Ngày 16-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine đang đẩy Nga vào tình thế phải đáp trả, đồng thời cảnh báo Mỹ không nên triển khai tên lửa tầm trung, theo đài RT.
Phát biểu tại cuộc họp của các quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, ông Putin cáo buộc Mỹ đang tìm cách “làm suy yếu và gây ra thất bại chiến lược” cho Nga bằng cách tiếp tục “bơm vũ khí và tiền, gửi lính đánh thuê và cố vấn quân sự đến Ukraine, qua đó khuyến khích leo thang xung đột hơn nữa”.
Tổng thống Nga cũng cáo buộc phương Tây đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân bằng cách khiêu khích Nga đến “lằn ranh đỏ” và dùng phản ứng đó để tiếp tục hù dọa người dân phương Tây.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng chính quyền hiện tại ở Mỹ, cũng như hầu hết các chính phủ phương Tây khác, vẫn đang cố gắng duy trì bá quyền toàn cầu và buộc cộng đồng quốc tế phải tuân theo “cái gọi là luật lệ” mà các nước này đặt ra, vốn được thiết kế để phục vụ lợi ích cho các nước này.
“Trên thực tế, chỉ có một quy tắc ổn định duy nhất: không có quy tắc nào cho những người đặt ra quy tắc, cho những người tự cho mình là người đứng đầu toàn thế giới, những người tự cho mình là đấng tối cao” - ông Putin nói.
Ông Putin nói thêm rằng những nước từ chối tuân theo luật chơi của phương Tây sẽ phải chịu chiến tranh hỗn hợp và “chính sách kiềm chế”, giống như trường hợp của Nga.
Theo ông Putin, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tăng cường chi tiêu quốc phòng và thành lập các “nhóm tấn công” gần biên giới Nga.
“Số lượng binh sĩ Mỹ ở châu Âu đã vượt quá 100.000” - Tổng thống Nga lưu ý.
Cũng theo Tổng thống Putin, NATO đang tăng cường sự hiện diện không chỉ ở châu Âu mà còn ở những khu vực chưa từng chứng kiến sự hiện diện quân sự như thế này, đặc biệt là khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Nga đề cập kế hoạch của Mỹ triển khai các hệ thống tên lửa có tầm bắn lên tới 5.500km tới khu vực.
Nhà lãnh đạo này lưu ý rằng trong bối cảnh đó, Nga đã thực hiện thêm các biện pháp đảm bảo an ninh cho mình và các đồng minh, như cập nhật học thuyết hạt nhân và trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội, hải quân và lực lượng hạt nhân chiến lược.
Mỹ và châu Âu chưa bình luận phát ngôn của ông Putin.
Vào tháng 11, Nga chính thức sửa đổi học thuyết hạt nhân, hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Tài liệu này nêu rõ Moscow có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân hoặc cuộc tấn công thông thường đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nga.
Học thuyết sửa đổi cũng khẳng định rằng một cuộc tấn công vào Nga từ quốc gia không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng được một cường quốc hạt nhân hậu thuẫn sẽ được coi là một cuộc tấn công chung của cả hai.
THẢO VY/Theo PLO