Du lịch xanh là yêu cầu bắt buộc

Chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa được việc chuyển đổi xanh, ngành du lịch Việt Nam cần phải phát triển theo hướng giảm phát thải carbon; sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên...

Một nghiên cứu do Đại học Queensland (UQ) nước Úc thực hiện mới đây cho thấy lượng khí thải nhà kính từ hoạt động du lịch đã tăng nhanh hơn gấp 2 lần so với phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu .

Phó Giáo sư Ya Yen Sun của UQ nhận định, nhu cầu du lịch tăng nhanh đồng nghĩa với việc carbon từ các hoạt động du lịch chiếm tới 9% tổng lượng khí thải của thế giới. Do đó, nếu không có sự can thiệp khẩn cấp vào ngành du lịch toàn cầu thì lượng khí thải hằng năm sẽ tăng từ 3-4%. Điều này đồng nghĩa với việc ngành du lịch đang vi phạm Thỏa thuận Paris (yêu cầu ngành du lịch giảm lượng khí thải hơn 10%/năm).

Nhận thức được những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với ngành du lịch, Việt Nam và các quốc gia trên thế giới buộc phải chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng xanh hóa ngành du lịch .

Chuyển đổi du lịch xanh là là yêu cầu bắt buộc nếu Việt Nam muốn phát triển lâu dài trong tương lai. Ảnh: tcdulichtphcm.vn.

Trao đổi với PV Tiền Phong tại Diễn đàn "Phát triển điểm đến xanh - nâng tầm du lịch Việt Nam", ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) - nhận định, năm ngoái ngành du lịch Việt Nam thực sự là một động lực kinh tế mạnh mẽ khi đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng gần 40%) và có 110 triệu lượt khách nội địa với doanh thu đạt 840.000 tỷ đồng.

Ông Haverman cho rằng, những con số nêu trên cho thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch Việt Nam, do đó con đường nâng tầm du lịch thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là một khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược.

Theo Phó trưởng đại diện UNDP, du lịch xanh không chỉ giới hạn ở các nỗ lực bảo tồn của cộng động tại các khu vực biển và khu bảo tồn mà còn liên quan đến giao thông xanh. Trong đó việc khuyến khích du khách ưu tiên các lựa chọn di chuyển thân thiện với môi trường sẽ góp phần giúp bầu không khí trong lành hơn và hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đầy tham vọng của Việt Nam.

Đồng quan điểm với ông Haverman, GS, TS. Nguyễn Văn Đính - Viện trưởng Viện kinh tế du lịch thuộc Hiệp hội du lịch Việt Nam - khẳng định, chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài trong tương lai.

Để hiện thực hóa được việc chuyển đổi xanh, ngành du lịch Việt Nam cần phải khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên. Ảnh: Lộc Liên.

Theo ông Đính, để hiện thực hóa được việc chuyển đổi xanh, ngành du lịch Việt Nam cần phải phát triển theo hướng giảm phát thải carbon; sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường ( xe điện , xe đạp, giao thông công cộng); khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày; tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú; bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Các chuyên gia cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề là: Quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

"Đã đến lúc các đối tác trong ngành du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan", Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam bày tỏ.

Theo nld.com.vn