Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá toàn diện tình hình thế giới và trong nước, cụ thể là những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn, từ đó đề xuất giải pháp để thích ứng với bối cảnh mới, tạo các động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính phủ đang xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cho giai đoạn 2021 - 2025. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp, vừa mang lại thời cơ vừa mang lại thách thức cho các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Tuấn cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng xanh phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam, chính là xác định con đường đi ngắn nhất, để không phải trải qua giai đoạn “tự tăng trưởng nóng”, sau đó dùng các kết quả về kinh tế đền bù cho những hệ lụy về môi trường đã tạo ra. Đây là con đường giúp chúng ta có thể đi thẳng đến mục tiêu vừa bảo đảm tăng trưởng, đạt được các mục tiêu về phúc lợi, về phát triển kinh tế nhưng không có những hệ lụy về môi trường. Đồng thời giải quyết được bài toán về xã hội, như tạo được việc làm mới, tạo sự công bằng, thoát nghèo và làm giàu… Tất cả những vấn đề này rất phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Tiến sỹ Hà Huy Ngọc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sự lựa chọn mô hình tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian tăng trưởng bền vững ở Việt Nam, phải đặt ra mục tiêu tham vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được vị thế đó Việt Nam cần có tốc độ tăng trưởng bình quân vượt trội hơn so với bình quân giai đoạn 1990-2020. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 phải tích luỹ thêm vốn sản xuất, vốn vật chất và con người, đồng thời phải sử dụng chúng một cách hiệu quả hơn, nhằm tạo ra mức tăng năng suất cần thiết để có thể đạt được thành tựu về kinh tế như các nước phát triển...
Tiến sỹ Hà Huy Ngọc đề xuất cần xây dựng chính sách về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững như: Phát triển thị trường trao đổi quyền phát thải theo cơ chế thị trường tại Việt Nam; xây dựng và hoàn thiện các công cụ thuế đối với các hoạt động hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững; xây dựng, áp dụng khung chính sách về khuyến khích và ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ tài chính nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiến sỹ Hà Huy Ngọc đề nghị xác định các chương trình, dự án, nhiệm vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao và đóng góp thực hiện mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp thực hiện thông qua các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên các dự án áp dụng công nghệ, giải pháp chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng...
Ngoài ra, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh, rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát hành trái phiếu xanh (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương và trái phiếu doanh nghiệp); nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao. Hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh...
Lý Thanh Hương (TTXVN)
Nguồn baotintucvn