Đằng sau sự sụp đổ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Hoa

Giữa thế kỷ 17, Trung Quốc liên tiếp trải qua thảm họa thiên nhiên. Khí hậu lạnh hơn, tình trạng hạn hán và lũ lụt xảy ra triền miên gây ra nạn đói thảm khốc, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của nhà Minh - một trong những triều đại hùng mạnh nhất lịch sử Trung Hoa.

Đằng sau sự sụp đổ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Hoa - 1

Tử Cấm Thành ở Trung Quốc được xây dựng ở thời nhà Minh.

Pierre-Etienne Will, nhà nghiên cứu tại Đại học Collège de France ở Paris, Pháp, đã tổng hợp các tài liệu lịch sử ghi chép trong giai đoạn cuối thời nhà Minh, phản ánh đời sống khó khăn của người dân Trung Hoa.

Ở vùng Giang Nam, gần Thượng Hải, nơi được coi là vùng đất trù phú, giai đoạn những năm 1640 phác họa bức tranh đầy bi thảm. Đây là giai đoạn chứng kiến khí hậu khô lạnh bất thường và mất mùa triền miên. Giá nông sản liên tục tăng, thúc đẩy căng thẳng xã hội bùng phát.

 Theo Pierre-Etienne Will, tại thị trấn Tô Châu, một học giả thời đó mô tả cảnh những người nông dân chết đói, một số trèo tường vào nhà của những người giàu có, trong khi những người khác “dùng rìu phá cổng”. Một số người giàu có đã bị đám đông nghèo đói sát hại trước khi quân triều đình can thiệp.

Những năm sau đó, thảm kịch ngày càng trở nên phổ biến. Các đợt hạn hán nối tiếp nhau vào các năm 1641, 1642 và “lần đầu tiên người ta nhắc đến xác người chết đói nằm la liệt hai bên đường” trong khi “giá gạo tăng cao không tưởng". 

Ở Tùng Giang, người ta ghi nhận “vùng nông thôn rải rác xác người chết vì đói và những người cố kiếm ăn bằng vỏ cây”. Những người chết đói lang thang trong vô vọng và một vài bếp nấu súp được quân đội bố trí gần đó không đủ để khắc phục thảm họa đang diễn ra.

Một thiếu niên tên Yao Tinglin mô tả "người chết ở khắp nơi trên đường phố Thượng Hải". Nhà nghiên cứu Pierre-Etienne Will viết: “Yao đề cập đến những người gục ngã giữa phố. Trước cửa nhà anh ta có một tán cây, ngày nào cũng thấy người chết ở đó".

Đằng sau sự sụp đổ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Hoa - 2

Lý Tự Thành là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh bại triều đình nhà Minh.

Không chỉ hạn hán, nhiều vùng khác ở Trung Quốc ghi đó trải qua lũ lụt, đặc biệt là ở lưu vực sông Hoàng Hà. Dịch bệnh đã xóa sổ một bộ phận dân cư và sự xuất hiện của những đàn châu chấu đã tàn phá mùa màng.

Ở Trung Quốc, hoàng đế được coi là thiên tử và hiện tượng thiên nhiên bất thường xảy ra triền miên như vậy đem đến điềm xấu.

Đây được coi là những yếu tố quan trọng góp phần dẫn đến sự sụp đổ của nhà Minh vào năm 1644, khi hoàng đế cuối cùng tự sát sau nỗ lực dập tắt biến loạn thất bại.

Có một trùng hợp rằng là ở châu Âu giai đoạn này ghi nhận giai đoạn "kỷ băng hà mini", nghĩa là hoạt động của Mặt trời suy giảm bất thường.

Ở phía bắc Trung Quốc, nhiệt độ trung bình giảm 1,18 độ C trong giai đoạn năm 1610 - 1650, theo các học giả Trung Quốc. Hạn hán diễn ra ngày càng cực đoan. Theo các học giả Trung Quốc, trong giai đoạn 1627 - 1642, Trung Quốc "trải qua hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm".

Minh Tư Tông, hoàng đế cuối cùng nhà Minh, bị ảnh hưởng nặng vì những thảm họa thiên nhiên này. Sử gia Tim Brook từng nhận định: "Không có hoàng đế nhà Nguyên hay nhà Minh nào trải qua giai đoạn có khí hậu khắc nghiệt như Minh Tư Tông".

Trong nghiên cứu về “tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sụp đổ của triều đại nhà Minh”, các học giả Trung Quốc do nhà nghiên cứu Zheng Jingyun dẫn đầu đã xem xét các dữ liệu kinh tế và khí hậu của thời đại để đưa ra kết luận. 

Khí hậu cực đoan vào thời điểm đó đã đẩy nhanh sự sụp đổ của một đế chế vốn đã phải chịu áp lực mạnh mẽ từ bên trong và bên ngoài.

Sản xuất nông nghiệp giảm sút dẫn đến nạn đói. Bắt đầu từ những năm 1570, sản lượng ngũ cốc trên đầu người ở Trung Hoa đã giảm từ 20% xuống 50% vào cuối thời kỳ này.

Đến cuối thời nhà Minh, việc thu thuế ngày càng trở nên khó khăn hơn vì tham nhũng và trốn thuế diễn ra tràn lan. Pierre-Etienne Will viết: "Từ người giàu đến người nghèo, ai cũng đua nhau trốn thuế, dẫn đến sự sụp đổ mang tính hệ thống".

Triều đình lại phải chi khoản tiền lớn để duy trì đội quân đông đảo nhưng chiến đấu không hiệu quả trước các mối đe dọa từ phương bắc.

Đằng sau sự sụp đổ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Hoa - 3

Minh họa cảnh Minh Tư Tông, hoàng đế cuối cùng nhà Minh treo cổ tự tử năm 1644.

Theo các nhà nghiên cứu, quân sự chiếm 64% chi tiêu của nhà Minh từ năm 1548 đến năm 1569, con số này đã tăng lên 76% từ năm 1570 đến năm 1589.

Đời sống xã hội bất ổn, nạn đói triền miên thúc đẩy các cuộc khởi nghĩa nông dân. Triều đình có thể dập tắt các cuộc nổi dậy quy mô nhỏ, nhưng đến một thời điểm, mọi chuyện vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Đó là cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành, xuất thân là một người chăn cừu thuê. Lý Tự Thành nổi dậy năm 1635, đến mùa xuân năm 1644 đã tập hợp đội quân lên tới 1 triệu người, phát động chiến tranh tổng lực với triều đình nhà Minh.

Ngày 19.3.1644, quân Lý Tự Thành tiến vào Bắc Kinh. Hoàng đế Minh Tư Tông treo cổ tự tử.

Cuối cùng, sức ép từ bên ngoài là "nhát dao chí mạng" đối với nhà Minh. Người Mãn Châu ở phương bắc không ngừng quấy nhiễu biên cương, tiêu tốn của nhà Minh một lượng lớn nguồn lực và tiền của.

Năm 1645, người Mãn tràn vào trung nguyên, đánh bại Lý Tự Thành và lập ra nhà Thanh, cai trị Trung Hoa cho đến năm 1911.

Có thể nói, thảm họa thiên nhiên mà Trung Quốc đối mặt trong giai đoạn cuối thời nhà Minh làm tăng tốc dẫn đến sụp đổ của một trong những triều đại hùng mạnh nhất Trung Hoa.

"Nếu coi nhà Minh lại một con tàu đang chìm dần thì thảm họa thiên nhiên đã khiến con tàu này càng chìm nhanh hơn. Khi Minh Tư Tông lên ngôi hoàng đế, sự sụp đổ của một triều đại đã là điều không thể tránh khỏi", Pierre-Etienne Will viết.

Nguồn: https://nongthonviet.com.vn