Hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững: Cần chiến lược chuyển đổi đồng bộ

 Để phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, thật sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế, có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế… cần một chiến lược chuyển đổi với hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp.

Còn nhiều thách thức

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, dù chịu tác động của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng 9 tháng năm 2021, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 2,74%; xuất khẩu nông sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Vai trò của ngành Nông nghiệp càng trở nên quan trọng trong điều kiện “bình thường mới” cả về kinh tế và xã hội... Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với chất lượng ngày càng cao, bền vững và đã có nhiều sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Ở góc độ địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững, Hà Nội đã tập trung phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Hiện thành phố đã có hơn 5.000ha sản xuất rau an toàn; 181ha nuôi trồng thủy sản và 88 cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 50ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - DOVECO (tỉnh Ninh Bình) Đinh Cao Khuê thông tin: Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng DOVECO vẫn liên tục mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, bao tiêu sản phẩm trái cây cho nông dân… Trung bình mỗi ngày, DOVECO chế biến khoảng 200-250 tấn hoa quả và sản phẩm đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Mỹ, Hà Lan, Israel, Đức, Nhật Bản…

Thành công của ngành Nông nghiệp trong việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự chuyển hướng như trên trong sản xuất nông nghiệp còn chưa nhiều; các hộ sản xuất chủ yếu quy mô nhỏ nên có nhiều hạn chế… Chưa kể những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc phụ trách nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) - Dina Umali Deininger nhận định: Nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, không khí, giảm đa dạng sinh học và suy thoái đất…

Dây chuyền chế biến dứa tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - DOVECO (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: TTXVN

 

Phải đổi mới tư duy

Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận định: Một chiến lược chuyển đổi với hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững; sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là mục tiêu lâu dài.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng: Các bộ, ngành, địa phương cần quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp linh hoạt, đủ mức để có thể thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, có giá trị gia tăng cao và tạo thêm giá trị mới trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoco Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) Dương Thị Thu Huệ đề xuất: Chính phủ và các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xanh, bền vững như lãi suất tiền vay hay chính sách về đất đai…; đồng thời hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn để kiểm soát chất lượng nông sản, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón gây hại cây trồng…

Với Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ thông tin: Dựa vào đặc thù riêng, thành phố sẽ phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành Nông nghiệp thành phố sẽ phối hợp với các địa phương phát triển những vùng nông nghiệp hàng hóa, an toàn, hữu cơ... Bên cạnh việc hỗ trợ các nguồn vốn vay từ Quỹ Khuyến nông thành phố, thực hiện hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Để ngành Nông nghiệp thực sự trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế và phát triển bền vững trong tương lai thì trước mắt, cần chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp (từ trung ương đến địa phương). Qua đó, từng bước chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm; ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.

“Thời gian tới, cùng với việc triển khai các giải pháp duy trì tăng trưởng của ngành đạt hơn 2,8%/năm; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản lên hơn 45,5 tỷ USD vào năm 2022, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ đầu vào và kết nối đầu ra sản phẩm; phát triển thị trường xuất khẩu đi đôi với chú trọng thị trường nội địa…. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết giá trị ngành hàng cho từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn…”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh. 

Quỳnh Dung

Theo HNM