SỰ THẬT VỀ BIỂN ĐÔNG: TIẾNG NÓI TỪ VIỆT NAM

Những diễn biến phức tạp và căng thẳng gia tăng liên quan đến vấn đề Biển Đông đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Trong khi đó, một số nguồn thông tin đang làm cho công chúng ở nhiều nước có thể nhận thức sai lệch về bản chất, nguyên do và thực trạng tình hình. VPDF xin giới thiệu bài viết tổng hợp ý kiến phân tích, trao đổi của một số chuyên gia tại Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam để góp phần giúp bạn bè quốc tế, nhân dân các nước, kể cả người dân Trung Quốc, hiểu rõ hơn vấn đề này.

SỰ THẬT VỀ BIỂN ĐÔNG: TIẾNG NÓI TỪ VIỆT NAM (kỳ 1)

Ngày đăng: 13/08/2020 - 16:07 

Biển Đông nóng hay lạnh?

Có phải tình hình Biển Đông vẫn luôn yên ổn như một số ý kiến liên tục khẳng định trong suốt thời gian qua để thuyết phục cộng đồng quốc tế không cần phải quan tâm và lo ngại? Liệu đó có phải là sự thật?

Những gì diễn ra trên thực tế đang cho thấy điều ngược lại.

Trên thực địa, sự căng thẳng và nguy cơ xung đột trên vùng biển này đang không ngừng gia tăng với việc Trung Quốc tăng cường nhanh chóng vũ trang và hiện diện quân sự ở quy mô chưa từng có, sử dụng sức mạnh mở rộng phạm vi và cường độ kiểm soát thực tế trên hầu hết khu vực Biển Đông, tăng cường gây sức ép và ngăn cản hoạt động hợp pháp của các quốc gia ven biển, đưa các giàn khoan và tàu khảo sát vào thăm dò và hoạt động trái phép cũng như sử dụng các tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá đánh bắt ngay tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước, đơn phương áp đặt lệnh cấm bắt cá ở Biển Đông, sử dụng vũ lực tấn công tàu đánh cá của ngư dân các nước đang hoạt động bình thường và hợp pháp trên biển. Các cuộc tập trận, kể cả bắn đạn thật, diễn ra ngày càng dồn dập với quy mô ngày càng lớn; đối đầu giữa các cường quốc hàng đầu diễn ra ngày càng quyết liệt.

Sự thật là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của nhiều nước đang bị thách thức ngày càng lớn; hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông đang bị đe doạ ngày càng nghiêm trọng; nguy cơ va chạm, xung đột và chiến tranh ngày càng cao. Nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu nhận định Biển Đông đang là điểm nóng về tranh chấp chủ quyền trên biển, là tâm điểm đối đầu chiến lược giữa các nước lớn và là thùng thuốc súng có thể làm bùng nổ xung đột tiếp theo, thậm chí có thể khơi nguồn một cuộc chiến tranh mới trong thời gian tới.

Đó là lý do mà tuy luôn bị ngăn cản nhưng các hội nghị ASEAN vẫn liên tục bày tỏ sự “quan ngại” về tình hình Biển Đông và vấn đề Biển Đông luôn là chủ đề nóng của tất cả các diễn đàn an ninh khu vực trong suốt những năm qua. 

Đó cũng là lý do mà thế giới trong những tháng qua đã chứng kiến hàng loạt công hàm và tuyên bố dồn dập của các nước về yêu sách và ứng xử trên Biển Đông, trong đó nội dung mang tính đối kháng cao nhất và chủ yếu là giữa yêu sách và lập trường theo các giải thích luật pháp quốc tế của Trung Quốc với cơ sở pháp lý của các nước còn lại.

Và nếu bạn hỏi bất cứ người dân Việt Nam nào về điều gì đang làm họ lo lắng nhất đối với chủ quyền lãnh thổ và môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam hiện nay, câu trả lời chắc chắn sẽ là: “Biển Đông”. Và đó không chỉ là suy nghĩ của riêng người dân Việt Nam.

Ai gây nên căng thẳng ở Biển Đông?

Một số nguồn tin nói rằng Biển Đông vốn yên bình và chỉ nóng lên gần đây do có sự can dự của Mỹ. Có đúng như vậy không?

Sự thật là từ sau chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ từng bước giảm sự hiện diện quân sự trong khu vực, trong đó có việc rút khỏi các căn cứ Subic và Clark ở Philipin và rút hạm đội 7 ra khỏi Biển Đông. Tình hình Biển Đông bắt đầu nóng lên do sự gia tăng yêu sách về chủ quyền và các hành động hiện thực hoá yêu sách chủ quyền bằng các biện pháp phi pháp, trong đó nổi bật nhất là việc Trung Quốc tấn công chiếm 6 đảo, đá của Việt Nam tại Trường Sa tháng 3/1988, ký hợp đồng với công ty nước ngoài để thăm dò khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa của Việt Nam và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 600 dặm tháng 5/1992. Căng thẳng gia tăng đã buộc ASEAN bắt đầu ra tuyên bố đầu tiên về Biển Đông ngày 22/7/1992. Nhưng sau đó Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển, đặc biệt là sử dụng vũ lực chiếm bãi Vành Khăn tại Trường Sa do Philipin đang kiểm soát năm 1995 và đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển từ năm 1999. Để ngăn ngừa xung đột, ASEAN đã ra sức thúc đẩy Trung Quốc đàm phán để xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông nhưng sau một thời gian kéo dài, Trung Quốc chỉ chấp nhận ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) không mang tính ràng buộc vào năm 2002. 

Tuy nhiên, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp kéo dài và trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn kể từ sau khi Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chính thức hoá yêu sách “đường chín đoạn” phi lý bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông tại Liên hợp quốc năm 2009 và gia tăng sử dụng sức mạnh, hành động ngày càng quyết đoán để hiện thực hoá yêu sách đó trên thực địa. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7/2010, khi vấp phải sự phản ứng từ các ngoại trưởng các nước ASEAN, ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Dương Khiết Trì đã tuyên bố: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ và đó là một thực tế!”. Trung Quốc coi Biển Đông là một dạng “lợi ích cốt lõi” mới và gia tăng các hoạt động xâm phạm vùng biển của các nước khác, sử dụng sức mạnh ngăn cản hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác của các nước ven biển ngay tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ, liên tục gây sức ép buộc các nước chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” với Trung Quốc ngay tại vùng thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước này, tăng cường uy hiếp, tấn công ngư dân các nước khác đang hoạt động hợp pháp trên biển. Nổi bật là các vụ Trung Quốc dùng các tàu hải giảm cắt cáp các tàu Bình Minh 2 và Viking của Việt Nam đang tiến hành khảo sát trên thềm lục địa của Việt Nam (năm 2011), sử dụng sức mạnh giành và thiết lập quyền kiểm soát đối với bãi cạn Scarbourough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philipin (năm 2012), đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (năm 2014), cho tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng biển Việt Nam và Ma-lai-xia (năm 2019 và 2020), nhiều lần đưa các tàu hải giám, tàu khảo sát đến hoạt động phi pháp và gây sức ép tại bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi James và bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philipin và Brunây và khu vực gần đảo Natuna Lớn của Indonesia. 

 

Trung Quốc bồi đắp, tôn tạo quy mô lớn biến đá Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa thành tiền đồn quân sự trên Biển Đông. PNG image

Đặc biệt, Trung Quốc đã bồi đắp các bãi đá chiếm được trên biển cách xa bờ biển Trung Quốc hàng ngàn hải lý thành các đảo nhân tạo, biến chúng thành các cơ sở quân sự hùng mạnh với cả các sân bay phục vụ cho các phi cơ chiến đấu. Trung Quốc tăng nhanh ngân sách quân sự, tập trung phát triển quân đội, nhất là hải quân và không quân với tốc độ chưa từng có và với quy mô và sức mạnh vượt trội gấp nhiều lần tất cả các nước khác trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc tăng mạnh lực lượng bán quân sự để phối hợp với quân đội mở rộng kiểm soát thực tế trên hầu hết diện tích Biển Đông. Ngày 5/7/2020 vừa qua, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chính thức tuyên bố: “Biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm tay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”.

Để biết ai đang gây căng thẳng tại Biển Đông, bạn chỉ cần xem ai có tham vọng và yêu sách lớn nhất, trái với luật pháp quốc tế nhất về chủ quyền trên vùng biển này? Ai đang tăng cường quân sự hoá mạnh nhất và đơn phương sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng với quy mô lớn nhất và đơn phương kiểm soát hầu hết toàn bộ diện tích trên Biển Đông nhằm hiện thực hoá các yêu sách vô lý đó? Và ai là kẻ đang gây hấn nhiều nhất với các nước ven biển khác với cường độ ngày càng tăng?.

 

Ảnh: Tàu chiến của hải quân Trung Quốc phóng tên lửa trên Biển Đông (JPEG image).

Chính tham vọng quá đáng và hành động thực hiện tham vọng này của Trung Quốc đang đe doạ nghiêm trọng và xâm hại chủ quyền và không gian sinh tồn của các quốc gia ven biển khác. Cần lưu ý rằng tất cả các nước này đều mong muốn có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, hoàn toàn không muốn căng thẳng hay đối đầu với Trung Quốc, do đó, không nước nào tìm cách chủ động gây hấn với Trung Quốc, chỉ luôn buộc phải hành động để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; thực tế là hầu hết các hành động gây hấn trên Biển Đông trong thời gian qua đều xuất phát từ Trung Quốc.

Chính tham vọng và hành động của Trung Quốc nhằm đơn phương kiểm soát Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế đã gây lo ngại cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển quốc tế có vị trí đặc biệt quan trọng này. Đó cũng là lý do được các chính quyền Mỹ những năm gần đây sử dụng để triển khai các chiến lược “xoay trục”, “tái cân bằng” và “Ấn Độ - Thái Bình dương” với nội hàm chính là trở lại tăng cường can dự, hiện diện tại khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Và đó cũng là nguyên nhân chính làm suy giảm lòng tin, gia tăng nghi ngại và phản ứng đối phó của cộng đồng khu vực và quốc tế đối với Trung Quốc, làm cho môi trường khu vực và quốc tế có những diễn biến mới bất lợi cho chính Trung Quốc.  

Sự thật về Biển Đông (kỳ 2): Về cái gọi là yêu sách chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc

Ngày đăng: 13/08/2020 - 16:15 

Trung Quốc luôn khẳng định họ có đầy đủ các “căn cứ lịch sử và pháp lý” về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, cho đến nay, họ vẫn chưa thể nào chứng minh được điều đó.

Vấn đề chủ quyền trên biển, xét theo nghĩa rộng, chủ yếu gồm vấn đề chủ quyền đối với các đảo, đá, thực thể trên biển và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng nước và tài nguyên dưới đáy biển.

Đối với các thực thể trên biển, các tranh chấp chủ yếu nổi lên hiện nay gồm tranh chấp song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và tranh chấp giữa 5 nước, 6 bên (gồm Trung Quốc, Đài Loan/Trung Quốc, Việt Nam, Philipin, Malaysia và Brunei) đối với quần đảo Trường Sa. Các đảo mà Trung Quốc đang quản lý gồm quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm của Việt Nam trong các năm 1956 và 1974 và một số đảo, đá tại Trường Sa do Trung Quốc chiếm của Việt Nam năm 1988 và từ Philipin năm 1995. Toàn bộ quá trình này đều được Trung Quốc thực hiện bằng vũ lực, trái với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc chỉ công nhận có tranh chấp đối với các đảo tại Trường Sa và từ chối mọi đàm phán về Hoàng Sa với lý do quần đảo này “hoàn toàn không có tranh chấp”. Gần đây, Trung Quốc thậm chí còn viện dẫn Công thư của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1958 để khẳng định rằng Việt Nam đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc trong khi Công thư này thực tế chỉ bày tỏ ủng hộ và tán thành “quyết định về hải phận” (tức lãnh hải) 12 hải lý của Trung Quốc, hoàn toàn không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung Công thư này nhằm bày tỏ thái độ ủng hộ chính trị đối với Trung Quốc trong bối cảnh Mỹ gia tăng hiện diện tại khu vực nhằm gây sức ép với Trung Quốc sau sự kiện xung đột tại eo biển Đài Loan. Vì vậy mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã không đưa vào đó nội dung phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế lúc đó đang thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hoà theo Hiệp định Giơ-ne-vơ[1]. Thiện chí đó của Việt Nam ngày nay đã bị Trung Quốc lợi dụng, bóp méo để củng cố yêu sách phi lý của mình. Mặc dù Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình với Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục viện dẫn luận cứ trên trong Công hàm gửi Liên hợp quốc làm cho dư luận quốc tế có thể hiểu sai thực chất của vấn đề này.

 

Ảnh minh hoạ: Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Về các vùng biển, câu chuyện còn vô lý hơn rất nhiều. Chính quyền Quốc dân đảng ở Trung Quốc lần đầu tiên phát hành bản đồ Trung Quốc với hình vẽ “đường đứt đoạn” bao phủ hơn 80% diện tích Biển Đông vào năm 1948 nhưng không hề có lý giải về nội hàm và ý nghĩa thực tế của nó. Tuyên bố của Chính phủ nước CHND Trung Hoa do Thủ tướng Chu Ân Lai công bố ngày 4/9/1958 chính thức xác định “lãnh hải của nước CHND Trung Hoa là 12 hải lý” tính từ đất liền và các đảo ngoài khơi. Tuy nhiên, trong những năm qua, với việc đưa ra khái niệm “quyền lịch sử” hết sức mơ hồ, Trung Quốc đã biến “đường đứt đoạn” này thành yêu sách của mình trên gần toàn bộ Biển Đông, biến các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển khác thành khu vực “có tranh chấp” với Trung Quốc. Khi Toà Trọng tài Thường trực (PCA) về Công ước Luật Biển Liên hợp quốc (UNCLOS) ra phán quyết ngày 12/7/2016 khẳng định “không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”, “không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây”, Trung Quốc đã tuyên bố chính sách “3 không” gồm không chấp nhận thẩm quyền của Toà, không công nhận phán quyết và không thi hành phán quyết của Toà nhưng đã không đưa ra được bất cứ lý do chính đáng nào để biện minh cho quan điểm đó của mình.  

Trên thực tế thì Trung Quốc tiếp tục ráo riết huy động chuyên gia tập trung tìm cách “sáng tạo” ra “căn cứ pháp lý” để biện minh cho yêu sách phi lý của mình. Vừa qua, tại công hàm gửi Liên hợp quốc ngày 17/4/2020, Trung Quốc đã đưa thêm yêu sách mới “Tứ Sa” với lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với 4 quần đảo trên Biển Đông và mỗi quần đảo này đều có lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa, do đó, “Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển”. “Vùng nước liên quan” được Trung Quốc vẽ nên đã gộp tất cả các vùng biển 200 hải lý quanh các nhóm đảo này có tổng diện tích còn lớn hơn cả “đường chín đoạn”, bao phủ hơn 90% toàn bộ diện tích Biển Đông. 

 

Ảnh: Yêu sách mới “Tứ Sa” của Trung Quốc trên Biển Đông (JPEG image)

Chúng ta hãy cùng xem xét căn cứ lịch sử và pháp lý của yêu sách được làm mới này của Trung Quốc:

Về thực tiễn lịch sử, Biển Đông là không gian sinh tồn truyền thống của tất cả các nước ven biển, chưa bao giờ chỉ thuộc về Trung Quốc. Thậm chí, nhiều tài liệu của chính Trung Quốc đã khẳng định lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là sự thật không thể chối cãi.

Về mặt pháp lý, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc có nội dung hết sức vô lý, hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 vốn là Hiến pháp về đại dương điều chỉnh mọi hoạt động xác định vùng biển, khai thác sử dụng biển và đại dương…mà chính Trung Quốc cũng là thành viên

Trước hết, yêu sách này dựa trên cơ sở khẳng định rằng Trung Quốc có đầy đủ chủ quyền hợp pháp đối với toàn bộ 4 nhóm đảo mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Nhưng theo luật pháp quốc tế, chủ quyền chỉ được công nhận là hợp pháp khi được xác lập bằng biện pháp hoà bình trong khi Trung Quốc đã chiếm đoạt Hoàng Sa và các đảo ở Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực trái với luật pháp quốc tế và do đó, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này cho đến nay vẫn không được quốc tế công nhận; trong khi đó, chính Trung Quốc cũng thừa nhận là đang có tranh chấp chủ quyền với các nước tại Trường Sa. Ngoài ra, bãi Macclesfield Bank mà Trung Quốc gọi là Trung Sa thực chất chỉ là một bãi ngầm và theo quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS thì không thể là đối tượng để tuyên bố chủ quyền và yêu sách vùng biển. Việc gộp các bãi cạn Scarborough và St. Esprit vào thành “quần đảo” để tuyên bố chủ quyền cũng hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế. Do đó, trước hết, Trung Quốc không hề có chủ quyền hợp pháp ít nhất đối với 3 trong 4 “Sa” mà Trung Quốc đã tuyên bố. Nhóm đảo, đá còn lại mà Trung Quốc gọi là Đông Sa thì hiện nay do Đài Loan đang kiểm soát.

Mặt khác, Trung Quốc hoàn toàn không phải là một “quốc gia quần đảo” và theo quy định của UNCLOS thì các đảo, đá “không có các điều kiện tự nhiên phù hợp cho con người sinh sống” và “không có đời sống kinh tế riêng” không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Phán quyết ngày 12/7/2016 của PCA cũng đã xác định rõ các thực tế tại quần đảo Trường Sa chỉ có thể có quyền tối đa là 12 hải lý. Các nhóm đảo còn lại trên Biển Đông về cơ bản cũng có cấu trúc và các điều kiện tương tự. Do đó, việc Trung Quốc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho 4 “quần đảo” nêu trên  cũng hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. 

Việc ngay cả luận cứ mới nhất mà Trung Quốc đã “sáng tạo” ra để trình Liên hợp quốc vừa qua vẫn hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế cho thấy sự lúng túng và bất lực của Trung Quốc trong việc tìm kiếm “cơ sở pháp lý và lịch sử” cho yêu sách của mình. Nguyên do chính là không hề tồn tại bất cứ “cơ sở pháp lý và lịch sử” nào cho yêu sách vô lý đó.

Đó là lý do mà các công hàm và tuyên bố về Biển Đông trong thời gian qua của tất cả các nước, trừ Trung Quốc, đều chính thức bác bỏ các yêu sách phi pháp này của Trung Quốc.

Về thực tiễn, nếu yêu sách “đường chín đoạn” hay “Tứ Sa” của Trung Quốc được hiện thực hoá thì toàn bộ hơn 90% Biển Đông, kể cả các tuyến hàng hải, hàng không quốc tế rất quan trọng đi qua đây, sẽ thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, hầu hết vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven biển sẽ trở thành khu vực “có tranh chấp” với Trung Quốc và chỉ Trung Quốc được quyền “cùng khai thác” hoặc cho phép các nước khai thác. Bạn hãy hình dung điều tương tự xảy ra với vùng biển Địa Trung Hải, Ca-ri-bê hay bất cứ vùng biển quốc tế nào khác để có thể hiểu tại sao các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế không thể chấp nhập các yêu sách vô lý này. Và bạn cũng hoàn toàn có thể hình dung điều gì xảy ra và hệ quả của nó khi một nước lớn đơn phương sử dụng sức mạnh để hiện thực hoá các yêu sách vô lý đó trên thực địa. 

Mới đây nhất, Trung Quốc còn thay đổi cách gọi vùng biển giữa đảo Hải Nam với Hoàng Sa lâu nay vẫn được coi là “ngoài khơi” thành khu vực “ven biển” để lấy cớ gia tăng kiểm soát vùng biển quốc tế rộng lớn này. 

Sự thật về Biển Đông (kỳ 3): Những khó khăn của các “tiến trình ngoại giao và pháp lý” hay vấn đề “chủ quyền không được tranh cãi”

Ngày đăng: 13/08/2020 - 20:28 

Các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ vốn đã và đang tồn tại giữa nhiều nước và tại nhiều nơi trên thế giới. Biện pháp ngoại giao và pháp lý luôn được coi là các giải pháp phù hợp để giải quyết chúng một cách hoà bình. Tuy nhiên, các tiến trình này cho đến nay vẫn gặp nhiều trở ngại, bế tắc chủ yếu do lập trường của phía Trung Quốc.

Giải pháp tốt nhất và cần luôn được ưu tiên là thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên tranh chấp. Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết thoả đáng vấn đề phân định biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ bằng con đường này. Tuy nhiên, quá trình đàm phán về vấn đề Biển Đông lại khó khăn hơn rất nhiều. Đáng lẽ ra cần có sự trao đổi nghiêm túc giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm của Việt Nam từ năm 1974 thì Trung Quốc luôn từ chối đề cập đến vấn đề này và khẳng định “Hoàng Sa hoàn toàn không có tranh chấp”. Trong khi đó, việc không làm rõ vấn đề Hoàng Sa là trở ngại cho việc phân định rõ vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc bộ và dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng khác. Thí dụ, việc Trung Quốc coi Hoàng Sa là của Trung Quốc và có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là lý do mà Trung Quốc đưa ra khi tấn công các tàu cá của ngư dân Việt Nam,  ngăn cản các hoạt động hợp pháp của Việt Nam ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,  đưa các tàu khảo sát và cả giàn khoan vào thăm dò tại các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trong khi từ chối đàm phán về vấn đề thực tế đó thì Trung Quốc lại luôn thúc ép các nước đàm phán để “cùng khai thác” với Trung Quốc và chỉ với Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của họ vì cho rằng những nơi đó “có tranh chấp” với khu vực “đường chín đoạn” hay “Tứ Sa” của Trung Quốc. Thí dụ Trung Quốc luôn tìm cách cản trở hoạt động thăm dò của Việt Nam tại bãi Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam và yêu cầu đàm phán về việc “cùng khai thác” với Trung Quốc tại đây với lý do khu vực này nằm trong phạm vi 200 hải lý cách một số đảo đá mà Trung Quốc cho là thuộc quần đảo Trường Sa (mặc dù PCA đã phán quyết rõ ràng rằng các đảo, đá thuộc Trường Sa không thể có vùng đặc quyền kinh tế và chính Trung Quốc cũng thừa nhận là có tranh chấp chủ quyền tại Trường Sa, có nghĩa là Trường Sa không hoàn toàn đã thuộc về Trung Quốc). Điều tương tự cũng diễn ra giữa Trung Quốc với Philipin, Malaysia, Indonesia và Brunây. Xin lưu ý: nội hàm thực chất của khái niệm “cùng khai thác” mà Trung Quốc đòi hỏi không có nghĩa là Trung Quốc tham gia với tư cách là một bên hợp tác đầu tư như các nước ngoài khác mà phải với tư cách một bên có “chủ quyền” đối với các vùng biển này. Việc chấp nhận đàm phán về điều này là mặc nhiên thừa nhận các yêu sách vô lý đó của Trung Quốc. Đó là lý do chính mà Indonesia đã kiên quyết bác bỏ đề nghị của Trung Quốc đàm phán về vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia trong tháng 7 vừa qua.

Sau khi Mỹ tuyên bố “xoay trục” về châu Á và trước sự thúc giục của các nước ASEAN, Trung Quốc cuối cùng đã đồng ý tiến hành đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN và luôn lấy việc này để chứng minh rằng tình hình Biển Đông đang “tiến triển tích cực”, “trong tầm kiểm soát”, đang được giải quyết giữa Trung Quốc với ASEAN, không cần có sự can dự của các nước bên ngoài. Tuy nhiên trên thực tế thì tiến trình đàm phán COC đang diễn ra hết sức khó khăn do Trung Quốc trên thực chất không muốn có một bộ quy tắc ứng xử thực sự có hiệu lực và ràng buộc pháp lý (là điều cần thiết đang thiếu mà các nước ASEAN mong muốn để tạo điều kiện góp phần duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông). Trong khi đó, Trung Quốc lại tiếp tục ép các nước ASEAN đưa vào COC quy định là mọi hoạt động hợp tác khai thác trên Biển Đông chỉ được phép tiến hành với Trung Quốc hoặc phải có sự đồng ý với Trung Quốc, tức là vừa phải chính thức công nhận Trung Quốc có chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, vừa phải chấp nhận cùng với Trung Quốc “đóng cửa” vùng biển quốc tế này đối với tất cả các nước khác. 

Trên thực tế, Trung Quốc đã biến khu vực đảo, đá có tranh chấp thành “không có tranh chấp” (trường hợp Hoàng Sa) và các khu vực biển không có tranh chấp thành “có tranh chấp” thông qua việc ép các nước phải đàm phán trên cơ sở trước hết phải công nhận các yêu sách “đường chín đoạn” và “Tứ Sa” của Trung Quốc. Vì vậy, tiến trình “đàm phán song phương” luôn bế tắc, không thể đi vào thực chất và cho đến nay vẫn chưa hề cho thấy bất cứ tia hy vọng nào về khả năng Trung Quốc sẽ có những điều chỉnh các yêu sách phù hợp hơn với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang ngày càng quyết liệt hơn trong việc sử dụng sức mạnh đơn phương để hiện thực hoá các yêu sách phi pháp của mình trên thực địa.

Giải pháp pháp lý cũng là một công cụ phổ biến, hữu hiệu để giải quyết hoà bình các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các nước, kể cả các nước luôn có quan hệ hữu nghị với nhau, do đó không thể luôn coi là biện pháp đối đầu hay thù địch. Thí dụ giữa Malaysia với Singapo, giữa Úc với Đông Ti-mo, giữa Cămpuchia với Thái Lan, Quatar với Bahrain hay giữa Ấn Độ với Bangladesh, Nicaragoa với Colombia… đã giải quyết thành công và tốt đẹp các tranh chấp chủ quyền với nhau thông qua các cơ quan tài phán quốc tế. Thực tế lịch sử thế giới cho thấy nếu các bên tranh chấp không thể giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp vì không thể nhân nhượng do những vấn đề nguyên tắc hay yếu tố nội bộ thì việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế như Toà án hay Trọng tài là giải pháp cần thiết, hữu hiệu và phù hợp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại luôn kiên quyết từ chối giải pháp này đối với vấn đề Biển Đông mặc dù họ không ngừng khẳng định “có đầy đủ căn cứ lịch sử và pháp lý” về chủ quyền “không thể tranh cãi” của các yêu sách của mình. Trung Quốc đã từ chối đề nghị của Philipin cùng giải quyết thông qua Toà Trọng tài cũng như tham gia vào vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận, không thực thi phán quyết của Toà Trọng tài mặc dù theo quy định của luật pháp quốc tế, phán quyết đó là “cuối cùng và ràng buộc với cả hai bên”. Mặt khác, Trung Quốc lại tiến hành trừng phạt kinh tế và tổ chức chiến dịch công kích chống Philipin, ép Philipin từ bỏ phán quyết của và vận động dư luận quốc tế phản đối phán quyết của Toà Trọng tài; đồng thời đe doạ sẽ có các biện pháp “mạnh hơn” đối với các nước khác nếu dám kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế. Trong khi đó, việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm cả việc giải quyết bằng cơ quan tài phán quốc tế như được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế, UNCLOS, điều ước thành lập PCA,… là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế nhằm góp phần duy trì hoà bình, ổn định của thế giới. Thái độ bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường PCA và tẩy chay phán quyết của PCA đó của Trung Quốc không thể không gây nghi ngờ và lo ngại của nhiều nước về động cơ thực sự của Trung Quốc khi nước này đang ráo riết vận động để được bổ nhiệm  thêm một thẩm phán của mình tại Toà án quốc tế về luật biển - cơ quan được thành lập theo UNCLOS.

Mặc dù ASEAN luôn chủ trương “tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý” trong giải quyết vấn đề Biển Đông nhưng lập trường nêu trên của Trung Quốc đang là trở ngại lớn, gây bế tắc cho khả năng tiến hành đàm phán thực chất hoặc sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết hoà bình tranh chấp trên Biển Đông. Và như vậy, vấn đề mà Trung Quốc luốn khẳng định là “không thể tranh cãi” trên thực tế đã bị Trung Quốc biến thành vấn đề “không được tranh cãi”.

Sự thật về Biển Đông (kỳ 4): Biển Đông có phải chỉ là vấn đề song phương?

Ngày đăng: 13/08/2020 - 20:29 

Trung Quốc luôn khẳng định rằng vấn đề Biển Đông chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp, cần và chỉ được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan, thậm chí yêu cầu các nước này chỉ “trao đổi nội bộ” với Trung Quốc khi có xung đột phát sinh, không được “công khai hoá”. Đồng thời, Trung Quốc luôn phản đối “đa phương hoá”, “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông, ra sức ngăn cản ASEAN và các diễn đàn khu vực, quốc tế thảo luận thực chất hay ra các tuyên bố về vấn đề Biển Đông, luôn gây sức ép, đe doạ và thậm chí còn “trừng phạt” các nước nếu dám “công khai hoá”, “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông. Điều đó dẫn đến việc một số nước đã buộc phải thực hiện “chiến thuật im lặng” ngay cả khi Trung Quốc có các hành động xâm hại chủ quyền hợp pháp của họ trên Biển Đông. Còn Trung Quốc thì lại sử dụng điều đó để luôn khẳng định là tình hình Biển Đông vẫn “cơ bản ổn định”, “trong vòng kiểm soát” nhằm ngăn chặn và hạn chế sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này. Hành động đó nếu ở trong trường học thường được gọi là “bắt nạt”, chỉ có điều Biển Đông không phải là lớp học và các quốc gia không phải là những học sinh tiểu học.

Rõ ràng ở Biển Đông trước hết có vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia ven biển. Nhưng bản thân cách thức xử lý các tranh chấp chủ quyền giữa các nước luôn có tác động trực tiếp đến hoà bình, ổn định chung và do đó, đương nhiên là mối quan tâm chung của khu vực và cộng đồng quốc tế. Vì thế mới cần có Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế quy định về cách thức giải quyết tranh chấp, xung đột giữa các quốc gia. Cũng vì thế mới có các hội nghị và thoả thuận quốc tế về xung đột Israel-Palestine, về Triều Tiên, về Síp, v.v…Chắc chắn Trung Quốc cũng đã xuất phát từ nhận thức đó khi chủ động thúc đẩy đưa tranh cãi giữa Ấn Độ và Pakistan về tranh chấp tại khu vực Kashmir tháng 8 năm 2019 ra thảo luận tại Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc. Điều không thể biện minh là tại sao Trung Quốc lại luôn ngăn cản việc đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác?

Mặt khác, Biển Đông lại không chỉ là vấn đề liên quan đến chủ quyền của các quốc gia ven biển mà còn là vùng biển quốc tế lớn thứ tư trên thế giới với các tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế quan trọng bậc nhất hành tinh hiện nay. Duy trì và bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông liên quan đến lợi ích chung và là trách nhiệm của tất cả các nước và cộng đồng quốc tế, trong đó ASEAN có nhiệm vụ hàng đầu. Sẽ không thể hiểu nổi nếu ASEAN, với tư cách là một Cộng đồng An ninh, có thể ra tuyên bố về tình hình trên bán đảo Triều Tiên nằm ở Đông Bắc Á mà không thể ra tuyên bố về Biển Đông là vấn đề liên quan đến chủ quyền của nhiều nước thành viên ASEAN và hoà bình, an ninh của chính khu vực Đông Nam Á. Và trong khi AU vừa qua đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh để bàn về dự án đập thuỷ điện Đại Phục Hưng đang có tranh chấp giữa Ethiopia và một số nước Bắc Phi khác thì cho đến nay vẫn chưa có một hội nghị cấp cao nào của ASEAN hay EAS để bàn riêng về vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt như Biển Đông. Chúng ta có thể đoán được ai là người không muốn nhất điều đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Trung Quốc không phải lúc nào cũng nhất quán với quan điểm nêu trên. Ngược lại, Trung Quốc đã không ít lần chủ động “công khai hoá”, “quốc tế hoá” vấn đề Biển Đông bằng cách triển khai các chiến dịch thông tin quốc tế để quảng bá lập trường của Trung Quốc, thậm chí còn vận động các chính phủ, các đảng phái, các tổ chức và cá nhân các nước ra tuyên bố hay phát biểu ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề này. Thực ra, Trung Quốc chỉ muốn ngăn chặn tiếng nói của các nước có quan điểm khác với lập trường của Trung Quốc mà thôi.

Sự thật về Biển Đông (kỳ 5): Biển Đông trong cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và khẩu hiệu "châu Á của người châu Á"

Ngày đăng: 16/08/2020 - 10:21 

Ngoài tranh chấp chủ quyền nổi lên ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và các nước ven biển, Biển Đông cũng đang trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược diễn ra ngày càng quyết liệt giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo nhiều chuyên gia quốc tế, một trong những mục tiêu chiến lược ưu tiên trước mắt  của Trung Quốc trên lộ trình trở thành cường quốc biển là kiểm soát Biển Đông thông qua việc khống chế chuỗi đảo thứ nhất và thực hiện chiến lược chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập nhằm loại bỏ vai trò của Mỹ và các nước khác tại đây. Và không khó để hiểu rằng việc Mỹ trở lại can dự tại khu vực trước hết và chủ yếu chính là vì lợi ích của Mỹ, là nhằm mục tiêu kiềm chế Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á và vị thế độc tôn của Mỹ trên thế giới. 

Trong khi đó, các nước trong khu vực đều có chung nguyện vọng duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển, không muốn bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn. Vì vậy, nhiều nước ASEAN đã bày tỏ lo ngại rằng đối đầu và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung sẽ làm gia tăng căng thẳng, bất ổn và nguy cơ xung đột trong khu vực và đều không muốn phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, càng không muốn liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc.

Ảnh: Nhóm tàu chiến Mỹ trên Biển Đông tháng 4/2020 (JPEG)

Tuy nhiên, những diễn biến thực tế hiện nay của cục diện và tình hình an ninh khu vực, nhất là yêu sách và hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng đang làm gia tăng quan ngại của cộng đồng khu vực và quốc tế. Việc Trung Quốc tập trung nhanh chóng tăng cường sức mạnh quân sự, đẩy nhanh quân sự hoá Biển Đông đã gây mất cân bằng nghiêm trọng so sánh lực lượng trong khu vực với ưu thế áp đảo tuyệt đối của Trung Quốc. Trong số các quốc gia ven Biển Đông, Trung Quốc là nước duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân và các tàu sân bay; chi phí quốc phòng và sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó gồm cả hải quân và không quân đang tăng nhanh nhất và lớn gấp nhiều lần tất cả các nước ven biển cộng lại. Bạn có thể nói đó là vì Trung Quốc là nước lớn có 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng bạn cũng có thể dễ dàng hình dung được kết quả của việc dùng sức mạnh áp đảo đó để hiện thực hoá các yêu sách tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông. Thí dụ bạn hãy thử tự hỏi xem Trung Quốc hiện nay đang phát triển nhanh chóng các tàu đổ bộ, diễn tập tấn công chiếm đảo hay quân sự hoá các đảo, đá để làm gì trong khi chắc chắn là không nước nào hiện nay lại có ý đồ dại dột tấn công các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Điều đó cũng chưa từng xảy ra trong suốt hơn 70 năm qua. Trong thời gian đó, chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực tấn công và chiếm đóng các đảo từ các nước khác mà thôi.

 

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trên Biển Đông (JPEG image).

Điều nghịch lý là trong khi phản đối trật tự “đơn cực” của Mỹ trên thế giới thì chính Trung Quốc dường như lại đang ra sức áp đặt trật tự “đơn cực” của mình tại Đông Á, nhất là trên Biển Đông. Trong khi thường đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế trong nhiêu vấn đề toàn cầu thì Trung Quốc lại có cách tiếp cận ngược lại đối với không ít các vấn đề khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Việc Trung Quốc luôn ngăn cản "đa phương hoá" vấn đề Biển Đông, bác bỏ phán quyết của Toà Trọng tài về vụ kiện của Philipin hay tuyên bố về "nước lớn, nước nhỏ" của ông Dương Khiết Trì tháng 7/2010 cũng như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 12/5/2020 vừa qua “Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông” chỉ là số ít trong rất nhiều thí dụ về thái độ thực chất của Trung Quốc trong quan hệ đối với các nước láng giềng và quan điểm của nước này về trật tự khu vực. Khẩu hiệu “châu Á là của người châu Á” được cho là nhằm loại trừ sự tham gia của tất cả các cường quốc bên ngoài, tạo điều kiện để củng cố và duy trì trật tự đơn cực theo kiểu học thuyết Monroe tại khu vực này và do Trung Quốc thống trị. Vì vậy mà có nhiều ý kiến rất nghi ngại về nội hàm thực chất của khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” mà Trung Quốc mời đang gọi các nước trong khu vực tham gia. 

Cần lưu ý là riêng trong vấn đề Biển Đông, vai trò và cách tiếp cận của Mỹ có sự khác biệt đáng kể so với trong nhiều vấn đề khác và rất khác với Trung Quốc. Một mặt, Mỹ không có tham vọng hay bất cứ yêu sách chủ quyền nào tại Biển Đông, mặt khác, mặc dù Mỹ có nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế trong các trường hợp khác và chưa tham gia UNCLOS nhưng trong vấn đề Biển Đông thì Mỹ lại ủng hộ việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không, phản đối việc đơn phương kiểm soát Biển Đông và điều đó là phù hợp với lập trường và lợi ích chung của các nước trong khu vực.

Trong khi đó, Biển Đông là vùng biển quốc tế rất quan trọng đối với cả thế giới, việc duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế tại đây là lợi ích và trách nhiệm chung không chỉ của các nước ven biển mà còn của cả cộng đồng quốc tế. Yêu sách tham vọng và hành động đơn phương sử dụng sức mạnh kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc không chỉ đe doạ chủ quyền của các quốc gia ven biển mà còn là thách thức đối với luật pháp quốc tế và lợi ích chung của tất cả các nước.

Đó là những lý do chính mà các nước khu vực hoan nghênh sự tham gia đóng góp xây dựng và có trách nhiệm của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế trên vấn đề Biển Đông (trong khi Trung Quốc thì ngược lại). Đó hoàn toàn không phải là nhằm lôi kéo hay liên kết với Mỹ hay các nước khác để chống Trung Quốc. Trái lại, các nước đều mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, phản đối mọi hành động khiêu khích, gây căng thẳng, đối đầu, xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ hay can thiệp vào công việc nội bộ của tất cả các quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Tuyên bố ASEAN về duy trì hoà bình và ổn định ở Đông Nam Á ngày 8/8/2020 vừa qua một lần nữa khẳng định lại cam kết của tổ chức này về khu vực hoà bình, an ninh, trung lập và ổn định, luôn đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều mong muốn nhất là các nước lớn cần nêu gương trong việc ứng xử có trách nhiệm và tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó Trung Quốc cần hành động nhất quán với tuyên bố về “thân, thành, huệ, dung” trong quan hệ với láng giềng và cam kết “mãi mãi không xưng bá” mà lãnh đạo nước này đã nhiều lần tuyên bố.

Sự thật về Biển Đông (kỳ 6): Giải pháp nào cho tương lai của khu vực?

Ngày đăng: 18/08/2020 - 12:24 

Thực tiễn lịch sử thế giới cho thấy các hành động đơn phương sử dụng sức mạnh để hiện thực hoá tham vọng chủ quyền lãnh thổ bất chấp luật pháp quốc tế là nguy cơ to lớn đối với hoà bình và chỉ có việc tuân thủ các chuẩn mực ứng xử dưới sự giám sát hữu hiệu của các cơ chế an ninh tập thể mới có thể ngăn ngừa xung đột, chiến tranh.

Tình hình căng thẳng gia tăng trên Biển Đông cùng với việc tăng cường vũ trang, các hành động quân sự hoá, đơn phương sử dụng sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế cùng với xu hướng nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự đối đầu, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều bất ổn cho môi trường an ninh và phát triển chung của toàn khu vực, xét về tổng thể sẽ gây bất lợi cho tất cả các nước, trong đó có cả Trung Quốc. Trong khi đó, hoà bình, ổn định để hợp tác vì phát triển thịnh vượng vẫn luôn là lợi ích cơ bản và lâu dài của tất cả các quốc gia. Điều đó đòi hỏi nhận thức đúng đắn và sự phối hợp hành động có trách nhiệm của tất cả nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm xây dựng lòng tin, loại bỏ các nguy cơ, thách thức đang đặt ra.

Ảnh: Toạ đàm về Biển Đông tại Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam (VPDF)

Trước hết, cần nhận thức Biển Đông vừa là không gian sinh tồn truyền thống và môi trường an ninh, phát triển thiết yếu của tất cả các nước ven biển, vừa là vùng biển quốc tế và là tuyến hàng hải, hàng không quan trọng hàng đầu của thế giới. Do đó, không một quốc gia nào được phép độc quyền chiếm hữu hay đơn phương kiểm soát Biển Đông; duy trì hoà bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế là trách nhiệm chung hàng đầu của tất cả các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để góp phần làm rõ và củng cố nhận thức này, trong thời gian qua, một số học giả các nước đã đề xuất sử dụng tên gọi “Biển Đông Nam Á” làm tên gọi quốc tế chính thức đối với vùng biển này để thể hiện đúng hơn vị trí địa lý và tính chất “công” của nó thay vì tiếp tục sử dụng tên gọi “Biển Nam Trung Hoa” vốn chỉ dựa trên cách gọi của một nước và chỉ gắn với một trong những quốc gia ven biển là Trung Quốc. 

Thứ hai, cần xác định rõ là hiện nay Biển Đông có 3 vấn đề chính nổi lên cần quan tâm gồm: một là tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán giữa các nước ven biển, trong đó lớn nhất và gay gắt nhất là giữa Trung Quốc với các nước còn lại, hai là đối đầu và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực và ba là việc duy trì và bảo đảm hoà bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, bảo vệ môi trường sinh thái trên Biển Đông. Cả 3 vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. 

Thứ ba, việc giải quyết thoả đáng vấn đề Biển Đông chỉ có thể được tiến hành trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là Hiến chương về đại dương của nhân loại ngày nay. Mọi hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế chỉ sẽ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột trong khu vực.

Vì vậy, mọi yêu sách chủ quyền đối với các thực thể trên biển và yêu sách đối với các vùng biển của tất cả các bên cần phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS. Mọi khác biệt hay tranh chấp cần được ưu tiên giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan; trường hợp không thể đạt được sự nhất trí, các bên có thể sử dụng các biện pháp hòa bình khác như trung gian, hòa giải… hoặc thông qua cơ quan tài phán quốc tế để phân xử và nhất thiết cần tôn trọng, thực thi nghiêm chỉnh phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Trong khi đó, không bên nào được hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng, mở rộng kiểm soát, cản trở hoạt động hợp pháp của các nước khác hay tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên ngoài phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với các quy định của UNCLOS.

Đồng thời, cần khẩn trương tập trung phối hợp nhằm kiên quyết ngăn chặn chạy đua vũ trang trên Biển Đông, thậm chí nên tiến hành phi quân sự hoá Biển Đông thông qua việc từng bước giảm thiểu và hạn chế tối đa sự hiện diện của các loại vũ khí tấn công và các hoạt động quân sự trên biển của tất cả các bên.

Cuối cùng nhưng hết sức quan trọng là cần sớm nghiên cứu, xem xét khả năng thúc đẩy hình thành các thoả thuận và cơ chế an ninh tập thể của khu vực với sự tham gia bình đẳng của tất cả các bên liên quan để đề ra và giám sát, bảo đảm thực thi các quy định và chuẩn mực ứng xử về xử lý tranh chấp, va chạm và các vấn đề phát sinh khác, về điều tiết vũ trang và các hoạt động quân sự, về quản lý, kiểm soát, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái trên biển nhằm ngăn ngừa xung đột, duy trì hoà bình, ổn định, bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và tạo điều kiện hợp tác phát triển vì thịnh vượng chung của khu vực và thế giới. Các cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN làm trung tâm như ARF, ADMM+ và nhất là EAS có thể và nên được nâng cấp thành các cơ chế an ninh tập thể của khu vực để thực hiện được chức năng quan trọng đó. Nên xem xét khả năng triệu tập một Hội nghị quốc tế về Biển Đông và tiếp theo là Hội nghị quốc tế về An ninh và Hợp tác Đông Á để thảo luận và quyết định về những vấn đề liên quan. Trong khi đó, để thể hiện trách nhiệm và phát huy vai trò trung tâm của mình, ASEAN cần nghiên cứu, cân nhắc khả năng thành lập Nhóm Công tác về Biển Đông với sự tham gia tự nguyện của các nước thành viên có lợi ích trực tiếp và quan tâm nhất về vấn đề này để thường xuyên nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tình hình và kịp thời báo cáo, kiến nghị giải pháp cho ASEAN.

Đó là cách tốt nhất để xây dựng lòng tin, bảo đảm hoà bình bền vững và hợp tác cùng phát triển trên Biển Đông vì lợi ích của tất cả các quốc gia, của khu vực và thế giới.

Trần Minh (Tổng hợp)

Hết


[1] Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình tại Việt Nam năm 1954 (với sự tham gia của Trung Quốc) đã tạm thời chia tách Việt Nam thành Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên thuộc Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Nam Việt Nam ở phía Nam vĩ tuyến 17 do Việt Nam Cộng hoà kiểm soát. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều ở dưới vĩ tuyến 17 và do đó, chịu sự quản lý của Việt Nam Cộng hoà. Tuy nhiên, Trung Quốc đã  sử dụng vũ lực lần lượt chiếm các phần của Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hoà trong các năm 1956 và 1974. Không chỉ chính quyền Việt Nam Cộng hoà mà cả Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lúc đó đều ra tuyên bố phản đối hành động này của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Được biết, sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Đặng Tiểu Bình đã nói với lãnh đạo Việt Nam “vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa sau này sẽ bàn”. Tuy nhiên, sau khi phát động chiến tranh tấn công các tỉnh biên giới của Việt Nam năm 1979, Trung Quốc đã đưa tàu chiến tấn công chiếm thêm 6 đảo, đá của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3/1988.

[2] Sau Tuyên bố Thượng Hải 1972, chính quyền Tổng thống Mỹ Nixon đã ngăn cản không cho Việt Nam Cộng hoà phản công tái chiếm Hoàng Sa sau khi Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công chiếm đoạt quần đảo này mà họ đang kiểm soát tháng 1/1974 mặc dù tại thời điểm đó quân lực Việt Nam Cộng hoà có ưu thế hơn hẳn so với Trung Quốc trên vùng biển này.

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link