Điệp viên Liên Xô bị cài thiết bị nghe lén ngay trong phòng làm việc

Nhà tình báo Liên Xô Alexander Korotkov phát hiện ra rằng khi trang bị nội thất cho phòng làm việc của ông, một thiết bị nghe trộm được lắp vào chiếc đèn chùm.

"Phát xít Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô"

Trước khi Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại nổ ra, Alexander Korotkov, người trước đó đã từng có những chuyến công tác đến Đan Mạch và Na Uy, một lần nữa lại đến Đức, nơi ông chính thức nhận một chức vụ trong Đại sứ quán Liên Xô. Giai đoạn quan trọng nhất trong công việc của nhà tình báo Liên Xô với mật danh "Stepanov" là khôi phục liên lạc với mười điệp viên đang tạm thời "nằm yên".

Trong số các điệp viên này có một cố vấn của Bộ Kinh tế Đức tên là Arvid Harnack và nhân viên tình báo không quân Harro Schulze-Boysen.

Cả hai người cung cấp thông tin này đều trở thành thành viên của nhóm "Red Capella", do Korotkov phụ trách, và mọi người chỉ biết nhà tình báo dưới cái tên là Alexander Erberg.

Đặc biệt, nhờ Schulze-Boysen, Korotkov đã nắm được và báo cáo với cấp trên rằng tùy viên không quân Mỹ đang làm việc tại Matxcơva chính là gián điệp của Hitler. Cuối tháng 3/1941, nhận được tin nhắn từ Harnak, Korotkov vội liên lạc trực tiếp với Bộ trưởng Nội vụ Liên Xô Lavrenty Beria. Trong báo cáo của mình, nhà tình báo thông báo rằng Đức đang tích cực chuẩn bị một cuộc tấn công vào Liên Xô.

Trong báo cáo, Korotkov nói rằng "việc tấn công Liên Xô là vấn đề đã được quyết định" và "quân Đức đang lên kế hoạch hành động vào tháng 5 để chống lại Liên Xô và chiếm giữ phần lãnh thổ phía tây của phòng tuyến Leningrad-Odessa...".

Tuy nhiên, ông Beria đã phớt lờ những thông tin cảnh báo, vốn được tiếp tục gửi về cho đến ngày 19/6/1941. Một thông điệp được một điệp viên có giá trị của Korotkov là nhân viên Gestapo Willie Lehmann ("Breitenbach") báo về cũng bị ban lãnh đạo Liên Xô bỏ qua. Korotkov nhận được từ tay của Lehmann bản sao báo cáo của người đứng đầu Tổng cục An ninh Đức, Reinhard Heydrich, "Về các hoạt động lật đổ của Liên Xô chống lại Đức". Lehmann trình bày chi tiết việc tổ chức lại các cơ quan đặc nhiệm bí mật của phát xít Đức, và trên cơ sở những dữ liệu này, Korotkov đã phải điều chỉnh lại và bảo mật tối đa các hoạt động của cấp dưới.

Ngày 22/6, ngày chiến tranh bắt đầu, tòa nhà của đại sứ quán Liên Xô ở Berlin bị phong tỏa - tất cả nhân viên sứ quán bị nghiêm cấm vào thành phố. Korotkov đã thương lượng được với người đứng đầu bộ phận bảo vệ: nhận được một khoản tiền, anh ta đã hai lần cho phép nhà tình báo ra ngoài, nói là để đi gặp người yêu.

Điệp viên Liên Xô bị cài thiết bị nghe lén ngay trong phòng làm việc (kỳ 2) - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Tòa nhà đại sứ quán Liên Xô ở Berlin, Đức (Ảnh: Đại sứ quán Liên Xô tại Đức).

Korotkov đã mạo hiểm tìm cách gặp gỡ một nữ điệp viên, qua đó ông đã chuyển cho Schulze-Boysen và Harnack một khoản tiền lớn, một máy phát vô tuyến và hướng dẫn về mật mã hóa để làm việc sau này. Korotkov về đến Matxcơva vào tháng 7/1941 sau khi quá cảnh qua một số quốc gia. Ông được phong quân hàm đại tá và được bổ nhiệm làm trưởng phòng 1 của tổng cục 1 Bộ nội vụ.

Cùng với các sĩ quan an ninh khác, ông đào tạo các sĩ quan tình báo để hoạt động ở hậu phương của kẻ thù.

Nhờ kiến thức hoàn hảo về tiếng Đức, Korotkov dễ dàng hóa thân thành một người Đức bị bắt. Người ta nhốt ông cùng với các sĩ quan Đức bị bắt, và nhà tình báo đã chiếm được sự tin tưởng của họ, rút ra những thông tin quan trọng. Cùng với nhà tình báo nổi tiếng Pavel Sudoplatov, Korotkov đã ngăn chặn được âm mưu ám sát hai tướng lĩnh của tổ chức chống Hitler - "Hội các sĩ quan Đức".

Nhà tình báo cũng đã từng đến Nam Tư, đích thân chuyển những thông điệp từ nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin tới Nguyên soái Nam Tư Josip Broz Tito.

Những năm tháng hoạt động tích cực

Năm 1943 là một năm đầy sôi động đối với Korotkov. Vào đầu năm, dưới vỏ bọc của một nhân viên ngoại giao Liên Xô, ông đã có những chuyến công tác quan trọng tới Afghanistan. Tại Kabul, nhà tình báo đã tham gia đánh bại một nhóm điệp viên phát xít đang lên kế hoạch thực hiện một cuộc đảo chính và kéo đất nước Afghanistan vào cuộc chiến chống Liên Xô.

Vào tháng 11, trước cuộc đàm phán giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill, Korotkov đến Tehran, Iran. Nhận được thông tin đáng tin cậy rằng Đức Quốc xã đang chuẩn bị một âm mưu tấn công ám sát các nhà lãnh đạo các nước thuộc liên minh chống Hitler, Korotkov đã lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm và điều phối thành công việc đảm bảo an ninh cho những người tham gia cuộc họp.

Điệp viên Liên Xô bị cài thiết bị nghe lén ngay trong phòng làm việc (kỳ 2) - 3

Nhấn để phóng to ảnh

(Từ trái sang phải) Nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill trong cuộc họp ở Tehran (Iran) vào ngày 7/12/1943 (Ảnh: AP).

Khi ở Iran, Korotkov cũng đã tổ chức cho một số điệp viên qua Bulgaria đến Đức - có hai người trong số họ cuối cùng đã đến đích. Một người cung cấp thông tin đã nhận được việc làm tại nhà máy của nhà sản xuất máy bay chiến đấu phản lực Me.262 của nhà thiết kế máy bay Willie Messerschmitt. Người thứ hai định cư tại thành phố Peenemünde và cũng đã tìm cách được đảm nhận vị trí tại doanh nghiệp của người sáng chế ra tên lửa người Đức, Wernher von Braun.

Sau lưng Thống chế Đức

Điệp viên Liên Xô bị cài thiết bị nghe lén ngay trong phòng làm việc (kỳ 2) - 4

Nhấn để phóng to ảnh

Ngày 8/5/1945, tại Karlshorst, Berlin (Đức), diễn ra lễ ký kết Biên bản đầu hàng vô điều kiện của Đức. Sau lưng Thống chế Đức Wilhelm Keitel là Đại tá Bộ nội vụ Liên Xô Alexander Korotkov (Ảnh: Wordpress).

Hai năm sau, Korotkov một lần nữa phải chỉ đạo công tác an ninh - lần này, phái đoàn Đức đến thành phố Karlshorst để ký vào biên bản xác nhận đầu hàng vô điều kiện của Đức. Trước chuyến đi, ông đã nhận được lời nói chia tay kèm theo cảnh báo từ Thứ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô Ivan Serov.

"Nếu người đứng đầu phái đoàn Đức, Thống chế Keitel, dở trò gì đó hoặc từ chối ký, anh sẽ phải lấy cái đầu của mình ra để chịu trách nhiệm đấy. Những khi tiếp xúc với ông ta, phải cố gắng cảm nhận diện tâm trạng của ông ta và không được phép bỏ qua những thông tin quan trọng mà ông ta có thể thốt ra", Ivan Serov - trong lời chia tay với Alexander Korotkov.

Korotkov đã hoàn thành nhiệm vụ - ông thường xuyên có mặt bên cạnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Tối cao Quân đội Đức Wilhelm Keitel. Vào thời điểm ông ta đặt bút ký vào biên bản, Korotkov cũng đứng ngay sau lưng Keitel. Những năm phục vụ sau chiến tranh của nhà tình báo cũng gắn liền với địa danh Karlshort - để ngụy trang, ông đóng vai là phó cố vấn cho chính quyền quân quản Liên Xô của thành phố.

Theo hướng dẫn của cấp trên, Korotkov bắt đầu tìm kiếm những đặc vụ đã cung cấp cho ông những dữ liệu bí mật trước và trong chiến tranh, để khôi phục tất cả các mối liên lạc nếu có thể.

Korotkov đã tìm được một người cung cấp thông tin hoạt động dưới mật danh "Người bạn", người từng có thời gian làm tùy viên quân sự của Đức tại Thượng Hải. Korotkov cũng liên lạc với một đặc vụ làm việc tại trụ sở của Thống chế Wilhelm List. Nhưng các thành viên của nhóm tình báo "Red capella" là Schulze-Boysen và Harnak không còn sống vì họ bị bắt và bị treo cổ.

Số phận tương tự cũng xảy ra với Lehmann: tin buồn là vụ điệp viên này đã bị phát xít Đức bắn chết. Korotkov được biết được trong một lần đến thăm nhà bà góa của Lehmann, bà Margaret. Korotkov cũng tham gia vào việc tìm kiếm hai điệp viên nữa là Vasily Malyshkin và Georgy Zhilenkov, những người đã bị mất dấu vết sau khi chiến tranh kết thúc.

Bị cài thiết bị nghe lén trong phòng làm việc

Korotkov trở lại Moscow vào năm 1946. Sau khi trở thành người đứng đầu cục tình báo đối ngoại, ông đã đích thân chuẩn bị cho các sĩ quan tình báo nổi tiếng William Fischer (người được cả thế giới biết đến với cái tên Rudolph Abel) và Konon Molodoy lên đường sang Mỹ. Ngoài ra, Korotkov còn giám sát các hoạt động của cặp vợ chồng tình báo Leontina và Morris Coen.

Bản thân Korotkov cũng thường xuyên đến những quốc gia có các điệp viên được ông đỡ đầu, gặp gỡ những điệp viên và hỗ trợ họ hết sức mình bằng những câu động viên và lời khuyên chân thành. Tháng 1/1956, Korotkov được phong quân hàm Thiếu tướng KGB.

Một năm sau, ông được thăng chức - với chức vụ là người được ủy quyền của KGB Liên Xô trong Bộ An ninh Nhà nước của Cộng hòa Dân chủ Đức, Korotkov một lần nữa lại lên đường đến Karlhorst.

Đến thời điểm đó, Korotkov đã trở thành người giữ kỷ lục tuyệt đối trong số các tình báo viên Liên Xô về số lượng các phần thưởng cao quý của nhà nước, bao gồm: Huy hiệu "Nhân viên an ninh vinh dự", 6 Huân chương Cờ Đỏ, Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất, Huân chương Lê-nin và 2 Huân chương Sao Đỏ.

Chỉ ít lâu sau, Korotkov phát hiện ra rằng khi trang bị nội thất cho phòng làm việc của ông, một thiết bị nghe trộm được lắp vào chiếc đèn chùm. Thông tin quan trọng này được điệp viên Liên Xô Heinz Felfe (mật danh là "Kurt") làm việc trong cơ quan phản gián của Tây Đức báo cho Korotkov.

Tuy nhiên, cấp trên của Korotkov quyết định để lại "con rệp", và thông qua đó, các sĩ quan KGB định kỳ thông báo những thông tin sai lệch cho các dịch vụ đặc biệt của Đức.

Trong thời gian làm việc tại Đức, Korotkov thường xuyên liên hệ với Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Cộng hòa Dân chủ Đức Erich Milke và người đứng đầu cơ quan tình báo Đối ngoại Markus Wolf.

Nhiều nhân viên cấp dưới của Korotkov đã giao tiếp với ông không chỉ qua những câu chuyện về công việc mà còn bằng quan hệ thân thiện. Korotkov thường mời các tình báo viên đến nhà chơi, cùng nhau đi câu cá, đi xem hát. Ông khiêm tốn tiếp thu những lời góp ý phê bình mang tính xây dựng đối với cơ quan tình báo đối ngoại và lắng nghe lời khuyên để cải thiện công tác của cơ quan. Korotkov có một khả năng tuyệt vời là biết khơi gợi thiện cảm và sự tin tưởng của những người mà ông có cơ hội giao tiếp.

"Tôi vô cùng ấn tượng bởi sự giản dị trong cách giao tiếp của Korotkov. Ông luôn trò chuyện một cách cởi mở, xen lẫn chút hài hước nhưng thẳng thắn. Và tôi có cảm giác rằng, bất cứ khi nào muốn, ông ấy đều có thể gây thiện cảm với bất kỳ người đối thoại nào", nữ tình báo Liên Xô Galina Fedorova nhận xét.

Chặng cuối của cuộc đời

Điệp viên Liên Xô bị cài thiết bị nghe lén ngay trong phòng làm việc (kỳ 2) - 5

Nhấn để phóng to ảnh

Ông Korotkov ra đi khi còn quá trẻ, ở tuổi 51 (Ảnh: Rbth).

Mặc dù là một người nhân từ và có chuyên môn cao, nhưng Korotkov cũng có những kẻ ghen ghét - một trong số đó là Alexander Shelepin, người thay thế Ivan Serov làm lãnh đạo KGB.

"Korotkov, trước hết, là một nhân cách, và là một nhân cách nổi bật... Nhìn chung, ông là một nhà tình báo thực thụ, là người đã để lại dấu ấn đáng nể. Thật đáng tiếc khi ông đã ra đi quá sớm, mặc dù ông đã vượt qua tất cả", nhà tình báo Liên Xô William Fischer (Rudolf Abel) nhận xét.

Trước khi Bức tường Berlin được xây dựng vào năm 1961, Korotkov đã bày tỏ lo ngại rằng các tổ chức thân phát xít mới sẽ bắt đầu xuất hiện trên lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Đức. Shelepin hoàn toàn không đồng tình với nhận định này và đe dọa sẽ sa thải Korotkov khỏi cơ quan an ninh.

Số phận của nhà tình báo đã được quyết định vào ngày 27/6/1961 - tại một cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô.

Korotkov không chịu bó tay và bằng mọi cách, ông cố gắng truyền đạt quan điểm của mình đến giới lãnh đạo đất nước. Đồng thời, ông cũng nhận thức được rằng vị trí của Shelepin mạnh hơn nhiều, và gần như chắc chắn rằng ông này sẽ đạt được mục tiêu của mình. Nhưng thật bất ngờ, không lâu trước hội nghị, Korotkov được biết đa số ủy viên Ban chấp hành Trung ương có ý định ủng hộ ông.

Vị chủ tịch KGB cũng đã biết về điều đó, cho nên khi nhận thấy tình hình không có lợi cho mình, Shelepin đã quyết định không đọc bản báo cáo đã chuẩn bị từ trước. Chiến thắng trước đối thủ cũng khiến Korotkov căng thẳng nặng nề - và để cố gắng giải tỏa sự lo lắng đang đeo bám, ông quyết định đến sân vận động Dynamo với môn quần vợt, nơi đã trở thành địa chỉ thân thiết của ông.

Đó là trận đấu cuối cùng trong cuộc đời của Korotkov. Khi cúi xuống để nhặt bóng, ông gục xuống và ngất đi. Korotkov được đưa ngay tới bệnh viện nhưng các bác sĩ đã không thể cứu được nhà tình báo. Korotkov, khi đó mới 51 tuổi, đã qua đời vì bị vỡ động mạch chủ. Ông được mai táng theo nghi lễ quân đội tại nghĩa trang Novodevichy ở Matxcơva.

Nguyễn Quang - Tổng hợp

Theo Dan trí