Cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp tròn 3 năm với sự liên quan của hàng chục nước trên toàn cầu. Trong những tuần đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động tại Ukraine, người ta chỉ nghe thấy tiếng Nga và tiếng Ukraine hoặc một số tiếng địa phương trên chiến trường thì nay người ta nghe thấy hò hét nơi chiến trận bằng nhiều ngôn ngữ khác, gồm cả tiếng Nam Âu, Trung Âu, tiếng Nam Á, tiếng Đông Á và tiếng châu Phi. Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy về mức độ quốc tế hóa của cuộc chiến này.
Trên bầu trời nơi giao chiến, người ta cũng thấy UAV của Iran đối đầu với hệ thống phòng không Mỹ. Còn trên mặt đất, đạn pháo của cả Á và Âu đan chéo vào nhau.
Đến nay, những người theo chủ thuyết cô lập bền bỉ nhất cũng khó có thể mô tả xung đột này là “xung đột khu vực” giữa Nga và Ukraine.
Khởi phát vào tháng 2/2022 với tư cách cuộc chiến trên bộ lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II, xung đột Nga - Ukraine hiện đang trên đường trở thành xung đột mang tính toàn cầu lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của hàng chục quốc gia.
Cuộc chiến ủy nhiệm giữa các nước lớn
Khi Moscow mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine vào đầu năm 2022, điện Kremlin coi đây là biện pháp phòng vệ cần thiết trước khối quân sự NATO.
Đa phần chuyên gia đồng thuận rằng Tổng thống Nga Putin khi đó dự kiến cuộc xung đột này sẽ diễn ra gói gọn trong một số ngày nhất định.
Sử gia nổi tiếng về Chiến tranh Lạnh, Sergey Radchenko, nhận định: “Nếu chiến dịch đó kết thúc nhanh chóng, thì nó sẽ chỉ dừng lại ở một cuộc xung đột khu vực. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy”.
Lực lượng Ukraine đã chống trả lại Nga bằng tất cả sức lực của mình. Trong khi đó, phương Tây mau chóng trợ lực cho Ukraine, đổ hàng loạt vũ khí và thông tin tình báo vào giúp đỡ Kiev. EU coi an ninh của Ukraine là an ninh của khối. Mỹ thì sốt sắng bảo vệ cái mà họ gọi là nền dân chủ và an ninh châu Âu. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã bị quốc tế hóa ngay từ giai đoạn đó.
Theo thời gian, cả quân đội Nga lẫn Ukraine đều rơi vào trạng thái thiếu thốn đạn pháo và nhân lực. Đến lúc này, mức độ quốc tế hóa của xung đột Nga - Ukraine lại càng bị đẩy lên một mức cao nữa.
Ngày nay, cả Nga và Ukraine đều dựa vào sự trợ giúp từ bên ngoài . Những viện trợ đó giúp Ukraine trụ vững và giúp Nga duy trì ưu thế trên không và trên bộ trong khi giảm thiểu tác động của chiến tranh lên dân chúng Nga.
Cả hai quốc gia đều tích cực vận động, đưa ra những tuyên bố lớn lao và mang tính tư tưởng để lôi kéo thêm nguồn lực từ nước ngoài. Ukraine tuyên bố mình đang chiến đấu cho nền “dân chủ”, còn Nga thì khẳng định mình đang tiến hành thập tự chinh chống lại sự “bá quyền” của Mỹ cũng như “phương Tây tập thể”.
Nga cũng đã đẩy mạnh “chiến tranh lai, chiến tranh tổng hợp” để đối phó với phương Tây trên nhiều mặt trận phi quân sự, nhằm làm phân tán sự đầu tư của phương Tây cho Ukraine. Tình hình tại Moldova và Yemen được cho là những nơi mà Kremlin đang cố tạo dựng ảnh hưởng theo hướng có lợi cho mình.
Viện trợ của các bên cho các phe
Tuyên truyền của Moscow về “trật tự thế giới đa cực” đã thuyết phục được Iran cung cấp cho Nga nhiều máy bay không người lái (UAV). Triều Tiên cũng được cho là đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo cũng như hàng triệu quả đạn pháo, thậm chí cả binh sĩ Triều Tiên.
Khối Nam Toàn cầu cũng nghiêng về Nga dưới cái ô của tổ chức BRICS. Trung Quốc trở thành bên hậu thuẫn lớn nhất về kinh tế cho Nga. Trung Quốc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc củng cố kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây. Cụ thể, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga thị trường tiêu thụ dầu mỏ và phân bón. Ấn Độ hỗ trợ Nga theo những cách ít nhiều tương tự.
Các đối thủ của Nga cũng không khoanh tay ngồi yên. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã viện trợ cho Ukraine 220 tỷ USD. Các nước NATO đã chuyển giao nhiều loại vũ khí ngày càng mạnh cho Ukraine, từ lựu pháo vào đầu xung đột đến máy bay tiêm kích F-16 một thời gian sau đó và mới đây là tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.
EU cũng tạo điều kiện để Ukraine, Moldova và Gruzia gia nhập khối này.
Alexander Gabuev - giám đốc Trung tâm Á - Âu Nga Carnegie, khẳng định: Nếu thiếu trợ giúp của phương Tây, cuộc chiến của người Ukraine sẽ khó tồn tại được qua năm thứ nhất và Ukraine sẽ chịu kết cục bị đánh bại hoàn toàn.
Bất chấp những lời cảnh báo từ Nga, phương Tây đã không ngừng viện trợ cho Ukraine, vượt qua nhiều “lằn ranh đỏ” của Moscow. Riêng Tổng thống Pháp Macron thậm chí còn nêu ý tưởng đưa lục quân của các nước phương Tây vào Ukraine để trợ giúp quân đội của Kiev.
Tuy nhiên, cả phương Tây và Trung Quốc đều có những động thái kiềm chế để tránh gây leo thang nhanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Phương Tây vừa viện trợ cho Ukraine, vừa thận trọng theo dõi phản ứng của Nga. Trung Quốc thì vẫn tôn trọng một số “lằn ranh đỏ” của phương Tây, tránh đụng chạm trực tiếp vào một số lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga. Chính vì vậy, xung đột Nga - Ukraine hiện nay giống như cuộc chiến tiêu hao thời Thế chiến I hơn là một cuộc chiến hoàn toàn công nghệ cao của thế kỷ 21.