Bản sắc ngoại giao Việt Nam: Một vài suy ngẫm nhìn từ lịch sử dân tộc

Bản sắc ngoại giao Việt Nam là một phần của bản sắc dân tộc Việt Nam, hình thành và phát triển cùng với triết lý và truyền thống ngoại giao Việt Nam. Đó là những nhận thức, tư tưởng, tri thức được đúc kết, kế thừa, bổ sung và không ngừng hoàn thiện thông qua hoạt động ngoại giao của các thế hệ cha ông, với đỉnh cao là ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.

 

Bản sắc ngoại giao Việt Nam: Một vài suy ngẫm nhìn từ lịch sử dân tộc

Tác giả: Trần Chí Trung, nghiên cứu sinh, Học viện Ngoại giao.

Triết lý và truyền thống ngoại giao của dân tộc: Cội nguồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam

Ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, khi bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia độc lập, ông cha ta đã sớm ý thức về mối quan hệ đối với các nước láng giềng. Tương truyền, từ năm thứ năm đời Vua Nghiêu ở Trung Quốc (năm 2353 trước Công Nguyên), sứ bộ nước ta đã được Vua Hùng cử sang phương Bắc, trải qua các lần thông dịch, tiếp xúc với nhiều dân tộc mới đến nơi. Món quà do Vua Hùng nước ta tặng Vua Nghiêu là một con rùa lớn, trên mai có khắc chữ, ghi lại sự việc từ khi trời, đất mới mở mang, với mong muốn gửi thông điệp của một nước Nam về sự thân thiện và trường tồn (1).

Truyền thống ngoại giao Việt Nam có những đặc điểm rất đỗi tự hào, kiên định chủ trương “nội yên ngoại tĩnh”, thể hiện tinh thần hòa bình, hữu nghị, nhân văn, thân thiện với láng giềng, ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, công lý và chính nghĩa để thuyết phục lòng người(2). Các chính sách ngoại giao của nước ta được thực thi một cách thiên biến vạn hóa, đa dạng, phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, mang đậm nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc, sắc thái chính trị của mỗi chế độ, triều đại phong kiến Việt Nam. Nhưng trên hết, tất cả đều luôn vì lợi ích quốc gia – dân tộc, nhằm giữ vững độc lập, tự chủ, ngăn chặn họa xâm lăng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, xây dựng nền hòa bình dài lâu cho dân tộc.

Trong bản sắc của ngoại giao Việt Nam, tinh thần độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc là nguyên tắc bất biến. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử, xuất phát từ tinh thần yêu nước của dân tộc – không trông đợi vào bên ngoài, mà phải dựa vào chính mình để bảo vệ lợi ích chân chính của đất nước, dân tộc.

Năm 1473 (Hồng Đức năm thứ tư), vua Lê Thánh Tông ra lời dụ với Thái bảo Lê Cảnh Huy khi chuẩn bị đi đàm phán giao bang biên giới: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần… Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”(3).

Trong thời kỳ Tây Sơn, sau khi đại phá quân Thanh, Quang Trung đã nhanh chóng cử sứ giả sang phương Bắc để làm hòa, nói rõ rằng nước Nam chỉ bảo vệ bờ cõi của mình, Tây Sơn “không lấn sang biên giới”. Đồng thời, khẳng định nếu nhà Thanh động binh xâm lược lần nữa thì quân dân ta kiên quyết chống lại. Nhờ thực hiện tốt các hoạt động đấu tranh ngoại giao, nhà Thanh phải công nhận nền độc lập của nước Nam; trả lại 7 châu xứ Hưng Hóa đã chiếm trước đó; đồng thời, tôn trọng chủ quyền và văn hóa nước Nam trong quan hệ hai nước.

Lợi ích quốc gia – dân tộc chính là độc lập, chủ quyền của đất nước. Ông cha ta đã ứng xử hết sức linh hoạt, khéo léo, vừa khẳng định độc lập, chủ quyền, vị thế của đất nước, không để cho bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, vừa giữ hòa khí với nước láng giềng để đất nước được yên bình và phát triển ổn định.

Đón tiếp sứ giả mang chiếu thư đến Kinh đô Hoa Lư, vua Lê Đại Hành đã tổ chức đãi tiệc để cho sứ giả thấy sự chan hòa của nhà vua nước Việt. Nhưng khi bị yêu cầu phải quỳ lạy tiếp chiếu, vua Lê Đại Hành đã kiên quyết và khéo léo từ chối. Vào đời nhà Trần, vua Trần Thái Tông cũng tiếp nối nguyên tắc từ chối lạy chiếu thư. Nguyên sử ghi lại lý do rằng: “Phàm nhận chiếu, cứ để yên nơi chính điện, còn Vua thì lui tránh về điện riêng. Đó là điển lệ cũ của nước chúng tôi”(4).

Để bảo vệ được chủ quyền, độc lập dân tộc, ông cha ta đã phải nhẫn nại như thế. Đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết là nguyên tắc tạo nên sự đồng thuận giữa nhân dân và những người lãnh đạo, là kim chỉ nam dẫn dắt dân tộc Việt Nam xuyên suốt những thăng trầm của lịch sử.

Hòa mục bên trong, hòa hiếu bên ngoài là bản sắc của ngoại giao Việt Nam và “trong xưng đế, ngoài xưng vương” là một trong những chính sách mà các triều đại phong kiến nước ta đã vận dụng để xử lý quan hệ của đất nước với nước láng giềng. Yêu chuộng hòa bình, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị vốn là những đức tính cao đẹp của người Việt Nam. Điều này được đúc kết thành thuật trị nước để bảo đảm “trong ấm, ngoài êm”. Trần Hưng Đạo đã viết trong Binh thư yếu lược: “Hòa mục là đạo rất hay trong việc trị nước hành binh. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh, hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động”. Trần Hưng Đạo đã chủ động gạt bỏ hiềm khích gia đình để trọn đạo vua – tôi và hóa giải mâu thuẫn cá nhân với Trần Quang Khải để tạo sự đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Bàn về bài học sức mạnh Đại Việt sau ba lần chiến thắng chống giặc Nguyên Mông xâm lược, Trần Hưng Đạo đã nhận định, đó là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước ra sức”.

Hòa mục không có nghĩa là khuất phục, mà là sự thức thời trong việc định vị nước Việt ở vị trí chiến lược trong khu vực, phù hợp với tương quan thế và lực mỗi thời kỳ. Muốn bảo vệ lợi ích của quốc gia thì phải hòa mục. Phan Huy Chú đã đúc kết từ trong lịch sử: “Trong việc trị nước, hòa hiếu với láng giềng là việc lớn”. Do đó, các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử thường thực hiện chính sách “trong xưng đế, ngoài xưng vương”. “Ngoài xưng vương” là thể hiện sự hòa hiếu với nước lớn phương Bắc, “trong xưng đế” là thể hiện ý thức độc lập, tự cường và bản lĩnh bất khuất của dân tộc. Đó được coi là chiến lược ngoại giao xuyên suốt của một nước Việt nhỏ, sát cạnh một nước phương Bắc lớn.

Đơn cử như, vào thời kỳ nhà Mạc, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, vua Mạc Đăng Dung đã chủ động thoái vị một cách mềm mỏng, khéo léo để tránh việc nhà Minh đem quân sang xâm lược nước Đại Việt: “Bỏ xưng tiếm hiệu (không xưng hoàng đế); xin theo lịch chính sóc (lịch của nhà Minh); trả lại đất bốn động đã chiếm; xin nội thuộc xưng thần; xin hàng năm ban lịch Đại Thống (lịch của nhà Minh) và bù đủ các lễ vật tiến cống hàng năm”(5). Nhờ đó, quân thù không đặt chân đến đất nước, mà nhà Mạc vẫn xưng hoàng đế, vẫn làm chủ nước Đại Việt(6).

Trong truyền thống và bản sắc ngoại giao Việt Nam, chiến lược “dùng ngòi bút thay giáp binh”- ngoại giao tâm công, lấy lẽ phải, chính nghĩa để thuyết phục lòng người là một triết lý quan trọng, có giá trị quyết định. Cùng với tinh thần yêu nước và đoàn kết, chính nghĩa luôn là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta hết sức coi trọng việc giương cao ngọn cờ chính nghĩa trong đấu tranh ngoại giao nhằm thu hút sự ủng hộ của nhân dân, chống những luận điệu sai trái của kẻ thù, để thế giới hiểu rõ về công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Trãi đã đúc kết đấu tranh sao cho “hợp trời, thuận người”, nên có thể “lấy yếu chống mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy chí nhân thay cường bạo”.

Ông cha ta cũng sử dụng linh hoạt, khéo léo phương châm ngoại giao “dùng ngòi bút thay giáp binh”. Với sứ thần có học thức, giỏi văn thơ như Lý Giác, vua Lê Đại Hành có cách ứng xử rất văn hóa, dùng thơ đối thơ, dùng nghĩa tình đãi nghĩa tình. Với sứ thần có thái độ hống hách như Tống Cảo, ông dùng đối sách mạnh, biểu dương sức mạnh nước Đại Việt(7). Tiếp nối truyền thống ấy, gần 300 năm sau, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vẫn ân cần làm thơ tống tiễn Sài Thung – một viên sứ thần ngạo mạn của phương Bắc về nước, bằng những lời rất nhã nhặn: “Biết đến khi nào cùng gặp lại/ Cầm tay bày tỏ nỗi niềm tây!”(8).

Nguyễn Trãi đã gửi hàng chục bức thư khẳng định rõ tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427), tinh thần nhân đạo của nhân dân ta, khẳng định sự thất bại tất yếu của quân xâm lược, làm cho giặc hoang mang, tự biết con đường duy nhất là phải chịu hòa mà rút về. Đánh giá về Nguyễn Trãi, Phan Huy Chú viết: “Quân trung từ mệnh tập có sức mạnh của mười vạn quân”(9).

Trước khi ra lệnh xuất quân ra Bắc, đại phá quân Thanh, Vua Quang Trung đã suy tính trước: “Quân Thanh sau khi thua, tất lấy làm xấu hổ, quyết không muốn hòa hiếu. Nhưng, hai nước đánh nhau, cũng không phải là phúc cho dân. Nên nay, chỉ có người nào khéo về giấy tờ (giỏi thương lượng, đàm phán), mới có thể ngăn được họa binh đao. Việc ấy, cần nhà ngươi (Ngô Thì Nhậm) chủ trương lấy”(10). Cuối cùng, sự việc diễn ra đúng như vậy.

Kiên quyết, kiên trì, vừa đánh vừa đàm, biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng, cũng là một trong những bản sắc truyền thống nổi bật của ngoại giao Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, do đặc điểm là quốc gia nhỏ, Việt Nam liên tục phải đấu tranh, đương đầu với các đế chế hùng mạnh gấp nhiều lần, luôn lăm le xâm chiếm…, do đó, cần biết thắng từng bước để đạt thắng lợi cuối cùng.

Đánh kết hợp với đàm là một bài học lớn của ông cha ta. Cùng với đấu tranh quân sự, ông cha ta đã vận dụng hết sức linh hoạt, hiệu quả các chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo; nhưng kiên quyết, khẳng định tư duy, trí tuệ, khí phách của một dân tộc không chịu khuất phục, không chịu làm chư hầu, lệ thuộc, để giữ yên bờ cõi.

Tiêu biểu là thời kỳ nhà Lý. Để ngăn chặn mưu đồ mở rộng lãnh thổ của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông đề cao cảnh giác, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh ngoại giao, như bang giao chính thức thông qua các sứ bộ, giao dịch buôn bán, trao đổi ở khu vực biên giới và tổ chức các hoạt động định biên, thống nhất biên giới; chủ động cử sứ giả sang nhà Tống cầu phong, xin kinh Đại tạng, thậm chí chấp nhận cống nạp, làm phiên thần để đạt được mục đích quốc gia – dân tộc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ. Hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời kỳ nhà Lý, nhất là các chính sách bang giao mềm dẻo không chỉ làm giảm bớt căng thẳng, ngăn chặn ý định xâm lược Đại Việt của nhà Tống, mà còn đòi lại được vùng đất Quảng Nguyên (Thuận Châu) vào năm 1079(11).

Đặc biệt, trong thời kỳ nhà Trần, mặc dù ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc, vua Trần vẫn kiên trì thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với nhà Nguyên để ngăn ngừa âm mưu tái xâm lược nước ta, giữ vững chế độ nhà Trần trong 175 năm.

Tư duy “biết thắng” thể hiện qua tâm thế hành xử của ông cha ta đối với sự thất bại của kẻ xâm lược. Xác định mục tiêu bất biến là “Chỉ cần vẹn đất, cốt sao an ninh” và “mở nền thái bình muôn thuở”, Nguyễn Trãi khẳng định rõ đường lối của nước Đại Việt sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh: “Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước; Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh; Sửa hòa hiếu cho hai nước; Tắt muôn đời chiến tranh”(12).

Có thể thấy, những chính sách trên thể hiện sâu sắc văn hóa ứng xử nhân văn, nghệ thuật ngoại giao “kiên quyết, kiên trì”, “biết người, biết ta”, “biết thời, biết thế”, “cương nhu kết hợp”, “tiến lúc mạnh, thoái lúc yếu”, “khoan hòa, linh hoạt” của cha ông ta trong lịch sử.

Ngoại giao Việt Nam luôn vì sự phát triển phồn vinh của dân tộc. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các hoạt động ngoại giao không chỉ phục vụ mục đích chính trị, quân sự, đấu tranh giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước, bảo toàn thể diện quốc gia, kiến tạo hòa bình cho dân tộc, mà còn góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Các sứ thần nước Đại Việt đã góp phần mở rộng các mối quan hệ giao lưu thương mại, văn hóa không chỉ với Trung Quốc mà còn với các quốc gia láng giềng khác, như Champa (Chiêm Thành), Java (Trảo Oa), Xiêm và các quốc gia láng giềng trên biển. Lịch sử ghi nhận ngay từ thời kỳ nhà Đinh, nước Đại Việt đã có các tàu, thuyền giao lưu buôn bán hàng hóa với nước ngoài; nhà Tiền Lê đã lập chốt buôn bán hàng hóa với Trung Quốc. Hàng hóa của nước Đại Việt được giới thiệu ra nước ngoài không chỉ bằng buôn bán thuần túy, mà còn theo hình thức cống nạp trực tiếp của các sứ bộ hoặc các thương nhân đi tham gia các đoàn ngoại giao ra nước ngoài (13).

Các sứ thần Đại Việt đều là những người trí thức danh tiếng, các bậc hiền tài, được vua tuyển chọn cẩn thận và tin dùng. Tiêu biểu là Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích,… có sứ mệnh ghi chép lại những kinh nghiệm hay, cách làm tốt của nước bạn và cả những kiến thức về quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, những giá trị văn hóa tiến bộ của các quốc gia, để tham khảo trong quá trình xây dựng nước Đại Việt.

Đó là những tấm gương như Lương Như Hộc (1420 – 1501), qua hai lần đi sứ phương Bắc đã tiếp thu nhiều kỹ thuật in khuôn bản gỗ, giúp nghề in nước ta phát triển(14). Hay như Lê Công Hành đi sứ năm 1646, đã mang về kinh nghiệm làm nghề thêu và lọng. Tương truyền, khi đó ông bị nhốt trên lầu cao ở nước bạn, đã tỉ mẩn dỡ từng đường chỉ thêu trên tấm nghi mô mà học được nghề này(15). Trạng Bùng Phùng Khắc Hoan được cử đi sứ hai lần vào các năm 1597 và 1606, khi đã gần 70 tuổi. Ông đã mang về nước Việt kỹ thuật dệt lụa và bí mật mang về hạt giống “ngọc mễ” (hạt ngô sau này).

Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: Nền tảng cốt lõi của bản sắc ngoại giao Việt Nam hiện đại

Lịch sử Việt Nam thời hiện đại có bước chuyển giai đoạn quyết định vào năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất. Là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Nhà nước Việt Nam hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng, trực tiếp chỉ đạo và dẫn dắt sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng của nước Việt Nam hiện đại(16).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là một hệ thống quan điểm về các vấn đề quốc tế, chiến lược, sách lược cách mạng Việt Nam trong quan hệ với thế giới(17). Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành trước hết từ con người Hồ Chí Minh, được hun đúc, kết tinh từ quá trình đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, đến tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin như một “cẩm nang thần kỳ” để giải phóng dân tộc. Đó là bước ngoặt cơ bản tạo nên sự phát triển về chất của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin tiếp tục được Đảng và Nhà nước, nhân dân Việt Nam trau dồi, học tập và phát triển, là kim chỉ nam cho đường lối đối ngoại Việt Nam, nhằm phát triển đất nước trên con đường độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Trong đó, quan trọng nhất là phương pháp luận mác-xít, chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép duy vật biện chứng… cùng quan điểm toàn diện, hệ thống để tiếp cận các vấn đề quốc tế và giải quyết mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế.

Có thể thấy rõ những nội hàm cơ bản của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đều bắt nguồn từ triết lý và truyền thống ngoại giao của ông cha ta. Trong đó, phải kể đến là mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa những giá trị đó lên tầm cao mới khi gắn với thực tiễn của thế giới, để đưa Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy của thời đại. Người chủ trương độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tự lực, tự cường gắn với đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại. Tư tưởng này được thể hiện rõ trong sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng dân tộc, trong ứng xử với các nước trên thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.

Bên cạnh những nội hàm về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, nội dung không kém phần quan trọng trong phương pháp ngoại giao Hồ Chí Minh, thể hiện phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là các bài học về dự báo thời cơ và nắm bắt thời cơ, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, “ngũ tri”, “hòa để tiến”, “phân hóa kẻ thù”… Tất cả đều bắt nguồn và được phát triển từ những triết lý, truyền thống và nghệ thuật ngoại giao của ông cha ta.

Lịch sử không chỉ xác nhận vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với vận mệnh dân tộc Việt Nam, mà còn đối với cả phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh suốt đời cho hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc. Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất”. Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp to lớn của Người vào sự nghiệp đấu tranh chung trên thế giới trước áp bức, bất công, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội(18).

Xuất phát từ tư tưởng, tầm nhìn chiến lược đến những sách lược, quyết sách táo bạo, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa cách mạng nước ta vượt qua nhiều tình huống khó khăn, hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”, từ những ngày đầu giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, đến công cuộc kháng chiến thành công trước thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Có thể khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm bản sắc ngoại giao Việt Nam, giúp bản sắc ngoại giao Việt Nam có được sức mạnh mới. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh chính là nền tảng tư tưởng cho tư duy đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ngọn hải đăng và kim chỉ nam để Đảng ta dẫn dắt cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, đồng thời đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, hội nhập toàn diện, sâu rộng trong thời kỳ đổi mới.

Phát huy giá trị trường tồn của bản sắc ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh mới

Cùng với quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, trong 35 năm qua, Việt Nam luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Đó là sự kết hợp, kế thừa và phát huy những triết lý truyền thống ngoại giao của ông cha ta về độc lập, tự chủ, hòa hiếu, chính nghĩa, vì lợi ích quốc gia – dân tộc… dưới ánh sáng mang tầm thời đại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội XIII (tháng 1-2021) của Đảng đã quyết sách những vấn đề quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc Việt Nam, phát huy nhân tố con người và khát vọng phát triển đất nước. Đại hội đã đặt ra yêu cầu đối với nền ngoại giao Việt Nam phải trở thành nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với sứ mệnh lịch sử là đi tiên phong trong việc mở ra vận hội phát triển mới cho đất nước(19).

Để thực hiện thành công những định hướng được Đại hội XIII của Đảng xác định, ngoại giao Việt Nam phải kế thừa truyền thống ngoại giao của ông cha và phát huy cao độ những bản sắc cốt lõi của ngoại giao Việt Nam, luôn phục vụ lợi ích quốc gia – dân tộc, trên cơ sở phù hợp với các giá trị phổ quát của nhân loại và hài hòa với lợi ích chính đáng của các đối tác.

Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập. Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Bản sắc ngoại giao Việt Nam là bản lĩnh được tôi rèn qua trường kỳ vất vả và gian lao. Bản sắc đó đã góp phần giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những thời khắc cam go nhất, để rồi “nhật – nguyệt hối mà lại minh, càn – khôn bĩ mà lại thái” – như Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô Đại cáo.

Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang kiên cường, đoàn kết nỗ lực nhằm vượt qua thử thách của dịch bệnh COVID-19, ngoại giao Việt Nam đang là “mũi chủ công” tham mưu triển khai trên mặt trận “ngoại giao vaccine”. Sự hợp tác và ủng hộ hết lòng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là một minh chứng sinh động cho bản sắc, đường lối ngoại giao sáng tạo, đúng đắn của chúng ta.

Trong một thế giới bất ổn và biến động không ngừng, ngoại giao – đối ngoại cùng với quốc phòng – an ninh là lực lượng tiên phong, trọng yếu, thường xuyên trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ phát triển đất nước. Để thực hiện được sứ mệnh đó, ngoại giao đã và đang phát huy những giá trị truyền thống và hiện đại của bản sắc ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, hết lòng, hết sức đóng góp cho sự phát triển và trường tồn của dân tộc.

———————————-

Chú thích:

(1) Xem: Nguyễn Lương Bích: Lược sử Việt Nam các thời trước, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 9 – 10
(2) Xem: Trần Minh Trưởng (Chủ biên): Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 22 – 23
(3) Đại Việt Sử ký toàn thư (Hoàng Văn Lâu dịch, GS. Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t. II, 1998
(4) Châu Hải Đường: An Nam truyện, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2018, tr. 57
(5) Đại Việt sử ký toàn thư (Cao Huy Giu dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, t. 3, tr. 119
(6) Xem: Khuê Mộc: “Chính sách ngoại giao của triều Mạc”, Báo An ninh thủ đô điện tử, ngày 6-7-2015, https://anninhthudo.vn/chinh-sach-ngoai-giao-cua-trieu-mac-post243869.antd
(7) Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Đại Việt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 42 – 43
(8) “Vị thẩm hà thời trùng đổ diện/Ân cần ác thủ tự huyên lương”, Viện Văn học: Thơ văn Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 425
(9) Lưu Văn Lợi: Ngoại giao Đại việt, Sđd, tr. 124
(10) Trần Ngọc Ánh: “Ngoại giao Tây Sơn – Những tư tưởng đặc sắc và bài học lịch sử”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 1(30), 2009
(11) Xem: Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2006, tr. 203
(12) Hoàng Khôi: Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 160
(13) Xem: Nguyễn Thị Phương Chi, Nguyễn Tiến Dũng: “Về các mối giao thương của quốc gia Đại Việt thời Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, 2007, số 07, tr. 23
(14), (15) Nguyễn Thế Long: Chuyện đi sứ, tiếp sứ thời xưa, Nxb. Thông tin, Hà Nội, 2001
(16) Xem: Vũ Khoan: “Hồ Chí Minh – Người đặt nền móng cho sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 8-2015
(17) Xem Nguyễn Dy Niên: Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002
(18) Nguyễn Minh Vũ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – biểu tượng hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc”, Tạp chí nghiên cứu Hồ Chí Minh, số 3-2021, tr. 33
(19) Bùi Thanh Sơn: “Phát huy vai trò đối ngoại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước vì mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 8-6-2021, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/phat-huy-vai-tro-doi-ngoai-phuc-vu-su-nghiep-phat-trien-dat-nuoc-vi-muc-tieu-dan-giau-nuoc-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh-582594.html

Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN