
Ngoại trưởng Marsudi nhấn mạnh rằng ARF phản ánh tính ưu việt của đối thoại và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời giúp tăng cường hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh xuyên biên giới. Bà cũng nêu bật tầm quan trọng của việc không bỏ qua các mối đe dọa khủng bố và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong thời kỳ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 diễn ra ngày 9/9 theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Marsudi đã bày tỏ lo ngại về những dấu hiệu gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Theo bà, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, khu vực đã chứng kiến những thay đổi địa chính trị mang tính chiến lược, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Á. Theo đó, các cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tiếp tục gia tăng trên nhiều mặt, trong khi nhiều quốc gia đang sử dụng chủ nghĩa đơn phương và theo đuổi lợi ích quốc gia của riêng mình.
Ngoại trưởng Marsudi kêu gọi các đối tác của EAS tái khẳng định cam kết đối với việc tôn trọng luật pháp quốc tế, từ bỏ đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Bà khẳng định đối đầu sẽ không có lợi cho bất kỳ bên nào. Thay vào đó, các nước cần tập trung sức lực vào việc thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn và cùng có lợi trong khu vực, trong đó lấy ASEAN làm động lực, phù hợp với Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Bà Marsudi hối thúc các nước tôn trọng các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời nhấn mạnh bằng cách tôn trọng luật pháp quốc tế, các nước sẽ chứng kiến một Biển Đông hòa bình và ổn định.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Marsudi cũng nhắc nhở rằng ASEAN và Trung Quốc đều có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định; tôn trọng các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế ở Biển Đông, trong đó có UNCLOS.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết Ngoại trưởng Don Pramudwinai đã nêu bật tình hình an ninh trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc và đại dịch COVID-19 hoành hành, điều cần có hiện nay là sự hợp tác trong khu vực và quốc tế để tạo ra khả năng phục hồi và thích ứng.
Nhân dịp này, Thái Lan đề nghị thiết lập một cơ chế tham vấn trong khuôn khổ ARF để tạo không gian cho các cường quốc bên ngoài có xung đột về những lợi ích biến xung đột thành hợp tác.
Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, hội nghị ARF đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế. Các văn kiện được thông qua tại hội nghị bao gồm Kế hoạch Hành động Hà Nội II (2020-2025), Tuyên bố ARF về tăng cường hợp tác trong phòng chống sự bùng phát của dịch bệnh truyền nhiễm, Tuyên bố ARF về hợp tác trong lĩnh vực an ninh công nghệ thông tin trong bối cảnh phát triển kinh tế số và Tuyên bố ARF về điều trị cho trẻ em bị tuyển dụng hoặc có liên quan tới các nhóm khủng bố.
Ngoài ra, hội nghị còn ghi nhận Tài liệu hướng dẫn về quy trình, thủ tục của ARF.
Trong khoảng thời gian 2020-2021, Thái Lan sẽ đồng tổ chức với các bên tham gia ARF các hội thảo và khóa đào tạo của ARF về Chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh của Liên hợp quốc (WPS), quản lý rác thải đại dương, an toàn tàu phà và tìm kiếm cứu nạn đô thị.
Trần Minh (tổng hợp)
Nguồn: TTXVN