Kênh Hàng Bàng dài 1,7 km, có điểm đầu giao với tuyến kênh Tân Hóa- Lò Gốm, một tuyến kênh “chết” khác đã được cải tạo trước đó thuộc địa bàn quận 6 và điểm cuối giao với tuyến kênh Tàu Hủ thuộc địa bàn quận 5, là tuyến kênh ô nhiễm nặng nề phía Tây Nam thành phố và là nơi ngụ cư của hàng trăm hộ dân dọc hành lang tuyến.
Chính quyền TP.HCM đã xác định đây là một trong những tuyến kênh cần tập trung cải tạo, di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sống trên tuyến, khôi phục lại mặt nước của dòng kênh, nạo vét, kè bờ, tăng cường diện tích công viên, mảng xanh, thu gom nước thải đưa về nhà máy xử lý, trả lại màu xanh cho tuyến kênh.
Dự án cũng nâng cấp, cải tạo các tuyến đường dọc theo kênh, góp phần cải thiện tình trạng giao thông, cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Hàng Bàng có quy mô 2 đoạn/tuyến. Đoạn trên địa bàn quận 6 dài 500 m từ đường Mai Xuân Thưởng đến đường Ngô Nhân Tịnh có chi phí xây lắp khoảng 67 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng 1.182 tỷ đồng.
Đoạn trên địa bàn quận 5 dài 250 m từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng, chi phí xây lắp 33 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 600 tỷ đồng.
Chi tiết quy mô công trình xây dựng qua hai quận gồm: Xây dựng mới tuyến kênh hở hình thang với tổng chiều dài khoảng 750 m, rộng mặt kênh 12 m, rộng đáy kênh 4 m, chiều sâu 4,5 m; xây dựng mảng xanh dọc hai bên bờ kênh, tăng cường mảng xanh trong khu vực, tạo không gian vui chơi, giải trí cho người dân trong khu vực;
Đồng thời xây dựng hệ thống thoát nước mưa, xây dựng hệ thống thoát nước thải có đường kính D600 - D800; cải tạo đường Phan Văn Khỏe và đường Bãi Sậy, tổ chức lại giao thông khu vực cho phù hợp tiêu chuẩn và từng bước chỉnh trang đô thị, cải thiện tình trạng giao thông.
Năm 2019, một đoạn 220 m ở hai đầu tuyến kênh đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào phục vụ người dân. Từ năm 2019 đến nay, 750 m kênh tiếp theo từ đường Mai Xuân Thưởng đến Kênh Vạn Tượng được nâng cấp, cải tạo với tổng mức đầu tư khoảng 1.880 tỷ đồng, gồm chi phí xây lắp khoảng 100 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng.
Đoạn còn lại dài 730 m, từ đường Bình Tiên đến đường Mai Xuân Thưởng, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) được lãnh đạo Thành phố giao phối hợp Ủy ban nhân dân Quận 6 và các đơn vị liên quan triển khai dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 3 từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố với các quy mô, hạng mục, mặt cắt ngang tương tự như dự án hiện nay.
Tổng mức đầu tư cho hạng mục này khoảng 2.400 tỷ đồng; trong đó có 391 trường hợp giải toả toàn phần, triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2025 - 2028.
Trong quý II-2025, TCIP sẽ tiếp tục triển khai gói thầu xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải dọc theo kênh Hàng Bàng, đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, Bình Chánh, trả lại màu xanh cho tuyến kênh.
Nằm trong chương trình cải tạo, nâng cấp các dòng kênh ô nhiễm, trả lại màu xanh đô thị, TCIP đã và đang phối hợp cùng các sở ngành và các địa phương liên quan tiếp tục triển khai các dự án chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, nâng cấp các tuyến đường, chống ngập do triều, ngập do mưa trong khu vực.
Cùng với đó triển khai dự án cầu đường Bình Tiên, dự án đường nối Võ Văn Kiệt với đường Vành đai 2, Vành đai 3 kết nối với tỉnh Long An. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi về giao thông đối nội và liên kết vùng, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân quận 5 và quận 6 trong thời gian tới.
Theo VnEconomy