Thông điệp của lãnh đạo nhóm BRICS là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò ngày càng quan trọng của các nền kinh tế mới nổi trong việc tạo dựng tương lai toàn cầu, hướng tới một trật tự thế giới công bằng và không bị chi phối bởi những lợi ích cục bộ, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn như khủng hoảng khí hậu, đại dịch và sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia.
Trong phiên họp có tiêu đề “Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo", Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm BRICS dẫn đầu các cải cách: "Đối mặt với sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa bảo hộ, các quốc gia mới nổi phải bảo vệ mô hình thương mại đa phương và cải cách cấu trúc tài chính quốc tế. BRICS vẫn là người bảo đảm cho một tương lai đầy hứa hẹn. Sẽ không thể có thịnh vượng trong một thế giới xung đột. Chấm dứt chiến tranh và xung đột đang tích tụ là một trong những trách nhiệm của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay, Trung Quốc đã cử Thủ tướng Lý Cường tham gia. Chia sẻ quan điểm với Tổng thống nước chủ nhà, Thủ tướng Lý Cường cho biết các nước BRICS nên nỗ lực trở thành tiên phong trong việc thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu, kêu gọi khối bảo vệ hòa bình của thế giới, đồng thời thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Trong phát biểu qua hội nghị theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, thế giới đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, mô hình toàn cầu hóa tự do của phương Tây đã trở nên lỗi thời. Hoạt động kinh doanh hiện chuyển sang các nước đang phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng kinh tế của các nước này.
“Chúng ta đều thấy rằng những thay đổi cơ bản đang diễn ra trên thế giới. Hệ thống quan hệ quốc tế đơn cực phục vụ cho lợi ích của cái gọi là "tỷ phú vàng" đang trở thành dĩ vãng. Nó đang được thay thế bằng một thế giới công bằng hơn, đa cực hơn. Quá trình thay đổi trật tự kinh tế thế giới tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Mọi thứ chỉ ra rằng mô hình toàn cầu hóa tự do đã trở nên lỗi thời. Trung tâm của hoạt động kinh doanh đang chuyển dịch sang các thị trường đang phát triển”.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các cải cách toàn diện trong các thể chế toàn cầu, lưu ý rằng Nam Toàn cầu thường là nạn nhân của tiêu chuẩn kép. Chỉ ra sự lãng quên mang tính lịch sử đối với hai phần ba nhân loại trong các thể chế được thành lập vào thế kỷ 20, Thủ tướng Modi lập luận rằng các quốc gia có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa được đại diện đầy đủ tại các bàn ra quyết định, làm suy yếu uy tín và hiệu quả của các cơ quan này.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Brazil năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: lần đầu tiên các thành viên mới tham gia đầy đủ vào các hoạt động chính thức sau khi khối mở rộng vào năm 2024. Sự mở rộng của BRICS đã tăng thêm sức nặng ngoại giao cho hội nghị lần này, với mong muốn đại diện cho các quốc gia đang phát triển trên khắp Nam Toàn cầu, tăng cường lời kêu gọi cải cách các thể chế toàn cầu như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế .
Theo kế hoạch, hội nghị hôm nay sẽ tiếp tục ngày họp cuối cùng, tập trung thảo luận các vấn đề trong 6 ưu tiên cho chương trình nghị sự của hội nghị BRICS năm nay, bao gồm: Hợp tác y tế toàn cầu; thương mại, đầu tư và tài chính; biến đổi khí hậu; quản trị trí tuệ nhân tạo; cải cách hệ thống hòa bình và an ninh đa phương; và phát triển thể chế trong BRICS.
Theo VOV.VN