'Khu vực 52' – Căn cứ quân sự gây tranh cãi nhất trên thế giới - Kỳ 1: Bí mật 'bom bẩn'

Nếu như cái tên “Khu vực 51” đã quá nổi tiếng với thế giới thì “Khu vực 52” dường như ít được biết đến hơn nhiều. Đây cũng là một trong những căn cứ quân sự gây tranh cãi nhất trên thế giới, và có thể bạn chưa từng nghe đến nó.

 

Chú thích ảnh
Hình ảnh "Khu vực 52" ngày nay giữa sa mạc Nevada nhìn từ trên không. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ / Wikimedia Commons
 

Bãi thử Tonopah (Tonopah Test Range - TTR), được các cựu chiến binh và những người theo thuyết âm mưu đặt biệt danh là “Khu vực 52”, cho đến nay vẫn được bao phủ trong bí mật, với rất ít thông tin về những gì diễn ra ở đó, trên sa mạc Nevada.

Trong Chiến tranh lạnh, “Khu vực 52” đã chứng kiến ​​bốn “quả bom bẩn” được kích nổ và hơn 800 vụ nổ ngầm sau đó đã làm ô nhiễm khu vực xung quanh, từ đất đai đến các tuyến đường thủy.

Không hay biết sự thật này vào thời điểm đó, các quân nhân đồn trú tại khu vực đã thường xuyên tiếp xúc với bức xạ ion hóa do các cuộc thử nghiệm này, nhiều người trong số họ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Và trong khi các cựu chiến binh được đảm bảo chăm sóc y tế thông qua Bộ Cựu chiến binh (VA), phần lớn những người phục vụ tại “Khu vực 52” đều bị từ chối điều trị. Lý do là bản chất công việc của họ ở Khu vực 52 được giữ bí mật, dẫn đến việc hồ sơ của họ bị niêm phong.

Việc thiếu điều trị này, cùng với việc Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối công bố hồ sơ y tế của họ và chính phủ không thừa nhận bản chất nghĩa vụ của họ, đã khiến một số cựu chiến binh “Khu vực 52” đi đầu trong một chiến dịch nhằm thúc đẩy sự thay đổi. Người đứng đầu nhóm là Mark Ely, người cũng bị bệnh sau thời gian làm nhiệm vụ kiểm tra các máy bay MiG của Liên Xô bị thu giữ và đưa về tại căn cứ này.

Ely là người thông báo cho các đồng nghiệp tại “Khu vực 52” về mối liên hệ có thể có giữa các vấn đề sức khỏe của họ và nghĩa vụ phục vụ tại cả Khu vực 51 và 52, và ông quyết tâm giành lại cho họ quyền được điều trị mà họ xứng đáng.

Nhưng trước khi có thể tìm hiểu về những tác động mà việc phục vụ tại “Khu vực 52” đã gây ra cho các cựu chiến binh đồn trú tại đó, chúng ta cần hiểu chính xác những gì đã và đang diễn ra ở đó.

Lịch sử gây tranh cãi

Thuộc sở hữu của Bộ Năng lượng Mỹ và được Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia quản lý, “Khu vực 52” do Không quân Mỹ điều hành. Nằm cách “Khu vực 51” khoảng 90km về phía tây bắc, giữa sa mạc Nevada, hoạt động của căn cứ này nhằm ba mục đích chính: Nghiên cứu và phát triển các hệ thống kích nổ và bắn của quân đội; Kiểm tra độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân của quốc gia; Kiểm tra các hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, lịch sử của nó đa dạng và gây tranh cãi hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Lối vào Bãi thử Tonopah (TTR), trong ảnh chụp năm 1997. Ảnh: Cooper / Wikimedia Commons
 

Được Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt cho phép đi vào hoạt động từ năm 1940, thuộc quản lý của Quân đoàn Không quân Lục quân Hoa Kỳ (USAAC), “Khu vực 52” đã thay thế Salton Seas trở thành địa điểm nghiên cứu vũ khí vào giữa những năm 1950. Hàng trăm vụ thử hạt nhân và vụ nổ đã diễn ra ở đó trong suốt Chiến tranh Lạnh, 288 vụ tại Khu vực 3 và 71 vụ nổ tại Khu vực 10 – với những vụ nổ đáng chú ý như Chiến dịch Jangle, Upshot-Knothole và Plumbbob.

Điều khiến các vụ nổ hạt nhân được tiến hành tại “Khu vực 52” khác với những vụ nổ được thấy trong Chiến dịch Crossroads hoặc thậm chí là vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II là chúng liên quan đến "bom bẩn" - vũ khí chứa hỗn hợp vật liệu phóng xạ (plutonium) và thuốc nổ thông thường. Mục đích duy nhất của vũ khí này là làm ô nhiễm khu vực xung quanh bằng bức xạ.

Phát biểu với trang War History Online, ông Mark Ely giải thích lý do tại sao những vũ khí này được phát triển và nền tảng khoa học đằng sau chúng. "Mục đích của bom bẩn là phát tán chất ô nhiễm - plutonium - vào khí quyển và vào đất, và làm ô nhiễm đất", ông nói. "Bom bẩn phát tán plutonium vào đất để làm ô nhiễm đất, từ đó vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng tại chỗ”.

Mối nguy hiểm từ ‘bom bẩn’

Như ông Ely giải thích, mục đích của "bom bẩn" là làm ô nhiễm đất - và nó đã làm được điều đó. Năm 1975, chính phủ liên bang đã tiến hành đánh giá “Khu vực 52” và phát hiện vật liệu phóng xạ đã phân tán khắp căn cứ và khu vực xung quanh

Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ biết về những tác động xấu do tiếp xúc tại địa điểm này gây ra cho các phi công đồn trú tại đó, nhưng họ đã từ chối dừng cuộc thử nghiệm đang diễn ra, với lý do một động thái như vậy sẽ "đi ngược lại lợi ích quốc gia".

"Chúng tôi đã ở Bãi thử Tonopah vì đó là một không gian trống rỗng và không có người ở nằm trong ranh giới của các vùng đất được giữ bí mật của chính phủ Mỹ", Ely giải thích. "Bộ Năng lượng đã cố tình cho nổ 'bom bẩn', cũng như bom hạt nhân dưới lòng đất và trên mặt đất, vào môi trường. Đó là công việc của họ. Nói một cách đơn giản, một quả bom nguyên tử thông thường sẽ phá hủy mục tiêu ngay trong vụ nổ ban đầu, trong khi một 'bom bẩn' sẽ làm ô nhiễm mục tiêu và giết chết con người trong một khoảng thời gian dài”.

Chú thích ảnh
Máy bay Northrop T-38 Talon và Lockheed F-117 Nighthawk cùng Nhóm chiến thuật 4450 bay qua đường băng tại Sân bay thử nghiệm Tonopah năm 1989. Ảnh: Không quân Hoa Kỳ / Wikimedia Commons 
 

"Những quả 'bom bẩn' này chứa plutonium, được phát tán vào môi trường. Plutonium đi vào đất, tạo các phân tử plutonium thô hơn, lớn hơn. Nó kết hợp lại thành plutonium silicat, không ổn định và plutonium không ổn định thì dính. Hãy tưởng tượng bạn lấy một cục bông gòn nhỏ, nhúng vào keo rồi ném xuống đất. Nó sẽ dính và bám chặt vào đất”.

“Điều đó có nghĩa là khi bạn có một plutonium silicat không ổn định, nó sẽ bám chặt vào môi trường và trở thành một phần vĩnh viễn của môi trường đó”, ông Ely giải thích.

Theo chuyên gia này, khả năng bám chặt vào môi trường của hợp chất plutonium silicat khiến các nỗ lực dọn dẹp trở nên vô cùng khó khăn, và không có bất kỳ hành động nào như vậy đã được thực hiện trong thời gian ông ở “Khu vực 52”.

“Hoàn toàn không có hoạt động dọn dẹp nào được thực hiện trong suốt thời gian chúng tôi ở trường bắn, và tôi đã ở đó từ năm 1985 đến năm 1989”, Mark Ely nói. “Lần dọn dẹp đầu tiên thực sự được thực hiện vào năm 1992, và sau đó là lần thứ hai vào năm 1996”.

Các cuộc điều tra tiếp theo trong những năm qua đã phát hiện ra tình trạng ô nhiễm liên tục tại “Khu vực 52”, và trong khi các nhân viên chính phủ từng đồn trú tại đó thời Chiến tranh Lạnh đã nhận được 25,7 tỷ USD hỗ trợ của liên bang, thì các cựu chiến binh vẫn chưa nhận được khoản bồi thường như vậy, chỉ vì tính chất bí mật với các nhiệm vụ của họ.

Xem Kỳ cuối: Những cái chết từ từ

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo War History Online)