Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Donald Trump cho biết ông sẽ không sa thải Jerome Powell, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sau khi có tin cho thấy ông đã thảo luận kế hoạch này với các nghị sĩ Cộng hòa vào thứ Ba. Được biết, ông Trump đã ra một lá thư yêu cầu cách chức ông Powell trong cuộc họp. Đồng đô la Mỹ giảm giá và lợi suất trái phiếu kho bạc tăng sau các báo cáo này. Chính quyền Trump đã gây áp lực lên Fed trong nhiều tháng để cắt giảm lãi suất.
Israel không kích trụ sở bộ quốc phòng Syria tại thủ đô Damascus. Giới chức Israel từng đe dọa sẽ leo thang tấn công nếu chính phủ Syria không rút quân khỏi khu vực gần biên giới hai nước. Chính phủ Syria đã điều quân để dập tắt xung đột giáo phái giữa người Druze và các bộ tộc Bedouin dòng Sunni, nhưng sau đó quân đội chính phủ đã đụng độ với lực lượng Druze. Hôm thứ Tư, chính phủ và các nhóm Druze đã tuyên bố ngừng bắn.
Canada áp đặt các biện pháp hạn chế đối với thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Thủ tướng Mark Carney đặt hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia ngoài Mỹ và Mexico, đồng thời cam kết áp thuế 25% đối với các sản phẩm chứa thép được gia công tại Trung Quốc. Các nhà cung cấp thép Canada cho biết họ đang bị chèn ép bởi thép giá rẻ và thuế quan từ Mỹ.
Tỷ lệ lạm phát tại Anh tăng lên 3.6% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 3.4% của tháng 5. Chủ yếu do chi phí nhiên liệu, mức tăng này cao hơn kỳ vọng. Lạm phát ở Anh vẫn dai dẳng hơn so với các nền kinh tế tương đương, và ngân hàng trung ương Anh cũng chậm hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Các nhà hoạch định chính sách dự kiến sẽ họp vào tháng 8.
Goldman Sachs ghi nhận lợi nhuận 3.7 tỷ USD trong quý hai năm nay. Kết quả vượt kỳ vọng này chủ yếu nhờ vào mảng giao dịch cổ phiếu, vốn hưởng lợi từ sự biến động mà các chính sách thuế quan của ông Trump gây ra. Morgan Stanley cũng báo cáo lợi nhuận 3.5 tỷ USD, với hiệu suất mạnh mẽ từ các nhà giao dịch và bộ phận quản lý tài sản khổng lồ.
Một đảng Do Thái Chính thống ở Israel cho biết sẽ rút khỏi chính phủ vì tranh cãi kéo dài liên quan đến luật nghĩa vụ quân sự. 11 thành viên của Đảng Shas sẽ nối gót những người của đảng United Torah Judaism rời chính phủ. Song họ cho biết sẽ không bỏ phiếu để lật đổ thủ tướng Binyamin Netanyahu, cho phép ông tiếp tục cầm quyền tạm thời.
Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một phụ nữ bị cáo buộc quan hệ tình dục với các nhà sư rồi tống tiền họ để che đậy hành vi sai trái. Người phụ nữ này bị phát hiện giữ hơn 80,000 bức ảnh và video được cho là dùng để tống tiền, và được cho là đã nhận gần 12 triệu USD. Vụ bê bối làm rúng động giới Phật giáo vốn được tôn kính ở Thái Lan; hầu hết các nhà sư tại nước này phải tuân thủ giới luật không quan hệ tình dục. Sự việc đã khiến chín nhà sư phải hoàn tục.
Con số trong ngày: 0.2%, là tỷ lệ GDP mà Iceland chi cho quốc phòng. Con số này có thể sẽ sớm thay đổi.
TIÊU ĐIỂM
TSMC hưởng lợi từ cơn sốt AI
TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, sẽ công bố đầy đủ kết quả quý vào thứ Năm. Doanh thu quý hai ước đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Đài Loan này thống lĩnh lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến dùng cho trí tuệ nhân tạo. Nhu cầu tăng mạnh từ các hãng thiết kế chip như Nvidia và Broadcom dự kiến sẽ giúp doanh thu của TSMC tăng khoảng 25% trong năm nay. Những lời đe dọa áp thuế của Donald Trump vẫn chưa ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường.
Song vẫn có những rủi ro. Giới chức Mỹ đang điều tra xem liệu TSMC có vi phạm kiểm soát xuất khẩu hay không sau khi chip do TSMC sản xuất được tìm thấy trong thiết bị của Huawei, một tập đoàn công nghệ Trung Quốc. TSMC cũng đang mở rộng ra ngoài lãnh thổ Đài Loan. Hồi tháng 3, công ty cam kết đầu tư 100 tỷ USD để xây ba nhà máy và cơ sở tại Arizona; hiện đã có một nhà máy đi vào hoạt động và hai nhà máy khác đang được xây dựng. Những trở ngại tiềm ẩn gồm chi phí cao và khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực tay nghề cao. Tuy nhiên, trong vai trò “nhà cung cấp xẻng” cho cơn sốt vàng AI, TSMC hiện vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Một tinh thần thời đại mới: Hữu nghị Anh–Đức
Báo lá cải và giới thể thao Anh thường thích cường điệu hóa mối thù lịch sử với Đức. Nhưng lần này có vẻ họ đã lạc nhịp thời đại. Vào thứ Năm, thủ tướng Đức Friedrich Merz sẽ có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Anh. Nhân kỷ niệm 80 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai, ông Merz và thủ tướng Anh Sir Keir Starmer sẽ ký một hiệp ước “hữu nghị” toàn diện giữa hai nước.
Phần lớn thỏa thuận sẽ tập trung vào quốc phòng và an ninh. Anh và Đức dự kiến sẽ nhất trí điều khoản hỗ trợ lẫn nhau nếu một trong hai bên bị tấn công. Hiệp ước cũng sẽ mở rộng từ Thỏa thuận Trinity House đã ký năm ngoái, vốn khuyến khích hợp tác sâu rộng hơn về công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang. Ngoài ra, hiệp ước còn giải quyết các vấn đề tồn đọng về thương mại, di cư trái phép, và giao lưu văn hóa – những chủ đề đã gây căng thẳng kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu.
Bộ trưởng tài chính Mỹ vắng mặt tại cuộc họp G20
Bộ trưởng tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ không tham dự cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 vào thứ Năm. Họ sẽ tụ họp về Nam Phi giữa bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và một vòng áp thuế mới của Mỹ sắp có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8. Đây là cuộc họp quan trọng để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11.
Đây sẽ là hội nghị G20 đầu tiên được tổ chức tại châu Phi. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa muốn nhân dịp này thúc đẩy việc cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho các nước nghèo và hành động mạnh mẽ hơn về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự vắng mặt của ông Bessent có thể làm lu mờ chương trình nghị sự. Quan hệ giữa chính quyền Trump và Nam Phi khá căng thẳng – ông Trump từng đưa ra cáo buộc sai lệch rằng có “diệt chủng” nhắm vào nông dân da trắng tại nước này. Nam Phi cũng là thành viên nhóm BRICS mà ông Trump gọi là “chống Mỹ” và đe dọa áp thêm thuế.
Theo Nghiên cứu Quốc tế