Khả năng Ukraine phải chấp nhận kịch bản ít mong muốn nhất khi đối đầu Nga

Ván cờ sinh tử giữa Nga và Ukraine đang bước vào giai đoạn tàn cuộc với nhiều kịch bản. Giới quan sát đánh giá, kịch bản khả thi nhất lại là tình huống mà Ukraine ít mong muốn nhất.

Xu hướng đình chiến đang gia tăng

Xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dường như đã bước vào giai đoạn cuối khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Tổng thống Nga Putin phát động nhằm vào Ukraine đã gần tròn 3 năm. Giới quan sát đánh giá hai bên đang có khả năng đạt được một thỏa thuận đình chiến .

Binh lính và súng máy Ukraine. Ảnh: Lữ đoàn 3.

Về phía Ukraine, nước này đang vật lộn trên chiến trường. Quân đội Ukraine ngày càng thiếu binh sĩ và để mất đất một cách đều đặn kể từ mùa hè năm 2024. Tính đến thời điểm hiện nay (tháng 12/2024), Nga đã giành thêm lãnh thổ có diện tích gấp 6 lần lãnh thổ mà họ giành được trong cả năm 2023.

Sau một thời gian dài thể hiện quyết tâm không nhượng một chút lãnh thổ nào cho Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky gần đây thừa nhận rằng quân đội Ukraine lúc này thiếu sức mạnh để “giải phóng” tất cả những vùng đất mà Nga chiếm đóng. Ông Zelensky đề xuất ý tưởng tạm hoãn thực hiện mục tiêu đó (giành lại đất đai) để đổi lấy tư cách thành viên NATO cho Ukraine.

Một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Gallup tiết lộ rằng trong năm 2024 này có khoảng 52% người Ukraine lựa chọn giải pháp chấm dứt xung đột nhanh chóng và dựa trên đàm phán, so với chỉ có 27% vào năm 2023.

Như vậy, Ukraine đã khá mệt mỏi vì chiến trận. Nhưng Nga cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Kiev và đồng minh ước tính rằng Nga hứng chịu tổn thất lớn về nhân lực và vũ khí khí tài trong xung đột với Ukraine.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Nga cũng đối mặt nhiều vấn đề nan giải. Ngân hàng trung ương Nga dự báo rằng tăng trưởng của Nga sẽ giảm mạnh trong năm tới (2025), xuống tới mức thấp là 0,5%. Ngân hàng trung ương này cho rằng lạm phát Nga ở mức 8,54%  và họ đã nâng lãi suất lên mức 21% vào tháng 10/2024. Vào cuối tháng 11, đồng rúp Nga rớt xuống mức giá thấp kỷ lục kể từ tháng 3/2022. Chi phí các mặt hàng lương thực cơ bản như bơ, cải bắp và khoai tây tăng vọt.

Trong khi đó, mặc dù đã đổ nhiều nguồn lực vào xung đột với Ukraine, Tổng thống Putin vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ các tỉnh Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine. Các tỉnh này cùng với tỉnh Lugansk là các mục tiêu mà ông Putin đã tuyên bố phải giành bằng được.

Bản thân ông Putin cũng bắt đầu vạch ra điều khoản cho một lệnh ngừng bắn, ngay cả khi các binh sĩ Nga đang xốc tới trên chiến trường Ukraine, còn quân đội Nga chưa đánh bật được toàn bộ binh lính Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk của Nga.

Tổng thống đắc cử Mỹ Trump sắp trở lại Nhà Trắng trên cương vị người đứng đầu. Ông Trump đã hứa hẹn sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine một cách nhanh chóng. Ông không thiếu phương tiện để đạt được điều đó một khi tái nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025: Ông có thể ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine nếu Kiev từ chối đàm phán, nhưng có thể tăng trở lại viện trợ cho Ukraine nếu Nga từ chối ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.

An ninh của Ukraine sẽ được đảm bảo theo cách nào?

Nếu Nga và Ukraine đạt được một thỏa thuận đình chiến, tình hình Ukraine thời kỳ hậu chiến sẽ như thế nào? Có 4 kịch bản về an ninh của Ukraine trong tương lai.

1- Tổng thống Zelensky muốn Ukraine nhận được tư cách thành viên khối quân sự NATO. Nhưng hy vong này có thể sẽ rất khó đạt. NATO áp dụng nguyên tắc nhất trí cao giữa các thành viên hiện tại của NATO khi tổ chức này xem xét kết nạp một thành viên mới. Thời điểm mà NATO trở nên thống nhất cao độ về Ukraine là vào năm 2008, khi khối này công bố Ukraine sẽ gia nhập hàng ngũ NATO vào một thời điểm chưa xác định trong thời gian tới. Sự mập mờ này là do những chia rẽ nội bộ vẫn tồn tại đến ngày hôm nay: Ít nhất 7 quốc gia NATO có quan điểm phản đối kết nạp Ukraine vào NATO, thậm chí còn muốn hoãn vô thời hạn việc kết nạp này. Các cố vấn hàng đầu của ông Trump cũng tuyên bố, tư cách thành viên NATO không được đưa ra bàn thảo.

2- Một liên minh các nước ủng hộ Ukraine sẽ cam kết bảo vệ quốc gia Đông Âu này. Tuy nhiên, có một vấn đề là Ukraine vẫn muốn Mỹ nằm trong số những bên bảo đảm an ninh cho họ và việc gia nhập NATO chính là điều giúp Ukraine được đặt dưới chiếc ô an ninh của Mỹ. Từ đó, Ukraine không coi bất cứ liên minh nào là đáng tin cậy trừ phi có yếu tố binh sĩ Mỹ và vũ khí Mỹ.

Nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ Trump chỉ tìm kiếm chấm dứt chiến tranh mà không đưa ra cam kết nào về bảo vệ Ukraine. Ông cũng nỗ lực giảm cam kết an ninh của Mỹ tại châu Âu nói chung. Trong bối cảnh ấy, ý tưởng về một khối đồng minh ủng hộ Ukraine đến cùng là bất khả thi.

3- Liên minh châu Âu (EU) sẽ đi đầu trong nỗ lực bảo đảm an ninh cho Ukraine. Một số quốc gia EU đã thảo luận khả năng đóng quân tại nước Ukraine hậu chiến.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Macron đã gặp gỡ với Tổng thống Ba Lan Donald Tusk để thảo luận triển khai các binh sĩ châu Âu tại Ukraine sau khi Nga và Ukraine đạt được một giải pháp hòa bình. Ông Macron đã nhấn mạnh rằng châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để tự phòng vệ. Tuy nhiên, ông Tusk sau đó nói rằng Ba Lan “không có kế hoạch hành động như vậy” ngay cả sau khi đã có lệnh ngừng bắn. Nói tóm lại, đã có những cuộc bàn thảo về việc EU đứng ra bảo đảm an ninh cho Ukraine nhưng các bên vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.

4- Kịch bản trung lập vũ trang có lẽ là điều mà Ukraine ít mong đợt nhất. Mô hình này đòi hỏi Nga cam kết không tấn công Ukraine, còn Ukraine phải từ bỏ giấc mộng gia nhập NATO cũng như ý đồ để cho quân đội và vũ khí nước ngoài được triển khai trên đất Ukraine.

Kịch bản thứ 4 này cũng là kịch bản khả thi nhất. Tổng thống Nga Putin đã nói rằng trung lập là điều thiết yếu cho “những mối quan hệ láng giềng tốt đẹp”. Thắng lợi của quân Nga trên chiến trường Ukraine là điểm tựa quan trọng để ông Putin theo đuổi cách tiếp cận này.

Trong trường hợp kịch bản thứ 4 trở thành hiện thực, giới quan sát thân phương Tây cho rằng Ukraine cần tối đa hóa an ninh của mình bằng việc bác bỏ các giới hạn đối với quy mô quân đội của họ cũng như đối với những vũ khí thông thường mà họ có thể thu nhận hoặc tự chế tạo.

Dẫu sao Ukraine cũng được đánh giá là một đối thủ đáng gờm trong chiến tranh. Quân đội Ukraine đã trở nên dạn dày trận mạc sau khi giao tranh trong thời gian dài với đối thủ mạnh hơn nhiều, đó là quân đội Nga.

Theo vov.vn