Tâm thế mới của ngoại giao đa phương Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, góp phần giúp Việt Nam khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

 

tam the moi cua ngoai giao da phuong viet nam
Việt Nam chủ trì một phiên thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tháng 1/2020. (Nguồn: UN)

 

Đối ngoại đa phương đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng ngay từ ngày đầu thành lập nước và đã đạt nhiều thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ “tham gia” đến “định hình”

Thời kỳ 1945-1975, đối ngoại đa phương đã góp phần khẳng định vị thế của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất với những quyền dân tộc cơ bản trên trường quốc tế, hình thành mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có để ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những cuộc đàm phán đa phương với các cường quốc tại Geneva năm 1954, các vòng đàm phán Paris kéo dài từ năm 1968 đến đầu năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là những dấu son nổi bật của đối ngoại Việt Nam nói chung và đối ngoại đa phương nói riêng.

Trong các tổ chức và diễn đàn đa phương thường diễn ra sự tập hợp lực lượng rất đa đạng nhằm tìm kiếm đồng minh, dung hòa mâu thuẫn, ứng phó với các quan điểm, thế lực không có lợi đối với mình, phấn đầu cho ước vọng cao cả của loài người như hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội. Đây chính là nơi chúng ta có thể thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với các vấn đề nóng bỏng của nhân loại, đồng thời vận dụng phương châm “ứng vạn biến”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến nay), đối ngoại đa phương Việt Nam đã trưởng thành mạnh mẽ, triển khai toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế - phát triển, xã hội và văn hóa, ngày càng tích cực, chủ động, đa dạng về cấp độ, phương thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phá thế bao vây cấm vận, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, nâng cao vị thế đất nước, thu hút mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Thời gian qua đã chứng kiến các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam ngày càng được khẳng định, đặc biệt với việc đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế như Chủ tịch ASEAN năm 2010, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2008-2009 và chủ nhà Năm APEC 2006 và 2017. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai vào tháng 2/2019.

Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm trọng trách “kép” Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là cơ hội hết sức quan trọng để Việt Nam thể hiện năng lực và chủ động, tích cực cùng bạn bè quốc tế khơi dậy tinh thần đa phương và hợp tác quốc tế, nhất là giữa LHQ với ASEAN. 

Hai trọng trách đa phương gắn kết góp phần thúc đẩy lợi ích chung giữa Việt Nam với cộng đồng khu vực và quốc tế, đồng thời làm nổi bật vai trò của Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa LHQ và ASEAN, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Sự trưởng thành vượt bậc

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2020 có dấu ấn đặc biệt quan trọng bởi chưa bao giờ trong một năm, Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm hai trọng trách như vậy. “Trách nhiệm nặng nề nhưng cũng nói lên sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, các định chế toàn cầu, như ASEAN, APEC, ASEM, LHQ, Không liên kết, G20, G7, Pháp ngữ… Thực tế cho thấy, mỗi lần đăng cai những hoạt động đa phương lớn đều đem lại nhiều lợi ích cho đất nước ta, trong đó có việc nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế”, Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh.

Ngoại giao hiện nay không còn đơn giản, nó mang nhiều tầng lớp ý nghĩa hơn. Ngoại giao bây giờ không còn chỉ là những cuộc trao đổi về chính trị hay kinh tế đơn thuần, mà còn bao hàm nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, ngoại giao công chúng, truyền thông đối ngoại, quảng bá đất nước... Chính vì vậy, Việt Nam đã cần phải đổi mới, đẩy mạnh ngoại giao tổng lực, nhất là với ngoại giao đa phương.

Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội

Chia sẻ về tầm nhìn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, với chủ đề và những ưu tiên của năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, tự cường. Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các bạn bè, đối tác củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Với vai trò là thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ và là Chủ tịch luân phiên trong tháng 1/2020 và tháng 4/2021, Việt Nam gánh vác trách nhiệm bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tham gia giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia. 

“Trong nhiệm kỳ của mình, Việt Nam cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, hội nhập và phát triển, giải quyết hậu quả chiến tranh, bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ và trẻ em trong hòa bình, an ninh, thúc đẩy nỗ lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Đây là những vấn đề Việt Nam đã có kinh nghiệm, đang tham gia tích cực và sẵn sàng chia sẻ với các nước”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định. 

Tầm mức mới, trọng tâm mới

Tại Tọa đàm “Nâng tầm ngoại giao đa phương Việt Nam: Từ phá bao vây cấm vận đến hòa giải, dẫn dắt, tham gia định hình luật chơi” do Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, trao đổi về những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với ngoại giao đa phương trong thời gian tới, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh, có ba vấn đề cần nắm rõ: Xác định được xu thế của đa phương thế giới, liên kết đa phương là nòng cốt; quá trình định hình của xu thế đa phương thay đổi rất nhanh, còn diễn biến lâu dài; các thách thức hiện nay trở nên rất gay gắt (dịch Covid-19, chiến tranh thương mại...), những thách thức đòi hỏi các giải pháp đa phương.

Tầm mức mới của đa phương khác trước rất nhiều, thể hiện trên bốn khía cạnh: Thứ nhất, về mục tiêu là môi trường hoà bình an ninh rộng lớn, toàn diện; mục tiêu là tạo ra vị thế - không gian mới của đối ngoại và lực - nguồn lực mới, không gian phát triển; Thứ hai, các tiếp cận mang tính đa tầng nấc, liên ngành, gắn chuyển đổi số và phát triển bền vững, các chủ thể tham gia; Thứ ba, Việt Nam đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải; Thứ tư, Việt Nam chủ động tham gia, tích cực định hình các cơ chế, luật chơi...

Từ đó, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh bốn trọng tâm của ngoại giao đa phương trong thời gian tới: Đảm nhận vai trò rộng lớn hơn (sáng kiến, ý tưởng, đóng góp chính sách, nhân lực, tài chính; chủ trì, điều phối, khởi xướng ý tưởng, dẫn dắt với vai trò kép tại ASEAN và Hội đồng Bảo an LHQ...), tham gia định hình cấu trúc, cơ chế, luật chơi mới; liên kết kinh tế sâu rộng, gắn chuyển đổi số và phát triển bền vững; hoàn tất các cam kết quan trọng (Tầm nhìn ASEAN 2025 và sau 2025, Tầm nhìn APEC 2040...)

Việt Nam đã được các quốc gia tại Liên hợp quốc nhất trí bầu chọn là đại diện của châu Á đảm đương vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc hai lần được bầu nắm giữ vai trò này (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu gần như tuyệt đối cho thấy, Việt Nam được nhìn nhận là một thành viên tích cực và đáng tin cậy không chỉ của khu vực châu Á -Thái Bình Dương mà cả trong mắt cộng đồng quốc tế.

Vì sao? Vì Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần độc lập và tự chủ trong các vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời có tiếng về chuyên môn và kinh nghiệm.

Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Australia

PHAN MÍCH (tổng hợp)

Nguồn: TG&VN

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link