Thông điệp cứng rắn với Mỹ và NATO từ phát hiện mới về các cơ sở hạt nhân của Nga

Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Liên bang Nga đã âm thầm mở rộng một số cơ sở vũ khí hạt nhân chủ chốt trong những năm gần đây.

 

Chú thích ảnh
Hình ảnh được chụp bởi công ty vệ tinh Mỹ Planet Labs vào tháng 5 và tháng 6/2025 cho thấy iên bang Nga đã âm thầm mở rộng một số cơ sở vũ khí hạt nhân chủ chốt trong những năm gần đây. Nguồn: Google Earth/Business Insider

Báo The Kyiv Post của Ukraine tối 15/7, theo giờ địa phương, cho biết bốn trong số năm địa điểm được phát hiện nằm ở hoặc gần châu Âu, bao gồm Belarus, Kaliningrad và vùng duyên hải Bắc Cực của Liên bang Nga – và một địa điểm nằm gần Thái Bình Dương, gần Alaska.

Các hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Liên bang Nga đã âm thầm mở rộng một số cơ sở vũ khí hạt nhân chủ chốt trong những năm gần đây – bổ sung các tòa nhà mới, hàng rào, đường xá và biện pháp an ninh, đặc biệt là ở các khu vực gần châu Âu.

Những hình ảnh này được chụp bởi công ty vệ tinh Mỹ Planet Labs vào tháng 5 và tháng 6, và được tờ Business Insider phân tích, cho thấy hoạt động xây dựng quy mô lớn tại năm địa điểm quân sự. Bốn trong số đó nằm ở hoặc gần châu Âu, bao gồm Belarus, Kaliningrad và vùng duyên hải Bắc Cực của Liên bang Nga – và một địa điểm gần Thái Bình Dương, gần Alaska.

Các chuyên gia cho rằng việc nâng cấp này cho thấy Liên bang Nga đang hiện đại hóa một phần cơ sở hạ tầng vũ khí hạt nhân của mình đồng thời gửi thông điệp cứng rắn tới NATO và Mỹ khi cuộc chiến tại Ukraine tiếp diễn.

Theo ông Hans Kristensen, chuyên gia hàng đầu thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, “có hai lý do chính khiến họ (Liên bang Nga) làm điều này. Một là do nâng cấp định kỳ. Hai là nhằm thể hiện sức mạnh với các cường quốc hạt nhân khác”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại cuộc hội đàm ở thành phố Sochi (Nga) ngày 15/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở tại Belarus có thể đã sẵn sàng để lưu trữ vũ khí hạt nhân của Liên bang Nga

Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất là tại Belarus, gần thị trấn Asipovichy, nơi các nhà phân tích phát hiện hoạt động xây dựng quy mô lớn tại Căn cứ đạn dược số 1405.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy có hàng rào ba lớp, các tòa nhà mới, đường dốc dỡ hàng có mái che và một ăng-ten lớn - tất cả đều là dấu hiệu điển hình của một cơ sở lưu trữ hạt nhân. Một đầu mối đường sắt mới đã kết nối căn cứ với mạng lưới đường sắt quốc gia, có khả năng phục vụ việc vận chuyển đầu đạn.

Cuộc tìm kiếm cơ sở này bắt đầu vào tháng 3/2023, khi Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko cùng công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Liên bang Nga trên lãnh thổ Belarus.

Hai tháng sau, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin và người đồng cấp Liên bang Nga khi đó, ông Sergei Shoigu ký một thỏa thuận công khai cho phép lưu trữ đầu đạn hạt nhân trong lãnh thổ Belarus.

Đến tháng 6/2023, Tổng thống Belarus nói với hãng tin Reuters rằng đất nước ông đã bắt đầu tiếp nhận những vũ khí hạt nhân đầu tiên từ Liên bang Nga. Ông Lukashenko tuyên bố các đầu đạn chiến thuật này “mạnh gấp ba lần” quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Sergei Lebedev sau đó làm rõ rằng các vũ khí này vẫn sẽ do Liên bang Nga kiểm soát thông qua cơ chế “nút hạt nhân kép”, đòi hỏi sự cho phép từ cả hai bên – trên thực tế, quyền quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Moskva (Moscow).

Tháng 5/2024, báo The New York Times của Mỹ công bố một cuộc điều tra cho thấy họ đã xác định được địa điểm lưu trữ tiềm năng.

Hình ảnh vệ tinh nguồn mở từ tháng 2/2024 cho thấy hoạt động xây dựng mới tại một căn cứ quân sự Liên Xô cũ gần Asipovichy, cách biên giới Ukraine khoảng 180km.

Các bức ảnh cho thấy việc chặt phá rừng, mở rộng đường ray, san lấp mặt bằng và nền móng của các bệ bốc xếp – tất cả đều phù hợp với việc chuẩn bị xử lý vật liệu hạt nhân.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp màn hình: Google Earth/Business Insider

Qua những hình ảnh vệ tinh gần đây, các nhà phân tích cũng phát hiện hệ thống phóng tên lửa Iskander đỗ tại một cơ sở gần đó, với nhà chứa xe mới và dấu vết bánh xe còn mới – cho thấy những hoạt động tại đây đang diễn ra tích cực.

Các hệ thống di động này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, cho thấy cơ sở này có thể là trung tâm lưu trữ và cũng là điểm phóng tiềm năng. Ăng-ten lớn và đường dốc có mái che (có thể dẫn xuống hầm ngầm) càng củng cố giả thuyết rằng căn cứ đang được chuẩn bị để triển khai vũ khí hạt nhân.

“Đây là một sự nâng cấp quy mô lớn và diễn ra rất nhanh. Và điều này phù hợp với mô hình mà chúng tôi từng thấy tại các cơ sở lưu trữ hạt nhân của Liên bang Nga”, ông Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, cho biết.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp màn hình: Google Earth/Business Insider

Các nhà chứa và công trình hỗ trợ mới cho hệ thống tên lửa đã xuất hiện gần đây nhất vào tháng 6. Dù chưa phát hiện đầu đạn nào đang được lưu trữ tại đây, các chuyên gia cho rằng cơ sở này đã sẵn sàng tiếp nhận chúng trong thời gian ngắn nếu cần thiết.

Căn cứ tàu ngầm của Liên bang Nga cũng được nâng cấp

Một địa điểm quan trọng khác là căn cứ hải quân Gadzhiyevo ở khu vực Murmansk, gần biên giới với Na Uy và Phần Lan. Đây là nơi đặt các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân của Liên bang Nga.

Các hình ảnh vệ tinh từ những năm trước thậm chí cho thấy một đầu đạn hạt nhân được di chuyển bằng cần cẩu.

Căn cứ này bao gồm các lối vào vào bên trong núi, được cho là đường hầm lưu trữ đầu đạn hạt nhân dành cho tàu ngầm. Các nhà phân tích nói rằng khu vực này vẫn hoạt động rất tích cực.

Chú thích ảnh
Ảnh chụp màn hình: Google Earth/Business Insider

Hiện nay, Liên bang Nga vẫn là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với khoảng 4.300 đầu đạn đang hoạt động. Mỹ có khoảng 3.700. Cả hai nước đều đang nâng cấp lực lượng hạt nhân của mình.

Ví dụ, Mỹ đang thay thế các tên lửa Minuteman III cũ kỹ bằng một hệ thống mới có tên là Sentinel.

Liên bang Nga chưa đưa ra bình luận nào về các phát hiện từ ảnh vệ tinh, và chính phủ Belarus cũng giữ im lặng.

Các chuyên gia cho rằng dù hiện tại các địa điểm trên có thể chưa lưu trữ đầu đạn hạt nhân, nhưng tốc độ và quy mô xây dựng có thể khiến căng thẳng xoay quanh vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc