Tại Hội thảo NetZero-môi trường và năng lượng hướng tới thành phố không phát thải 2050 diễn ra ngày 3/12, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật các yêu cầu pháp lý về triển khai NetZero của Chính phủ.
VIỆT NAM ĐI ĐẦU TRONG SỐ CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN PHÁT THẢI LỚN CAM KẾT NETZERO NĂM 2050
Năm 1997, tại Nghị định thư Kyoto, thế giới đã thống nhất các nước phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa trước sẽ phải giảm phát thải, hỗ trợ cho các nước đang phát triển, các nước đi sau, công nghiệp hóa sau.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình từ năm 1997, Nghị định thư Kyoto đã không thành công trong việc yêu cầu các nước phát triển giảm phát thải và hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong quá trình giảm phát thải.
Đến Hội nghị lần thứ 21 (COP21) năm 2015, các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, đã đạt công bằng hơn khi các nước đang phát triển cũng phải cam kết giảm phát thải và sẽ nhận được sự hỗ trợ của quốc tế nếu như giảm phát thải nhiều hơn. Việc thực hiện trách nhiệm của mỗi Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu chủ yếu thông qua Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC).
Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015
Theo NDC Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính 9% nếu không có sự hỗ trợ quốc tế và đạt mức 27% nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế.
Cùng với các quy định pháp lý tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt mục tiêu NetZero vào năm 2050.
TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng đây là một thách thức rất lớn với Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong số các nước đang phát triển phát thải lớn. Hiện nay, quy mô thương mại toàn cầu đạt khoảng 800 tỷ USD và mục tiêu đang hướng tới 1000 tỷ, quy mô top 20 thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong top 20 thế giới về phát thải và chiếm 1% phát thải toàn cầu.
Với cam kết này, Việt Nam đã đi trước các đối thủ cạnh tranh với các mặt hàng trực tiếp. Các nước như Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nga đều chưa thực hiện cam kết NetZero vào năm 2050.
TS Thọ phân tích, mục tiêu NetZero của Việt Nam sẽ đạt được nếu như chúng ta đạt trung hòa carbon. Điều này có nghĩa, đảm bảo trồng rừng, cải tạo rừng và sử dụng các biện pháp hấp thụ để có thể đạt được phát thải bằng trung hòa.
Giải pháp NetZero cao hơn trung hòa carbon bởi ngoài việc thực hiện hấp thụ sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, tìm các giải pháp giảm carbon thông qua hấp thụ hoặc lưu trữ, chôn lấp carbon.
Tại thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), với các nước phát triển đã hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD.
Theo tính toán của WorldBank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt mục tiêu giảm phát thải Net Zero.
Điều này cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn để có thể đạt được giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Ông Thọ cho biết “tại JETP, Việt Nam đã cam kết sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2035. Trong khi đó, theo tính toán của McKinsey, chúng ta muốn đạt mức giảm phát thải về 0 vào năm 2050 thì đạt đỉnh phát thải vào năm 2030. Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới”.
TRIỂN KHAI KIỂM KÊ KHÍ NHÀ KÍNH, XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIẢM PHÁT THẢI TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
Thời gian qua, các chính sách của Chính phủ, các ngành cũng như địa phương đều hướng tập trung vào mục tiêu để có thể giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Cụ thể, trong Luật Bảo vệ Môi trường, Nghị định 06 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon cũng như trong Quyết định số 01 của Thủ tướng năm 2022 và cập nhật tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đã quy định rõ.
Theo quyết định cập nhật, có 2166 doanh nghiệp sẽ phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đưa ra lộ trình để hình thành thị trường tín chỉ carbon thử nghiệm từ năm 2025 và hình thành thị trường tuân thủ vào năm 2029- thời điểm bắt đầu trao đổi hạn ngạch.
Mục tiêu của doanh nghiệp phải giảm phát thải và chuyển đổi công nghệ, sử dụng năng lượng sạch. Để đạt được các bước tiến liên quan NetZero, Việt Nam sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực phát thải lớn nhất.
Ở thời điểm này, mặc dù 2166 doanh nghiệp đã được yêu cầu phải thực hiện việc báo cáo phát thải khí nhà kính nhưng mới chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp đã sẵn sàng, đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép, xi măng, nhiệt điện. Đây cũng là những lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đôn đốc để thực hiện kịp tiến độ báo cáo vào tháng 3/2025.
Thực hiện cam kết, Việt Nam đã có nhiều bước tiến bộ trong thời gian qua và sắp tới sẽ có NDC lần thứ 3. Theo thỏa thuận Paris, Việt Nam sẽ phải đạt được NDC sau tốt hơn NDC trước.
Tại NDC lần thứ 2, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải 15,85 nếu không có sự hỗ trợ quốc tế và sẽ đạt 43,5% nếu có sự hỗ trợ quốc tế.
“Chính vì vậy, năm 2025, khi đưa ra cam kết giảm phát thải sắp tới sẽ là thách thức rất lớn với Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Thọ nói. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải thường xuyên rà soát, cập nhật NDC.
Hầu hết các phát thải trong lĩnh vực giao thông vận thải, quá trình công nghiệp đều liên quan đến năng lượng. Do đó, năng lượng ở Việt Nam cũng như trên thế giới chiếm khoảng 75% phát thải. Đây cũng là trọng tâm để có thể chuyển đổi năng lượng trong thời gian tới. Theo nghiên cứu của WB, Việt Nam có tiềm năng để thực hiện điện gió ngoài khơi.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những định hướng mới trong phát triển, sử dụng năng lượng điện hạt nhân để đảm bảo an toàn cho lưới điện Việt Nam khi chuyển sang năng lượng tái tạo...
TS Thọ nhấn mạnh, “để đạt được các bước tiến lên quan đến NetZero, Việt Nam sẽ phải tập trung vào những lĩnh vực phát thải lớn nhất”. Hiện nay, lĩnh vực phát thải lớn nhất của Việt Nam là hệ thống lương thực thực phẩm, chiếm 33% lượng phát thải, liên quan trực tiếp đến bao bì, đóng gói và sử dụng nhựa trong bao bì thực phẩm, nông nghiệp.
Lĩnh vực có phát thải lớn tiếp theo là đô thị và tòa nhà. Hầu hết các nước đã thực hiện xây dựng thị trường tuân thủ liên quan đến lĩnh vực đô thị và tòa nhà. Ở Việt Nam, Bộ Xây dựng và các hiệp hội đã xây dựng chuẩn cho đô thị xanh và công trình xanh.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cũng mở ra cơ hội tiềm năng lớn cho Hà Nội cũng như các đô thị khác để có thể giảm phát thải thông qua chuyển đổi sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng, từ sử dụng các phương tiện điện than sang năng lượng tái tạo, sử dụng phương tiện giao thông thông minh, giảm phát thải môi trường…
Riêng đối với lĩnh vực dệt may, trên thế giới mỗi năm tạo ra 100 tỷ sản phẩm, tạo ra 92 triệu tấn chất thải rắn; 93 tỷ m3 nước và 8-10% phát thải. Đây là lĩnh vực có mức phát thải lớn thứ 4, tương đương với lĩnh vực giao thông vận tải và xây dựng. Trong kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, dệt may đã được xác định là lĩnh vực ưu tiên cùng với xử lý chất thải nhựa, bao bì đóng gói…
Là nước nông nghiệp, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều dự án hấp thụ carbon. Tuy nhiên, bản chất của dự án hấp thụ carbon không được ủng hộ bằng các dự án ứng dụng công nghệ để giảm phát thải.
Theo quy định tiêu chuẩn chung với doanh nghiệp chỉ được sử dụng 10% tín chỉ hấp thụ để bù trừ. “Điều này có nghĩa mục tiêu của doanh nghiệp phải giảm phát thải và chuyển đổi công nghệ, sử dụng năng lượng sạch”, ông Thọ chỉ rõ.
Theo VnEconomy