Chun Doo-hwan (hàng hai, thứ hai từ phải sang) khi còn theo học tại Học viện Quân sự Hàn Quốc. Những người bạn mà Chun quen trong giai đoạn góp phần giúp cuộc đảo chính năm 1979 thành công. Ảnh: Korea Times.
Bối cảnh sau cái chết của Tổng thống Park Chung-hee
Cái chết của Tổng thống Park Chung-hee vào ngày 26/10/1979 do người bạn thân và là Giám đốc tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA), Kim Jae-kyu gây ra đã để lại khoảng trống quyền lực lớn trong chính trị Hàn Quốc.
Sau một số bối rối về các thủ tục hiến pháp để kế nhiệm tổng thống, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố thiết quân luật. Thủ tướng Choi Kyuh-hah trở thành quyền Tổng thống, nhưng thực quyền lại nằm trong tay tướng Chung Seung-hwa, Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc kiêm Tư lệnh thiết quân luật.
Chun Doo-hwan, lúc đó là chỉ huy Cơ quan Tình báo Quốc phòng, được giao điều tra vụ ám sát. Chun không chỉ tìm hiểu liệu có âm mưu nào lớn hơn liên quan đến cái chết của Tổng thống Park mà còn lo ngại về vị trí của mình trong quân đội, theo tờ Korea Times.
Thông qua KCIA, cơ quan lúc đó đang bị kiềm chế mạnh mẽ vì người đứng đầu sai phạm, Chun yêu cầu gửi tất cả các báo cáo tình báo đến văn phòng lúc 8 giờ sáng và 5 giờ chiều hàng ngày, để mình quyết định thông tin nào sẽ được gửi lên cấp chỉ huy cao hơn. Về cơ bản, Chun đã nhân danh cuộc điều tra để nắm quyền kiểm soát toàn bộ các tổ chức tình báo Hàn Quốc.
Xe tăng di chuyển trên đường phố Hàn Quốc sau khi Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát. Ảnh: Korea Times.
Thiếu tá Park Jun-kwang, người từng làm việc dưới quyền Chun vào thời điểm đó, từng nói: “Trước những tổ chức tình báo quyền lực nhất dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, tôi ngạc nhiên về việc Chun giành được quyền kiểm soát dễ dàng như thế nào và ông ấy đã tận dụng hoàn cảnh một cách khéo léo như thế nào. Trong khoảnh khắc, ông ta dường như đã trở thành một người khổng lồ”.
Thông tin tình báo cho thấy Chung Seung-hwa đang dự định điều chuyển Chun khỏi vai trò chỉ huy Cơ quan Tình báo Quốc phòng để làm suy yếu quyền lực và dễ dàng hạ bệ.
Cuộc đảo chính ngày 12/12
Trước nguy cơ bị loại bỏ, Chun quyết định ra tay trước. Đêm ngày 12/12/1979, Chun ra lệnh bắt giữ Tham mưu trưởng Chung Seung-hwa với cáo buộc tham gia vào âm mưu ám sát Tổng thống Park.
Tuyên bố này đồng nghĩa một cuộc nội chiến nổ ra trong quân đội Hàn Quốc. Các lực lượng trung thành với Tham mưu trưởng Chung đã cố gắng ứng cứu, dẫn đến những cuộc đọ súng ác liệt và nhiều người chết.
Trong tình thế giằng co, tướng Roh Tae-woo, một đồng minh quan trọng của Chun, đã gấp rút huy động binh lính từ khu phi quân sự (DMZ) về Seoul để hỗ trợ, bất chấp nguy cơ tạo ra khoảng trống phòng thủ trước Triều Tiên. Quyết định này được xem là liều lĩnh nhưng lại mang tính quyết định, giúp Chun có thêm lực lượng đẩy lùi phe quân đội trung thành với Tham mưu trưởng Chung.
Các tướng lĩnh trung thành với Tham mưu trưởng Chung như thiếu tướng Jang Tae-wan - Tư lệnh Bộ chỉ huy đồn trú thủ đô Seoul, tướng Chon Ju Won - Chánh văn phòng Tổng hành dinh, Tổng thanh tra Quân cảnh Kim Jin-Ki và tướng Jeong Byeong-ju -chỉ huy Lực lượng đặc biệt đều bị phe đảo chính bắt giữ.
Đến sáng hôm sau, Trụ sở Bộ Quốc phòng và Tổng hành dinh Quân đội Hàn Quốc cũng bị phe đảo chính chiếm đóng. Chun và các chiến hữu tốt nghiệp khóa 11 của Học viện Quân sự Hàn Quốc, như thiếu tướng Roh Tae-woo và thiếu tướng Jeong Ho-yong cùng nhiều người khác đã kiểm soát toàn bộ quân đội Hàn Quốc. Tổng thống Choi bị buộc phải ký lệnh bắt giữ Tham mưu trưởng Chung.
Củng cố quyền lực và chính sách hà khắc
Chun Doo-hwan tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 9//1980. Ảnh: Korea Times.
Thành công trong việc kiểm soát quân đội, Chun nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng. Tháng 4/1980, ông tự bổ nhiệm bản thân làm lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA). Mục đích của việc bổ nhiệm là tăng cường quyền lực cá nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị Hàn Quốc lúc bấy giờ, xã hội lại chứng kiến sự hồi sinh của các phong trào dân chủ.
Từ tháng 5/1980, làn sóng biểu tình của sinh viên phản đối thiết quân luật bắt đầu lan rộng, đặc biệt ở các trường đại học. Chun đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn. Ngày 17/5/1980, ông tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước, ban hành thiết quân luật trên phạm vi toàn quốc và khắc nghiệt hơn so với mệnh lệnh trước đây.
Lệnh thiết quân luật mới cấm mọi hoạt động chính trị, bắt giữ các lãnh đạo đối lập và kiểm duyệt truyền thông. Các trường đại học bị đóng cửa, và quân đội được triển khai để trấn áp các cuộc biểu tình.
Tại thành phố Gwangju, chiến dịch của quân đội đã đạt đỉnh điểm của bạo lực. Các đơn vị đặc nhiệm được gửi tới để dập tắt biểu tình một cách cực đoan.
Thay vì khuất phục, người dân Gwangju nổi dậy mạnh mẽ, tạo ra một phong trào phản kháng chưa từng có.
Cuộc nổi dậy thất bại nhưng dư âm mạnh mẽ
Cuộc nổi dậy ở Gwangju kéo dài 9 ngày, ước tính 200 – 1.000 người thiệt mạng. Đỉnh điểm của cuộc phản kháng là khi các tài xế taxi trong thành phố cùng nhau phối hợp để tạo thành một chiến lược buộc quân đội phải rút lui. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc sau đó huy động vũ khí hặng nặng như xe tăng và dập tắt cuộc nổi dậy.
Ông Chun Doo-hwan (giữa) trong giai đoạn nắm quyền lực ở Hàn Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Sự kiện Gwangju không chỉ là nỗi đau của người dân Hàn Quốc mà còn trở thành biểu tượng của phong trào dân chủ trong lịch sử nước này. Mặc dù Chun tiếp tục cầm quyền trong thập niên 1980, ông luôn bị ám ảnh bởi những chỉ trích về các hành động tại Gwangju.
Dù Chun đã lãnh đạo giai đoạn kinh tế tăng trưởng và chuyển giao dân chủ, ông không bao giờ nhận được sự ủng hộ toàn diện từ người dân. Trái với Park Chung-hee, người được coi là nhà lãnh đạo mạnh mẽ có "thiên mệnh," Chun thường bị xem là kẻ gián đoạn lịch sử và không chính danh, theo Korea Times.
Có thể nói, cuộc đảo chính ngày 12/12/1979 là một sự kiện mang tính lịch sử ở Hàn Quốc. Sự kiện định hình cả thập niên tiếp theo của quốc gia. Với Chun Doo-hwan, đây là khởi đầu của quyền lực nhưng cũng là nguồn gốc của những chỉ trích sâu sắc về sự đàn áp và bất công.
Di sản của sự kiện 12/12 vẫn mãi được nhắc đến ở Hàn Quốc, không chỉ như một cuộc đảo chính mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của tự do và sức mạnh của nhân dân. Chun Doo-hwan sau này cũng thay đổi nhận thức. Ông từ bỏ quyền lực vào năm 1987. Hàn Quốc khi đó chính thức có cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên.
Theo Đăng Nguyễn - Korea Times (Người đưa tin)