Tham vọng 'tẩy sạch Trái Đất' vĩ đại nhất lịch sử: Hàng tỷ người được cứu trước khi quá muộn?

Sử dụng máy bay đặc biệt để bơm khí vào tầng bình lưu?

Hiện trạng báo động của biến đổi khí hậu đang là tin tức trang nhất mỗi ngày của nhiều tờ báo trên khắp thế giới: Kỷ lục nhiệt độ đang bị phá vỡ. Cháy rừng đang hoành hành. Băng tan ồ ạt. Lũ lụt và hạn hán chết người không ngừng tăng. Không có dấu hiệu cho thấy mọi thứ sẽ trở lại "bình thường". Nếu có, chúng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn!

Năm 2020, khi hành tinh đang biến động vì sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, giới khoa học đã đặt hy vọng vào công nghệ - dưới dạng vắc-xin mRNA - giúp hàng tỷ người thoát khỏi đại dịch này. Vắc-xin là một giải pháp công nghệ, được tiêm vào cánh tay của hàng tỷ người khắp thế giới.

Vậy nếu bàn về cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại, chúng ta có nên tìm ra các giải pháp công nghệ cho vấn đề toàn cầu này không? Nói một cách hình ảnh, chúng ta có nên tạo ra liều vắc-xin chuyên trị biến đổi khí hậu để cứu hàng tỷ người trước khi quá muộn hay không?

Đây là câu hỏi được đặt ra bởi Holly Jean Buck trong cuốn sách năm 2019 của cô "After Geoengineering: Climate Tragedy, Repair và Restoration" (tạm dịch: "Sau cuộc Địa kỹ thuật: Bi kịch khí hậu, sửa chữa và phục hồi"). Holly Jean Buck là Trợ lý Giáo sư về Môi trường và Bền vững tại Đại học Buffalo ở Buffalo, New York, Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, tác giả nhận định: Tốc độ biến đổi khí hậu, và sự thiếu hụt trong phản ứng hiện tại của nhân loại, đã đặt chúng ta trong tình thế buộc phải chọn: Nhân loại sẽ phải thực hiện "Địa kỹ thuật (Geoengineering) / hay Kỹ thuật khí hậu (Climate engineering)" dù muốn hay không.


TỪ CÂU CHUYỆN CÁCH ĐÂY HƠN 1 THẾ KỶ...

Vào tháng 8 năm 1883, họa sĩ người Na Uy thuộc trường phái tượng trưng Edvard Munch đã chứng kiến ​​cảnh hoàng hôn đỏ như máu bất thường trên bầu trời của Oslo (thủ đô Na Uy). Bị chấn động bởi sự kiện này, người họa sĩ đã viết trong nhật ký của mình rằng "tôi cảm thấy một tiếng hét lớn, không ngừng xuyên qua thiên nhiên". Sự việc đã thôi thúc anh tạo ra tác phẩm nổi tiếng nhất của mình - họa phẩm "The Scream - Tiếng thét".

Tham vọng tẩy sạch Trái Đất vĩ đại nhất lịch sử: Hàng tỷ người được cứu trước khi quá muộn? - Ảnh 1.

Họa phẩm "The Scream - Tiếng thét" của họa sĩ Edvard Munch lấy cảm hứng từ sự việc có thật cách đây 138 năm.

Hoàng hôn mà anh nhìn thấy vào buổi tối hôm đó gây ra do vụ phun trào của núi lửa Krakatoa ngoài khơi bờ biển Java. Vụ phun trào, một trong những vụ nổ dữ dội nhất trong lịch sử được ghi lại, đã phóng một lượng lớn tro bụi vào tầng bình lưu, biến hoàng hôn thành màu đỏ trên toàn cầu. Các khí thải ra cũng khiến Trái Đất lạnh đi hơn 1 độ C và phá vỡ các hình thái thời tiết trong vài năm.

Hiệu ứng làm mát của các vụ phun trào núi lửa lớn đã được biết đến từ lâu. Một đám mây mù hình thành từ khí lưu huỳnh điôxít phun vào tầng trên của bầu khí quyển làm giảm lượng bức xạ Mặt trời tới Trái đất.

Người ta ước tính rằng vụ phun trào của núi Pinatubo ở Philippines vào năm 1991 - lớn nhất kể từ Krakatoa - đã làm nguội Trái Đất khoảng 0,5 độ C trong một năm hoặc hơn.

'Cảm hứng' từ những sự kiện tự nhiên này, một liên minh hùng mạnh đang âm thầm tìm kiếm ý tưởng biến đổi bầu khí quyển Trái Đất bằng cách mô phỏng các vụ phun trào núi lửa để chống lại tác động nóng lên toàn cầu từ ô nhiễm carbon. Và họ gọi đó là Địa kỹ thuật (Geoengineering) hay Kỹ thuật khí hậu (Climate engineering).

THAM VỌNG LÀM SẠCH VĨ ĐẠI NHẤT TRONG LỊCH SỬ

1. Địa kỹ thuật là gì?

Hiệp hội Hoàng gia Anh định nghĩa 'Địa kỹ thuật' là một thuật ngữ chỉ các phương pháp con người can thiệp vào biến đổi khí hậu một cách có chủ đích, trên quy mô hành tinh.

Địa kỹ thuật nghe có vẻ đáng sợ nhưng nó sẽ đến dù chúng ta có muốn hay không. Hai loại địa kỹ thuật là (1) Kỹ thuật carbon, nhằm mục đích hút carbon ra khỏi khí quyển và (2) Kỹ thuật năng lượng Mặt trời, nhằm mục đích phản xạ năng lượng Mặt trời ra khỏi Trái Đất.

"Chúng ta đang lâm vào cuộc khủng hoảng khí hậu (climate crisis). Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, việc con người 'lật ngược tình thế' trong bối cảnh nóng lên toàn cầu thế này là bất khả thi. Do đó, để giảm thiểu và kìm giữ nhiệt độ ở mức trước báo động đỏ là việc cần làm trước khi quá muộn. Chúng ta phải loại bỏ carbon ra khỏi khí quyển" - Bà Holly Jean Buck nói.

"Bao nhiêu? Chúng ta phải loại bỏ bao nhiêu CO2 trong khí quyển? Hàng trăm tỷ gigaton CO2! Chúng ta đã thải ra rất nhiều và bây giờ chúng ta phải khử chúng. Thách thức không chỉ là cắt giảm lượng khí thải. Thách thức thứ hai là loại bỏ lượng carbon còn đó trong khí quyển. Đó là hoạt động địa kỹ thuật chúng ta cần làm trên quy mô toàn cầu ngay trong thế kỷ này".

Tham vọng tẩy sạch Trái Đất vĩ đại nhất lịch sử: Hàng tỷ người được cứu trước khi quá muộn? - Ảnh 2.

Chúng ta phải loại bỏ bao nhiêu CO2 trong khí quyển? Hàng trăm tỷ gigaton CO2! Photograph: Phil Noble/Reuters

Ý tưởng cố tình can thiệp vào biến đổi khí hậu có thể khiến nhiều nhà môi trường sợ hãi và khó chịu. Nhưng Holly Jean Buck lập luận rằng kỹ thuật khí hậu đang đến cho dù chúng ta có muốn hay không.

Bà nói: "Nếu những người thuộc phe môi trường - những người quan tâm đến biến đổi khí hậu - chỉ chăm chăm phủ nhận tất cả những cách tiếp cận này, thì chúng ta sẽ mất khả năng định hình chúng, đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng".

2. Các giải pháp

Hình thức địa kỹ thuật đơn giản nhất là loại bỏ carbon mà nhiều người trong chúng ta đã học ở trường: Trồng cây.

Các giải pháp dựa trên đất đai thực sự quan trọng, đặc biệt là trong thập kỷ tới, bởi vì chúng có thể được thực hiện nhanh chóng - và chúng tôi biết cách trồng rừng. Các chiến lược khác bao gồm lưu trữ carbon trong các vùng đất ngập nước, phân bón đại dương (OF) hoặc các phương pháp tiếp cận khác liên quan đến phong hóa đá.

 

Hiện nay đã có những máy móc có thể "lọc sạch" carbon ra khỏi không khí; carbon sau đó có thể được vận chuyển và lưu trữ dưới lòng đất. Khi đó chúng ta cần sử dụng một loạt các kỹ thuật carbon để đưa carbon vào sâu bên dưới đá - đây là cách hiệu quả nhất và an toàn nhất.

Tham vọng tẩy sạch Trái Đất vĩ đại nhất lịch sử: Hàng tỷ người được cứu trước khi quá muộn? - Ảnh 4.

Địa kỹ thuật liệu có phải là con đường ngắn nhất cứu Trái Đất?

"Nếu chúng ta không loại bỏ carbon, khử carbon và cải cách cách chúng ta sử dụng đất, cải tiến hệ thống giao thông và thay đổi hệ thống công nghiệp đủ nhanh, thì mọi người sẽ phải tiếp cận sơm với kỹ thuật năng lượng Mặt trời" - Bà nói.

Kỹ thuật năng lượng Mặt trời là một loại giảm thiểu khí hậu - cho đến nay vẫn là lý thuyết - liên quan đến việc "chặn một phần ánh sáng Mặt trời chiếu tới và đưa nó trở lại không gian, có tác dụng làm mát hành tinh".

Hầu hết các kỹ thuật năng lượng Mặt trời liên quan đến việc sử dụng các máy bay đặc biệt để bơm khí vào tầng bình lưu. Các hạt khí sẽ phản xạ ánh sáng Mặt trời đi, làm thay đổi cả số lượng và chất lượng của ánh sáng Mặt trời chiếu tới Trái Đất.

Loại kỹ thuật địa lý này chắc chắn sẽ làm nguội hành tinh, ít nhất là trong một thời gian nhưng nó sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của việc có quá nhiều carbon trong khí quyển. Bà Buck nói: "Nó không đến tận gốc rễ. Nó không loại bỏ khí thải mà chỉ làm mát được hành tinh trong chốc lát. Thứ gây nóng hành tinh chính là CO2 và khí nhà kính khác".

Trong khi đó, kỹ thuật năng lượng Mặt trời có thể tạo ra các vấn đề khác bởi ánh sáng Mặt trời vẫn đóng vai trò tích cực trong sự sống và sinh trưởng của con người và sinh vật. Và do đó, công nghệ kỹ thuật năng lượng Mặt trời vẫn là một đề xuất mạo hiểm.

Tuy nhiên, Holly Jean Buck lạc quan đến mức cho rằng nhân loại sẽ đạt được một tương lai có thể sống được mà không cần phải sử dụng đến kỹ thuật năng lượng Mặt trời! Tầm nhìn này rõ ràng là đầy tham vọng.

Nó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và đại tu cơ sở hạ tầng. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ và các nước tư bản khác sẽ phải định hướng lại nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hơn, dành ít hơn cho việc tối đa hóa tăng trưởng, và nhiều thời gian cho giảm thiểu carbon. Để làm được điều đó, mọi quốc gia phải vượt qua những khác biệt lớn về chính trị và những động lực cạnh tranh trên thế giới để đoàn kết vì phát triển bền vững quy mô toàn cầu.

Kế hoạch làm sạch vĩ đại nhất trong lịch sử - làm sạch carbon trong bầu khí quyển của chúng ta - cũng có thể xảy ra trong ngay thế hệ này. Và, nếu bà Holly Jean Buck đúng, không có thời điểm nào tốt hơn để bắt đầu nó hơn là ngay bây giờ.

Nguồn Soha

Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian, Wired, OurWord.Unu.edu