Smartphone và sức khỏe: Những điều cần ghi nhớ

Ngoài những lợi ích mang lại cho cuộc sống hiện đại thì điện thoại thông minh (smartphone) cũng chính là con dao hai lưỡi, đang làm ô nhiễm môi trường công cộng và có thể gây ra đủ thứ bệnh nếu lạm dụng nó, nhất là đối với trẻ nhỏ.

 

Smartphone và sức khỏe: Những điều cần ghi nhớ

Có lẽ, giờ đã là quá muộn để nhận ra rằng thói “nghiện” iPhone nói riêng hay smartphone nói chung của chúng ta đang làm ô nhiễm môi trường công cộng và phá hủy sợi dây liên kết giữa con người với thế giới thực tại. Bạn có bao giờ nghĩ chiếc smartphone yêu dấu của mình đang là một tác nhân tiêu biểu cho việc phá hoại môi trường sống chung quanh?

Điện thoại di động nói chung và smartphone nói riêng mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhưng bên cạnh đó, quá trình sản xuất và sử dụng chúng cũng để lại nhiều tác động tiêu cực cho môi trường sống của con người.

Thành phần được cho là tiêu tốn nhiều nguyên liệu cũng như thải nhiều chất độc hại nhất trong smartphone chính là vi mạch. Để sản xuất vi mạch cần dùng những hóa chấtvà kim loại độc như chì, thiếc, clo,… Ngoài ra, các fan công nghệ cũng vô tình phí phạm tài nguyên khi trung bình mỗi người sở hữu 3 máy điện thoại, nhưng chỉ sử dụng một.

Smartphone gây ra nhiều bệnh

Nhiễm vi trùng: Màn hình cảm ứng là một trong những thế mạnh của smartphone, tuy nhiên nếu sử dụng màn hình cảm ứng lâu ngày với tay không sạch thì đây cũng là nơi sinh sôi của đủ loại vi khuẩn. Chưa có một thống kê cụ thể về các trường hợp mắc bệnh nhiễm khuẩn do lây nhiễm từ màn hình smartphone tuy nhiên bạn cũng nên thường xuyên lau chùi màn hình cảm ứng để phòng ngừa những trường hợp xấu nhất.

Đau tai: Việc đeo tai nghe khi sử dụng smartphone một thời gian dài để nghe nhạc, xem phim hay chơi game có thể gây ra các chứng đau nhức tai do âm lượng tác động lên tai lớn. Ngoài ra, người dùng còn có thể bị nhức đầu nếu dùng tai nghe với cường độ âm thanh lớn, các loại tai nghe in-ear hay tai nghe gắn sát vào tai có thể làm tai nhiễm trùng nếu như chúng quá bẩn và không được vệ sinh kỹ.

Bệnh đau cổ: Có bao giờ bạn cảm thấy nhức mỏi tay hay cổ sau khi cầm và cúi đầu nhìn chiếc smartphone của mình một thời gian dài để lướt web hay chơi các game 3D? Đừng quá lo lắng vì đa số những người dùng smartphone sau một thời gian dài cũng phải kêu ca về chuyện này nhất là những người dùng điện thoại có màn hình lớn như phablet.

Bệnh lý về tinh thần: Quá phụ thuộc vào thiết bị thông minh dễ dẫn đến “nghiện”. Về lâu dài có thể sinh ra các bệnh lý về tinh thần, trầm cảm, sống ảo, xa rời thực tế, thiếu quan tâm đến mọi người xung quanh, xu hướng thiếu thực tế khi nhìn nhận về bản thân và mọi người. Thậm chí nhiều người cho biết cảm thấy mất phương hướng, bồn chồn, lo lắng, cáu gắt khi không có thiết bị thông minh bên cạnh.

Gây hại cho giấc ngủ: Cũng tương tự như dùng máy vi tính một thời gian dài, dùng smartphone lâu và thường xuyên cũng có thể gây bệnh về mắt, tuy nhiên nó còn có thể làm ảnh hưởng đến giấc ngủ nếu như bạn có thói quen dùng điện thoại trước khi ngủ. Theo nghiên cứu vào năm 2010 tại trường Đại học Stanford 30% sinh viên tại trường đã sử dụng smartphone trước khi đi ngủ và họ đã bị đảo lộn đồng hồ sinh học, sau đó nhiều người bị mất ngủ một thời gian dài.

Giật mắt, giật miệng, giật đầu ở trẻ em: Do smartphone nhỏ nên khi chơi game hay xem hoạt hình, bé thường phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai liên tục hoạt động dẫn tới cơ mỏi mệt. Nhiều trẻ bị bệnh giật mắt, giật miệng, giật đầu… được đưa đến bệnh viện điều trị. Các bác sĩ đã xác định ngoài nguyên nhân từ bệnh lý thực thế thì có không ít trẻ mắc bệnh này do thường xuyên sử dụng smartphone để xem phim và chơi game…

Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Dù còn nhiều tranh cãi, song một số chuyên gia trên thế giới cảnh báo thói quen để điện thoại trong túi quần thường xuyên sẽ ảnh hương đến sức khỏe sinh sản, đặc biệt ở nam giới.

Đau tay: Các chuyên gia cho biết việc cầm smartphone trong một thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng chuột rút các ngón tay, thậm tệ hơn là làm ảnh hưởng tới móng tay cũng như cổ tay. Còn khi cúi đầu để quan sát smartphone quá lâu sẽ làm ảnh hưởng tới khớp cổ và dễ dẫn tới chứng đau cổ kéo dài.

Ảo tưởng về “Rung: Khi mà những tin nhắn, email hay các thông báo Facebook tới dồn dập, chiếc smartphone của bạn sẽ rung lên bần bật và bạn có thể cảm thấy thích thú với điều đó. Tuy nhiên sau một thời gian dài dùng smartphone, nhiều người cho biết họ gần như bị ảo tưởng rằng điện thoại đang rung trong túi mình dù thực tế là không có. Mỗi lần có cảm giác như vậy, người dùng lại phải lấy smartphone ra kiểm tra và lại bị cuốn hút vào nó.

Không biết phải làm gì: Thực sự nhiều người đã nói rằng họ không biết phải làm gì khi không có chiếc smartphone của mình bên cạnh – đây chính là dấu hiện cho thấy họ đã bị bệnh “nghiện” smartphone. Đa số các nghiên cứu cho thấy nếu như không sử dụng smartphone trong vòng 24 giờ, người dùng sẽ cảm thấy rất khó chịu, cô đơn thậm chí là bực tức hay cáu gắt.

Cai nghiện smartphone bằng cách nào

Tắt thông báo: Trên Android bạn sẽ cần phải vào các tùy chọn bên trong ứng dụng để tắt thông báo từ ứng dụng đó. Còn trên iOS, người dùng có thể vào Settings và mở Notification Center để quản lý các thông báo. Ngoài ra, bạn cũng nên xác định mốc thời gian để kiểm tra thông báo, ví dụ như bạn có thể kiểm tra tài khoản Gmail của bạn chỉ một lần/giờ thay vì luôn phải bận tâm đến các thông báo có thư mới mỗi phút (kể cả thư rác). Điều này cũng nên áp dụng tương tự như khi bạn dùng các ứng dụng mạng xã hội như Facebook hay Twitter.

Gỡ bỏ ứng dụng: Nếu việc tắt thông báo hay tập thói quen xem thông báo theo giờ không tỏ ra hiệu quả, bạn nên xem xét gỡ bỏ cài đặt các ứng dụng không cần thiết, hoặc những ứng dụng mà bạn luôn muốn kiểm tra. Việc loại bỏ các ứng dụng không cần thiết có nghĩa là bạn sẽ có ít thông báo để kiểm tra và cập nhật ít hơn, nó cũng giải phóng không gian lưu trữ trên điện thoại của bạn và làm giảm sự lộn xộn trên màn hình chủ. Nếu bạn không muốn tất cả các ứng dụng phải có mặt trên smartphone, bây giờ có thể là thời điểm tốt để quyết định bạn thực sự cần gì và bạn có thể sống mà không cần nó hay không.

Kích hoạt Airplane Mode: Nếu bệnh mở điện thoại để kiểm tra thông báo quá nặng, bạn có thể sử dụng chế độ máy bay để tắt tất cả các thông báo trên điện thoại. Lợi ích của cách làm này là nó tắt mọi thông báo trên Smartphone của bạn và bạn vẫn có thể chụp ảnh và truy cập các ứng dụng khác trên thiết bị. Cách làm này có thể áp dụng khi bạn đi ngủ và thức dậy. Thay vì phải nhận hàng chục thông báo mỗi khi chợp mắt. Khi bạn đã sẵn sàng để làm việc trở lại, bạn chỉ việc chuyển điện thoại sang chế độ thông thường.

Sử dụng một công cụ chuyên dụng: Một trong những ứng dụng nổi tiếng này là BreakFree, hiện đã có mặt trên cả Android và iOS. Ứng dụng này cung cấp cho bạn một phân tích chi tiết về những ứng dụng đang chiếm hầu hết thời gian của bạn và khoảng thời gian bao lâu giữa các lần kiểm tra điện thoại di động của bạn. BreakFree đưa ra lựa chọn để bạn vô hiệu hóa một số hoặc tất cả các thông báo, và thậm chí bạn có thể thiết lập một chế độ trả lời tự động tin nhắn SMS nếu bạn muốn cho mọi người biết rằng bạn đang cố gắng để cai nghiện smartphone.

Luyện tập khả năng “nói không với công nghệ”: Một cách làm có thể xem là thú vị nhất đó là bạn cũng tự tạo ra các rào cản khiến bạn không muốn kiểm tra điện thoại của mình thường xuyên ví dụ như thiết lập mã mở khóa phức tạp hoặc mật khẩu dài. Trong khi bạn đang làm việc bạn có thể để điện thoại của bạn trong một ngăn kéo và chỉ kiểm tra nó hai hoặc ba lần một ngày; ở nhà, bạn có thể chơi thể thao và xem phim để phân tán sự chú ý. Từ đó, chứng bệnh nghiện smartphone hay thường xuyên lấy điện thoại của bạn ra kiểm tra dù không có mục đích gì quan trọng có lẽ sẽ giảm được phần nào.

Theo MOITRUONG.COM.VN