Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Chính phủ thiểu số của Pháp đã sụp đổ sau khi thủ tướng Michel Barnier thất bại trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ông sẽ từ chức trong những ngày tới. Các đảng cánh tả và cực hữu đã đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm vào thứ Hai sau khi ông Barnier cố gắng thông qua một dự thảo ngân sách mà không có sự phê duyệt của quốc hội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Pháp lật đổ chính phủ kể từ năm 1962.
Brian Thompson, CEO công ty bảo hiểm y tế UnitedHealthcare của Mỹ, đã bị sát hại ở Manhattan, thành phố New York. Ông bị bắn vào ngực và chân trong một vụ tấn công mà cảnh sát cho là có chủ đích. Hiện cảnh sát vẫn đang truy tìm nghi phạm. UnitedHealth Group, công ty mẹ của UnitedHealthcare, là công ty bảo hiểm y tế tư nhân lớn nhất tại Mỹ, với doanh thu 371,6 tỷ USD trong năm 2023.
Đảng đối lập Hàn Quốc đã trình một dự luật luận tội tổng thống Yoon Suk Yeol, gọi nỗ lực đảo chính ngắn ngủi của ông là “tội ác không thể tha thứ.” Hôm thứ Ba ông Yoon đã tuyên bố thiết quân luật, cấm tất cả các đảng phái chính trị và hạn chế tự do báo chí. Nhưng chỉ sau sáu giờ, sau khi các chính trị gia đối lập tự phong tỏa bên trong toà nhà quốc hội và người biểu tình tràn ra đường phố, ông đã thay đổi quyết định.
Một quan chức Liên Hợp Quốc nói với hãng tin AFP rằng 115.000 người đã bị buộc phải di dời ở Syria kể từ tuần trước. Lực lượng chính phủ được cho là đã đẩy lùi các nhóm nổi dậy gần Hama, thành phố lớn thứ tư Syria, vào hôm qua. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết quân đội đã tái chiếm các thị trấn ở tỉnh Hama mà các nhóm nổi dậy đoạt được hôm thứ Ba.
Các luật sư của Donald Trump cho rằng vụ kiện liên quan đến nỗ lực can thiệp bầu cử của ông ở bang Georgia nên bị bác bỏ, vì tổng thống đương nhiệm được miễn truy tố hình sự. Vụ án hiện đang bị đình chỉ trong khi tòa phúc thẩm xem xét liệu công tố viên đưa ra các cáo buộc có nên bị loại vì những hành vi không phù hợp hay không. Hai cáo buộc liên bang khác đối với tổng thống đắc cử đã bị hủy bỏ.
Ông Trump đã chọn Paul Atkins làm chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Ông Atkins, từng làm việc ở SEC dưới thời George Bush, được kỳ vọng có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đối với tiền điện tử so với chủ tịch hiện tại của SEC, Gary Gensler. Trong khi đó, ông Trump được cho là đang cân nhắc đề cử Ron DeSantis, thống đốc Florida, làm bộ trưởng quốc phòng, thay thế cho lựa chọn ban đầu của ông là Pete Hegseth.
Chiếc xe giáo hoàng nổi tiếng (popemobile) đang được nâng cấp. Mercedes-Benz, nhà sản xuất xe cho các giáo hoàng trong gần một thế kỷ qua, đã giới thiệu mẫu xe mới nhất cho Giáo hoàng Francis. Chiếc SUV mui trần chạy hoàn toàn bằng điện và được trang bị ghế sưởi và tay vịn để giúp vị giáo hoàng 87 tuổi thoải mái khi chào đón đám đông. Giáo hoàng Francis thường tránh sử dụng xe chống đạn; và Mercedes không bình luận về các tính năng an ninh của phiên bản này.
TIÊU ĐIỂM
Khối Mercosur họp thượng đỉnh
Tổng thống Argentina Javier Milei và Luiz Inácio Lula da Silva, người đồng cấp Brazil, sẽ tới Uruguay dự hội nghị thượng đỉnh Mercosur bắt đầu vào thứ Năm. Liên minh hải quan này, bao gồm Argentina, Brazil, Bolivia và Paraguay, đang đối mặt với nhiều khó khăn do thuế quan bên ngoài cao và các rào cản thương mại trong nội khối.
Trước hội nghị đã có những đồn đoán về một bước tiến lớn cho khối. Tin đồn xoay quanh việc các nhà lãnh đạo sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại —được đàm phán trong suốt 25 năm qua — với Liên minh châu Âu. Nhưng chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra, và điều này vẫn còn chưa chắc chắn. Với mong muốn bảo vệ nông dân của mình, Pháp tiếp tục phản đối thỏa thuận.
Uruguay và Argentina mong muốn mở rộng thương mại với thế giới bên ngoài. Nếu Mercosur không thể đáp ứng được, họ có ý định ký các thỏa thuận thương mại độc lập. Họ vẫn muốn ở lại một phiên bản linh hoạt hơn của khối, nhưng ông Milei đã đe dọa rút hoàn toàn. Đây có thể là thời điểm then chốt đối với tương lai của Mercosur.
Chính phủ Anh công bố kế hoạch hành động cho phần còn lại của nhiệm kỳ
Vào thứ Năm, thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ công bố những mục tiêu mà chính phủ của ông muốn đạt được trước cuộc bầu cử tiếp theo. “Kế hoạch cho sự thay đổi” này được thiết kế như một lộ trình cho phần còn lại của nhiệm kỳ, với các cột mốc có thể định lượng được trong các lĩnh vực như y tế, tội phạm, và giáo dục.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 7, chính phủ của ông Starmer đã bị chỉ trích vì thiếu định hướng rõ ràng và mang tính học thuật quá mức. Theo các quan chức, sáng kiến mới là nhằm “mang lại những cải thiện thực tế và rõ ràng cho cuộc sống của người lao động.” Nhưng câu hỏi lớn là tại sao phải mất nhiều tháng mới có một kế hoạch như vậy.
Chris Wormald, người vừa được bổ nhiệm làm thư ký nội các vào thứ Hai, sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Là một công chức chuyên nghiệp với kinh nghiệm lãnh đạo các bộ y tế và giáo dục, ông Wormald hiện là quan chức không qua bầu cử cao cấp nhất tại Anh. Starmer hy vọng ông có thể đảm đương thách thức này.
Ba Lan chuẩn bị làm chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu
Vào thứ Năm, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk sẽ tiếp Roberta Metsola, chủ tịch Nghị viện châu Âu, tại Warsaw. Hai người sẽ thảo luận về việc Ba Lan tiếp quản vai trò chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu vào tháng 1. Là cựu chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Tusk có tầm ảnh hưởng lớn ở Brussels. Hồi tháng 10, việc ông phản đối chính sách tị nạn tự do của EU đã được các nhà lãnh đạo châu Âu khác khen ngợi. Đồng thời, các lời kêu gọi lâu dài của Ba Lan về việc tăng ngân sách quốc phòng ở châu Âu (với chi tiêu quân sự chiếm 4,1% GDP, cao nhất NATO) đang ngày càng nhận được nhiều ủng hộ, đặc biệt khi nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump đang đến gần.
Ông Tusk dự kiến sẽ sử dụng nhiệm kỳ chủ tịch của Ba Lan để thúc đẩy nhiều đảm bảo chính trị, tài chính, và quân sự hơn cho Ukraine. Nhưng ông cũng có thể tận dụng vị trí này để củng cố mục tiêu chính trị trong nước. Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, liên minh tự do của ông sẽ tìm cách giành chức tổng thống Ba Lan, vốn đã thuộc về phe đối lập với chủ nghĩa hoài nghi EU suốt một thập niên qua. Một vị thế nổi bật ở châu Âu có thể giúp ích cho ông.
OPEC không thể tăng sản lượng
Vào thứ Năm, OPEC và các đồng minh sẽ họp để đặt ra hạn ngạch sản xuất cho đầu năm 2025. Nhóm này, chiếm một nửa lượng dầu của thế giới, dự kiến sẽ tiếp tục kiềm chế sản xuất và hoãn kế hoạch tăng 180.000 thùng mỗi ngày — bị hoãn từ tháng 10 — cho đến ít nhất sau quý đầu năm 2025.
Kể từ năm 2022, OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu đã cắt giảm sản lượng 5,9 triệu thùng mỗi ngày — hơn 5% nhu cầu toàn cầu — nhằm hỗ trợ giá dầu. Nhưng bất chấp những đợt cắt giảm, giá dầu phần lớn vẫn dao động quanh mức 70-80 USD/thùng kể từ tháng 1. Tăng trưởng toàn cầu suy yếu và độ phủ sóng ngày càng gia tăng của xe điện đã làm giảm nhu cầu dầu. Trong khi ấy, các nhà sản xuất ngoài OPEC, đặc biệt là Mỹ, lại tăng sản lượng. Không rõ khi nào OPEC sẽ tăng sản lượng trở lại. Tháng trước, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm nay và năm sau — lần điều chỉnh giảm thứ tư chỉ trong năm 2024.
Theo Nghiên cứu Quốc tế