Nghị định thư Montreal – một trong những hiệp định môi trường tích cực nhất

Vào ngày 16/9 hàng năm, cộng đồng quốc tế cùng kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone nhằm nêu bật vai trò của tầng ozone cũng như sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để hạn chế các nguy cơ mà hoạt động của con người có thể gây ra cho trái đất.

Sự sống trên trái đất sẽ không thể có nếu không có ánh sáng mặt trời. Nhưng năng lượng phát ra từ mặt trời sẽ là quá lớn để sự sống trên trái đất có thể phát triển nếu không có tầng ozone. Tầng bình lưu này bảo vệ trái đất khỏi hầu hết các tia cực tím có hại của mặt trời. Ánh sáng mặt trời tạo ra sự sống, nhưng tầng ozone làm cho sự sống có thể đến được với chúng ta.

Vì vậy, khi các nhà khoa học phát hiện vào cuối những năm 1970 rằng nhân loại đang tạo ra một lỗ hổng trên tấm chắn bảo vệ này, họ đã gióng lên hồi chuông báo động. Lỗ hổng này - gây ra bởi các khí làm suy giảm tầng ozone (ODS) được sử dụng trong các bình xịt và hệ thống làm mát (như tủ lạnh và máy điều hòa không khí) - có nguy cơ làm tăng các trường hợp ung thư da và đục thủy tinh thể, và làm hư hại thực vật, mùa màng và các hệ sinh thái.

Năm 1985, các chính phủ đã thông qua Công ước Vienna về Bảo vệ tầng ozone. Nghị định thư Montreal của Công ước này yêu cầu hạn chế và cuối cùng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng và sản xuất các hợp chất carbon của clo và flo (CFC – chlorofluorocacbons) cũng như các chất hóa học gây suy giảm tầng ozone khác như tetraclorit carbon, các hợp chất của brôm (halon) và methylchloroform. Nghị định thư mang tính lịch sử này đã được thông qua tại thành phố Montreal (Canada) và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/1989. Nghị định thư Montreal áp đặt các biện pháp và nghĩa vụ loại trừ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng ozone đối với các nước thành viên.

Năm 1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 16/9, ngày ký kết Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone (16/9/1987), để kỷ niệm Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone. Ngày này chứng minh rằng các quyết định và hành động tập thể của chúng ta, theo khoa học, là cách duy nhất để giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn.

Nghị định thư Montreal, ban đầu là một hiệp định môi trường đa phương quốc tế, đã giúp bảo vệ tầng ozone kể từ khi được thông qua, khiến nó trở thành một trong những hiệp định môi trường tích cực nhất cho đến nay. Năm nay, Ngày thế giới bảo vệ tầng ozone (16/9/2021) nhằm mục đích nhấn mạnh các lợi ích khác của Nghị định thư Montreal, chẳng hạn như làm chậm biến đổi khí hậu và giúp tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực đông lạnh, từ đó thúc đẩy an ninh lương thực.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: Nghị định thư Montreal được thiết lập như một cơ chế bảo vệ và phục hồi tầng ozone. Nó đã chứng minh hiệu quả trong hơn 30 năm qua. Tầng ozone đang thực sự phục hồi. Sự hợp tác mà chúng ta đã chứng kiến theo Nghị định thư Montreal là chính xác những gì chúng ta cần hiện nay để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một mối đe dọa đang đè nặng lên chính sự tồn tại của xã hội chúng ta.

Nghị định thư Montreal không chỉ là một ví dụ về cách thức hoạt động của chủ nghĩa đa phương, nó còn là một công cụ tích cực giúp chúng ta hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu. Theo Nghị định thư sửa đổi Kigali, các quốc gia đã cam kết loại bỏ dần hydrofluorocarbon, loại khí nhà kính mạnh được sử dụng làm chất làm lạnh. Nếu được thực hiện đầy đủ, Nghị định thư Kigali sẽ có thể ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu ở mức 0,4°C trong thế kỷ này.

Ngoài ra, việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực trong tháng này nhắc nhở chúng ta rằng Nghị định thư Kigali cũng có thể giúp chúng ta tăng cường an ninh lương thực. Giảm hydrofluorocarbon, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tạo ra nhiều công nghệ thân thiện với khí hậu và tầng ozone theo Nghị định thư Kigali có thể cung cấp cho hàng triệu người khả năng tiếp cận với các dịch vụ đông lạnh cần thiết. Các dịch vụ này sẽ làm giảm thất thoát lương thực ở các nước đang phát triển, nơi mà thực phẩm thường bị hư hỏng trước khi đến chợ. Đưa các sản phẩm nông nghiệp đến nơi cần thiết sẽ giúp giảm đói, nghèo và tác động của ngành nông nghiệp đối với môi trường. Một lợi ích quan trọng khác của việc mở rộng các cơ sở đông lạnh là dự trữ thuốc và vaccine, chẳng hạn như những thứ cần thiết để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, Nghị định thư Montreal và Nghị định thư Kigali chứng minh cho chúng ta thấy rằng mọi thứ đều có thể xảy ra khi chúng ta làm việc cùng nhau. Vì vậy, chúng ta hãy hành động ngay bây giờ để làm chậm biến đổi khí hậu, nuôi sống tất cả những người đói trên thế giới và bảo vệ hành tinh mà tất cả chúng ta đã, đang và sẽ luôn phụ thuộc vào./.

Khánh Linh

Theo ĐCSVN