
Quyết định đột ngột tạm dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine của Mỹ đang gây ra làn sóng lo ngại sâu rộng không chỉ với Kiev mà còn cả các đồng minh châu Âu, đặt ra những nghi vấn về cam kết dài hạn của Washington. Mặc dù Mỹ khẳng định đây chỉ là "một lần duy nhất", nhưng động thái này vẫn làm dấy lên những câu hỏi lớn về định hướng chiến lược của Mỹ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo Đài phát thanh công cộng quốc gia (NPR) và tờ Economist (ngày 2 -3/7), trong số các loại vũ khí bị tạm dừng có những trang bị quan trọng bao gồm: 30 tên lửa đánh chặn PAC-3 cho hệ thống phòng không Patriot, 8.496 quả đạn pháo 155mm, 142 tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire, 252 tên lửa GMLRS, 25 tên lửa Stinger và nhiều trang bị khác.
Lầu Năm Góc đã "quay đầu" các máy bay chở chuyến hàng viện trợ quân sự vào ngày 30/6 và 1/ 7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce tuyên bố: "Đây không phải là sự chấm dứt hỗ trợ của chúng tôi cho Ukraine hoặc cung cấp vũ khí. Đây là một sự kiện và một tình huống".
Thách thức chiến lược cho Ukraine
Theo Đài phát thanh Quốc tế DW (Đức) ngày 3/7, thông báo tạm dừng các chuyến hàng vũ khí đã một lần nữa nhắc nhở rằng nguồn cung cấp thiết bị quân sự tiên tiến cho Ukraine không còn an toàn như trước. Điều này diễn ra ngay cả khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã hạ thấp quyết định này, với phát ngôn viên Tammy Bruce khẳng định: "Đây không phải là sự chấm dứt hỗ trợ của chúng tôi cho Ukraine hoặc cung cấp vũ khí. Đây là một sự kiện và một tình huống và chúng tôi sẽ thảo luận về những gì khác sẽ xảy ra trong tương lai".
Một cuộc đánh giá nội bộ của chính phủ đã tiết lộ sự suy giảm trong kho dự trữ đạn pháo, tên lửa đánh chặn và đạn dược dẫn đường chính xác của Mỹ. Quyết định này ban đầu được đưa ra vào nửa đầu tháng 6, phản ánh việc Washington phải "quản lý các cuộc đối đầu đồng thời ở Trung Đông, Châu Âu và Châu Á".
Việc tạm dừng các lô hàng vũ khí diễn ra vào một thời điểm then chốt, khi Nga đang tăng cường sản xuất vũ khí và các cuộc tấn công, bao gồm cả những cuộc tấn công vào các trung tâm tuyển quân ở Poltava, Kyiv và Odessa, cùng các cuộc tiến công trên bộ ở miền Đông Ukraine. Việc thiếu vũ khí Mỹ tạo ra những thách thức nghiêm trọng cho Ukraine. Jana Kobzova, thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Đối ngoại Châu Âu, nhận định với DW rằng: "Nếu đây là một vấn đề dài hạn, thì chắc chắn Ukraine sẽ gặp thách thức trong việc ứng phó. Một phần là do một số hệ thống của Mỹ không dễ thay thế, đặc biệt là hệ thống phòng không".
Tờ Vedomosti (Nga) ngày 3/7 dẫn lời nghiên cứu viên Dmitry Stefanovich tại Trung tâm An ninh Quốc tế thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primakov (IMEMO - Nga) cho rằng các yếu tố chính trị là thứ yếu và vấn đề cấp bách nhất đối với Kiev là thiếu kho dự trữ tên lửa cho phòng không và phòng thủ tên lửa.
Trong khi đó chuyên gia Marina Miron từ Đại học Kings London chỉ ra thời gian sản xuất vũ khí là vấn đề then chốt: "Phải mất hai năm để sản xuất một hệ thống tên lửa phòng không. Vì vậy, ngay cả khi bạn mua chúng ngay bây giờ, điều đó không có nghĩa là chúng sẽ có mặt trên chiến trường".
Đặc biệt, việc thiếu nhân lực để vận hành các hệ thống phức tạp cũng là vấn đề quan trọng. Theo chuyên gia Miron, cần khoảng 90 người để vận hành một hệ thống tên lửa phòng không Patriot, trong khi Ukraine đang tổn thất nhân sự mà không có sự đảm bảo về việc sẽ có người thay thế.

Động cơ đằng sau quyết định của Mỹ
Theo tờ Vedomosti, Mỹ ngừng cung cấp đạn dược quan trọng cho Ukraine báo hiệu sự thay đổi chiến lược. Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Anna Kelly đã xác nhận quyết định này được đưa ra "nhân danh lợi ích quốc gia".
Cụ thể, các chuyên gia được tờ Vedomosti phỏng vấn tin rằng quyết định đình chỉ cung cấp vũ khí của Mỹ phản ánh sự đánh giá lại mang tính chiến lược về kho dự trữ quân sự và các ưu tiên toàn cầu của chính nước này. Chuyên Stefanovich chỉ ra rằng, lý do chính là Mỹ đang tiến hành kiểm toán kho vũ khí của mình, đánh giá dự trữ về mọi loại đạn dược, khả năng tăng sản lượng và cân nhắc tất cả những điều này so với tỷ lệ tiêu thụ trong các cuộc xung đột cường độ cao. Do đó, tất cả các khoản chi tiêu sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm.
Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện Châu Âu và Quốc tế tại Trường Kinh tế Cao cấp có trụ sở tại Moskva, tin rằng Mỹ đang phải vật lộn để quản lý các cuộc đối đầu đồng thời ở Trung Đông, Châu Âu và Châu Á. Theo quan điểm của ông, quan điểm phổ biến ở Washington là Mỹ trước hết phải kiềm chế Trung Quốc, điều này đã dẫn đến việc giảm sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
Ông Suslov cũng cho rằng Mỹ đang gây sức ép lên Ukraine, gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Washington không ủng hộ việc kéo dài các hành động thù địch và đang thúc đẩy Kiev hướng tới những nhượng bộ mới đối với Moskva, mặc dù trong ngắn hạn, Ukraine khó có thể dễ dàng thỏa hiệp hơn. Tổng thống Zelensky sẽ chỉ áp dụng lập trường hòa giải hơn khi phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược thực sự và mối đe dọa sụp đổ tiền tuyến, chuyên gia Suslov kết luận.
Về phần mình, cựu Tư lệnh Lục quân Mỹ tại Châu Âu Ben Hodges cũng có cái nhìn tương tự, cho rằng quyết định tạm dừng vận chuyển vũ khí trên của Mỹ không phải về vấn đề dự trữ mà là "lựa chọn của Chính quyền Trump nhằm xoa dịu Nga".
Trong bối cảnh Mỹ giảm bớt viện trợ, sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine đang có dấu hiệu tăng lên rõ rệt. Khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU trong sáu tháng tiếp theo, Đan Mạch đã tận dụng cơ hội để đưa đơn xin gia nhập khối của Ukraine trở lại chương trình nghị sự. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định: "EU phải củng cố Ukraine. Ukraine đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh của châu Âu. Đóng góp của chúng tôi cho Ukraine cũng là bảo vệ quyền tự do của chúng tôi. Ukraine thuộc về Liên minh châu Âu. Điều này vì lợi ích của cả Đan Mạch và châu Âu".
Thông tin này được đưa ra sau chuyến thăm Ukraine của Bộ trưởng Ngoại giao Đức Johann Wadephul, người coi hoàn cảnh khó khăn của Ukraine là nhiệm vụ chính sách đối ngoại quan trọng nhất của Berlin. Trước đó, các thành viên NATO ở châu Âu đã nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP sau cuộc họp hồi cuối tháng 6. Châu Âu hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Ukraine, nhằm phòng ngừa việc cắt giảm nguồn cung từ Mỹ trong tương lai.
Phản ứng của Nga
Kênh RT của Nga ngày 3/7 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc Mỹ gửi ít tên lửa hơn tới Ukraine có thể đẩy nhanh quá trình kết thúc xung đột. Ông Peskov lưu ý rằng Mỹ dường như "đơn giản là không thể sản xuất tên lửa với số lượng cần thiết", cho thấy nhiều nguồn cung cấp hẳn đã được chuyển hướng đến Israel. "Càng ít tên lửa từ nước ngoài vào Ukraine thì chiến dịch quân sự đặc biệt càng gần kết thúc", ông Peskov nhấn mạnh.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nhiều lần chỉ trích các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài cuộc xung đột và làm tăng nguy cơ leo thang. Bà Zakharova nhấn mạnh rằng phương Tây không thể kiểm soát được nơi mà vũ khí họ cung cấp cho Kiev sẽ đi đến và điều đó có thể gây bất lợi cho chính họ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc