Thế giới hôm nay: 23/09/2021

Một số tin tức đáng chú ý trên thế giới ngày  23/9/2021 trên tờ the Economist

Nguồn: The Economist Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ báo hiệu có thể “sớm” giảm mua trái phiếu, hiện ở mức 120 tỷ đô la một tháng – có lẽ vào kì họp tháng 11 tới. Một nửa ủy ban hoạch định chính sách của Fed đã thống nhất tăng lãi suất trong năm tới từ mức gần bằng 0 hiện tại. Ngoài ra ngân hàng cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Mỹ xuống 5,9%, đồng thời nâng dự báo lạm phát lên 4,2%.

Pháp sẽ đưa đại sứ quay lại Mỹ vào tuần tới sau khi tổng thống hai nước điện đàm hòa giải. Hiệp ước quốc phòng mới Mỹ-Úc-Anh (AUKUS), vốn làm mất lòng Pháp, đáng lẽ được hưởng lợi từ “các cuộc tham vấn cởi mở giữa các đồng minh”, như lời tuyên bố chung – dù Joe Biden không xin lỗi. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp trực tiếp vào tháng tới.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bơm 90 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để xoa dịu những lo ngại về Evergrande, một công ty bất động sản Trung Quốc mắc nợ nặng nề đang gây chấn động thị trường chứng khoán. Trong một diễn biến khác, công ty cho biết sẽ trả các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ đến hạn vào thứ Năm. Song họ không làm vậy với nợ bằng đồng đô la.

Đài Loan nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gần một tuần sau khi Trung Quốc nộp đơn, theo truyền thông địa phương. Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua cho biết bà lo ngại về quyết định “đột ngột” của Trung Quốc khi nộp đơn xin gia nhập CPTPP, một liên minh thương mại chiến lược từ lâu được coi làm nhằm chống Trung Quốc.

Viện Nghiên cứu Kinh tế (Institute for Economic Research) đã giảm 0,8% dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Đức xuống còn 2,5%, do gián đoạn chuỗi cung ứng và phục hồi hậu covid chậm hơn dự kiến. Tăng trưởng GDP dự kiến ​​tăng lên 5,1% trong năm 2022, dù chủ yếu là vì nền kinh tế lấy lại những gì đã mất trong năm 2020.

Chính phủ Lebanon tăng giá nhiên liệu lên 16%, lần tăng thứ hai trong vòng 5 ngày vì phải giảm dần trợ cấp. Theo Ngân hàng Thế giới, cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại của nước này thuộc vào hàng tồi tệ nhất thế giới trong 150 năm qua. Khan hiếm nhiên liệu đã thổi bùng bạo lực trong những tháng gần đây, và ngân hàng trung ương cho biết họ không còn đủ khả năng để trợ cấp cho giá nhiên liệu nữa.

Một phụ tá hàng đầu của tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã sống sót sau một vụ ám sát khi đang đi xe qua Lesnyky, một ngôi làng gần thủ đô Kyiv. Ông Serhiy Shefir không hề hấn gì dù tài xế của ông phải nhập viện. Tổng công tố viên Ukraine đã công bố một bức ảnh miêu tả các lỗ đạn trên chiếc xe của ông Shefir.

Con số trong ngày: Hơn 1 nghìn tỷ đô la, là tổng số giá trị mà các cổ đông bị mất trong năm nay, khi Trung Quốc đàn áp sâu rộng các công ty công nghệ internet.

TIÊU ĐIỂM

Hồ sơ nhân vật: ứng viên thủ tướng Nhật Kono Taro

Kono Taro dường như là ứng viên số một để kế nhiệm thủ tướng Suga Yoshihide làm người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và trở thành thủ tướng tiếp theo. Ông nội của ông từng là phó thủ tướng, trong khi cha ông là chủ tịch hạ viện và chủ tịch LDP. Bản thân ông Kono cũng từng là bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng, và hiện đang giám sát quá trình triển khai vắc-xin của Nhật Bản.

Nhưng ông cũng là một nhân vật khác thường. Với 2,4 triệu người theo dõi, ông là chính trị gia nổi tiếng nhất trên Twitter ở Nhật Bản. Ông học đại học ở Mỹ và nói tiếng Anh trôi chảy. Theo tiêu chuẩn của chính trị Nhật Bản, ông khá trẻ khi chỉ mới 58 tuổi. Ông nổi tiếng khác biệt với những quan điểm rất không chính thống, chẳng hạn như kêu gọi Nhật Bản chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân từ rất lâu trước khi thảm họa Fukushima xảy ra năm 2011.

Tính cách độc đáo giúp ông trở thành người dẫn đầu cuộc bầu cử chức chủ tịch LDP, diễn ra vào ngày 29 tháng 9. Không như các đối thủ chính, Kishida Fumio và Takaichi Sanae, ông thực sự có sức hút với cử tri, và hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận với khoảng cách lớn. Nhiều nhà lập pháp trẻ coi ông như niềm hy vọng để giúp họ giữ ghế trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 và đã quyết định ủng hộ ông.

Nhưng nếu ông Kono không thể thắng đa số trong vòng đầu, tức vòng của các đảng viên, ông sẽ phải đối mặt với vòng hai, nơi các nghị sĩ có tiếng nói hơn. Dù được người dân ủng hộ, một số người cánh hữu trong đảng nghi ngờ ông quá tự do. Họ sợ ông có thể theo chân cha mình, người vào năm 1993 đã làm một việc chưa từng có là xin lỗi các “phụ nữ giải khuây” (comfort women) bị buộc phải làm việc trong các nhà thổ thời chiến của Nhật Bản trên khắp châu Á.

Đối với nhiều nhân vật lâu năm trong đảng, ông Kono dường như cũng quá khó kiểm soát. Ông đã cố gắng xoa dịu họ bằng cách làm dịu một số lập trường trước đây của mình, chẳng hạn như phản đối năng lượng hạt nhân. Đối với một số người, điều đó thể hiện một chính trị gia không có bản lĩnh. Nhưng đối với nhiều người khác, nó cho thấy sự thực dụng chín chắn của một chính trị gia nghiêm túc.

Liên Hợp Quốc họp bàn lạm phát giá lương thực

Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực của Liên Hợp Quốc, tổ chức vào thứ Năm này, dù chỉ kéo dài một ngày nhưng có mục tiêu đầy tham vọng – “kích hoạt chuyển đổi các hệ thống lương thực trên toàn thế giới.” Hội nghị hy vọng sẽ làm cho chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu trở nên công bằng, xanh và lành mạnh hơn.

Mục tiêu tham vọng là cần thiết. Giá lương thực đã tăng trong 13 trên 15 tháng qua, tiến gần tới đỉnh của năm 2011. Chi phí tăng cao một phần do các yếu tố nhất thời, chẳng hạn như việc Trung Quốc mua ngô và đậu nành làm thức ăn chăn nuôi để tái đàn sau dịch cúm lợn 2018. Và cuối cùng là việc covid-19 tàn phá vận chuyển toàn cầu, trong khi hạn hán gây mất mùa ở nhiều nơi.

Không có vấn đề nào trong số này có thể giải quyết ngay lập tức, và tất cả đều có thể lặp lại. Nóng lên toàn cầu cũng khiến chuỗi cung ứng chịu rủi ro, và nỗ lực hạn chế rủi ro có thể khiến thị trường kém hiệu quả hơn, từ đó làm tăng chi phí.

Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết không tăng lãi suất

Sahap Kavcioglu, thống đốc ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 3, từng hứa sẽ giữ lãi suất cho vay cao hơn lạm phát để giúp giá cả không tăng. Với lạm phát hiện ở mức 19,25%, cao hơn lãi suất cơ bản 19% của ngân hàng, ông Kavcioglu nên xem xét tăng lãi suất vừa phải tại cuộc họp hội đồng chính sách tiền tệ của ngân hàng vào thứ Năm.

Thay vào đó ông dường như quyết tâm nới lỏng – nếu không bây giờ cũng là vài tuần tới. Dấu hiệu gần nhất đến vào đầu tháng 9 khi thống đốc cho biết sẽ đưa ra quyết định dựa trên lạm phát cơ bản 16,76% vào tháng trước, tức bỏ qua giá thực phẩm và năng lượng. Đồng lira giảm ngay sau tuyên bố của ông. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rất ghét lãi suất cao, và kể từ đầu mùa hè đã hứa giảm lãi suất. Ông có thể toại nguyện. Nếu không ông Kavcioglu sẽ mất chức.