Mỏ kim loại khủng ở Lào: Việt Nam dừng bước, "của hiếm" đổ hết sang Trung Quốc

Dự kiến hàng triệu tấn kali khai thác ở Lào sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc nhờ tuyến đường sắt cao tốc mới khánh thành.

Mỏ kim loại khủng ở Lào: Việt Nam dừng bước, "của hiếm" đổ hết sang Trung Quốc

Khoáng sản khổng lồ tại Lào

Lào dự kiến sẽ thu về khoảng 463 triệu USD từ việc bán khoáng sản trong nước và xuất khẩu trong 3 tháng cuối năm 2021, sau khi thu được 1,464 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2021.

Phát biểu trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho biết giá trị bán khoáng sản trong năm nay dự kiến sẽ đạt hơn 15,04% so với mục tiêu đề ra.

Khoảng 124 công ty đang vận hành 209 dự án trong lĩnh vực thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như nghiên cứu khả thi về hoạt động khai thác, trong đó 14 công ty hiện đang xây dựng cơ sở vật chất liên quan - Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào báo cáo hồi tháng 11.

Trong 5 năm qua (2016 - 2020), giá trị khoáng sản và sản phẩm từ khoáng sản sản xuất của Lào đạt 7,5 triệu USD, giá trị khoáng sản sản xuất cung cấp trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 8 triệu USD.

Trong nỗ lực sử dụng các nguồn tài nguyên này để thúc đẩy sự phát triển, chính phủ Lào khuyến khích chế biến khoáng sản nhiều hơn và giảm xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến.

Lào cũng sẽ nâng cấp sản xuất khoáng sản để các quặng khoáng sản thô có khả năng tinh chế và tạo ra giá trị gia tăng trước khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cải thiện các khu vực khai thác có thể ngăn các tác động xấu đến xã hội hoặc môi trường.

Theo Tân Hoa Xã, Lào là một trong những quốc gia giàu tài nguyên nhất ở châu Á. Hơn 570 mỏ khoáng sản đã được xác định, bao gồm vàng, đồng, kẽm, sắt, kali, đá vôi và chì.

Mỏ kim loại khủng ở Lào: Việt Nam dừng bước, của hiếm đổ hết sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Đáng lưu ý, Lào có nguồn kali dồi dào, có khả năng mang lại lợi ích kinh tế lớn. Trữ lượng kali của Lào tập trung chủ yếu ở 2 khu vực: khu vực gần thủ đô Viêng Chăn (trữ lượng khoảng 50 triệu tấn, theo số liệu của chính phủ Lào) và khu vực ở tỉnh Khammouane.

Việt Nam rút chân khỏi dự án

Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu đầu tư khai thác mỏ ở tỉnh Khammouane. Bộ Công Thương cho biết dự án được bắt đầu triển khai từ năm 2004. Giai đoạn 2004 - 2008, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) thực hiện công việc thăm dò, đánh giá trữ lượng muối; giai đoạn 2012-2016 đầu tư, hoàn thiện hạ tầng mỏ muối để đưa vào khai thác.

Tờ Việt Nam Finance dẫn thông báo của Vinachem cho biết dự án này do chính tập đoàn làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 522,46 triệu USD.

Trữ lượng tài nguyên của mỏ ở Khammouane khoảng 29,5 triệu tấn KCl và công suất nhà máy là 320.000 tấn KCl 95%/năm và 300.000 tấn NaCl 98%/năm.

Mỏ kim loại khủng ở Lào: Việt Nam dừng bước, của hiếm đổ hết sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Vinachem bất ngờ tìm chủ mới cho dự án nửa tỷ USD ‘đắp chiếu’ ở Lào

Dù đặt mục tiêu hoàn thành giai đoạn đầu tư, đưa vào khai thác vào năm 2016, nhưng đến năm 2015 Vinachem mới chính thức khởi công dự án và tới nay dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Cuối tháng 2/2021, Vinachem bất ngờ thông báo tìm chủ mới cho dự án khai thác ở Lào.

Trung Quốc tận dụng tuyến đường sắt cao tốc

Trong khi đó, chuyến tàu chở hàng đầu tiên của Đường sắt Trung Quốc-Lào đi Trung Quốc đã xuất phát vào chiều ngày 3/12 ngay sau khi tuyến đường sắt này chính thức khánh thành.

Trong số hàng hóa chở trên tàu có các sản phẩm kali do một liên doanh Trung Quốc-Lào có tên là Công ty Kali Quốc tế Sino-Agri sản xuất.

Với tốc độ khai thác tối đa 160 km/giờ, thời gian chạy từ Viêng Chăn đến Côn Minh mất khoảng 10 giờ, bao gồm cả thời gian làm thủ tục hải quan.

Mỏ kim loại khủng ở Lào: Việt Nam dừng bước, của hiếm đổ hết sang Trung Quốc - Ảnh 3.

"Chúng tôi rất vinh dự được vận chuyển sản phẩm của mình thông qua chuyến tàu chở hàng đầu tiên đến Trung Quốc. Hoạt động của tuyến đường sắt sẽ giúp thúc đẩy sản xuất kali ở Lào và xuất khẩu của nước này", Tổng giám đốc công ty Tong Yongheng nói với Tân Hoa xã.

Mỏ kim loại khủng ở Lào: Việt Nam dừng bước, của hiếm đổ hết sang Trung Quốc - Ảnh 4.

Theo ông Tong, dây chuyền sản xuất 1 triệu tấn kali hàng năm của công ty đã đi vào giai đoạn thử nghiệm gần đây tại tỉnh Khammouane, Lào.

"Công ty chúng tôi hiện đang hướng tới dây chuyền sản xuất 1 triệu tấn lần thứ 2 và thứ 3. Chúng tôi sẽ sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao hơn và tuyển dụng nhiều người địa phương hơn", ông Tong nói.

Hàng hóa, bao gồm cả nguyên liệu thô, cao su, gạo và nông sản tươi, có thể được vận chuyển đến Trung Quốc và sau đó là châu Âu thông qua mạng lưới đường sắt, điều này sẽ tạo động lực mới cho không chỉ nền kinh tế địa phương mà còn cho các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Myanmar.

Ngoài hàng hóa, các lĩnh vực thương mại, đầu tư, trao đổi, du lịch được dự kiến sẽ phát triển mạnh nhờ vào tuyến đường cao tốc.

Các nhà quan sát Trung Quốc đánh giá cao sự phát triển trong tương lai của Đường sắt Trung Quốc-Lào, vì nó có thể là một phần của kế hoạch lớn về tuyến vận chuyển nhanh với hy vọng nối Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và cuối cùng là Singapore - tạo thành Đường sắt Côn Minh-Singapore hoặc Mạng lưới đường sắt xuyên Á.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị