Thành phố đông dân nhất châu Phi sẽ trở thành nơi không thể sống nổi

Xe cộ, nhà cửa ngập trong nước. Người đi làm lội qua vùng nước sâu tới đầu gối và các chủ nhà ngao ngán tính thiệt hại do mưa lũ. Đó là những gì xảy ra ở Lagos, thành phố ở Nigeria đông dân nhất châu Phi.

Thành phố đông dân nhất châu Phi sẽ trở thành nơi không thể sống nổi - 1

                                                  Thành phố Lagos nằm ở ven biển ngập nặng sau mưa lớn.

Người dân Nigeria đã quen với cảnh tượng ngập lụt ở Lagos vào mùa mưa. Nhưng năm nay, Lagos trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm.

“Tình hình rất tồi tệ và rất khác thường”, Eselebor Oseluonamhen, 32 tuổi, nói trên CNN.

“Tôi chỉ vừa rời nhà, không ngờ là mưa lớn đến vậy. Chúng tôi càng đi xa, nước ngập càng tồi tệ. Nước dâng cao đến mức tràn vào bên trong xe hơi”, Oseluonamhen, chủ một công ty truyền thông ở Lagos, nói.

Hình ảnh và video do người dân đăng tải trên mạng xã hội, cho thấy cảnh nhiều xe cộ ngập trong nước sau mưa lớn. Đợt mưa lũ làm tê liệt hoạt động của thành phố, ước tính gây tổn thất tới 4 tỉ USD mỗi năm.

Với số dân hơn 24 triệu người, Lagos nằm ở vùng trũng bên bờ biển Nam Đại Tây Dương. Thành phố được dự báo sẽ là nơi không thể sống nổi cho đến cuối thế kỷ này, vì nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, theo các nghiên cứu khoa học.

Vấn đề nằm ở việc Lagos “thiếu hệ thống thoát nước, trong khi sự tăng trưởng đô thị không được kiểm soát". Lagos được dự báo sẽ còn trải qua các trận lụt tồi tệ trong tháng 9, thời điểm mưa lớn đạt đỉnh.

Thành phố đông dân nhất châu Phi sẽ trở thành nơi không thể sống nổi - 2

                                                 Lagos bao gồm khu vực đất liền và đảo kết nối bằng đường cao tốc.

Trong những năm qua, Lagos đang chật vật đối phó với hiện tượng xói mòn, khiến thành phố dễ bị ngập lụt. Nhà hoạt động môi trường Nigeria, Seyifunmi Adebote nói nguyên nhân là do hiện tượng ấm lên toàn cầu và hệ quả “do con người gây ra trong thời gian dài”.

Nạn khai thác cát vô tội vạ để lấy nguyên liệu xây dựng là yếu tố chính dẫn đến tình trạng xói mòn ở Lagos.

Manzo Ezekiel, phát ngôn viên cơ quan quản lý khẩn cấp Nigeria (NEMA), nói trên CNN rằng, “nhiều khu vực bờ sông đã bị nước cuốn trôi. Nước dâng cao ngày càng ăn sâu vào đất liền”.

Mực nước biển toàn cầu được dự báo sẽ dâng cao hơn 2 mét vào cuối thế kỷ này. Nếu kịch bản này xảy ra, Lagos sẽ chìm hoàn toàn dưới biển, trở thành nơi không thể sống nổi.

Các nỗ lực đối phó biến đổi khí hậu của chính phủ Nigeria cho đến nay được đánh giá là chưa tương xứng. Một phần do nền kinh tế gặp khó khăn, khiến chính phủ phải cắt giảm ngân sách chi cho vấn đề chống biến đổi khí hậu và các lĩnh vực then chốt khác.

Tháng trước, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã thông qua chính sách quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm giải quyết "hầu hết những thách thức tồn tại do biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến thiên tai ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này”.

Nguồn: http://danviet.vn