Biến rác thải thành tài nguyên xanh

Theo Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 67 nghìn tấn chất thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Trong khi ở nhiều quốc gia phát triển, việc xử lý rác thải trở thành tài nguyên đang được chú trọng thì với Việt Nam, nguồn tài nguyên rác đang bị lãng phí rất lớn...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 10/12/2024, tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn lần thứ 3 (năm 2024) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với các đối tác quốc tế tổ chức, một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn được quan tâm và thảo luận sôi nổi là biến rác thải trở thành nguồn tài nguyên. Nhiều chuyên gia lưu ý rằng để giải quyết tốt việc xử lý rác thải cần giải quyết đồng thời hai vấn đề đó là phân loại rác tại nguồn và tái chế một cách hiệu quả.

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN: HÀNH ĐỘNG NHỎ - Ý NGHĨA LỚN

Phân loại rác thải tại nguồn từ lâu đã được xem là giải pháp tối ưu để bảo vệ môi trường và quản lý chất thải bền vững. Tại Việt Nam, hành động này vẫn chưa trở thành thói quen của phần lớn người dân, dẫn đến nhiều hệ lụy cho hệ sinh thái cũng như kinh tế - xã hội.

Theo bà Hoàng Thị Diệu Linh, Cán bộ Kinh tế tuần hoàn và Rác thải, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), một trong những giải pháp thúc đẩy phân loại rác và tái chế là triển khai các cơ sở thu hồi vật liệu (MRF). Hiện, chương trình đã được triển khai tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Tính đến cuối năm 2023, đã có 67,5 tấn rác thải nhựa được thu gom về, trong đó 35,3 tấn là chai PET.

Theo ông Đặng Hữu Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), lực lượng thu gom không chính thức (ve chai, đồng nát) là “mắt xích” quan trọng trong phân loại rác thải. Mặc dù vậy, phần lớn lượng rác thải thu gom được từ lực lượng này đang được đưa về các vựa ve chai, các làng nghề tái chế không đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, lực lượng này vẫn là phi chính thức nên khó quản lý, khó đưa ra các biện pháp hỗ trợ. Do đó, chính quyền cần có cơ chế, chính sách khuyến khích lực lượng phi chính thức tham gia vào lực lượng chính thức, đồng thời hình thành các khu sơ chế chất thải tái chế (trạm MRF).

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình làm việc với lực lượng phi chính thức, bà Nguyễn Thị Xuân Biên, Phó Giám đốc Công ty CP môi trường Bình Định, cho biết nhằm tăng lượng rác thải thu gom được từ lực lượng phi chính thức và tàu cá, Công ty đã triển khai thu mua cố định tại các điểm và vận chuyển trực tiếp từ các vựa ve chai. Tại địa bàn, nhiều câu lạc bộ của lực lượng phi chính thức được thành lập nhằm tạo lập một mạng lưới thông tin để liên kết các bên thu mua phế liệu…

Các chuyên gia cho rằng để việc phân loại rác trở thành một phần thiết yếu trong đời sống, cần có sự thay đổi toàn diện từ ý thức người dân đến cơ chế chính sách và hệ thống hạ tầng. Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của phân loại rác thải. Việc lắp đặt các thùng rác phân loại tại các khu dân cư, trường học, công viên cần được triển khai đồng bộ, đi kèm với các chính sách khuyến khích như giảm phí thu gom hoặc tặng thưởng cho những hộ gia đình thực hiện tốt.

Sau khi đảm bảo được quá trình phân loại rác thải, các công nghệ xử lý và tái chế được đánh giá là yếu tố rất cần thiết để đảm bảo chiến lược xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, hiện đang có một số công nghệ chủ đạo đã được nhiều địa phương ở Việt Nam áp dụng. 

Công nghệ biến rác thải thành phân bón compost được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia để xử lý rác thải hữu cơ và rất phù hợp cho một nền kinh tế có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam.

ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ KINH TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG TÁI CHẾ

Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) cho biết đang vận hành một nhà máy xử lý và sản xuất phân bón compost với công suất 400 tấn/ngày sử dụng công nghệ của Hàn Quốc. Rác thải hữu cơ thường chiếm tới 50% tổng số lượng rác được thải ra bởi các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh. Đây là một nguồn nguyên liệu tái chế lớn mà doanh nghiệp đang tận dụng để tạo ra sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp.

Một loại rác chiếm tỷ trọng lớn khác chính là rác thải nhựa và túi nilon. Đây là loại rác có tiềm năng tái chế hoàn toàn với sản phẩm phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác. Theo ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc công ty Vikohasan, doanh nghiệp của ông đang tái chế khoảng 200 tấn nhựa PET mỗi ngày như chai nước, chai dầu ăn,...

Sau hoạt động tái chế, nhà máy sẽ cho ra thành phẩm là xơ polyester dùng trong thú nhồi bông, quần áo, đệm. Khoảng 60% sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài, còn lại dùng trong nước, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như giá trị xuất khẩu cho Việt Nam.

Bên cạnh những công nghệ phổ biến trên, Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng thử nghiệm trên quy mô nhỏ nhiều công nghệ tái chế, xử lý rác thải khác như biến rác thải thành xi măng, khí hóa chất thải rắn. 

Mặc dù nhiều công nghệ đã được du nhập vào trong nước, đại diện doanh nghiệp cho biết việc đạt được hiệu quả kinh tế trong hoạt động tái chế vẫn là khó khăn lớn nhất, cản trở Việt Nam xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn đúng nghĩa trong ngành công nghiệp xử lý rác thải.  

Theo ông Tuấn, những doanh nghiệp tái chế như công ty của ông đang phải mua lại lon nhôm trong nội địa với giá trên 45.000 đồng/kg. Đối với chai nhựa PET thì đang phải mua lại với giá 14-15.000 đồng/kg. Trong khi những vật liệu này ban đầu là đồ đã được người dân bỏ đi.

Tình trạng này xuất phát từ quy trình thu gom rác thải phức tạp của Việt Nam. Theo đó, rác thải phải đi qua nhiều nhà thu gom, đồng nát trước khi đến những cơ sở tái chế cuối cùng. Tại đây, những nguồn rác có giá trị cao nhất thường đã được những cơ sở tái thu gom nhỏ lẻ tiêu thụ hết. Những cơ sở này thường hoạt động manh mún và có quy mô nhỏ lẻ, không tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường.

“Hiện tại, dù Việt Nam có khối lượng rác thải có giá trị lớn nhưng chỉ 40-50% nguồn nguyên liệu tái chế của Vikohasan đến từ thị trường trong nước. Phần còn lại phải nhập khẩu từ rác thải ở nước ngoài”, ông Tuấn thông tin tại sự kiện. Theo đó, các doanh nghiệp tái chế của Việt Nam hiện gặp khó khăn khi tìm kiếm một đối tác cung cấp nguyên liệu trong nước, do không có nhiều doanh nghiệp thu gom rác thải có hoạt động phân loại và xử lý ở quy mô đủ lớn để cung cấp cho doanh nghiệp tái chế.

Để áp dụng hiệu quả và mở rộng quy mô sử dụng công nghệ xử lý rác thải tại Việt Nam, các  chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho biết việc ban hành quy định và khung pháp lý phù hợp là rất cần thiết.

Những chính sách được đề xuất bao gồm quy định để thúc đẩy việc thu hồi tài nguyên từ chất thải để tái chế thay vì chỉ xử lý đơn thuần như chôn lấp và đốt, những quy định về thu gom, phân loại rác tại nguồn cũng như thực hiện IPA. 

Những chính sách như yêu cầu sử dụng nhựa tái chế PCR trong bao bì, chai nước cũng cần phải được ban hành để tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp xử lý rác thải của Việt Nam. Những chính sách đã được ban hành cũng cần được thực thi nghiêm ngặt trong cuộc sống để tạo điều kiện phù hợp cho dòng vốn FDI.

NỖ LỰC TỪ CẢ NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

“Doanh nghiệp của chúng tôi rất muốn đầu tư vào Việt Nam trong các dự án về xử lý, tái chế rác thải. Tuy nhiên, để những dự án này đạt được lợi ích về kinh tế thì cần phải có môi trường để doanh nghiệp đầu tư”, bà Phạm Minh Nguyệt, Quản lý phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam của Tập đoàn Alba, cho biết. 

Bên cạnh một khung pháp lý hoàn thiện, việc thực hiện tái chế rác thải cần phải được thực hiện theo một quy trình đồng bộ, phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp và địa phương. Theo đại diện URENCO Hải Phòng, trước khi mở rộng hoạt động tái chế sang rác thải sinh hoạt, URENCO Hải Phòng đã bắt đầu hợp tác với các khách sạn, nhà hàng và cơ quan trong địa bàn thành phố do đây là những nguồn thải khối lượng rác lớn nhưng chỉ có một đầu mối quản lý, dễ dàng ban hành các quy định về phân loại rác thải. 

Sau khi quản lý được lượng rác thải này doanh nghiệp mới tiến hành truyền thông quy mô lớn và hợp tác với chính quyền địa phương ở từng tổ dân phố để có thể truyền bá thông tin và đảm bảo người dân tuân thủ các yêu cầu về phân loại rác. 

Ngoài ra, mỗi công ty phải đầu tư thêm những xe thu gom chuyên dụng với ba ngăn cũng như có đội xe vận chuyển riêng cho từng loại rác thải đảm bảo rác thải được phân loại từ nguồn trước khi đến các cơ sở tái chế.

Đại diện các doanh nghiệp tin tưởng rằng một khi những quy trình trên được thực hiện đầy đủ thì ngành xử lý rác thải của Việt Nam sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong nước...

Theo VnEconomy