Nguồn: Ivo H. Daalder và James M. Lindsay, “The Price of Trump’s Power Politics,” Foreign Affairs, 30/01/2025
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Pax Americana (nền hòa bình kiểu Mỹ) giờ đây đã không còn. Ra đời sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 07/12/1941, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo đã chết sau lễ nhậm chức lần thứ hai của Donald J. Trump. Vị tổng thống từ lâu vẫn tin rằng trật tự này gây bất lợi cho Mỹ khi đặt lên vai nước này gánh nặng phải giám sát toàn cầu và cho phép các đồng minh lợi dụng nước này. “Trật tự toàn cầu thời hậu chiến không chỉ lỗi thời,” Ngoại trưởng Marco Rubio tuyên bố trong phiên điều trần phê chuẩn của Thượng viện. “Mà còn đang trở thành một vũ khí được sử dụng để chống lại chúng ta.”
Thái độ hoài nghi của Trump về sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine và Đài Loan, việc háo hức áp đặt thuế quan, cũng như đưa ra những lời đe dọa chiếm lại Kênh đào Panama, sáp nhập Canada, và thâu tóm Greenland cho thấy rõ rằng ông đã hình dung về sự trở lại của chính trị cường quyền và các vùng ảnh hưởng lợi ích của thế kỷ 19, ngay cả khi ông không định hình chính sách đối ngoại của mình theo những thuật ngữ này. Các cường quốc thời bấy giờ đã tìm cách phân chia thế giới thành các khu vực mà mỗi cường quốc sẽ thống trị, bất kể mong muốn của người dân địa phương – một viễn cảnh về thế giới mà Trump rõ ràng muốn lặp lại. Trump cho rằng Mỹ hầu như không có lợi ích đáng kể nào bên ngoài Tây bán cầu, ông cũng xem các liên minh là gánh nặng cho Bộ Tài chính Mỹ, và tin rằng Mỹ nên thống trị khu vực lân cận của mình. Thế giới quan của ông là một thế giới quan kiểu Thucydides – mà trong đó “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu chấp nhận những gì họ phải chấp nhận.”
Dù kỷ nguyên Pax Americana đã tạo ra những thành tựu phi thường – răn đe chủ nghĩa cộng sản, mang lại sự thịnh vượng toàn cầu chưa từng có, cùng một nền hòa bình tương đối – nhưng nó cũng gieo mầm cho sự hủy diệt của chính nó trước khi Trump lên nắm quyền. Thói kiêu ngạo của người Mỹ đã dẫn đến những cuộc chiến tốn kém và nhục nhã ở Afghanistan và Iraq; đồng thời, cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã phá vỡ niềm tin vào năng lực và các chỉ định chính sách của chính phủ Mỹ. Có thể hiểu được tại sao một số người Mỹ lại cảm thấy đất nước của họ sẽ tốt hơn trong một thế giới khác, nơi kẻ mạnh là kẻ đúng. Mỹ có lẽ sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong một trật tự như vậy – họ nắm giữ nền kinh tế lớn nhất thế giới, quân đội hùng mạnh nhất, và có thể nói là vị trí địa lý mạnh nhất.
Nhưng họ có một nhược điểm bị đánh giá thấp đến mức nghiêm trọng: thiếu thực hành. Chính trị cường quyền trần trụi là một địa hạt xa lạ đối với người Mỹ, nhưng lại là vùng đất quen thuộc đối với các đối thủ hiện tại của nước này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin từ lâu đã phẫn nộ với Pax Americana vì nó hạn chế tham vọng địa chính trị của họ. Họ đã học cách hợp tác với nhau để chống lại ảnh hưởng của Mỹ, đặc biệt là ở phương Nam toàn cầu. Và khác với Trump, quyền lực của họ không phải đối mặt với các biện pháp kiềm chế đối trọng nội bộ. Họ có thể chơi quá tay và tạo ra phản ứng dữ dội đối với tham vọng xét lại của mình. Nhưng nếu họ không làm vậy, thì canh bạc của Trump có thể dễ dàng đi chệch hướng, khiến người Mỹ và phần còn lại của thế giới trở nên kém thịnh vượng và kém an toàn hơn.
THỐNG TRỊ VÀ NGOẠI GIAO
Dù lời lẽ của Trump nghe có vẻ bất thường đối với những ai đã quen thuộc với luận điệu kéo dài hàng thập kỷ của lưỡng đảng rằng Mỹ là nhà lãnh đạo thế giới tự do, nhưng tầm nhìn chính sách đối ngoại của Trump – về việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực lân cận, trong khi rút lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu – thực ra xuất phát từ những động lực xưa cũ. Năm 1823, Tổng thống James Monroe tuyên bố Tây bán cầu là vùng cấm đối với việc thực dân hóa thêm nữa của châu Âu. Đến cuối thế kỷ 19, các tổng thống Mỹ đã sử dụng tuyên bố của Monroe để biện minh cho việc mở rộng lãnh thổ của mình. Năm 1977, Mỹ chỉ chịu từ bỏ quyền kiểm soát Kênh đào Panama khi phải đối mặt với làn sóng bài Mỹ gia tăng ở Mỹ Latinh và bất chấp sự phản đối kiên quyết của một bộ phận người dân Mỹ, những người tin rằng “chúng ta đã đánh cắp nó một cách công bằng và sòng phẳng,” như lời một thượng nghị sĩ Mỹ.
Thật vậy, sự thèm muốn của Trump đối với Canada và Greenland cũng bắt nguồn từ lịch sử Mỹ. Thế hệ người Mỹ lập quốc từng ấp ủ giấc mơ sáp nhập Canada. Khi viết vào đầu Chiến tranh năm 1812, diễn ra giữa Mỹ và Vương quốc Anh, cựu Tổng thống Thomas Jefferson đã tuyên bố rằng “việc giành được Canada trong năm nay… chỉ là vấn đề diễu hành.” Mong muốn này vẫn tồn tại trong những lời kêu gọi “54-40 hoặc chiến đấu” hồi những năm 1840, ám chỉ đến vĩ tuyến 54°40’ Bắc – tức biên giới phía nam của vùng lãnh thổ Alaska khi đó do Nga sở hữu, và lời kêu gọi chiếm một vùng rộng lớn ở Tây Bắc Thái Bình Dương của Canada. Tổng thống James Polk đã gạt bỏ tham vọng này vào năm 1846 để ủng hộ biên giới Mỹ-Canada hiện tại chỉ vì ông không muốn đối đầu với một nước Anh hùng mạnh hơn trên một vùng lãnh thổ xa xôi và gần như không có người sinh sống trong lúc chiến tranh với Mexico đang cận kề. Về phần mình, Tổng thống Andrew Johnson đã cân nhắc việc mua Greenland từ Đan Mạch sau khi Mỹ mua Alaska từ Nga vào năm 1867, và Tổng thống Harry Truman, viện dẫn giá trị chiến lược của hòn đảo này, đã bí mật đưa ra đề xuất mua nó thêm một lần nữa vào năm 1946.
Những giấc mơ tương tự về Vận mệnh Hiển nhiên đã củng cố lời kêu gọi trong bài phát biểu nhậm chức của Trump về một chính sách đối ngoại “mở rộng lãnh thổ của chúng ta.” Mục tiêu của ông về tăng cường ảnh hưởng của Washington ở Tây bán cầu thực sự có một số logic chiến lược. Kênh đào Panama là tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại của Mỹ. Khoảng 40% tổng lượng container của Mỹ đi qua tuyến đường thủy này và gần ba phần tư tổng số container đi qua kênh đào này là đi từ hoặc đi đến Mỹ. An ninh của Mỹ sẽ bị đe dọa nếu một cường quốc khác kiểm soát Kênh đào Panama. Trong khi đó, tầm quan trọng chiến lược của Greenland đã tăng lên cùng với biến đổi khí hậu – một hiện tượng mà Trump mỉa mai khẳng định là không xảy ra. Việc băng tan ở Bắc Cực sẽ sớm tạo ra một tuyến đường thủy mới ở phía bắc, khiến miền bắc Bắc Mỹ trở nên dễ bị tổn thương về mặt quân sự. Greenland cũng tự hào sở hữu trữ lượng lớn các khoáng sản quan trọng mà Mỹ cần cho các công nghệ năng lượng sạch. Và việc đưa Canada trở thành tiểu bang thứ 51 sẽ xóa bỏ các rào cản thương mại giữa hai nước, theo đó về lý thuyết sẽ làm giảm sự kém hiệu quả về kinh tế, và có khả năng làm giàu cho người dân ở cả hai bên biên giới.
Tuy nhiên, Washington đã đạt được nhiều mục tiêu chiến lược trong số này mà không cần phải đe dọa. Tổng thống Panama, José Raúl Molino, đã vận động tranh cử thành công nhờ lời hứa xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ. Là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, Greenland được bảo vệ bởi Điều 5 của NATO, nghĩa là họ nằm trong phạm vi bảo vệ an ninh của tổ chức này. Hòn đảo là nơi đặt căn cứ quân sự cực bắc của Mỹ, Căn cứ Không gian Pituffik, trước đây được gọi là Căn cứ Không quân Thule. Người dân Greenland đã thể hiện rõ mong muốn thu hút đầu tư của Mỹ thay vì Trung Quốc vào nền kinh tế của họ. Và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, mà Trump đã đàm phán trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đã khuyến khích hội nhập kinh tế giữa Mỹ và Canada. Việc xem xét lại thỏa thuận vào năm 2026 tạo ra cơ hội để tăng cường hợp tác đó. Tuy nhiên, các công cụ ngoại giao – hình thành liên minh và tạo ra các thỏa thuận an ninh và thương mại tập thể – là đặc điểm nổi bật của trật tự thế giới mà Trump hiện đã từ bỏ.
CẨM NANG CỦA PUTIN VÀ TẬP
Có thể thấy rõ Trump muốn noi gương cách tiếp cận của ai. Ông xem Putin và Tập là những người ngang hàng với mình, chứ không phải những nhà lãnh đạo đồng minh như Shigeru Ishiba của Nhật Bản, Emmanuel Macron của Pháp, hay Keir Starmer của Anh. Trump thường xuyên lên án những đồng minh này vì đã lợi dụng sự hào phóng của Mỹ, nhưng lại ca ngợi Putin là “khôn ngoan,” “cứng rắn,” và “thiên tài” vì đã xâm lược Ukraine và Tập là “người cực kỳ thông minh” khi kiểm soát công dân Trung Quốc bằng “nắm đấm sắt.” Trong lời khen ngợi dành cho những nhà độc tài này, Trump đã thể hiện sự ngưỡng mộ đặc biệt đối với những nhà lãnh đạo nắm giữ quyền lực mà không bị ràng buộc – ngay cả những người tích cực thù địch với lợi ích của Mỹ.
Ngoài ra, Trump còn tỏ ra thoải mái khi nhượng lại phạm vi ảnh hưởng cho Trung Quốc và Nga nếu họ chịu đáp lại đề nghị của ông. Ông đã đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, chứ không phải Putin, về cuộc chiến ở Ukraine, và ông ủng hộ giải quyết cuộc chiến ở Ukraine bằng một thỏa thuận nhượng lãnh thổ Ukraine cho Nga và cấm Ukraine gia nhập NATO. Khi được hỏi vào năm 2021 rằng liệu Mỹ có nên bảo vệ Đài Loan bằng quân sự hay không, Trump đã trả lời rằng nếu Trung Quốc xâm lược hòn đảo này, “chúng ta chẳng thể làm gì được.” Ông cũng thoải mái với việc hạ cấp các liên minh thời hậu chiến vốn đã mở rộng sang các vùng ảnh hưởng được cho là của Nga và Trung Quốc. Ví dụ, ông nhiều lần đặt câu hỏi về giá trị của NATO (ông đổ lỗi rằng sự mở rộng của tổ chức này đã kích hoạt cuộc xâm lược Ukraine của Nga) và đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Ông xem các liên minh như vậy là những khoản đầu tư tồi tệ khiến Mỹ trả giá bằng việc phải bảo vệ các quốc gia khác, và như để đổ thêm dầu vào lửa, đó lại là các quốc gia đã lấy đi việc làm của người Mỹ.
Giống như Putin và Tập, Trump tin rằng sức mạnh kinh tế nên được sử dụng như một đòn bẩy để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia không làm ông hài lòng. Tương tự như cách Putin sử dụng dầu khí của Nga để đe dọa châu Âu và Tập thao túng xuất nhập khẩu của Trung Quốc để ép buộc các quốc gia như Australia và Nhật Bản, Trump ủng hộ việc sử dụng thuế quan để buộc tất cả các tập đoàn trong và ngoài nước phải di dời sản xuất sang Mỹ. Ông cũng xem thuế quan là công cụ buộc dòng vốn nước ngoài phải tuân theo ý muốn của ông trong các vấn đề khác. Ví dụ, Mexico hiện phải đối mặt với viễn cảnh bị áp thuế quan cao hơn nếu không đáp ứng được yêu cầu của Trump về việc ngăn chặn dòng người di cư và fentanyl qua biên giới phía nam của Mỹ. Ông đã đe dọa sẽ sử dụng “sức mạnh kinh tế” để sáp nhập Canada. Ông cũng cảnh báo Đan Mạch rằng họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn nếu từ chối bán Greenland. Và ngay trong tuần này, ông đã đe dọa sẽ áp thuế đối với Colombia vì nước này từ chối chấp nhận các chuyến bay quân sự trục xuất công dân của họ khỏi Mỹ. Những người sáng tạo ra trật tự toàn cầu thời hậu chiến tin rằng thuế quan cao chỉ thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc kinh tế mang tính hủy diệt và xung đột. Những lời đe dọa của Trump đánh dấu sự khởi đầu của một trật tự mang tính cưỡng ép công khai hơn, mà trong đó đe dọa kinh tế thay thế cho thương mại tự do và hợp tác quốc tế như một công cụ của quyền lực.
VÁN BÀI LẬT NGỬA
Cách tiếp cận của Trump có thể mang lại một số thành công. Canada và Mexico có thể đồng ý làm nhiều hơn, chí ít là về mặt biểu tượng, để bảo vệ biên giới của họ. Các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh với Mỹ sẽ đến thăm Washington – hoặc Mar-a-Lago – nhằm công bố mong muốn hợp tác với nước Mỹ của Trump.
Nhưng việc đưa Mỹ trở lại với chính trị cường quyền thế kỷ 19 có thể sẽ không mang lại sự thịnh vượng như Trump đã hứa. Cho đến nay, mạng lưới liên minh của Washington đã trao cho Mỹ ảnh hưởng đặc biệt ở châu Âu và châu Á, giúp họ áp đặt những hạn chế đối với Moscow và Bắc Kinh ở quy mô mà không cường quốc nào có thể sao chép được. Việc nhượng lại lợi thế đó sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt: các đồng minh trước đây sẽ không còn đi theo sự dẫn dắt của Washington, và các nước khác cũng có thể tìm kiếm sự an toàn bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc.
Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với những thất bại tương tự trên mặt trận thương mại. Như Elizabeth Economy và Melanie Hart đã lưu ý trên tờ Foreign Affairs vào tháng 1, các nhà sản xuất Mỹ đang cạnh tranh ở thế bất lợi ngày càng tăng khi xuất khẩu sang 12 thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định được đàm phán sau quyết định năm 2017 của Trump về việc rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Cánh cửa để Mỹ tham gia CPTPP, vốn vẫn còn hé mở, có thể sớm đóng lại. Nhưng cánh cửa đó có thể mở ra cho Trung Quốc, theo đó có khả năng trao cho Bắc Kinh tiếng nói về các tiêu chuẩn và quy tắc chi phối một phần rộng lớn của nền kinh tế toàn cầu. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, Liên minh châu Âu đã ký các hiệp định thương mại lớn với Canada và Nhật Bản. Liên minh này vừa hoàn tất các thỏa thuận mới và nâng cấp với Mexico và các quốc gia ở Nam Mỹ, cũng như đang hoàn tất các thỏa thuận với Australia và Indonesia. Việc Trump sẵn sàng áp thuế đối với các quốc gia thách thức ông sẽ chỉ khuyến khích các nhà lãnh đạo nước ngoài tìm kiếm cơ hội thương mại ở nơi khác và loại các nhà sản xuất Mỹ ra khỏi thị trường toàn cầu.
Mỹ cũng có thể thất bại trong nền chính trị cường quyền trần trụi chỉ vì Trung Quốc và Nga giỏi hơn họ trong việc này. Bắc Kinh và Moscow đã không ngần ngại thổi bùng sự phẫn nộ của thế giới đối với Mỹ, nhấn mạnh thói đạo đức giả của Mỹ vì ưu tiên Ukraine trong lúc xung đột đang diễn ra ở nhiều nơi khác và phớt lờ số thương vong dân sự cao trong cuộc chiến của Israel tại Gaza. Những nỗ lực đó có thể sẽ tăng tốc nếu Trump chuyển sang đe dọa gây sức ép với bạn bè và láng giềng; kết quả là, Washington gần như chắc chắn sẽ mất đi một số khả năng thu hút sự ủng hộ. Trung Quốc đang ở vị thế đặc biệt tốt để cạnh tranh với ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu, kể cả ở sân sau của Mỹ. Trump không mang đến cho các quốc gia khác những cơ hội mới; ông chỉ yêu cầu nhượng bộ. Ngược lại, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với toàn thế giới thông qua sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của mình; họ đầu tư mà không đặt ra quá nhiều điều kiện trước mắt và sử dụng ngôn từ đôi bên cùng có lợi. Các công ty Trung Quốc cũng thường cung cấp các sản phẩm cạnh tranh với giá tốt hơn so với các công ty Mỹ. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại số một của nhiều quốc gia ở Nam bán cầu. Và trong lúc Washington rút khỏi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới và Thỏa thuận Khí hậu Paris, Bắc Kinh đang nhanh chóng hành động để lấp đầy khoảng trống.
Hệ thống chính trị của Mỹ cũng khiến Trump gặp bất lợi. Cả Trung Quốc và Nga đều kiểm soát gần như hoàn toàn dân số của họ, sử dụng sự sợ hãi, giám sát và đàn áp để giữ cho công dân tuân thủ. Do đó, cả hai nước đều có thể theo đuổi các chính sách gây ra nỗi đau lớn cho công chúng của họ: Chẳng hạn, Putin vẫn có thể tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine dù đã gây ra con số thương vong được báo cáo là hơn ba phần tư triệu người cho đất nước mình. Dù cố gắng đến đâu, Trump cũng không thể có được quyền lực như vậy đối với người dân Mỹ. Thật vậy, bất kỳ nỗ lực nào để ông làm vậy đều sẽ gây ra phản ứng dữ dội. Bên cạnh đó, xã hội Mỹ cũng dễ bị tổn thương trước các chiến dịch gây ảnh hưởng của nước ngoài thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác theo cách mà các xã hội được kiểm soát chặt chẽ ở Trung Quốc và Nga không gặp phải. Nếu các chính sách của Trump vấp phải sự phản kháng trong nước trên diện rộng, ông có lẽ sẽ học được bài học mà Chiến tranh Việt Nam đã dạy cho các Tổng thống Lyndon Johnson và Richard Nixon: sự phản đối mạnh mẽ trong nước sẽ làm suy yếu mức độ tin cậy trong lời đe dọa của tổng thống và khiến các đối thủ có lý do để tin rằng họ có thể tồn tại lâu hơn Washington.
CANH BẠC CỦA TRUMP
Tất nhiên, việc Mỹ sẽ ra sao trong một thế giới cá lớn nuốt cá bé cũng phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra ở những nơi khác. Niềm tin chung của Putin và Tập rằng họ hiện đang thúc đẩy sự thay đổi trên quy mô toàn cầu có thể dẫn đến thái độ kiêu ngạo và khiến họ đi sai đường. Ví dụ, chính sách ngoại giao “chiến lang” nặng tay của Trung Quốc và quyết định xâm lược Ukraine của Nga đã thúc đẩy nỗ lực của Biden nhằm xây dựng lại các liên minh của Mỹ. Các quốc gia khác có thể phẫn nộ với Mỹ, nhưng nhiều quốc gia trong số đó cũng sợ Trung Quốc và Nga theo những cách có thể có lợi cho Washington.
Những gì các đồng minh châu Á và châu Âu của Mỹ sẽ làm cũng quan trọng. Các quốc gia này sẽ cố gắng làm hài lòng Trump, dù là bằng cách ca ngợi ông, chào đón ông với các chuyến thăm cấp nhà nước, hay đưa ra những nhượng bộ trước như mua nhiều hàng hóa do Mỹ sản xuất hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực đó sẽ không khiến ông yêu mến họ. Trump sẽ vui vẻ bỏ túi những chiến thắng đó và xem chúng là bằng chứng cho hiệu quả của cách tiếp cận “kẻ mạnh là kẻ đúng” của mình. Nhưng ông sẽ không tiếp tục vai trò lãnh đạo toàn cầu cũ của Mỹ.
Để giành được sự tôn trọng của Trump, các đồng minh của Mỹ phải chứng minh sức mạnh của mình. Liệu họ có đủ khả năng để làm như vậy hay không vẫn là một câu hỏi mở. Đầu tiên, họ phải nhận ra rằng kỷ nguyên Pax Americana đã kết thúc và kỷ nguyên chính trị cường quyền đã trở lại. Điều mà Trump có thể hiểu là quyền lực – và nếu các đồng minh của Mỹ hợp tác với nhau, họ có thể đối đầu với ông bằng rất nhiều quyền lực của riêng họ. Nếu họ thành công trong việc huy động nguồn lực tập thể của mình, họ cũng có thể làm giảm một số xung lực chính sách đối ngoại tồi tệ nhất của Trump. Điều đó sẽ tạo ra một cơ hội trong tương lai để thiết lập một trật tự toàn cầu mới phù hợp với thành tích của Pax Americana về hòa bình và thịnh vượng. Nhưng nếu họ thất bại, một kỷ nguyên đen tối hơn của chính trị cường quyền không được kiểm soát đang chờ đợi họ – một kỷ nguyên ít thịnh vượng hơn và nhiều nguy hiểm hơn cho tất cả mọi người.
Theo Nghiên cứu Quốc tế
Ivo H. Daalder là giám đốc điều hành Hội đồng Chicago về Các Vấn đề Toàn cầu và từng là Đại sứ Mỹ tại NATO từ năm 2009 đến năm 2013.
James M. Lindsay là nghiên cứu viên cấp cao về chính sách đối ngoại Mỹ và là giám đốc phụ trách các vấn đề nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.