Thứ ba, 22/07/2025 - 01:24

MK: 2000 "chim sắt" Nga sẵn sàng, Mỹ cảnh báo biến động lớn - NATO mở mặt trận số 2, dự đoán vỡ trận sau 24h

Theo MK, Mỹ và châu Âu vừa cảnh báo về một cú sốc lớn sắp diễn ra tại Ukraine. NATO có khả năng sẽ can thiệp với 2 quốc gia châu Âu được "lựa chọn làm bàn đạp".

Nga có thể tung 2.000 "chim sắt" tấn công Ukraine: Mỹ cảnh báo cú sốc lớn

Tờ MK (Nga) ngày 20/7 đưa tin, giới chức Mỹ và châu Âu đang bày tỏ lo ngại trước viễn cảnh Nga sắp triển khai các chiến dịch UAV quy mô lớn chưa từng có nhằm vào Ukraine, thậm chí cảnh báo đây có thể là một cú sốc lớn với cục diện chiến trường.

Theo tướng Christian Freuding, phụ trách điều phối viện trợ quân sự của Đức cho Ukraine, Moscow hoàn toàn có khả năng huy động tới 2.000 "chim sắt" tấn công đồng loạt trong thời gian tới, đặc biệt khi Trung Quốc đã cắt nguồn linh kiện UAV cho Ukraine và dồn toàn bộ xuất khẩu sang Nga.

Ukraine hiện dự đoán Nga sẽ đạt ngưỡng 1.000 UAV để tấn công đồng loạt, nhưng phía NATO đã nâng cảnh báo lên gấp đôi.

- Ảnh 1.

Nga được dự đoán sắp mở một đợt tấn công lớn với 2.000 UAV vào Ukraine. Ảnh: TST

Trong bối cảnh đó, Tham mưu trưởng Anh Tony Radakin đã đến Kiev gặp Tổng tư lệnh Ukraine Oleksandr Syrskyi để bàn về tình hình chiến tuyến và nhu cầu khẩn cấp của quân đội Ukraine. Nhiều nhà quan sát, như phóng viên chiến trường Yuri Kotyonok, cảnh báo rằng các chuyến thăm của phái đoàn London thường kéo theo những hoạt động leo thang.

Không chỉ ở chiến trường, phương Tây cũng ghi nhận Nga đang gia tăng tốc độ trên toàn mặt trận: CNN bình luận rằng trong khi Mỹ và châu Âu vẫn mải mê tranh cãi chính trị, quân đội Nga đã từng bước dồn ép Ukraine, đặc biệt tại Krasnoarmeysk, cắt đứt hậu cần và chuẩn bị bao vây chiến lược.

Mục tiêu của Moscow, theo các chuyên gia, không chỉ là tiến quân mà là làm kiệt quệ đối phương về dài hạn.

Tờ New York Times cảnh báo, Mỹ đang báo động vì chỉ trong tháng 6 vừa qua, Nga đã giành quyền kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ — mức cao nhất kể từ đầu năm nay. Moscow đã đạt các bước tiến rõ rệt tại Sumy, Zaporizhzhia và lần đầu tiên sau ba năm, tiến vào tỉnh Dnipropetrovsk.

NATO mở mặt trận thứ hai chống Nga

Giữa lúc chiến sự Ukraine ngày càng bất lợi cho Kiev, tờ RG dẫn thông tin từ tình báo Nga (SVR) cảnh báo, NATO đang đẩy nhanh kế hoạch biến Moldova thành bàn đạp quân sự mới ở sườn đông, nhằm phân tán nguồn lực của Moscow và ngăn Nga đạt được các mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO).

Theo SVR, Brussels đã xúc tiến hàng loạt dự án nâng cấp hạ tầng tại Moldova, từ chuyển đổi đường sắt sang chuẩn châu Âu, gia cố cầu, xây trung tâm hậu cần, kho quân nhu, đến hiện đại hóa sân bay Marculesti và Balti để tiếp nhận máy bay quân sự. NATO cũng đã cử các huấn luyện viên quân sự hỗ trợ Moldova cải tổ quân đội theo chuẩn phương Tây.

Đáng chú ý, Đại sứ Nga tại Bucharest, ông Vladimir Lipaev, còn cảnh báo Romania cũng đang trở thành bàn đạp chiến lược của NATO.

Ông cho biết quá trình quân sự hóa Romania diễn ra nhanh chóng: hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã được triển khai, các căn cứ quân sự mở rộng, binh sĩ NATO đồn trú gia tăng, trong khi căn cứ không quân Mihail Kogălniceanu chỉ cách Sevastopol khoảng 400 km — một khoảng cách chiến lược then chốt.

Theo ông Lipaev, phương Tây ngày càng can thiệp sâu hơn vào xung đột Ukraine, dù trước mắt vẫn chưa trực tiếp sử dụng lực lượng vũ trang, với hy vọng xoay chuyển cục diện bằng cách nâng cao mức leo thang.

- Ảnh 3.

NATO đang gấp rút mở mặt trận số 2 chống Nga. Ảnh: FT

Một điểm nóng khác được giới phân tích đặc biệt lo ngại là kho đạn Kolbasna ở Transnistria, nơi cất giữ hàng chục nghìn tấn vũ khí từ thời Liên Xô.

Nếu xảy ra phá hoại hoặc tấn công, hậu quả không chỉ là thảm họa nhân đạo mà còn kéo Nga vào xung đột với tư cách bên bảo đảm an ninh cho Transnistria, đồng thời tạo cớ để phương Tây cáo buộc Moscow leo thang.

Trong khi đó, tài liệu "Đánh giá chiến lược quốc gia" do Bộ Quốc phòng Pháp công bố dự báo châu Âu có thể đối mặt một cuộc xung đột cường độ cao trước năm 2030, với Moldova, Balkan và Baltic là các điểm nóng tiềm tàng.

Một rủi ro đặc biệt là nếu căng thẳng tại châu Âu đi kèm chiến dịch quân sự khác trên thế giới, buộc Mỹ phải phân tán lực lượng.

Chuyên gia Nga Vadim Avva nhận định phương Tây không giấu tham vọng làm suy yếu và chia cắt Nga, với Ukraine, Moldova, Baltic chỉ là các mũi tiến công trong chiến lược dài hạn.

Ông cho rằng Nga không thể chỉ dựa vào biện pháp quân sự, mà cần đẩy mạnh ảnh hưởng chính trị, trong khi một số tiếng nói cứng rắn tại Moscow đã bắt đầu kêu gọi cân nhắc các biện pháp răn đe chiến lược, bao gồm cả thử nghiệm vũ khí, giữa bối cảnh căng thẳng lan rộng.

- Ảnh 5.

Chuyên gia dự đoán Nga có thể khiến NATO "vỡ trận" chỉ trong 24h. Ảnh: IT

Chuyên gia Ukraine: "Ông Putin có thể hạ gục NATO trong 24h"

Nhận định về kịch bản đối đầu Nga-NATO, tờ Dialog (Ukraine) dẫn lời chuyên gia quân sự Oleg Zhdanov nhận định, NATO hiện tồn tại những rạn nứt nội bộ sâu sắc, và Tổng thống Nga Vladimir Putin hoàn toàn có thể khai thác điểm yếu này.

Trên kênh YouTube cá nhân, ông Zhdanov cho rằng nếu Nga tuyên bố chiến tranh với bất kỳ quốc gia thành viên nào của NATO — chẳng hạn một nước Baltic — điều đó có thể khiến hối quân sự này "vỡ trận" chỉ trong vòng 24 giờ.

Vị chuyên gia lý giải rằng, theo Điều 4 và Điều 5 của Hiến chương NATO, các quốc gia thành viên phải mở các cuộc tham vấn để ra quyết định chung về cách đáp trả khi một thành viên bị tấn công.

Tuy nhiên, ông dự đoán các nước sẽ nhanh chóng chia rẽ, tranh cãi, thậm chí tan rã, vì muốn hành động quân sự tập thể phải có đồng thuận tuyệt đối: chỉ cần một quốc gia phản đối, quyết định không được thông qua.

"Họ sẽ cãi nhau, bất đồng và bỏ đi. Họ không thể thống nhất vì cần lập một liên minh và phải có sự đồng thuận tuyệt đối từ toàn khối. Đó là tất cả" – Ông Zhdanov nhận định.

Nhận định của Oleg Zhdanov, dù mang tính dự đoán cá nhân, phản ánh những lo ngại ngày càng lớn về sự chia rẽ nội bộ trong NATO, đặc biệt khi khối quân sự này đối mặt với những thách thức an ninh chưa từng có kể từ Chiến tranh Lạnh.

Trong bối cảnh xung đột Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, căng thẳng gia tăng ở Baltic, Moldova và Biển Đen, câu hỏi không chỉ nằm ở việc NATO có đủ năng lực đối phó Nga, mà còn ở chỗ liên minh này có thực sự duy trì được sự thống nhất mà họ vẫn luôn coi là sức mạnh cốt lõi hay không.

Sự rạn nứt, nếu có, sẽ không chỉ là vấn đề quân sự, mà còn là phép thử đối với tương lai cấu trúc an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ tới.

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn

(Theo MK, RG, Dialog)