Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ 'sống chung với lũ' nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C

Có một số thành phố sẽ hoàn toàn chìm trong nước.

 

Trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu, nước biển đang dâng cao nhanh hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong 3.000 năm qua. Tuy nhiên, tùy thuộc vào chúng ta mà nước biển sẽ tăng nhanh và cao hơn bao nhiêu.

Một nghiên cứu mới và hình ảnh trực quan từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Climate Central cho thấy những thay đổi đó rõ ràng như thế nào. Hình ảnh chân thực minh họa điều gì sẽ xảy ra ở 50 thành phố ven biển lớn nếu thế giới tuân thủ các cam kết về khí hậu, với việc cắt giảm lượng khí thải cần thiết để giữ cho sự nóng lên toàn cầu trong khoảng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Nếu thế giới không làm được điều đó, vùng đất mà 10% dân số Trái đất nơi sinh sống sẽ cần phải thực hiện những thay đổi "chưa từng có trên toàn cầu" để đối phó với nước biển dâng hoặc nguy cơ bị đại dương nuốt chửng.

Nói như vậy, nhưng không dễ để hình dung điều này là như thế nào. Mời bạn xem qua những nơi dễ bị ảnh hưởng nhất do mực nước biển dâng và các cơ hội mà chúng ta có nếu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với quỹ đạo tăng hiện tại là hơn 3 độ C.

Burj Khalifa, Dubai

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 1.

Được tạo ra với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton và Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam của Đức, dự án mới cho thấy một số khu vực trên thế giới có thể bị xóa sổ hoàn toàn nếu không giảm lượng khí thải lớn. Nhưng bằng cách đáp ứng các mục tiêu cao nhất của Thỏa thuận Khí hậu Paris, thế giới có thể giảm khoảng một nửa thiệt hại do nước biển dâng.

Báo cáo cũng xem xét tác động dài hạn đối với các bờ biển trên thế giới. Quá trình tăng nhiệt độ sẽ mất nhiều thế kỷ để diễn ra. Ngay cả khi ta có thể cắt giảm tất cả lượng khí thải xuống 0 ngay lập tức, hệ thống khí hậu sẽ vẫn đủ ấm lên để làm tan chảy nhiều băng hơn, nâng mực nước biển lên 1,9 mét trong vài thế kỷ tới. Tất nhiên, nếu không thay đổi thì mọi việc sẽ tồi tệ hơn nhiều.

Tượng Nữ thần Tự do, New York

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 2.

Nếu các nhà lãnh đạo thế giới không hạn chế mạnh mẽ ô nhiễm khí nhà kính, thay vào đó để cho hành tinh ấm hơn 3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thì công trình bao quanh Tượng Nữ thần Tự do ở Thành phố New York có thể nằm hoàn toàn dưới nước. Nước biển dâng cũng sẽ ảnh hưởng đến 2,4 triệu người trong thành phố.

Hiện có khoảng 460.000 người sống bằng hoặc thấp hơn mốc triều cường hiện tại trong thành phố. Báo cáo cho thấy con số đó sẽ tăng lên 830.000 người ở nhiệt độ chỉ tăng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Nhưng hạn chế sự nóng lên có thể cho phép chúng ta làm chậm tốc độ gia tăng và tìm cách thích nghi với cuộc sống nhiều nước hơn.

Trung tâm vũ trụ Houston

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 3.

Các bản đồ cho thấy ngoài mối đe dọa đối với cuộc sống con người, cơ sở hạ tầng sẽ bị đe dọa do mực nước biển dâng. Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng lên, vùng đất xung quanh Trung tâm Vũ trụ Houston có thể bị ngập hoàn toàn.

NASA đang thực hiện các kế hoạch để xử lý mối đe dọa khí hậu đối với các trung tâm không gian của họ, bao gồm nước biển dâng và các rủi ro khác như bão, nhưng lượng khí thải carbon mà thế giới thải ra càng nhiều thì mức độ nguy hiểm càng cao.

Đảo Paradise, Bahamas

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 4.

Hình ảnh trên cho thấy tương lai của Đảo Paradise ở Bahamas. Địa điểm du lịch nổi tiếng này là nơi sinh sống của hơn 16.000 người, nhưng nó đương nhiên không phải hòn đảo duy nhất đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Báo cáo cho thấy nhiều quốc đảo nhỏ có nguy cơ mất gần như toàn bộ diện tích đất do khủng hoảng khí hậu. Trong số đó có Maldives, Quần đảo Marshall, Kiribati, Quần đảo Cayman, Tokelau, Tuvalu, Quần đảo Cocos và Bahamas. Với nhiệt độ ấm lên 3 độ C, có nguy cơ 90% nhà của những người dân hiện tại bị ngập hoàn toàn. Ngay cả khi nhiệt độ tăng “chỉ” 1,5 độ C, hơn 60% cư dân đang gặp nguy hiểm.

Mumbai, Ấn Độ

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 5.

Một số nơi sẽ hoàn toàn chìm trong nước với nhiệt độ tăng 3 độ C. Mức độ ấm lên đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ 13 triệu cư dân của Mumbai. Hình ảnh trên cho thấy số phận có thể xảy ra của bảo tàng Chhatrapati Shivaji Maharaj Vastu Sangrahalaya ở Mumbai, Ấn Độ.

Các nghiên cứu trước đây cũng đưa ra những phát hiện tương tự: một báo cáo khí hậu của Liên hợp quốc từ tháng 8 cho thấy mực nước biển dự kiến sẽ tăng gần 1 mét trong và xung quanh Mumbai vào năm 2050.

Lagos, Nigeria

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 6.

Lagos là một siêu đô thị đang phát triển của châu Phi, có nguy cơ bị ngập trong nước biển dâng cao. Các phát hiện cho thấy có tới 8,7 triệu người có thể bị ngập lụt ở Nigeria nếu lượng khí thải không được giảm bớt. Các hòn đảo xung quanh cũng như trung tâm thành phố sẽ biến mất dưới mặt nước.

Nigeria và các nước đang phát triển khác đang ở trong tình trạng đặc biệt dễ bị tổn thương vì họ thiếu kinh phí để thích ứng với mực nước biển dâng.

Hồng Kông

Hồng Kông đang trên con đường được định hình lại hoàn toàn do nước biển dâng. Video này cho thấy điều gì sẽ xảy ra với bờ sông Cảng Victoria của thành phố nếu khí thải tiếp tục không giảm xuống.

Phân tích của Climate Central cho thấy Trung Quốc là nơi mực nước biển dâng có thể có tác động lớn nhất. Tại thời điểm ấm lên 3 độ C, báo cáo cho thấy 43 triệu người ở Trung Quốc sẽ rơi vào tình trạng khó khăn vào năm 2100. Con số đó bao gồm 14 triệu người chỉ riêng ở Hồng Kông.

200 triệu người khác sống trên đại lục sẽ gặp rủi ro trong những thế kỷ tới. Tuy nhiên, các tác giả cũng phát hiện ra rằng nếu thế giới thực hiện cắt giảm nhanh chóng ô nhiễm khí nhà kính, thì Trung Quốc có thể giảm đáng kể nguy cơ. Theo kịch bản 1,5 độ C, khoảng 50 triệu người sẽ được thoát khỏi cảnh bị nước biển nhấn chìm, trong khung thời gian nhiều thế kỷ.

Hà Nội, Việt Nam

Khoa học dự báo Hà Nội và hàng chục thành phố khác sẽ sống chung với lũ nếu Trái Đất nóng lên 3 độ C - Ảnh 7.

Những hình ảnh này cho thấy mực nước biển dự báo trong tương lai tại Văn Miếu ở Hà Nội, Việt Nam do sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra theo hai kịch bản khác nhau. Ở mức 1,5 độ C, khu vực Văn Miếu sẽ vẫn khô ráo, nếu nhiệt độ tăng lên 3 độ C, khu vực này sẽ ngập trong khoảng nửa mét nước.

Các lựa chọn của con người về khí hậu và năng lượng trong vài thập kỷ tới có thể xác định được kết quả, nhưng thời gian nước biển dâng cao khó dự đoán hơn: mực nước biển dâng này có thể mất hàng trăm năm, mới đến lúc chúng ta có thể nhận ra là nó đã cao đến mức nào.

Trên đây chỉ là 8 thành phố/địa điểm nổi tiếng sẽ bị ảnh hưởng do khủng hoảng khí hậu. Bạn có thể xem toàn bộ 50 thành phố/địa điểm tại đây.

RYANKOG/SOHA Tham khảo: Gizmodo