Một bản đồ do Leonardo da Vinci vẽ, được lưu giữ tại Lâu đài Hoàng gia Windsor (Vương quốc Anh), thể hiện kế hoạch chuyển hướng dòng nước của sông Arno ở Italia. Năm 1503, họa sĩ và nhà phát minh thiên tài này đã phụng sự Machiavelli, người muốn tước đoạt Pisa từ trong tay đối thủ của ông ở Florence.
Dự án kênh đào đã bị bỏ dở, nhưng viễn cảnh về một “cuộc chiến nước” giữa hai thành phố ở Tuscany cho thấy nguồn tài nguyên quý giá này khi đó đã là một vũ khí đáng gờm và là một mục tiêu chiến lược. Có vô số ví dụ, từ thời cổ đại cho đến ngày nay, về việc sử dụng nguồn tài nguyên “vàng xanh” như một phương tiện làm suy yếu kẻ thù hoặc quốc gia có chung đường biên giới.
Mặc dù có khối lượng nước khổng lồ trên hành tinh, nhưng con người chỉ có thể trực tiếp sử dụng một lượng rất nhỏ (0,07%). 3/4 các quốc gia phải chia sẻ nguồn nước với một hoặc nhiều nước láng giềng. Điều này là nguồn gốc của các mối quan hệ căng thẳng, đôi khi dẫn đến cả những cuộc xung đột, đặc biệt là khi các điều kiện như tăng dân số, công nghiệp hóa và đô thị hóa có thể khiến nhu cầu sử dụng nước tăng khoảng 30% vào năm 2050.
Thậm chí, nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn và sẽ khiến 50% trong số 9,7 tỷ người trên thế giới ít nhiều đều phải chịu áp lực về nước, và 700 triệu người có nguy cơ phải chạy trốn khỏi vùng đất khô cằn của họ vào cuối thập kỷ này, theo cảnh báo của Liên hợp quốc.
Hạn hán hoành hành kể từ mùa Xuân ở Bắc Bán Cầu, đôi khi xen kẽ với những cơn mưa tàn khốc, đã khiến người dân châu Âu phải thức tỉnh và kinh ngạc vì họ không còn được thiên nhiên ưu đãi.
Giờ đây, họ nhận ra rằng một phần “Lục địa Già” của họ đang hướng tới khí hậu bán khô hạn, bao gồm cả nước Pháp, và nguồn tài nguyên nước không phải là vô hạn. Giờ đây, không chỉ có các quốc gia mới nổi phải chịu ảnh hưởng vì sản lượng thu hoạch giảm từ 20% đến 50% do hạn hán. Các nhà đầu tư không còn có thể xem thường rủi ro này đối với giá trị tài sản của họ.
“Đường chéo của cơn khát”
Giờ đây, chẳng còn có thể vui vẻ khi nhìn vào bản đồ thế giới. Các lưu vực sông lớn, cũng là nơi sinh sống của hàng chục thậm chí hàng trăm triệu cư dân, đang bị đe dọa. Sẽ không tốt nếu sống trong cái mà cộng tác viên nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Franck Galland gọi là “đường chéo của cơn khát”, chạy từ Morocco đến vùng Đông Bắc Trung Quốc qua Trung Đông, Trung Á và Ấn Độ. Kể cả ở Brazil, Australia hoặc Tây Nam nước Mỹ cũng chẳng khả dĩ hơn.
Việc quản lý nước kém hay việc gần 3/4 lượng nước được sử dụng không đúng cách trong nông nghiệp không còn là nguyên nhân duy nhất dẫn đến điều này. Những biến động khí hậu gần đây đã khiến tình hình thay đổi.
Những quốc gia sống ở đầu nguồn luôn là những kẻ có quyền lực. Ethiopia đối với sông Nile, Thổ Nhĩ Kỳ đối với sông Tigris và Euphrates, Mỹ đối với sông Colorado và cao nguyên Tây Tạng với các con sông lớn ở châu Á … Việc quản lý các nguồn nước thường là nội dung được đề cập đến trong các hiệp ước, nhưng chúng rất mong manh và ít được tôn trọng.
Do đó, các thỏa thuận giữa Ethiopia và Ai Cập về sông Nile, con sông nuôi sống 250 triệu cư dân, đã bị đặt dấu hỏi khi đập Ethiopia Renaissance được khởi công xây dựng. Cairo coi đây là một vấn đề “tồn tại” đối với 100 triệu người dân Ai Cập và thường xuyên đe dọa sẽ trả đũa Addis Ababa.
Vậy những căng thẳng này sẽ đi về đâu? Rất có thể sẽ có tình trạng bạo lực ở các quốc gia, nơi các mối xung đột giữa nông dân và cư dân thành phố đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn như ở Ấn Độ và Iran.
Vũ khí độc đáo
Nhà khoa học người Mỹ Peter Gleick khi nhận xét trên tạp chí Amnesty (Ân xá – tháng 6/2022) đã phải thốt lên rằng: “Xung đột về nước ngày càng nhiều!“. Là người sáng lập Viện Thái Bình Dương, ông Peter Gleick đã có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu và đã thống kê được hơn 200 cuộc xung đột xảy ra kể từ năm 2020 đến nay (so với 629 từ năm 2010 đến 2019).
Với sự tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ và Chính phủ Hà Lan, Viện của ông đã phát triển một công cụ cảnh báo sớm (Nước, Hòa bình và An ninh) để xác định các “điểm nóng” – bao gồm khoảng 2.000 điểm vào năm 2021 – và ngăn chặn các cuộc đụng độ.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: “Nước có thể là nguồn gây ra xung đột hoặc là công cụ hợp tác. Chúng ta hy vọng sẽ có thể thiết lập được một mô hình quản trị toàn cầu để phân phối công bằng lợi ích chung này cho nhân loại. Khi tài nguyên nước càng trở nên khan hiếm, thì nó sẽ càng trở thành một vấn đề an ninh quan trọng. Càng nhiều hoạt động ngoại giao và các hiệp ước xuyên quốc gia hay đa phương sẽ nhường chỗ cho các cuộc tranh giành quyền lực. Việc chia sẻ nguồn nước, vốn làm trầm trọng thêm căng thẳng chính trị hoặc sắc tộc, sẽ tự trở thành một yếu tố gây ra xung đột“.
Theo Reds