Xem: ILO,COVID-19 causes devastating losses in working hours and employment(COVID- 19 làm mất đi đáng kể việc làm và giờ làm việc). Thông tin có tại: https://www.ilo.org/global/about-the-ilo/newsroom/news/WCMS_740893/lang--en/index.htm. Truy cập ngày 9/4/2020.

[7] Xem danh mục các quyền không được phép rút lui nghĩa vụ thực hiện, kể cả trong trình trạng khẩn cấp quốc gia tại:  https://nhri.ohchr.org/EN/IHRS/TreatyBodies/Page%20Documents/Core%20Human%20Rights.pdf. Truy cập ngày 11/4/2020.

[8] Xem nội dung chi tiết của Nguyên tắc Siracusa về điều khoản hạn chế và tạm rút lui nghĩa vụ theo Công ước về các quyền dân sự, chính trị tại:https://www.refworld.org/docid/4672bc122.html. Truy cập ngày10/4/2020.

[9] Có thể kể đến một số bài viết đánh giá cao về cách tiếp cận của Việt Nam trong ứng phó với Covid-19 trên truyền thông quốc tế như:

John Reed  và  Pham Hai Chung, Vietnam’s coronavirus offensive wins praise for low-cost model( Việt Nam được khen ngợi trong trận chiến chống vi rút Corona theo mô hình chi phí thấp), Báo Financial Time, ngày 24/3/2020. Thông tin có tại: https://www.ft.com/content/0cc3c956-6cb2-11ea-89df-41bea055720b. Truy cập ngày 10/4/2020;

Athira Nortajuddin, Vietnam’s Exemplary Response To COVID-19 ( Việt Nam là điển hình trong ứng phó với Covid-19) , Báo The Asean Post, ngày 9/4/2020Thông tin có tại: https://theaseanpost.com/article/vietnams-exemplary-response-covid-19Truy cập ngày 10/4/2020;

 Sean Fleming, Viet Nam shows how you can contain COVID-19 with limited resources (Việt Nam cho thấy cách thứcphòng chống COVID-19 với nguồn lực hạn chế), trang thông tin của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ( World Economic Forum), ngày 30/3/2020. Thông tin có tại: https://www.weforum.org/agenda/2020/03/vietnam-contain-covid-19-limited-resources/. Truy cập ngày 10/4/2020.

[10] Dalia, Global study about COVID-19: Dalia assesses how the world ranks their governments’ response to the pandemic, (Nghiên cứu toàn cầu về Covid-19: Đánh gía của Dalia về xếp hạng thế giới đối với việc ứng phó đại dich của các chính phủ), ngày 30/3/ 2020. Thông tin có tại: https://daliaresearch.com/blog/dalia-assesses-how-the-world-ranks-their-governments-response-to-covid-19/. Truy cập ngày 10/4/2020.

[11]Các điều ước về quyền con người mà Việt Nam là quốc gia phê chuẩn là: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá; Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về quyền trẻ em; Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hayđối xử tàn ác, vô nhân đạo hay hạ nhục.

[12]Tổ chức Y tế thế giới và Văn phòng Cao uỷ Liên hợp quốc về Quyền con người, Right to health (Quyền sức khoẻ ). Thông tin có tại: https://www.ohchr.org/Documents/Publications/Factsheet31.pdf. Truy cập 10/4/2020.

[13] Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chỉ th số 13/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.Thông tin có tại: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&mode=detail&document_id=199394. Truy cập ngày 10/4/2020.

[14] Cổng thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Thông tin có tại:

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=199607. Truy cập ngày 10/4/2020.

[15]Xem nội dung các văn bản hướng dẫn này tại trang thông tin về Phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế tại: https://moh.gov.vn/web/dich-benh/huong-dan-chuyen-mon. Truy cập ngày 11/4/2020.

[16] Cao uỷ Liên hợp quốc về quyền con người, COVID-19: Governments must promote and protect access to and free flow of information during pandemic – International experts (Chuyên gia quốc tế kêu gọi: Các chính phhủ cần thúc đẩy  và bảo về tiếp cận thông tin về dịch bệnh Covid-19). Thông tin có tại: https://www.ohchr.org/EN/NewsEvents/Pages/DisplayNews.aspx?NewsID=25729&LangID=Eccess. Truy cập ngày 10/4/2020.

[17] Quang Huy, Thu Hằng, Việt Nam không giấu thông tin về dịch Covid-19. Thông tin có tại: https://zingnews.vn/bo-y-te-viet-nam-khong-giau-thong-tin-ve-dich-covid-19-post1051408.html. Truy cập ngày 10/4/2020.

[18] Thông tin về các các giải pháp hỗ trợ kinh tế, an sinh xã hội của Chính phủ Việt Nam được cập nhật đến ngày 11/4/2020.

[19] Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Thông cáo báo chí về phiên họp bất thường của y ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19. Thông tin có tại: http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=44708. Truy cập ngày 11/4/2020

[20] Thủ tướng: Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay. Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thông tin có tại: http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Chung-ta-can-hanh-dong-nhanh-hanh-dong-ngay/392564.vgp. Truy cập ngày 20/4/2020

 

Tác giả: PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link