"Trái tim" của Campuchia đang thoi thóp, cần trợ sống: Nguyên nhân và điều cần làm ngay với TQ

Mực nước ở Tonle Sap (Biển Hồ) đã xuống mức thấp vào tháng trước, dấy lên lo ngại về hiện trạng của một hệ sinh thái cực kỳ quan trọng cung cấp kế sinh nhai cho vùng hạ lưu Mekong.

"Trái tim" của Campuchia đang thoi thóp, cần trợ sống: Nguyên nhân và điều cần làm ngay với TQ

Trái tim của lưu vực sông Mekong đang nguy cấp

Tonle Sap ( hay còn gọi là Biển Hồ), hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, tại Campuchia, một hồ nước rộng lớn có thể bao phủ diện tích gấp 20 lần quốc gia Singapore trong mùa mưa, đang trải qua năm thứ 3 liên tiếp trong điều kiện khắc nghiệt. Các chỉ số của trạm quan trắc ghi nhận mức nước chỉ là 3,86m vào ngày 31/8 vừa qua, thấp hơn gần 1m so với năm 2020 và chỉ bằng khoảng một nửa mức trung bình thường thấy vào thời điểm này trong năm.

“Vào cuối tháng 8 vừa qua, Biển Hồ đã có mức nước thấp nhất lịch sử vào thời điểm mà hồ thường đầy nước và cá”, Brian Eyler, một thành viên cấp cao và là giám đốc của chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững, Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson. 

“Mực nước trong hồ thấp hơn 80cm so với mức thấp trước đó và thấp hơn mức trung bình 4m. Trái tim của sông Mekong đang cần hỗ trợ để duy trì sự sống ”ông Eyler nói.

Trái tim của Campuchia đang thoi thóp, cần trợ sống: Nguyên nhân và điều cần làm ngay với TQ - Ảnh 1.

Biển Hồ thường tăng dung tích gấp 5 lần trong mùa mưa. Nguồn: Jack Board

Các con đập ở thượng nguồn, được xây dựng dọc theo thượng nguồn sông Mekong ở Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc - nơi được gọi là Lan Thương - đã giữ lại lượng nước là một yếu tố góp phần làm giảm lượng nước chảy vào hồ. 

Dữ liệu từ Mekong Dam Monitor, một nền tảng trực tuyến theo dõi các chỉ số trên lưu vực sông Mekong, cho thấy kể từ đầu tháng 7 năm nay, 45 đập ở thượng nguồn đã giữ lại hơn 12 tỷ mét khối nước. Theo ước tính của Eyes on Earth nhờ sử dụng dữ liệu vệ tinh, máy đo trên sông và viễn thám tại một số điểm dọc sông Mekong, 25% lượng nước tự nhiên đang bị thiếu hụt.

Những yếu tố này kết hợp với lượng mưa dưới mức trung bình đã dẫn đến việc đảo dòng chậm trễ tại Biển Hồ. Đây là hiện tượng hàng năm khi nước bắt đầu chảy theo hướng ngược lại do lũ về trên sông Mekong, thu hút một lượng lớn thủy sản vào trong hệ thống hồ.

Hồ này hoạt động như một kho dữ trữ nước tự nhiên bổ sung và rút bớt vào những thời điểm quan trọng trong năm. Càng nhiều nước được lưu trữ ở thượng nguồn, thì việc chậm trễ quá trình đảo ngược dòng chảy tại Biển Hồ càng kéo dài.

Biến đổi khí hậu cũng cũng càng làm nghiêm trọng hơn nữa các diễn biến tự nhiên của hệ thống hồ và làm suy yếu nền nông nghiệp Campuchia. 

“Tonle Sap là trái tim của Campuchia và lưu vực sông Mekong", Gary Lee, giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức phi lợi nhuận International Rivers, cho biết. "Trái tim cần có nước lũ hàng năm để cung cấp nước, chất dinh dưỡng và phù sa để duy trì thể trạng khỏe mạnh", ông nói thêm.

Dựa trên những tiền lệ lịch sử, dự kiến ​​rằng các đập ở thượng nguồn sẽ tiếp tục giữ nước trong những tháng tới, cho thấy có rất ít khả năng tình hình sẽ nhanh chóng được khắc phục nhanh ở Tonle Sap.

Ủy hội sông Mekong (MRC), một cơ quan liên chính phủ nhằm quản lý nguồn nước chung, cho biết tình trạng hiện nay đặc biệt đáng lo ngại.

“Trong vài năm qua, chúng tôi đã thấy cả sự gia tăng trữ lượng nước, lượng mưa giảm. Điều này, cùng với áp lực đánh bắt cá gia tăng, ô nhiễm, giảm lượng phù sa và các rào cản đối với sự di cư của các loài cá, là mối đe dọa hiện hữu đối với các hệ sinh thái hạ lưu sông Mekong", một phát ngôn viên của Ban Thư ký MRC nói với tờ Channelnews Asia.

Khi ngư dân không còn cá để đánh bắt

Bên cạnh những tác động đến môi trường và sinh thái, còn có những tác động xã hội đối với hàng triệu người sống dựa vào Biển Hồ để tồn tại. 

Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do đại dịch COVID-19. Theo Oudom Ham, nhà tư vấn độc lập của Campuchia về biến đổi khí hậu và các vấn đề sông ngòi, đánh bắt cá không còn là nghề nghiệp đem lại thu nhập như trước đây nữa, với việc người dân địa phương buộc phải di chuyển đến các đô thị để làm những công việc trong lĩnh vực xây dựng với mức lương thấp và nổi tiếng khó nhọc.

“Bây giờ họ thậm chí không thể đánh bắt cá để cho gia đình ăn hàng ngày nữa. Họ cần phải đi mua cá. Điều này thật nực cười vì họ là ngư dân nhưng không thể câu cá cho chính gia đình mình”, ông Ham nói.

Trái tim của Campuchia đang thoi thóp, cần trợ sống: Nguyên nhân và điều cần làm ngay với TQ - Ảnh 3.

Sông Mekong đang hứng chịu tình trạng dòng chảy không ổn định, xuất phát từ các con đập ở thượng nguồn. Nguồn: Jack Board

Nền kinh tế sẽ trở nên không bền vững đối với những người sống gần mức đói nghèo. Thu nhập một ngày thông thường từ đánh bắt cá vào mùa mưa trước đây có thể gần gấp đôi so với thu nhập làm việc ở thành phố. 

“Ngư dân bù đắp thu nhập giảm sút từ nguồn cá cạn kiệt bằng cách đi vay tiền để giúp họ duy trì cuộc sống nhưng ngư dân không thể làm điều này mãi được”, ông Eyler của Trung tâm Stimson nói.

Tình trạng đánh bắt bất hợp pháp và chiếm dụng đất ở các khu vực rừng ngập nước xung quanh cũng đang làm phức tạp thêm các vấn đề. “Bây giờ, khả năng phục hồi đang suy giảm" ông Oudom cho biết.

Cần đàm phán với Trung Quốc

Những thách thức địa chính trị đang diễn ra khá gay cấn xung quanh việc quản lý nguồn tài nguyên chung của sông Mekong. Trung Quốc không đồng ý với những nhận định ở hạ nguồn rằng các con đập của nước này là nguyên nhân gây ra mực nước giảm, đổ lỗi cho "lượng mưa ngắt quãng" là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề đang diễn ra.

Một cuộc đối thoại đầu tiên về an ninh nguồn nước giữa MRC và ASEAN diễn ra vào tháng trước có thể giúp tăng cường bảo vệ dòng sông và nghiên cứu kỹ hơn cách thức Trung Quốc đang tận dụng nó. Dựa trên những quan sát gần đây, việc đưa ra các giải pháp phù hợp với quan điểm của các bên liên quan trong khu vực ngày càng cấp bách hơn. 

“Các nước ở hạ nguồn cần đàm phán với Trung Quốc để đưa lại các mô hình dòng chảy tự nhiên của sông Mekong", ông Eyler nói.

Trong khi việc chia sẻ dữ liệu đã tăng lên, các nhà quan sát mong muốn sự minh bạch hơn từ Bắc Kinh. “Thách thức hoặc vấn đề chính là do các con đập ở thượng nguồn, điều này đã trở nên rất rõ ràng. MRC đã gợi ý rằng chúng ta sẽ cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá thêm các tác động ở thượng nguồn của việc trữ nước ở các đập lớn, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu", ông Oudom nói.

Theo Thu Ngọc /Soha