Thế giới hôm nay: 17/10/2024

Một số tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 16/10/2024 trên tờ the Economist.

NguồnThe Economist | Biên dịchĐỗ Đặng Nhật Huy

Một cuộc không kích của Israel vào thị trấn Nabatieh ở miền nam Lebanon đã giết chết thị trưởng và ít nhất 15 người khác. Trong khi đó, bộ y tế Lebanon cho biết sẽ triển khai “kế hoạch quốc gia chống bệnh tả” sau khi phát hiện một trường hợp mắc bệnh. Cùng lúc ấy nhiều xe tải viện trợ đã đến Gaza; và Reuters đưa tin thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp sau khi Mỹ cảnh báo Israel phải cải thiện các điều kiện nhân đạo ở Gaza nếu không sẽ bị hạn chế nhận vũ khí.

Morgan Stanley là ngân hàng mới nhất ở Phố Wall báo cáo lợi nhuận cao hơn dự kiến trong quý ba. Lợi nhuận đã tăng 32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu tăng 16%. Phí dịch vụ ngân hàng đầu tư của ngân hàng tăng 56%, cao hơn so với các đối thủ. Doanh thu từ giao dịch cổ phiếu cũng tăng vọt. Tin tức này đã đẩy giá cổ phiếu của công ty lên mức cao kỷ lục.

Mỹ cho biết sẽ gửi 425 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine để giúp nước này đáp ứng các “nhu cầu cấp bách.” Trước đó, tổng thống Volodymyr Zelensky đã trình bày trước quốc hội Ukraine một “kế hoạch chiến thắng” năm điểm để kết thúc cuộc chiến vào năm sau. Kế hoạch bao gồm lời mời “vô điều kiện” gia nhập NATO và việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tấn công bên trong nước Nga.

Quốc hội Ý đã hình sự hóa việc thuê mang thai hộ ở nước ngoài, với khung hình phạt tù và phạt tiền lên tới 1 triệu euro (1,09 triệu USD). Trước đó Ý đã cấm mang thai hộ trong nước. Các nhà hoạt động cho rằng luật này, có thể sẽ bị thách thức, gây ảnh hưởng lớn đến các cặp đôi đồng tính, những người cũng bị cấm nhận con nuôi. Thủ tướng Ý Giorgia Meloni trước đây đã mô tả mang thai hộ là “vô nhân đạo.”

Airbus cho biết sẽ cắt giảm tới 2.500 việc làm trong mảng quốc phòng và không gian, chiếm 7% lực lượng lao động của bộ phận, cho tới năm 2026. Ngành không gian của tập đoàn hàng không vũ trụ này đang gặp khó khăn do chi phí tăng và nhu cầu vệ tinh địa tĩnh giảm. Trong khi đó, mảng quốc phòng bị ảnh hưởng bởi gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một xe chở nhiên liệu phát nổ hôm thứ Ba tại Nigeria đã giết chết ít nhất 147 người, giới chức cho biết vào thứ Tư. Tài xế được cho là đã mất lái và người dân địa phương lao vào hôi xăng trước khi nó bốc cháy. Đường bộ ở Nigeria rất nguy hiểm: một tai nạn tương tự hồi tháng 9 đã giết chết gần 50 người. Năm ngoái các vụ tai nạn giao thông làm hơn 5.000 người thiệt mạng.

Cổ phiếu của ASML giảm hai ngày liên tiếp, hơn 6%, sau thông báo kết quả kinh doanh không khả quan. Thông báo này đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu của các nhà sản xuất chip khác ở Mỹ, châu Á và châu Âu. Nhà đầu tư lo ngại nhu cầu chip của các công ty không được hưởng lợi từ cuộc bùng nổ trí tuệ nhân tạo, chẳng hạn như các nhà sản xuất thiết bị công nghiệp, đang chậm đi.

Con số trong ngày: 20 tỷ USD, là doanh thu của Chanel năm 2023, gần gấp đôi so với năm 2020.

TIÊU ĐIỂM

EU họp thượng đỉnh

Lãnh đạo của 27 nước thành viên EU sẽ họp tại Brussels vào thứ Năm và thứ Sáu để thảo luận về vấn đề di cư và chiến tranh ở Ukraine. Thành công của phe cánh hữu trong các cuộc bầu cử gần đây — đặc biệt là ở nghị viện châu Âu hồi tháng 6 — đã đẩy vấn đề kiểm soát di cư lên đầu chương trình nghị sự chính trị.

Các nhà lãnh đạo muốn đẩy nhanh việc áp dụng các biện pháp đã được thống nhất vào năm ngoái, theo đó tăng tốc độ xem xét đơn của người tị nạn (và đưa những người không thành công về nước xuất xứ). Tuần trước, Ba Lan đã gây bất ngờ cho các đồng minh EU khi tuyên bố sẽ từ chối xem xét đơn xin tị nạn, đổ lỗi cho Belarus và Nga về sự gia tăng số lượng người nhập cư. Hôm thứ Tư, Ý bắt đầu xử lý người tị nạn tại một trại ở Albania. Và khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục, các nhà lãnh đạo EU sẽ đón tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine, người đang muốn nhận được ủng hộ cho “kế hoạch chiến thắng” của mình (và hỗ trợ tài chính nhiều hơn) trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.

Quyền lực to lớn của TSMC

TSMC, nhà sản xuất chip của Đài Loan và là công ty lớn thứ chín thế giới theo vốn hóa thị trường, sẽ báo cáo lợi nhuận quý ba vào thứ Năm. Công ty này không chỉ là một trụ cột trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu mà còn là một chỉ báo cho các khoản đầu tư liên quan đến trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới.

Tập đoàn chắc chắn đã có một năm tốt đẹp. Doanh thu hàng tháng của TSMC hiện đạt mức cao kỷ lục. Công ty đã ghi nhận gần 760 tỷ Đài tệ (23,6 tỷ USD) từ tháng 7 đến tháng 9, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích kỳ vọng TSMC sẽ báo cáo lợi nhuận ròng khoảng 9,3 tỷ USD.

Là nhà sản xuất lớn nhất của các con chip tiên tiến nhất, TSMC có tầm ảnh hưởng xa hơn cả Đài Loan. Những gì các giám đốc điều hành của công ty nói về triển vọng cho năm tới và xa hơn, cũng như kế hoạch chi tiêu vốn của họ, có thể cho thấy liệu bùng nổ đầu tư liên quan đến trí tuệ nhân tạo có tiếp tục hay không.

ECB xem xét tiếp tục giảm lãi suất

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất của khu vực đồng euro thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,25% vào thứ Năm. Đây sẽ là lần thứ ba ECB giảm chi phí vay trong năm nay với nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang trì trệ.

Sau khi ECB cắt giảm lãi suất vào tháng 9, hầu hết các nhà đầu tư dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng cho đến tháng 12. Song quan điểm đó đã thay đổi. Lạm phát ở khu vực đồng euro đã giảm xuống 1,8% trong tháng 9, theo một ước tính nhanh, mức thấp nhất trong hơn ba năm qua và dưới mục tiêu 2% của ECB. Khảo sát nhà quản lý mua hàng châu Âu cho thấy tình trạng yếu kém của nền kinh tế. Trong khi đó, chính phủ Đức cho biết họ dự đoán nền kinh tế sẽ suy giảm trong năm nay.

Sau ba năm lo lắng về lạm phát quá cao, một số nhà phân tích đang cảnh báo nó có thể trở nên quá thấp. Vấn đề lạm phát yếu và tăng trưởng ảm đạm kéo dài hàng thập niên của châu Âu có thể quay trở lại.

Kho bảo vật của Bảo tàng Anh

Bảo tàng Anh đã bị gọi là tham lam (vì tích trữ khoảng 8 triệu hiện vật), bất tài (vì để 2.000 hiện vật bị đánh cắp), và tàn nhẫn (vì trưng bày chiến lợi phẩm của đế quốc). Nhiều bảo vật của bảo tàng, bao gồm Tượng Parthenon và các bức tượng đồng Benin, ít nhất đều có những câu chuyện hậu trường gây tranh cãi. “Hew Locke: chúng ta có gì ở đây?”, một triển lãm sẽ khai mạc vào thứ Năm, là nỗ lực của bảo tàng nhằm xem xét lại bộ sưu tập của mình. Locke, một nghệ sĩ người Anh gốc Guyana, đã lấy các hiện vật ra khỏi kho và sắp xếp chúng theo một cách ngẫu hứng. Kết quả giống như đi qua một nhà kho chất đầy các hiện vật hấp dẫn và “chiến lợi phẩm thô” bị hư hại hoặc cháy sém.

Một số khách tham quan sẽ nhìn bảo tàng theo một góc nhìn mới; trong khi những người khác sẽ chỉ coi triển lãm như một nỗ lực nhằm đối phó với chỉ trích. Hệt như bản ghi âm giọng nói của ông Locke liên tục phát trong buổi triển lãm: “tự đưa ra quyết định của chính bạn.”

Theo Nghiên cứu Quốc tế