ASEAN tiến đến mục tiêu xây dựng Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân

 Những nỗ lực của ASEAN thúc đẩy hiện thực hóa SEANWFZ thể hiện sự đóng góp chiến lược của tổ chức nhằm duy trì sự ổn định và bảo đảm hòa bình trong khu vực Đông Nam Á.

 

Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) diễn ra ngày 8-7, ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan ở Kuala Lumpur (Malaysia) từ ngày 8 đến 11-7.

Hội nghị đã tập trung trao đổi về tình hình triển khai Kế hoạch hành động SEANWFZ giai đoạn 2023-2027, các sáng kiến kỷ niệm 30 năm Hiệp ước SEANWFZ (1995-2025) và thúc đẩy tham vấn với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân về việc tham gia ký kết Nghị định thư SEANWFZ, theo báo điện tử Chính phủ.

Đề cao vai trò Hiệp ước SEANWFZ

Phát biểu khai mạc Hội nghị Ủy ban Hiệp ước SEANWFZ, Ngoại trưởng Malaysia - ông Datuk Seri Mohamad Hasan tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc khai thác các ứng dụng dân sự hòa bình của khoa học hạt nhân, phù hợp các mục tiêu của Hiệp ước SEANWFZ, phù hợp Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.

"ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc thúc đẩy việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, đặc biệt thông qua hợp tác liên tục với IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế) trong các lĩnh vực nông nghiệp, chẩn đoán y tế, công nghệ thực phẩm, cùng nhiều lĩnh vực khác" - ông Hasan nói.

vũ khí hạt nhân.jpg
Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) hôm 8-7 tại Malaysia. Ảnh: ASEAN

"Với mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại do vũ khí hạt nhân gây ra, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN hãy đoàn kết trong việc theo đuổi một Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân" - ngoại trưởng Malaysia phát biểu thêm.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, ra đời cách đây 30 năm, Hiệp ước SEANWFZ thể hiện cam kết chung của các nước duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh gia tăng các nguy cơ hạt nhân, Hiệp ước SEANWFZ tiếp tục là nền tảng của cấu trúc an ninh khu vực và là đóng góp thiết thực của ASEAN vào các nỗ lực giải trừ quân bị toàn cầu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo rằng Việt Nam đang tích cực hoàn tất các thủ tục nội bộ liên quan việc Timor-Leste sớm tham gia Hiệp ước SEANWFZ.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng ngoại giao đã đồng ý: (1) thúc đẩy và đề cao giá trị và vai trò của Hiệp ước ở tầm toàn cầu, trong đó có việc đệ trình Nghị quyết về Hiệp ước SEANWFZ lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa họp thứ 80; (2) tăng cường tham vấn với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân về việc ký Nghị định thư SEANWFZ; (3) hoan nghênh và cam kết hoàn tất thủ tục để Timor-Leste tham gia Hiệp ước tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 47 vào tháng 10-2025.

Tại Hội nghị Ủy ban Hiệp ước SEANWFZ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông báo rằng Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị kiểm điểm lần thứ 11 Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 2026 và trông đợi sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các nước, theo báo điện tử Chính phủ.

Kêu gọi ký kết Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ

Một nội dung quan trọng của SEANWFZ là nghị định thư kêu gọi 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc cam kết tôn trọng SEANWFZ, không có động thái vi phạm hiệp ước và các thỏa thuận liên quan, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong khu vực Đông Nam Á hay chống lại các nước trong khu vực.

Với việc ký SEANWFZ, các cường quốc hạt nhân liên quan sẽ xác nhận nhất trí với nghị định thư trên và sự tôn trọng đối với những lời kêu gọi của ASEAN về không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á.

Hiện tại, các quốc gia ASEAN đang nỗ lực kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ.

JAI_4755-scaled.jpg
Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) hôm 8-7 tại Malaysia. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO MALAYSIA

Ngoại trưởng Hasan hôm 7-7 cho biết hội nghị đã thảo luận về việc tăng cường Hiệp ước SEANWFZ, đặc biệt liên quan các quốc gia có vũ khí hạt nhân, để họ có thể cùng nhau ký kết thỏa thuận, theo tờ New Straits Times.

"Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn ký kết hiệp ước mà không có bất kỳ sự bảo lưu nào, và hai đến ba quốc gia khác đã liên hệ với Malaysia với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm nay. Họ cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nối lại và tiếp tục các cuộc thảo luận bị đình trệ trước đây về Hiệp ước SEANWFZ. Vì vậy, đây là một diễn biến tích cực" - ông Hasan nói.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Hasan cho biết Trung Quốc và Nga đã đồng ý ký Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ, nhấn mạnh rằng sự tham gia của các nước lớn vào SEANWFZ sẽ giúp duy trì khu vực Đông Nam Á hoà bình, không có vũ khí hạt nhân. Ông Hasan cho biết Mỹ đang xem xét lại thỏa thuận trước khi quyết định ký.

Ngày 3-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Bắc Kinh ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập khu vực không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á và sẵn sàng đi đầu trong việc ký kết hiệp ước này. “Chúng tôi sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước thuộc ASEAN về vấn đề này” - bà Mao nói.

Đây không phải là lần đầu ASEAN kêu gọi các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia ký kết Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ. Từ năm 2013, ASEAN đã đề ra ba Kế hoạch hành động SEANWFZ cho giai đoạn 2013–2017, 2018–2022, và 2023–2027, trong đó nhấn mạnh việc “tiếp tục tham vấn với các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Trong bối cảnh tình hình an ninh quốc tế liên quan vũ khí hạt nhân đang có nhiều biến chuyển, việc tập trung trở lại vào SEANWFZ vừa kịp thời vừa cần thiết. Một bài viết của PGS. TS Tạ Minh Tuấn của Học viện Ngoại giao Việt Nam trên trang web của Mạng lưới lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương (APLN) nhấn mạnh ASEAN cần đẩy nhanh việc hiện thực hóa SEANWFZ.

Đầu tiên, một lập trường thống nhất của ASEAN là điều then chốt để thúc đẩy SEANWFZ. Các quốc gia thành viên phải ưu tiên việc thúc đẩy các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ.

Thứ hai, ASEAN cần áp dụng một cách tiếp cận quyết đoán và thực dụng hơn trong các cuộc thảo luận với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Điều này bao gồm việc giải quyết những mối quan ngại và lợi ích chính đáng của quốc gia, đồng thời định hình việc tham gia Nghị định thư như một cam kết mang tính biểu tượng lẫn thực tiễn đối với hòa bình toàn cầu.

Thứ ba, Hiệp ước SEANWFZ cần được hoàn thiện hơn nữa để giải quyết những mối quan ngại và lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, bao gồm các điều khoản bảo đảm việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình như đã được nêu trong (NPT).

Biết gì về Hiệp ước SEANWFZ?

SEANWFZ, hay còn được gọi là Hiệp ước Bangkok, được ký kết tháng 12-1995 và có hiệu lực từ tháng 3-1997, yêu cầu các bên tham gia không phát triển, sản xuất hay mua, sở hữu, kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Hiện nay, SEANWFZ có 10 thành viên, đồng thời là 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Thông qua Hiệp ước này, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của NPT trong việc ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân và đóng góp vào hòa bình, an ninh quốc tế. Hiệp ước cũng đánh dấu việc thiết lập Khu vực Không có Vũ khí Hạt nhân (NWFZ) ở Đông Nam Á – một trong năm NWFZ trên thế giới. Bốn khu vực NWFZ còn lại nằm ở Mỹ Latinh và Caribe, Nam Thái Bình Dương, châu Phi và Trung Á, theo ASEAN Secretariat.

VĨNH KHANG/Theo PLO