Đây là thời điểm quan trọng cho các hành động vì tương lai, đặc biệt là việc huy động ít nhất 100 tỷ USD hằng năm, thông qua các khoản tài trợ thay vì cho vay.
Diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6-9 tại thủ đô Nairobi (Kenya), sự kiện sẽ thu hút những người đứng đầu nhà nước và chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các tổ chức đa phương và đại diện thanh niên từ khắp châu Phi và thế giới, tham gia bàn thảo để giải quyết những thách thức cấp bách do biến đổi khí hậu và thúc đẩy hợp tác vì một tương lai bền vững.
Với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng xanh và các giải pháp tài chính khí hậu cho châu Phi và thế giới”, thông qua hội nghị lần này, châu Phi sẽ củng cố hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu liên quan đến vấn đề tài chính, đồng thời thiết lập các mối quan hệ đối tác mới trong tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực thích hợp như năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, khoáng sản cùng các lĩnh vực khác.
Bà Soipan Tuya, Bộ trưởng Nội các Kenya về Môi trường, Biến đổi khí hậu và Lâm nghiệp cho biết: “Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu châu Phi cung cấp một nền tảng để châu Phi củng cố tiềm năng và quan điểm hành động vì khí hậu, rút ra bài học từ phần còn lại của thế giới và cùng nhau định hình các giải pháp tài chính khí hậu nhằm trao quyền cho lục địa và truyền cảm hứng cho thế giới. Kenya sẽ đóng vai trò nước chủ nhà của mình trong việc bảo đảm đạt được các mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu châu Phi do Liên minh châu Phi (AU) thành lập”.
Chương trình Lương thực thế giới ước tính do hạn hán kéo dài, 22 triệu người ở vùng Sừng châu Phi không được bảo đảm an ninh lương thực, với hơn 5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Hạn hán và nạn đói đã ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm leo thang xung đột giữa các cộng đồng chăn nuôi. Theo số liệu của Liên hợp quốc, các nước châu Phi “đóng góp” khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu, nhưng ngày càng phải đối mặt với tác động của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu; đặc biệt là chỉ nhận được 12% nguồn tài chính cần thiết để đối phó với các tác động của khí hậu.
Bà Soipan Tuya nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn bắt đầu thay đổi cuộc trò chuyện từ châu Phi là nạn nhân của nạn đói và lũ lụt bằng một châu Phi sẵn sàng thu hút nguồn vốn kịp thời, công bằng và ở quy mô lớn để dẫn đầu thế giới trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.
Giới phân tích nhận định tại hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ thúc đẩy các quốc gia giàu có đưa ra một kế hoạch rõ ràng nhằm tăng đáng kể đóng góp của họ cho tài chính khí hậu và cùng nhau đáp ứng mục tiêu đã thống nhất là huy động ít nhất 100 tỷ USD hằng năm, thông qua các khoản tài trợ thay vì cho vay. Các nước giàu cũng phải thực hiện giảm nợ để cung cấp ngân sách cho các nước châu Phi trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật của Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu châu Phi lần đầu tiên này là một thỏa thuận liên quan đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Sáng kiến thị trường carbon châu Phi (ACMI) - được ra mắt tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2022 (COP27) với mục đích thúc đẩy sản lượng tín dụng carbon của châu Phi từ 16 triệu vào năm 2020 lên 300 triệu vào năm 2030 và 1,5 tỷ vào năm 2050.
Vào cuối Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu châu Phi lần thứ nhất, các chính phủ châu Phi dự kiến sẽ ký thông qua Tuyên bố Nairobi về biến đổi khí hậu, nêu chi tiết nhiều cam kết về phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, bảo tồn rừng và hơn thế nữa.
Hy vọng, Tuyên bố Nairobi về biến đổi khí hậu có thể tiếp thêm động lực cho Tuần lễ khí hậu châu Phi của Liên hợp quốc (từ ngày 4 đến 8-9) và các hội nghị khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc vào tháng 9 này cũng như tháng 11 tới. Quan trọng hơn, văn kiện cũng sẽ đặt ra chương trình nghị sự tăng trưởng xanh chính thức đầu tiên ở châu Phi để có thể định vị lục địa này là một trong những khu vực có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thùy Dương /Theo HNM