Thứ bảy, 26/04/2025 - 08:52

Tác động của con người lên dòng chảy sông Đà vào mùa cạn ngày càng tăng

Đây là kết quả được công bố trong hội thảo khoa học “Nghiên cứu xây dựng phương pháp, công nghệ dự báo dòng chảy mùa cạn, thời hạn 10 ngày, tháng, mùa đến biên giới Việt - Trung” (ĐTĐL.CN.06.23) do trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) tổ chức tại Sơn La vào ngày 16/4 vừa qua.


Là nơi đặt ba nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam, sông Đà là dòng sông có tiềm năng năng lượng lớn nhất cả nước. Với tổng công suất hơn 6.000 MW, hệ thống thủy điện trên sông Đà cung cấp sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh mỗi năm cho hệ thống điện quốc gia. Hơn nữa, sông Đà còn là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy, cung cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. 

Tuy nhiên, hoạt động của con người cùng với những diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến dòng chảy sông Đà. Việc tìm hiểu tác động của các yếu tố này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động quản lý tài nguyên nước của Việt Nam. Trong khuôn khổ đề tài, các nhà nghiên cứu đã tìm cách định lượng tác động của biến đổi khí hậu và con người đến sự thay đổi dòng chảy ở vùng thượng nguồn lưu vực sông Đà trong giai đoạn 1981-2020. 

Chế độ thủy văn ở mỗi lưu vực sông chịu ảnh hưởng bởi ba yếu tố chính: tự nhiên, các hoạt động kinh tế – xã hội, các công trình điều tiết nước. Để phân tách tác động của các yếu tố trên, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận theo hướng tái tạo diễn biến thủy văn tự nhiên, so sánh với diễn biến thủy văn quan trắc (dưới tác động tổng hợp của cả tự nhiên và con người). Họ đã thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các nguồn dữ liệu mở để khắc phục tình trạng thiếu dữ liệu ở vùng thượng lưu sông Đà.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích, thống kê, kết hợp với phương pháp mô hình hóa và phương pháp chuyên gia. Qua đó, họ phát triển một phương pháp mới dựa trên công thức hệ số tác động mở rộng để đánh giá định lượng tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người lên dòng chảy ở Sông Đà vào Việt Nam. Ưu điểm của phương pháp này là có độ tin cậy và khả năng diễn giải cao, tiết kiệm thời gian và tài nguyên tính toán. 

Khi thử nghiệm phương pháp này ở vùng thượng nguồn lưu vực sông Đà, kết quả cho thấy tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động con người lên dòng chảy sông Đà thay đổi tùy theo quy mô thời gian. Ở quy mô hằng năm và trong mùa lũ, tác động của biến đổi khí hậu vẫn chiếm ưu thế. Cụ thể, tỉ lệ thay đổi dòng chảy sông Đà do biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2009-2015 là 60,4%, giai đoạn 2016-2020 là 75,5%. Vào mùa lũ trong hai giai đoạn trên, tỉ lệ thay đổi dòng chảy do biến đổi khí hậu lần lượt là 51,9% và 59,8%. 

Các yếu tố khác như thay đổi sử dụng đất, nhu cầu tưới và hồ chứa cũng gây suy giảm dòng chảy sông Đà vào mùa lũ nhưng ở mức độ thấp hơn. Mức độ tác động của các yếu tố này chỉ từ 13-30%, cao nhất khoảng 48% so với tác động của biến đổi khí hậu.

Vào mùa cạn, hoạt động của con người ảnh hưởng đến dòng chảy sông Đà lại có xu hướng tăng theo thời gian. Trong giai đoạn 2009-2015, tỉ lệ thay đổi dòng chảy do con người chỉ chiếm 28,76% nhưng đến giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ này đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 69,98%. Nhóm nghiên cứu cho biết nhu cầu tưới và biến đổi khí hậu là hai yếu tố gây suy giảm mạnh nhất dòng chảy mùa cạn. Trong khi đó, việc vận hành hồ chứa lại có tác động tích cực, giúp cải thiện dòng chảy trong mùa cạn.

Tuy nhiên, trong những năm có hạn hán hoặc mưa lớn khắc nghiệt, các hồ chứa thượng nguồn không có tác động đáng kể trong việc giảm thiểu tác động của các sự kiện cực đoan này. Do vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thượng nguồn và hạ nguồn là điều cần thiết để quản lý tốt hơn tài nguyên nước, giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. 

Những kết quả này còn giúp các nhà quản lý nắm rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của con người đối với chế độ dòng chảy tại thượng nguồn lưu vực sông Đà, từ đó góp phần phát triển các giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết các vấn đề cạn kiệt nước ở hạ lưu của lưu vực.□

Bài đăng Tia Sáng số 8/2025