Bài toán chọn bên ở Biển Đông: Việt Nam đứng về phía lợi ích quốc gia - dân tộc

Trả lời phỏng vấn của VOV, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, việc Mỹ thay đổi lập trường về Biển Đông nên được xem xét trong tổng thể chính sách của nước này đối với Trung Quốc thời gian gần đây. Có thể thấy là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra ngày càng gay gắt và toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế, khoa học công nghệ, an ninh- quốc phòng, sức mạnh cứng và sức mạnh mềm... 

Cuộc cạnh tranh mà như nhiều nhà phân tích quốc tế nhận định là giữa một cường quốc tại vị và một cường quốc đang trỗi dậy sẽ là cuộc cạnh tranh lâu dài và khốc liệt. Điều này tất nhiên có ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình quốc tế và khu vực, cũng như đến tính toán của các nước, nhất là các nước vừa và nhỏ hơn trong khu vực. Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 26/6 (Ảnh: TTXVN) 

“Các nước ASEAN đã tuyên bố rõ ràng là ASEAN không chọn bên. Đó là sự lựa chọn sáng suốt. Mỹ cũng tuyên bố hoan nghênh lập trường của các nước ASEAN, không yêu cầu ASEAN phải chọn bên. 

Trong trao đổi với giới chức Mỹ khi tôi còn làm Đại sứ ở đó, phía Mỹ cũng luôn nói họ hiểu Việt Nam cần duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và họ không có ý định hay yêu cầu Việt Nam phải chọn bên, đứng về phía Mỹ. Còn Trung Quốc theo tôi hiểu cũng chưa bao giờ chính thức yêu cầu Việt Nam hay ASEAN phải chọn bên, nhưng luôn luôn ‘nhắc nhở’ ASEAN cần cảnh giác với các ý đồ của Mỹ”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói.

Trong bối cảnh đó thì lựa chọn chính sách nào là tốt nhất cho Việt Nam? Chọn Mỹ hay chọn Trung Quốc, hay chọn cách “đứng ngoài cuộc”? 

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh: “Rõ ràng cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung là một thực tế, dù có muốn hay không muốn thì cuộc cạnh tranh đó vẫn đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra một cách gay gắt, toàn diện. Ta muốn đứng ngoài cuộc cũng không được. Chọn bên thì chắc chắn là không. Lựa chọn đúng đắn nhất cho Việt Nam, đó chính là lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc. Đó là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. 

Đồng quan điểm với Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cũng cho rằng: “Trong cạnh tranh Mỹ-Trung, rõ ràng chúng ta không nên đứng về phía nào mà nên soi chiếu vào luật pháp quốc tế, vào các nguyên tắc, lợi ích chung của khu vực mà đặc biệt là ASEAN, soi chiếu vào lợi ích của ta. Việt Nam cũng như ASEAN muốn quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc vì đây là 2 đối tác rất quan trọng cả về kinh tế, cả về chính trị - an ninh. Chúng ta cần phải tiếp tục tranh thủ”.

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, Việt Nam có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Việt Nam và cộng đồng quốc tế có mẫu số chung rất lớn, đó là việc giữ gìn, củng cố hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, ở khu vực và quốc tế; đó là luật pháp quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam luôn giành được sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. 

Bằng chứng là cộng đồng quốc tế luôn đánh giá cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp tích cực và xây dựng của Việt Nam khi làm Chủ tịch ASEAN 2020 và là uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021; ngày càng có nhiều công ty, tập đoàn của các nước tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn để mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh cùng có lợi...

Tóm lại, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Việt Nam cần tiếp tục đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước là độc lập tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Tất nhiên, Việt Nam cũng cần chủ động và linh hoạt trong việc ứng phó với từng tình huống cụ thể, tránh rơi vào thế bị động, bất ngờ. 

“Điều đó đòi hỏi trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam luôn luôn được phát huy. Và tôi tin là ta làm được việc đó. Trước đây cũng vậy và sắp tới cũng vậy”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh.

Năm 2020 đánh dấu mốc lịch sử với đối ngoại Việt Nam, nhất là ngoại giao đa phương, khi lần đầu tiên Việt Nam đồng thời đảm nhiệm hai trọng trách là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đã có một số ý kiến cho rằng Việt Nam nên tranh thủ diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới để nêu vấn đề Biển Đông. 

“Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ hơn vì lợi ích của mình trên các diễn đàn quốc tế và kêu gọi các đối tác quốc tế làm điều tương tự. Điều đó có nghĩa là Việt Nam không chỉ nên tận dụng các cuộc họp của ASEAN, mà cả các tổ chức toàn cầu như Liên Hợp Quốc. Việt Nam không thể trông chờ các nước làm thay mà nên tự làm điều đó với sự ủng hộ của các nước”, Giám đốc cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) Greg Poling gợi ý.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng, nếu tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình an ninh quốc tế thì việc Hội đồng Bảo an đưa ra xem xét cũng là việc hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường lưu ý, vấn đề nào được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an không phải là do ý muốn chủ quan của từng nước thành viên muốn là được mà cần có sự tham vấn và thoả thuận giữa 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có 5 nước uỷ viên thường trực là Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp. 5 nước này có một “đặc quyền” mà không thành viên nào khác có được là quyền phủ quyết, nên trên thực tế họ luôn có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề thảo luận tại Hội đồng Bảo an. 

Việc Việt Nam được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục chứng tỏ sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế vào vai trò đóng góp xây dựng của Việt Nam. Vì thế, khi tham gia Hội đồng Bảo an, Việt Nam cần thể hiện một vai trò hết sức có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế nói chung, với mục tiêu bao trùm trong việc tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, đóng góp tiếng nói giảm căng thẳng ở các khu vực, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các xung đột, thúc đẩy đồng thuận; đồng thời tăng cường quan hệ song phương với các nước thành viên, nhất là các đối tác lớn, thúc đẩy các ưu tiên về luật pháp quốc tế, tăng cường vai trò các tổ chức khu vực, nhất là ASEAN...

Về vấn đề Biển Đông, trên thực tế, Việt Nam với tư cách Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an (tháng 1/2020), đã chủ trì tổ chức một buổi thảo luận về hợp tác ASEAN - Liên Hợp Quốc. Nhiều nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nêu và thảo luận vấn đề Biển Đông ngay tại buổi thảo luận này. 

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói: “Đây là lần đầu tiên vấn đề hoà bình, an ninh ở Biển Đông đã được nêu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tôi nghĩ đây là đóng góp cụ thể và có tính xây dựng của Việt Nam. Tất nhiên là tùy diễn biến của tình hình, ta sẽ có cách thức phù hợp nhất sử dụng cơ chế này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ta theo luật pháp quốc tế”.

Khi Trung Quốc liên tiếp có các hành vi ngang ngược, gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đã có nhiều ý kiến cho rằng ta nên khởi kiện nước này lên tòa quốc tế, về vấn đề này, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói: “Theo tôi hiểu đó là một phương án, và không ai loại trừ phương án đó cả. Ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả phương án khởi kiện khi cần thiết cũng như nhiều phương án khác nữa. Nhưng khởi kiện vào lúc nào và khởi kiện như thế nào thì ta cần tính toán hết sức kỹ lưỡng với cái đầu lạnh và tỉnh táo để nếu có làm thì phải đạt được hiệu quả cao nhất”.

Không thể phủ nhận một phán quyết công tâm của Tòa sẽ tạo tiền lệ cho các nước theo đuổi một giải pháp pháp lý khi một bên chỉ muốn dùng sức mạnh cơ bắp thay vì đưa ra bằng chứng thuyết phục để chứng minh yêu sách của mình là có cơ sở. Tuy nhiên, giải pháp pháp lý nên chỉ là lựa chọn cuối cùng khi đàm phán bế tắc và chiến tranh đã gần kề. 

Ngay cả khi Tòa ra một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc mà nước này không thực thi thì cũng không mang đến hiệu quả như mong muốn. Đó là còn chưa kể đến việc cán cân công lý có thể bị các thế lực tác động cho mưu đồ riêng. Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao thẳng thắn chỉ ra một trong những thách thức ở Biển Đông là vấn đề cần lựa chọn những người xứng đáng, khách quan, trung thực cho các cơ quan tài phán quốc tế. 

Theo ông Nguyễn Hồng Thao, việc lựa chọn những người xứng đáng, khách quan, trung thực cho các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa trọng tài Luật biển là quy định cụ thể trong quy chế của mỗi cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hay Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Đó cũng là thách thức khi một số nước vận động hành lang, đưa người vào tổ chức. Về nguyên tắc, các thẩm phán là những người làm việc khách quan, không phụ thuộc vào chính trị của quốc gia mà họ mang quốc tịch. 

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao lấy dẫn chứng, thẩm phán Mỹ trong vụ Nicaragua kiện Mỹ đã bỏ phiếu chống lại các hành động của Mỹ đi ngược lại luật quốc tế.  Trong khi đó, thẩm phán Trung Quốc ở ITLOS thì có bài phân tích bảo vệ yêu sách “đường 9 đoạn”. 

“Tất nhiên, ta không thể nói là ông ấy làm sai khi chưa có bằng chứng vì các quan điểm khoa học đều được tôn trọng cho đến khi đưa ra kết luận cuối cùng. Cách hành xử của một số thẩm phán và đại diện của Trung Quốc ở các tổ chức quốc tế như WHO làm cho Mỹ nghi ngờ và vận động ngăn cản Trung Quốc đưa người vào tổ chức quốc tế. Kết quả bỏ phiếu phụ thuộc nhiều vào yếu tố khác nhau, từ chất lượng của ứng viên đến thái độ của các nước, vận động của nước có ứng viên…Thách thức lớn nhất là các nước làm sao có được một cái nhìn khách quan, trung thực về ứng viên từ quan điểm khoa học chứ không có tính toán chính trị”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chỉ rõ. 

Gợi ý về cách thức đối phó với mưu đồ của Trung Quốc muốn “nuốt trọn” Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng, Trường Đại học New South Wales, Australia cho rằng: “Việt Nam phải liên tục đánh giá, dự báo những hành động Trung Quốc sẽ thực hiện và chuẩn bị cách thức tốt nhất để đáp trả những hành động khiêu khích này. Đối với chiến thuật vùng xám mà Trung Quốc vẫn thực hiện bấy lâu nay như triển khai các tàu Hải cảnh, tàu dân quân biển… để quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của một số quốc gia ven biển, Việt Nam cần có hành động đáp trả phù hợp.

Việt Nam cũng nên tổ chức các cuộc thảo luận với các nước ven Biển Đông khác để trao đổi kinh nghiệm và tìm ra đáp án chung cho những vấn đề cùng gặp phải. Việt Nam cần phải mạnh mẽ lên án các hành vi vi phạm chủ quyền của mình, tận dụng dư luận quốc tế ủng hộ tiếng nói của chính nghĩa”.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường thì cho rằng, chúng ta cần luôn giữ ‘trái tim nóng và cái đầu lạnh’ trong xử lý vấn đề Biển Đông.

Đại sứ phân tích: “Trái tim nóng, đó là quyết tâm không gì lay chuyển nổi của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: ‘Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy’. Thế giới cũng đã hiểu rất rõ quyết tâm và ý chí sắt đá đó của dân tộc Việt Nam.

Cái đầu lạnh, đó là cần bình tĩnh và tỉnh táo để xử lý vấn đề sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc. Cần xử lý đến đâu thì xử lý đến đó, không phải lúc nào cũng phải đẩy vấn đề lên quá mức cần thiết”. 

Theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, trong vấn đề Biển Đông, lợi ích lớn nhất của Việt Nam là duy trì được hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển; đồng thời, Việt Nam cũng rất kiên quyết, kiên trì trong việc bảo vệ chủ quyển, quyền chủ quyền ở Biển Đông. 

“Cho đến nay, tôi nghĩ ta vẫn đang làm khá tốt hai lợi ích lớn, bao trùm trên đây. Nếu ta không giữ được hoà bình và ổn định thì chắc chắn ta không thể tập trung vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước như những năm qua được, các doanh nghiệp nước ngoài chắc cũng không thể lựa chọn đến đầu tư và mở rộng kinh doanh ở một đất nước bên bờ vực chiến tranh. 

Trong khi đó, bằng nhiều biện pháp khác nhau cả về chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng..., ta vẫn giữ vững được hoà khí trong quan hệ với Trung Quốc, với các nước khác trong khu vực và vẫn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, nhất là những điểm đảo ta đang nắm giữ ở Trường Sa, những hệ thống nhà dàn DK trong thềm lục địa của ta. 

Đồng thời, ta vẫn đang tiếp tục triển khai các hoạt động kinh tế biển của ta ở các khu vực thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền cùa ta trên biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, mặc dù đúng là có nhiều khó khăn, thách thức hơn trước”, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói./

Hùng Cường

Nguồn: VOV.vn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link