Trung Quốc có bị tác động bởi thuế ‘trung chuyển’ trong thỏa thuận Mỹ-Việt?

Thỏa thuận thương mại  Mỹ-Việt vẫn còn nhiều ẩn số.

Nguồn: Khúc Kiều Kiều,  “美越协议这一条是想孤立中国,问题是,世界同意美国这么做吗?“Guancha, 04/07/2025.

Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan

Mới đây, Mỹ tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam và sẽ áp dụng mức thuế 20% đối với hàng hóa Việt Nam.

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông ngày 4/7 đã đăng một bài viết nói rằng, mức thuế 20% này thấp hơn mức 46% mà chính quyền Trump từng đe dọa trước đó, và điều này khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn còn nhiều ẩn số. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng những hàng hóa được xác định là “trung chuyển qua Việt Nam” sẽ phải chịu mức thuế 40%.

Cùng ngày, tờ New York Times nhận định, vẫn chưa rõ các điều khoản “trung chuyển” sẽ được thực hiện cụ thể ra sao, nhưng động thái này nhằm mục đích cô lập Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, xét đến việc chuỗi cung ứng của các nước Đông Nam Á có sự liên kết sâu sắc với Trung Quốc và chưa thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp bản địa hoàn chỉnh, điều khoản này có thể gây tác động sâu rộng đến Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng đến toàn khu vực. Một số chuyên gia cho rằng, đối với các quốc gia như Việt Nam, việc thuận theo các yêu cầu của Mỹ có thể mang tới rủi ro về mặt địa chính trị và động thái của Mỹ có thể đẩy một số quốc gia đang hội nhập sâu sắc với nền kinh tế Trung Quốc vào vòng tay của Trung Quốc.

Các chuyên gia: Chính quyền Trump đang phóng đại vấn đề

Cái gọi là “trung chuyển” thường chỉ hành vi các nhà xuất khẩu chuyển hàng hóa qua một nước thứ ba nhằm trốn thuế quan.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã mở rộng dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, điều này được coi là sự lưu chuyển hợp pháp của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, chính quyền Trump không công nhận điều đó. Có bài báo đề cập rằng, kể từ khi Trump lên nắm quyền và phát động cuộc chiến thuế quan toàn cầu vào đầu năm nay, Mỹ ngày càng bận tâm đến hiện tượng “trung chuyển”. Các quan chức chính quyền Trump cáo buộc rằng hàng hóa Trung Quốc trước tiên được xuất khẩu sang nước thứ ba, chẳng hạn như các nước Đông Nam Á, sau đó mới vào Mỹ để hưởng mức thuế thấp hơn.

Trên thực tế, dù tuyên bố điều này, nhưng các quan chức Mỹ khó có thể cung cấp bằng chứng định lượng cụ thể để chứng minh. Đồng thời, một số nhà phân tích nhận định rằng phía Mỹ thực chất đang phóng đại và cường điệu hóa cái gọi là vấn đề “trung chuyển”. Mitsubishi UFJ Bank đã chỉ ra trong một báo cáo rằng, nếu việc thực thi chỉ nhằm vào những trường hợp lách luật trắng trợn nhất, thì tác động của thuế quan “trung chuyển” sẽ tương đối hạn chế.

Mỹ và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn văn thỏa thuận. Politico cho biết, trong dự thảo tuyên bố chung mà họ tiếp cận được, Mỹ có thể hạ thuế quan đối với một số hàng hóa của Việt Nam sau các vòng đàm phán tiếp theo, bao gồm sản phẩm công nghệ, giày dép, nông sản, đồ chơi và các mặt hàng tiêu dùng khác. Bloomberg cho biết, các sản phẩm nội địa có giá trị gia tăng cao của Việt Nam (như hàng hóa được sản xuất 100% nội địa) có thể chỉ phải chịu mức thuế 10%.

Đổi lại, Việt Nam đồng ý hạ thuế quan đối với Mỹ về mức 0 và giải quyết các rào cản phi thuế quan như vi phạm sở hữu trí tuệ, đồng thời cung cấp quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm nông nghiệp (gia cầm, thịt lợn, thịt bò) và một số sản phẩm công nghiệp của Mỹ. Bản dự thảo cũng xác nhận rằng, Việt Nam sẽ hoàn tất kế hoạch mua 50 máy bay Boeing trị giá 8 tỷ USD vốn bị trì hoãn lâu nay, và ký biên bản ghi nhớ nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ trị giá 2,9 tỷ USD.

Động thái này của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc?

Tờ South China Morning Post cho biết, lời đe dọa áp thuế 40% đối với hàng hóa “trung chuyển” của Trump đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi, vì nó vừa cho thấy Mỹ coi trọng vấn đề này ra sao, vừa phản ảnh sự không chắc chắn trong chính sách của nước này. Hiện tại, vấn đề trọng tâm đối với các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách là thỏa thuận Mỹ-Việt sẽ định nghĩa ra sao về “trung chuyển”; và mức thuế 40% chỉ áp dụng cho những hàng hóa thuần túy trung chuyển qua Việt Nam hay sẽ được mở rộng?

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên mà Tổng thống Trump nhắc đến là sẵn sàng đàm phán về thuế quan. Trump ban đầu tuyên bố sẽ áp dụng mức “thuế đối ứng” 46% đối với Việt Nam, sau đó tạm giảm xuống còn 10% và hai nước đã lập tức tiến hành đàm phán.

Ngày 22/4, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã yêu cầu các ban, ngành, đoàn đàm phán làm tốt công tác đàm phán với Mỹ trên mọi phương diện, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững giữa Việt Nam và Mỹ; không làm phức tạp vấn đề, không để ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia, không vì một thị trường mà làm ảnh hưởng đến các thị trường khác, có biện pháp phù hợp để đạt được kết quả cùng có lợi, cùng thắng, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro cho cả hai bên.

Số liệu cho thấy Việt Nam là nước hưởng lợi lớn nhất từ ​​việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ tăng vọt từ 38,3 tỷ USD năm 2017 lên 123,5 tỷ USD năm 2024.

Tờ New York Times hồi tháng 5 nhận định, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng sau khi Trump công bố cái gọi là “thuế đối ứng”. Trước áp lực từ Mỹ, Việt Nam đang ở vào một tình thế khó xử. Thách thức của Việt Nam là cần chứng minh được rằng các sản phẩm mà họ xuất sang Mỹ là “Made in Vietnam”, chứ không phải “Made in China”.

Vào thời điểm đó, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam Adam Sitkoff cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của Trump là buộc Việt Nam giải quyết vấn đề gọi là ‘trung chuyển’ và đảm bảo hai nước có thể ký kết một số thỏa thuận cho thấy Việt Nam đang hành động.”

Deborah Elms, Giám đốc chính sách thương mại tại Hinrich Foundation, chỉ ra: “Mỹ dường như mặc định rằng mọi sản phẩm từ Trung Quốc đều là hàng trung chuyển, vì vậy phải ngăn chặn mọi sản phẩm đến từ Trung Quốc.” Bà cũng cho biết: “Mỹ yêu cầu chính phủ các nước châu Á tái cấu trúc chuỗi cung ứng, nhưng điều này có thể phải mất đến hàng thập kỷ để hoàn thành. Và làm vậy có lợi ích gì? Vẫn còn chưa rõ.”

Roland Raja, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Lowy của Úc, chỉ ra rằng, định nghĩa sau cùng của chính quyền Trump về “trung chuyển” sẽ gây tác động đáng kể đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam. Ông phân tích: “Nếu định nghĩa ‘trung chuyển’ của Mỹ quá rộng, chỉ cần sản phẩm của Việt Nam có chứa thành phần Trung Quốc, bất kể tỷ lệ ra sao cũng đều bị tính vào, vậy thì rắc rối sẽ lớn hơn rất nhiều.”

Trong bài viết ngày 4/7, South China Morning Post dẫn một phân tích rằng, động thái của Mỹ ẩn chứa mục đích sâu xa hơn, cho thấy nước này quyết tâm làm suy yếu vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khu vực. Nhà phân tích trưởng của Economist Intelligence Unit (Trung Quốc) Su Yue cho biết, mặc dù các tiêu chí nhận định cụ thể về “trung chuyển” còn chưa được xác định rõ, nhưng Mỹ đang nỗ lực làm suy yếu “vai trò của Việt Nam như một trạm trung chuyển để hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ”.

Đồng thời, các phương tiện truyền thông của Mỹ như New York Times và Washington Post cũng phân tích điều khoản này rõ ràng nhắm trực tiếp vào Trung Quốc. Các điều khoản liên quan của thỏa thuận thương mại Mỹ-Việt làm nổi bật một trong những mục tiêu cốt lõi của chính quyền Trump ở châu Á: Hạn chế giao thương với Trung Quốc và “loại” Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.

“Vấn đề là liệu thế giới có đồng ý để Mỹ làm vậy không?”

South China Morning Post viết: “Cách định nghĩa ‘trung chuyển’ là cực kỳ quan trọng”, vì chuỗi cung ứng của các nước Đông Nam Á như Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Điều này có nghĩa rằng, các sản phẩm của các nước Đông Nam Á sử dụng nguyên liệu thô chủ yếu đến từ Trung Quốc, và một số công đoạn sản xuất, lắp ráp được hoàn thiện tại địa phương. Các nhà phân tích của Nomura Securities đã cảnh báo trong một báo cáo vào ngày 3/7 rằng, nếu những hàng hóa như vậy cũng được xác định là “trung chuyển” theo thỏa thuận mới, vậy thì mức thuế quan cao hơn sẽ mở ra “chiếc hộp Pandora” cho toàn khu vực, vì châu Á “phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu các sản phẩm trung gian từ Trung Quốc và vẫn chưa thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp nội địa”.

Ở mức độ cơ bản, mức thuế quan trong thỏa thuận Mỹ-Việt sẽ tác động trực tiếp đến các nền kinh tế châu Á, vì nhiều quốc gia trong khu vực phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu sang Mỹ. Nomura Securities ước tính, nếu mức thuế quan hiện tại được duy trì, khoảng 1,7% GDP của Việt Nam sẽ chịu rủi ro, của Thái Lan là 0,7%, của Hàn Quốc và Malaysia là 0,6%.

Ngoài ra, một số nhà phân tích nhận định rằng, các chi tiết trong thỏa thuận Mỹ-Việt cho thấy các nền kinh tế châu Á khác cũng phải đối mặt với nguy cơ tăng thuế quan.

Hiện nay, phần lớn các nước chịu mức thuế “cơ bản” 10% đối với hàng hóa xuất sang Mỹ. Chuyên gia kinh tế cấp cao Euben Paracuelles của Nomura Securities ước tính, nếu Mỹ muốn trấn áp hành vi “trung chuyển” qua thị trường Đông Nam Á, mức thuế trung bình của khu vực sẽ cần tăng từ 10% lên 15,5%. Ông còn cho rằng, Mỹ cũng có thể thử áp dụng thuế quan “trung chuyển” đối với các nền kinh tế châu Á khác.

Giám đốc điều hành của công ty tư vấn địa chính trị APAC Advisors Steve Okun cho biết: “Chính quyền Trump đang nói rằng, ‘chúng tôi cần thấy sự tách rời chiến lược nếu bạn muốn tiếp tục là đối tác thương mại của Mỹ’”. “Vấn đề là, thế giới có đồng ý làm vậy không?”

Tờ New York Times cho rằng, động thái của Mỹ có thể đẩy một số quốc gia có sự hội nhập sâu sắc với nền kinh tế Trung Quốc vào vòng tay của Trung Quốc. Bài báo cho biết, nhiều chính phủ châu Á lo ngại về cách thức Trung Quốc sẽ phản ứng, bởi Trung Quốc trước đó từng thể hiện sự sẵn sàng thực hiện các biện pháp ứng phó.

“Về mặt chính trị, chúng ta phải thận trọng khi đứng giữa hai siêu cường này,” Pavida Pananond, giáo sư về kinh doanh quốc tế tại Đại học Thammasat (Thái Lan), cho biết. “Trung Quốc là một cường quốc kinh tế rất quan trọng, không chỉ là nguồn nhập khẩu mà còn là nguồn đầu tư và là điểm đến cho xuất khẩu.”

Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, bổ sung rằng điều này sẽ “chọc giận” đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc. Ông cho biết, Việt Nam luôn thận trọng trong các cuộc đàm phán nhưng hiện đang ở vào “thế khó”.

“Mục tiêu (của Mỹ) là gạt Trung Quốc ra”, Deborah Elms cho biết, nhưng đối với các quốc gia như Việt Nam, việc thuận theo các yêu cầu của Mỹ tiềm ẩn rủi ro địa chính trị. Bà nhấn mạnh: “Đây là một canh bạc đa diện, cần xem xét các doanh nghiệp ở Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ phản ứng ra sao”.

Vào ngày 3/7, khi được hỏi về các vấn đề liên quan, người phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Hà Vịnh Tiền đã trả lời rằng, việc Mỹ áp đặt cái gọi là “thuế đối ứng” đối với các đối tác thương mại toàn cầu là một hành vi bắt nạt đơn phương điển hình, và phía Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối. Trung Quốc đã ghi nhận tình hình liên quan và đang tiến hành đánh giá. Lập trường của Trung Quốc là nhất quán. Trung Quốc ủng hộ tất cả các bên giải quyết bất đồng về kinh tế và thương mại với Mỹ thông qua tham vấn bình đẳng, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ thỏa thuận nào gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu tình huống như vậy xảy ra, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, Trung Quốc luôn ủng hộ tất cả các bên giải quyết bất đồng về kinh tế và thương mại thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng, các cuộc đàm phán và thỏa thuận có liên quan không được nhắm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của bên thứ ba.

Theo Nghiên cứu Quốc tế