Tầm quan trọng của đa dạng sinh học đối với nền kinh tế
Đa dạng sinh học là nền tảng của một nền kinh tế thịnh vượng. Khoảng 44.000 tỷ USD, tức là hơn một nửa GDP toàn cầu, là phụ thuộc ở mức độ trung bình hoặc cao vào tự nhiên.
Các ngành xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống là ba ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều nhất vào tự nhiên. Các ngành công nghiệp này đòi hỏi phải khai thác trực tiếp tài nguyên từ rừng và đại dương hoặc là dựa vào các hệ sinh thái như đất, nước sạch, thụ phấn nhờ động vật và khí hậu để phát triển.
Trong số hàng trăm triệu người đang sống trong nghèo đói trên thế giới, hơn 70% phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên để kiếm kế sinh nhai, phần lớn dựa vào nông nghiệp, đánh cá, lâm nghiệp hoặc các hoạt động dựa trên thiên nhiên khác.
5 yếu tố chính đã tác động đến đa dạng sinh học từ năm 1970
Trong báo cáo “Nature Risk Rising” nằm trong chuỗi báo cáo của dự án New Nature Economy đăng bởi World Economic Forum vào tháng 1/2020, 5 yếu tố đã và đang làm suy thoái đa dạng sinh học được đưa ra bao gồm: sử dụng tài nguyên đất và biển, biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và sự xâm lấn của các loài ngoại lai.
– Sử dụng tài nguyên đất và biển. Một nửa diện tích đất có thể ở trên Trái đất đã được sử dụng cho nông nghiệp và chăn nuôi. Trong những năm gần đây, hàng năm chúng ta mất hơn 3 triệu hecta rừng – một trong những hệ sinh thái đa dạng nhất trên Trái đất.Trong 50 năm qua, đã có sự gia tăng gấp bốn lần số lượng vùng chết, tức là những khu vực có mức oxy quá thấp để hỗ trợ sự sống của hầu hết các sinh vật biển; ước tính có nhiều hơn 400 vùng chết trên toàn thế giới – một diện tích lớn hơn cả nước Anh.
– Biến đổi khí hậu. Cháy rừng ở các nước đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng và mức độ hủy hoại ngày càng cao. Những mô hình khí hậu dự đoán rằng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đám cháy sẽ diễn ra thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn trong tương lai. Diện tích các rạn san hô được dự báo sẽ giảm thêm 70% đến 90% ở mức tăng nhiệt độ 1,5° C, và tổn thất nghiêm trọng lớn hơn nữa (> 99%) nếu nhiệt độ tăng ở mức 2° C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
– Khai thác tài nguyên thiên nhiên. 93% trữ lượng cá đánh bắt hiện nay đã vượt quá mức đề ra cho mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 1970, việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm nhiên liệu hóa thạch và biomass (sinh khối) đã tăng 3,4 lần.
– Ô nhiễm môi trường. Thế giới sử dụng khoảng 115 triệu tấn phân đạm cho nông nghiệp mỗi năm. 1/5 lượng nitơ trong phân đạm được tịch trữ ở trong đất và biomass, trong khi đó 35% đi vào các đại dương. Nitơ là nguồn ô nhiễm chính gây nên hiện tượng phù dưỡng và ảnh hưởng môi trường sống của các sinh vật trong nước.
– Các loài ngoại lai xâm lấn. Sự gia tăng của 70% các loài ngoại lai đem lại những tác động bất lợi đến hệ sinh thái địa phương và đa dạng sinh học.
Chúng ta có thể làm gì?
– Tìm hiểu và chia sẻ thông tin về bảo vệ môi trường, thiên nhiên với mọi người xung quanh sẽ góp phần thay đổi nhận thức của con người về bảo vệ đa dạng sinh học. Tham quan những bảo tàng thiên nhiên, viện hải dương, khu sinh thái tự nhiên để hiểu thêm về hệ sinh thái ở địa phương.
– Tham gia tình nguyện ở một tổ chức bảo vệ hệ sinh thái.
– Sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường. Giảm thiểu sử dụng túi nhựa và các sản phẩm từ nhựa sẽ cứu sống hàng ngàn cá thể sinh vật biển khỏi cái chết.
– Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế mọi lúc mọi nơi khi có thể, bao gồm nguồn nước, năng lượng và rác thải.
– Sử dụng phương tiện công cộng, xe đạp hay đi bộ thường xuyên hơn để giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và làm dịu biến đổi khí hậu.
Theo MOITRUONG.COM.VN