Siêu bão đổ bộ vào đất liền, thiệt hại nặng nề

Vào lúc 14 giờ 10 ngày 7-9, tâm bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ảnh hưởng toàn bộ thời tiết Bắc bộ. Thời điểm bão chạm vào bờ, sức gió đo tại Bãi Cháy (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là cấp 13-14, giật cấp 16.

 

Gió giật mạnh và mưa lớn, tác hại lớn

Sau khi quét qua các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, đến chiều tối 7-9, bão số 3 tiếp tục quét qua các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và ảnh hưởng mạnh tới Hà Nội, các tỉnh nằm sâu trong đất liền Bắc bộ.

Từ khoảng 16 giờ 50, gió ở huyện Đông Anh và Gia Lâm (Hà Nội) rít từng cơn, cây cối nghiêng ngả, một số khu vực mất điện cục bộ. Trên tuyến đường Đinh Tiên Hoàng ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm cây đổ la liệt khi trời mưa to, mây xám xịt.

CN7a.jpg
Cây đổ đè hàng loạt ô tô trong sân trụ sở Bộ NN-PTNT tại Hà Nội chiều 7-9 Ảnh: VĂN PHÚC
 

Có mặt tại tâm bão ở tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng, PV Báo SGGP ghi nhận, từ khoảng 10 giờ ngày 7-9, mưa gió mạnh bắt đầu nổi lên nhưng bão gầm rít mạnh nhất kể từ lúc 13 giờ, kéo dài đến 16 giờ mới giảm một chút và sau đó trời lại mưa to, gió lớn.

Vào thời điểm bão đổ bộ, hàng loạt tuyến đường ở TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí… thuộc tỉnh Quảng Ninh, trung tâm TP Hải Phòng và quận Đồ Sơn hầu như không một bóng người, đường ngập nước nặng, cây xanh bị bão đánh gãy xơ xác trên cao, rơi xuống chắn ngang đường, xe cộ không thể di chuyển. Tiếng bão rít qua các tòa nhà cao tầng. Trên trời, mây đen vần vũ, liên tục có tiếng mái tôn rung bần bật, từng mảng tôn bay xuống đường.

Tại tỉnh Quảng Ninh, hàng loạt nơi ở các huyện Hải Hà, Vân Đồn, thị xã Quảng Yên… bị mất điện khi bão tràn vào. Tại huyện Hải Hà, khoảng 40 ngôi nhà, trụ sở cơ quan và trường học bị tốc mái và 10 điểm dây điện bị cây đè làm đứt dây. Công ty Điện lực Quảng Ninh thông tin, do ảnh hưởng của gió mạnh và mưa lớn, từ 10 giờ ngày 7-9, khoảng 40% khách hàng ở địa phương này đã bị mất điện. Trong đó, huyện đảo Cô Tô bị cắt điện hoàn toàn.

Toàn bộ các xã đảo của huyện Vân Đồn cũng mất điện kéo dài nhiều tiếng đồng hồ khi bão đổ bộ. Nguyên nhân là do sự cố trên đường dây 110kV và cây cối gãy đổ vào đường dây, cột điện. Bão giật tới cấp 16 khiến trung tâm TP Hạ Long như nằm trong một trận cuồng phong. Ngay cả những khu chung cư cao tầng như Green Diamond, Ramada, chung cư vàng 11 tầng, Lideco Hạ Long... cũng bị sức gió kinh hoàng đánh vụn vỡ các lớp kính trên cửa sổ. Một người dân sống tại một trong những khu chung cư này đã bị mảnh kính vỡ rơi trúng, gây thương tích.

CN1f.jpg
Lực lượng chức năng dọn dẹp cây đổ sau bão tại TP Hải Phòng. Ảnh: THU HỒNG
 

Thông tin gửi về từ đảo Cô Tô cho biết, cây xanh ven đường và cây ăn quả trên toàn huyện bị nghiêng ngả, gãy đổ. Nhiều mái tôn bị tốc bay, 4 tàu xi măng trong khu âu cảng Cô Tô bị đắm. Tại huyện Vân Đồn, nhiều cột thu phát sóng điện thoại không thể hoạt động khiến nhiều khu vực mất sóng di động.

Còn ở TP Hải Phòng, do hàng loạt cây xanh gãy đổ trên các tuyến phố gây nguy hiểm cho lưới điện và người dân nên TP Hải Phòng chủ động cắt điện toàn thành phố. Người dân ở TP Hải Phòng cho biết, hơn 20 năm qua chưa từng có cơn bão nào lớn, kéo dài như siêu bão số 3. Thiệt hại rất lớn, gần như toàn bộ nhà xưởng, công trình lợp tôn không được neo buộc kiên cố, không chặn bao tải đều bị cuốn bay hoặc lật, rách thủng.

6 người thiệt mạng, 85 người bị thương

Trước tình hình bão số 3 có sức tàn phá mạnh, trưa 7-9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập Ban Chỉ huy tiền phương tại TP Hải Phòng để ứng phó với bão. Tại Ban Chỉ huy tiền phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá, các cấp từ trung ương đến địa phương đã chủ động công tác ứng phó.

CN1t.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo tại trụ sở Tổng cục Khí tượng - Thủy văn
 

Đặc biệt, công tác dự báo về bão cũng sát thực tế, kịp thời và chính xác. Điều này giúp người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng có phương án ứng phó sớm, chủ động. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương rà soát thiệt hại, báo cáo để có chính sách hỗ trợ.

CN1n.jpg
Một khách sạn ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng chạy máy nổ phát điện do mất điện trên diện rộng sau khi bão đi qua
 

Theo báo cáo cập nhật sơ bộ từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, bão số 3 gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh ở miền Bắc, trọng điểm là tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Cập nhật số liệu đến 17 giờ ngày 7-9 từ Bộ NN-PTNT, bão số 3 đã làm 4 người thiệt mạng (tỉnh Quảng Ninh 3 người, tỉnh Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (tỉnh Quảng Ninh 58 người, TP Hải Phòng 20 người).

CN1k.jpg
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân đến thăm, động viên và tặng quà người dân TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ảnh: NGUYỄN BÁ
 

Theo UBND TP Hà Nội tính đến 21 giờ tối 7-9, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố có 2 người chết và 7 người bị thương do cây đổ (quận Nam Từ Liêm 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàng Mai 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng có 5 người bị thương). Như vậy, tính đến 20 giờ ngày 7-9 đã có 6 người thiệt mạng, 85 người bị thương.

Ngoài ra, 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (tỉnh Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyền Trang 02 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt.

Tại Thái Bình, tới chiều tối 7-9, bão số 3 làm 4 đường dây 110kV gặp sự cố, 3 trạm biến áp 110kV mất điện... khiến khoảng 570.000 khách hàng trên địa bàn tỉnh bị mất điện.

Tại tỉnh Hải Dương, bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này về tài sản, hoa màu, đặc biệt đã có 1 trường hợp tử vong do bị cây đổ đè lên người là anh Bùi Trung L. (ở thôn Ngọc Tiến, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Tới chiều tối 7-9, TP Nam Định có 33 cây xanh và 5 cột đèn giao thông bị gãy đổ. Tại huyện Nghĩa Hưng có 230 ha hoa màu (130 ha ngô vụ hè thu và 100 ha rau màu) bị ảnh hưởng bởi gió bão.

Tại tỉnh Thanh Hóa, 62 nhà dân tại các bản Pù Quăn, Hua Pù, Cả Tớp, Na Tao, Pha Đén, Pù Ngùa (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) bị dông lốc, mưa lớn làm tốc mái, sạt lở móng nhà. 10 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp đến tránh trú tại điểm trường Mầm non khu phố Chiên Pục (thị trấn Mường Lát) do nhà ở không đảm bảo an toàn, nằm trong vùng nguy hiểm. Tại tỉnh Nghệ An, hàng chục nhà dân tại các xã Thông Thụ, Tiền Phong, thị trấn Kim Sơn (huyện Quế Phong); Huồi Tụ (huyện Kỳ Sơn), Mai Sơn (huyện Tương Dương) cũng bị tốc mái, hư hỏng nặng.

CN1m.jpg
Cây xanh bị gió quật ngã, đè nhà dân ở Hà Nội. Ảnh: CTV
 
CN1h.jpg
Xe buýt bị cây đè ở Hà Nội. Ảnh: MINH KHANG

 

Ngày 7-9, sau khi đi kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở, biển xâm thực tại huyện Hoằng Hóa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thanh Hóa thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng sơ tán dân khi có tình huống do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra. Hiện nay, bờ biển các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa) đang bị sạt lở, xâm thực rất nghiêm trọng, đe dọa đến 205 hộ dân với 630 nhân khẩu.

Ngày 7-9, Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân khu vực TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của cơn bão; chủ động cấp bổ sung đủ cơ số, vật tư trang bị phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn cho các đơn vị; duy trì nghiêm chế độ trực các cấp và lực lượng tìm kiếm cứu nạn.

Cán bộ, chiến sĩ hải quân duy trì 100% quân số trực phòng chống cơn bão số 3, trong đó tổ chức hơn 40 tổ cơ động với gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn đóng quân.


Ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa tiếp tục ký Công điện số 88/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9 và số 87/CĐ-TTg ngày 5-9, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực bị ảnh hưởng căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương, khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường nếu không thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

* Ngày 7-9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục có công điện gửi giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành từ Nghệ An trở ra về việc tăng cường ứng phó với bão số 3. Theo đó, yêu cầu giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh, thành căn cứ tình hình thực tế ở địa phương cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão.

Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức học nội trú, bán trú cần có biện pháp bảo đảm an toàn và chuẩn bị lương thực, nước uống cho học sinh tại ký túc xá; không để các em về nhà trong khi mưa bão; sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn.